Đề: Một đàn kiến tha một hạt gạo lên dốc cát. Em hãy kể lại sự việc ấy và nói nên cảm nghĩ của mình

Buổi trưa buồn vắng lặng, ngồi chơi một mình dưới bóng cây vú sữa bên hiên nhà, bỗng em thấy một hạt gạo đang trôi giữa dòng kiến.

BÀI LÀM

Buổi trưa buồn vắng lặng, ngồi chơi một mình dưới bóng cây vú sữa bên hiên nhà, bỗng em thấy một hạt gạo đang trôi giữa dòng kiến.

Có đến sáu bảy chú, tốp sau đẩy tới, tốp trước kéo lui, làm cho hạt gạo xiên qua xẹo lại như một chiếc xe tải chạy chậm chạp, ì ạch trên con đường đất gồ ghề. Cả đoàn kiến ngoằn ngoèo, chẳng khác chi sợi chỉ màu đỏ sẫm của ai đó đã bỏ quên nằm trên mặt đất.

Rồi đến một chỗ dốc cao, em cố dõi theo xem chúng xử trí cách nào. Vài chú ở sau tới phụ trợ, hạt gạo nhích từ từ lên cao. Nhưng chẳng may cát tuột xuống làm cho hạt gạo đó lăn tròn kéo theo vài chú kiến vẫn còn bám chặt, chưa chịu buông tha, khiến em liên tưởng tới những pha đẹp mắt của những anh chàng thủ môn can đảm ôm quả bóng mà ngã lăn kềnh.

Thế rồi tất cả bu lại. Hạt gạo dần dần được đưa lên hơn nửa dốc. Tuột nửa. Thật là quái ác, cái dốc vô tình đó sao mà chẳng biết cảm thông cho những “con người” lao động cần mẫn kia. Thôi, em đoán chúng nó phải chịu thua.

Nhưng, đôi ba chú loanh quanh, thỉnh thoảng chạm đầu vào nhau với đồng bọn như thông báo điều gì để cầu cứu. Lần đầu số kiến đông hơn, hạt gạo vừa đến đỉnh, thì đã có mấy chú từ trên chòm xuống thò chân kéo. Vài hạt cát, do trượt chân, sà xuống, nhưng chẳng hề hấn gì, hạt gạo ngang nhiên vượt dốc một cách dễ dàng.

Thật ngộ nghĩnh cho giống sinh vật nhỏ bé li ti như vậy. Nhờ sự phối hợp, lòng kiên nhẫn mà đã lôi được một vật to nặng gấp nhiều lần hơn mình. Và con người chắc cũng nhờ ở đức tính ấy đã chiến thắng mọi gian lao thử thách để tạo ra biết bao điều kỳ diệu cho đời.

Sự kiên trì của đàn kiến chính là bài học quý giá cho những ai lười nhác và biếng học.

Bài đọc thêm:

TRẠNG QUÉT

Vào thời nhà Trần, ở đất Thanh Hóa có một bà mẹ nghèo khó, góa chồng sớm, vẫn ở vậy tần tảo nuôi con, một đứa con trai độc nhất. Hai mẹ con sống trong một túp lều nhỏ bên góc chợ, ngày ngày vào rừng hái rau kiếm củi nuôi thân, ngoài ra, họ còn nhận quét dọn các lều chợ để kiếm thêm chút ít công sá.

Thời gian thấm thoắt, chàng trai đã đến tuổi trưởng thành, rồi cũng được ba mẹ kiếm cho một cô vợ. Nàng dâu là người hiền thảo, chăm chỉ làm ăn, kính mẹ thương chồng, chỉ mong chồng có ngày mở mặt với đời, bằng anh bằng em... Cô bàn với mẹ chồng cố gắng lo liệu để cho chồng theo học một cụ đồ ở trong vùng.

Từ tấm bé chưa bao giờ được làm quen với nghiên bút, lại bị chúng bạn coi khinh là con nhà quét chợ, chàng trai đâm ra buồn nản, nên học trước quên sau, đeo đuổi gần một năm trời mà chữ nghĩa vẫn chẳng đâu vào đâu. Cụ đồ kiên trì dạy bảo, nhưng xem chừng đầu óc anh chàng quét chợ có lẽ cũng khó khai thông được. Cuối cùng, cụ đồ đành phải gọi vợ anh ta đến mà bảo rằng:

- Này, chồng cô tôi trả lại cô đó! Hãy kiếm việc gì cho anh ta đi làm chứ đừng học nữa mà tốn công vô ích.

