ĐÁNH NHAU VỚI CỐI XAY GIÓ (trích Đôn Ki-hô-tê) - Xéc-van-tét

Đằng sau những câu văn, dòng chữ của đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió, chúng ta luôn bắt gặp nụ cười hóm hỉnh của tác giả. Nhưng đằng sau nụ cười chế giễu lại là sự đề cao của nhà văn đối với nhân vật Đôn Ki-hô-tê về một tình yêu tự do, bình đẳng, sống thiết thực yêu đời, có tính nhân vật trong một chừng mực nhất định.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

Đằng sau những câu văn, dòng chữ của đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió, chúng ta luôn bắt gặp nụ cười hóm hỉnh của tác giả. Nhưng đằng sau nụ cười chế giễu lại là sự đề cao của nhà văn đối với nhân vật Đôn Ki-hô-tê về một tình yêu tự do, bình đẳng, sống thiết thực yêu đời, có tính nhân vật trong một chừng mực nhất định.

Nội dung đoạn trích nói lên sự ngông cuồng của Đôn Ki-hô-tê khi chàng “đánh nhau với cối xay gió” để cả người lẫn ngựa bị một trận nhừ tử. Đồng thời nói lên sự tương phản giữa hai thầy trò Đôn Ki-hô-tê. Họ có những điểm chênh lệch khập khiễng, nhưng lại có ý nghĩa bổ sung cho nhau để hoàn thiện hình ảnh một con người anh hùng, thượng võ, sẵn sàng xả thân dẹp nỗi bất bình trong xã hội. Nhưng mặt chủ yếu là tác giả chế nhạo đã kích loại tiểu thuyết hiệp sĩ nhảm nhí, hoang đường xuất hiện dưới bầu trời châu Âu thời cổ.

Xéc-van-tét đã sử dụng biện pháp trào lộng, phóng đại và tương phản đối lập trong truyện kể chuyện để dựng lên hình ảnh của trang hiệp sĩ Tây Ban Nha thời Trung cổ đã lỗi thời. Hình tượng nhân vật thầy trò Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc của Xéc-van-tét.

II. RÈN KỸ NĂNG ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)

Câu 1. Xác định 3 phần của đoạn trích theo trật tự diễn biến trước, trong và sau khi Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió. Liệt kê 5 sự việc chủ yếu, qua đó tính cách của lão hiệp sĩ và bác giám mã được bộc lộ.

Căn cứ vào sự kiện chính là Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió bài này có thể chia làm ba đoạn:

+ Đoạn 1 (từ đầu đến bọn khổng lồ): Đôn Ki-hô-tê trước khi đánh nhau với cối xay gió.

+ Đoạn 2 (từ Nhưng trong bụng đến nửa vai): Đôn Ki-hô-tê trong khi đánh nhau với cối xay gió.

+ Đoạn 3 (từ Vừa bàn tán đến hết): Đôn Ki-hô-tê sau khi đánh nhau với cối xay gió.

Liệt kê năm sự việc chủ yếu qua đó tìm hiểu sự bộc lộ tính cách của lão hiệp sĩ và bác giám mã:

+ Đôn Ki-hô-tê phát hiện thấy ba, bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng. Đôn Ki-hô-tê cho rằng đó là những tên khổng lồ ghê gớm, cần giết hết bọn chúng.

+ Đôn Ki-hô-tê cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a cứu giúp rồi xông vào đánh cối xay gió.

+ Đôn Ki-hô-tê bị thương nặng vì bị cối xay gió đập cánh quạt vào người và ngựa. Xan-chô đến cứu chủ và hai thầy trò tranh luận với nhau về "cối xay gió".

+ Vừa bàn tán chuyện xảy ra, hai thầy trò đi về phía cảng La-pi-xê vì theo Đôn Ki-hồ-tê con đường này có nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau.

+ Đêm hôm ấy, hai người ngủ dưới vòm cây. Đôn Ki-hô-tê không ngủ để nghĩ đến nàng Đuyn-xi-nê-a.

Câu 2. Phân tích nét hay, dở trong tính cách của Đôn Ki-hô-tê:

+ Có hoài bão, ước mơ tốt: diệt ác, cứu nguy. 

+ Gan dạ, dũng cảm.

+ Nghiêm nghị, khắc khổ, cứng nhắc.

+ Điên rồ, hoang tưởng.

Câu 3. Chứng minh nhân vật Xan-chô Pan-xa cũng bộc lộ những mặt tốt lẫn mặt xấu.

+ Sống vui vẻ, tự nhiên, thoải mái

+ Đầu óc minh mẫn.

+ Nhát gan, hay sợ

+ Thiển cận, vụ lợi.