Thế là hai vợ chồng ra khỏi lớp học.

Trên đường về nhà, họ buồn thỉu buồn thiu, cứ lặng lẽ bước theo nhau. Lúc qua một góc đa, họ trông thấy cụ già đang mải miết mài thỏi sắt vào hòn đá.

Cô gái bảo chồng dừng lại nghỉ, và tò mò hỏi chuyện cụ già. Cụ già nói:

- Lão kiếm được thỏi sắt, định mài cho mòn bớt để làm cái dùi. Lão mài đã hàng chục ngày nên mới được thế này đây.

Nghe xong, hai vợ chồng lại tiếp tục đi. Lúc lội qua một con suối, cô gái để ý thấy có nhiều hòn đá to bị nước chảy làm cho mòn vẹt, có hòn bị nước xói mòn thành rãnh, thành khe... Cô liền chỉ cho chồng xem rồi thủ thỉ với chồng:

- Này anh ơi, còn gì rắn hơn sắt đá thế mà người ta mài mãi sắt cũng mòn, dòng nước chảy mãi đá cũng vẹt, không nhẽ mình học mãi lại chẳng khôn ra được hay sao?

Anh chồng nghe vợ nói, cũng ngẩn mặt suy nghĩ hồi lâu. Rồi đột nhiên anh ta bỗng reo lên:

- Phải rồi, hồi nhỏ tôi từng nghe mẹ ru câu hát: “Ai ơi nước chảy đá mòn; Người ngu học mãi cũng khôn ra mà!”. Có lẽ tại tôi chưa quyết chí học hành và chưa bền lòng đó thôi!

Sau đó, anh chàng quay trở lại lớp học, khẩn khoản xin thầy đồ cho tiếp tục theo học. Anh học ngày học đêm, thức khuya dậy sớm, chăm chỉ khác thường. Thầy đồ cùng chúng bạn đều lấy làm lạ! Chẳng bao lâu, anh chàng học vượt hẳn lên, trở thành trò giỏi nhất trường. Bấy giờ, cụ đồ lại nhắn cô vợ anh ta đến mà bảo:

- Thôi, lần này thầy cũng lại trả chồng cho cô đây. Hắn ta học hết chữ của tôi rồi. Cô nên thu xếp cho hắn ra kinh thành mà học để còn tranh tài với thiên hạ chứ!

Cô gái đảm đang cố gắng làm theo lời thầy đồ. Tại kinh thành Thăng Long, chàng học trò nghèo ấy đã may mắn được học với một thầy giáo lừng tiếng đương thời, đó là thầy Chu Văn An. Anh ta học tập ngày càng tấn tới, trở thành người học trò giỏi của thầy Chu. Đến kì thi, anh đỗ ngay Thái học sinh. Tuy khoa ấy triều đình không lấy trạng nguyên, nhưng nhân dân vẫn tôn xưng anh là Trạng nguyên, và thường gọi anh bằng cái tên nôm na mà thân thiết là Trạng Quét.

Ông Trạng Quét ấy chính là nhân vật Lê Quát trong lịch sử. Tương truyền cái tên Quát vốn là do tên Quét đọc chệch ra, khi ông du học ở kinh đô. Lê Quát quê ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông cùng với Phạm Sư Mạnh đều là học trò của thầy Chu, và đều nổi tiếng văn chương một thời. Lê Quát đã giữ nhiều chức quan to do các triều Trần Minh Tông và Trần Dụ Tông.

Người ta bảo sự thành đạt của Trạng Quét chính là nhờ ở cô vợ đảm đang và khéo biết động viên khích lệ chồng “mài sắt nên kim”.

Phân tích: “Nỗi OAN HẠI CHỒNG”
(Trích đoạn vở chèo Quan m Thị Kính)

Nỗi oan hại chồng là một trong hai cái nút chính của vở chèo. Thân phận và địa vị người phụ nữ trong quan hệ gia đình và hôn nhân phong kiến bộc lộ ở đây. Phần tiếp theo, phần II của vở chèo (với nút kịch - trung tâm: Thị Kính mang thêm án tư thông, phá giới) sẽ miêu tả thân phận và địa vị của người phụ nữ trong quan hệ xã hội phong kiến.

Không nên và không thể kết luận rằng: nỗi oan thứ hai, cái án thứ hai lớn hơn, to hơn nỗi oan thứ nhất, cái án thứ nhất. Hai nỗi oan, hai cái án biểu hiện hai mảnh đời, hai môi trường sống khác nhau nhưng liên hệ chặt chẽ, của người phụ nữ. Nỗi oan nào, cái án nào cũng lớn và đau đớn. Hai cảnh ngộ cùng éo le, nhưng mỗi cảnh ngộ lại có một vẻ riêng biệt. Thị Kính và tiểu Kính Tâm là hai thân của một phận khổ đau. Hai cái án đau kết lại, hoàn chỉnh tấn bi kịch về cuộc đời người phụ nữ ngày xưa.

Ở trích đoạn này, ta cũng bắt gặp những vai mẫu và một số làn điệu tiêu biểu của vở chèo nói chung, “Quan m Thị Kính” nói riêng và của sân khấu nói chung (vai nữ chính, mụ ác, làn điệu sử rầu, nói sử, hát ba than, nối thảm, nói lệch, hát sắp chợt).

1. Cảnh Thiện Sĩ đọc sách, Thị Kính ngồi bên, kim chỉ vá may là cảnh sinh hoạt gia đình, vợ chồng ấm cúng, tuy chưa thật phổ biến và gần gũi với nhân dân như cảnh “thiếp nón chàng tơi”, “chồng cày, vợ cấy”, nhưng cũng là ước mơ về hạnh phúc gia đình của nhân dân. Khung cảnh đó cũng đẹp như đôi chim ngoài bến sông, như người con gái xinh đẹp sánh đôi cùng quân tử trong bài học của Thiện Sĩ. Trong khung cảnh ấy, hình bóng người vợ thương chồng nổi bật lên. Những cử chỉ của Thị Kính đối với chồng thật ân cần, dịu dàng, đáng yêu: khi chồng ngủ, dọn lại kĩ rồi quạt cho chồng, thấy râu mọc ngược dưới cằm chồng thì băn khoăn lo lắng về sự dị hình chẳng lành.

Thị Kính (nói sử):

   Đạo vợ chồng trăm năm kết tóc
           Trước đẹp mặt chồng, sau đẹp mặt ta
 Râu làm sao một chiếc trồi ra?
    Dị hình sắc dưới cằm mọc ngược
    Khi chàng thức biết làm sao được
   Nay đang cơn giấc ngủ mơ màng
         Dạ thương chồng lòng thiếp chẳng an
      Âu dao bén thiếp xén tày một mực.

Nếu trong lớp “Vu quy”, làn điệu sử bằng được dùng để tả một nét chủ đạo trong tính cách của Thị Kính là hiếu thảo, nết na lúc còn là con gái ở nhà với cha mẹ, thì ở đây, làn điệu nói sử đã bổ sung thêm nét tính cách cho nhân vật: ân cần, hiền dịu với chồng. Lời văn cùng với nét độc đáo của làn điệu làm cho lớp trò này đậm đà chất trữ tình. Tấm lòng yêu thương và những suy nghĩ chân thành của Thị Kính, biểu hiện qua hành động và những lời nói đằm thắm. Thị Kính là người vợ vì chồng. Lời nói sử - độc thoại trên là những suy nghĩ chân thật, kín đáo về tình cảm vợ chồng. Một tình cảm tự nhiên, một cử chỉ tự nhiên. Cử chỉ ấy là của tấm lòng ấy.

Ngờ đâu tấm lòng yêu thương và cử chỉ đáng quý kia lại là đầu mối của tai họa, của oan khiên. Một con người đức hạnh như thế, dưới chế độ phong kiến, cũng không được yên thân. Muốn sống ở đời để săn sóc, chăm chút cho chồng, yêu chồng tha thiết thì bị kết án là giết chồng. Nghịch cảnh nảy sinh ở chỗ: một con người đang ở đầu mút bên này của đạo đức bị đẩy sang đầu mút vô đạo đức phía bên kia. Chưa hết! Sau này khi làm chú tiểu chân tu, từ