Câu 4. Đối chiếu Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa về các mặt để thấy rõ nhà văn đã xây dựng một cặp nhân vật tương phản.

Sự tương phản bộc lộ ở nhiều mặt:

* Đôn Ki-hô-tê:

- Suy nghĩ trước cối xay gió:

+ Tưởng gặp lũ khổng lồ hung tợn cánh tay rất dài.

+ Đánh chúng là việc hay, tốt, nên làm.

- Quan niệm sống và hành động:

+ Có lí tưởng hoài bão tốt: cứu khốn, phò nguy, trừ ác.

+ Hành động theo quy ước, đúng bài bản của giới hiệp sĩ.

+ Coi thường nhu cầu tự nhiên (đến bữa không ăn)

- Cách nói năng:

+ Câu nệ phép tắc (nhớ tới tình nương: không ngủ)

+ Gan dạ, chấp nhận gian nguy (không trốn tránh, không kêu ca)

+ Hiên ngang, trịnh trọng.

+ Đúng như sách vở, phép tắc phải có.

Ưu điểm:

- Có hoài bão, ước mơ tốt: diệt ác, cứu nguy.

- Gan dạ, dũng cảm.

Nhược điểm:

- Khắc khổ, cứng nhắc.

- Điên rồ, hoang tưởng.

* Xan-chô Pan-xa:

- Suy nghĩ trước cối xay gió:

+ Rõ ràng là vật quen, dễ nhận biết, dễ lí giải.

+ Không nên đụng vào chúng.

- Quan niệm sống và hành động:

+ Tỉnh táo, cân nhắc kĩ trước khi hành động.

+ Tự nhiên, chân thật, không giấu giếm.

+ Thích được ăn, được uống thoải mái, no say.

+ Ngủ ngon lành, đầy giấc.

+ Lãng tránh nguy hiểm, đau đớn.

- Cách nói năng: Tự nhiên, thực như đời sống vốn có.

Ưu điểm:

- Sống vui vẻ, tự nhiên, thoải mái

- Đầu óc sáng, thiết thực

Nhược điểm:

- Nhát sợ

- Thiển cận, vụ lợi.

Hai tính cách trên tương phản nhau nhưng lại không mâu thuẫn; trái lại, bổ sung cho nhau.

Thực tế tác phẩm cho thấy trong các cuộc phiêu lưu mạo hiểm hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê luôn luôn có giám mã Xan-chô Pan-xa đi theo phục vụ. Và hai người sống với nhau rất hòa thuận, gắn bó.

Tách riêng ra, mỗi tính cách đều phiến diện (lệch lạc), cực đoan (thái quá) không thể tồn tại mà không gặp khó khăn và thất bại - nhất là những lúc đứng trước thử thách lớn. Đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau, chúng hạn chế được những mặt yếu, phát huy được những mặt mạnh, trở thành một khối thống nhất vững chắc trong mọi suy nghĩ, sinh hoạt và hành động.

III. BÀI VĂN THAM KHẢO

Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Xéc-van-tét và tác phẩm Đôn Ki-hô-tê.

Bài làm

1. Tác giả: Xéc-van-tét (1547 - 1616) là nhà văn lỗi lạc của Tây Ban Nha. Cuốn tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê của ông là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời đại Phục hưng, nó đã làm cho tên tuổi Xéc-van-tét trở thành bất tử

2. Tác phẩm: Tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê gồm 2 phần: phần I có 52 chương và phần II có 74 chương.

Phần I: Ki-ha-đa là một quý tộc nghèo, gần 50 tuổi, gầy gò, cao lênh khênh. Say mê các truyện hiệp sĩ phiêu lưu mà đầu óc lão trở nên mụ mẫm. Lão muốn trở thành hiệp sĩ, giang hồ khắp bốn phương trời, diệt trừ lũ khổng lồ yêu quái, thiết lập lại trật tự công lý Lão tìm sắm binh khí, giáp trụ đã han gỉ của tổ tiên, đem sửa chữa, đánh bóng lại để tự vũ trang cho mình. Con ngựa gầy còm được lão phong cho một cái tên rất oai: chiến mã Rô-xi-nan-tê. Còn lão mang cái tên rất oách: Nhà hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê xứ Man-cha. Một hiệp sĩ cứu nguy đời phải đúng “mốt” nghĩa là
phải có người tình xinh đẹp. Lão nhớ tới một phụ nữ mà lào thầm yêu thời trai trẻ, lão liền ban cho mụ nhà quê này cái tên nghe rất dài: Công nương Đuyn-xi-nê-a đuy Tô-bô-xô. Lão tổ chinh chiến: Quán trọ thành lâu đài, gã chủ quán thành lãnh chúa, cuốn sổ bán hàng thành “Kinh Thánh” hai ả gái điếm thành hai công nương. Lần thứ nhất ra đi, một trận đấu nảy lửa giữa lão và bọn lái buôn, vì họ không nhận ra Đuyn-xi-nê-a đuy Tô-bô-xô là đẹp nhất trần gian. Đôn Ki-hô-tê bị một trận đòn nhừ tử, may mà được người quen đưa về làng. Sau đó lão lại ra đi với một nông dân béo lùn, cục mịch được lão phong cho chức giám mã Xan-chô Pan-xa. Hai thầy trò ngược xuôi, ngang dọc khắp đất nước Tây Ban Nha. Thầy thì mang theo bao mộng tưởng hão huyền đến nực cười: đánh nhau với cối xay gió - lũ khổng lồ; chiếc chậu thau của bác thợ cạo, tưởng là lũ sắt của Mam-bri-nô, một phu nhân ngồi trong xe ngựa, tưởng là công chúa bị lão phù thủy bắt cóc, đàn cừu tưởng đoàn diễu hành... Trò leo đẽo theo thầy với mộng tưởng thực tế: sẽ được thầy, khi đã công thành danh toại ban cho chức tước cai trị vài hòn đảo. Trong một trận đánh lớn Đôn Ki-hô-tê đã đánh tan một đám lễ tang, đạp què chân một sinh viên, Đôn Ki-hô-tê bất ngờ bị hai người quen bắt nhốt cũi đưa về cho gia đình; lợi dụng một lúc được tự do, lão lại lao vào đám rước cầu mưa để giải thoát bức ảnh Đức mẹ Đồng trinh mà lão tưởng là một công chúa bị bọn phản nghịch bắt cóc. Lão bị đánh tơi bời và người thân phải khiêng lên xe bò đưa về nhà phục thuốc!

Phần II: Đôn Ki-hô-tê lại lên đường. Lão gặp “Hiệp sĩ Gương soi”, hai bên giao đấu. Đối thủ chẳng may ngã ngựa. Đôn Ki-hô-tê chiến thắng. Hai thầy trò đắc thắng nghênh ngang trên đường và gặp một xe chở đôi sư tử; Đôn Ki-hô-tê ra lệnh cho người hộ tống mở ngay cũi! Lạ thay, sư tử nằm im trong cũi, ngó nhìn ra.. Với chiến công này Đôn Ki-hô-tê đổi danh hiệu thành “Hiệp sĩ Sư tử”. Thầy trò Đôn Ki-hô-tê gặp hai vợ chồng bá tước. Họ đón tiếp Đôn Ki-hô-tê với kiểu cách hiệp sĩ và phong cho giám mã Xan-chô Pan-xa chức quan Thống đốc đảo Ban-ta-ri-a. Màn bi hài kịch diễn ra. Một trận tấn công giả được tổ chức. Thống đốc đảo bị một trận đòn nhừ tử. Còn Đôn Ki-hô-tê bị trêu chọc, giễu cợt đủ đường. Trận đánh giữa “Hiệp sĩ Vầng trăng bạc” với “Hiệp sĩ Sư tử” xảy ra, Đôn Ki-hô-tê đại bại, lão cam kết trở về nhà. Ôm đau, kiệt sức bây giờ lão ta mới nhận ra cái hại của những cuốn truyện hiệp sĩ. Lão viết di chúc và chết trong thầm lặng!

3. Giá trị

- Đặt trong sự phát triển chung của tiểu thuyết thế giới, Đôn Ki-hô-tê được coi là một kiệt tác. Giọng văn hóm hỉnh, các giả định này kịch tính với bao chiến công và thất bại thảm hại của chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê xứ Man-cha, cho thấy tài kể chuyện, dựng cảnh và chế giễu của ngòi bút nghệ thuật Xéc-van-tét.

- Tác phẩm chế giễu tàn dư của lí tưởng hiệp sĩ phong kiến, báo hiệu sự xuất hiện của thời đại Phục hưng với những con người mới, tính cách nghị lực mới. Về một mặt nào đó, tác phẩm đề cao tinh thần yêu thương nhân loại, yêu quý tự do, bình đẳng, ghét thói xa hoa, ăn bám quý trọng danh dự, tôn thờ đạo nghĩa.

- Đôn Ki-hô-tê sáng ngời vẻ đẹp của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng.

Các bài học liên quan
LUYỆN TẬP TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ
TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ
LIÊN KẾT CÁC ĐOẠN TRONG VĂN BẢN
CẤP ĐỘ KHÁI QUÁT CỦA NGHĨA TỪ NGỮ
TỪ TƯỢNG HÌNH, TỪ TƯỢNG THANH

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật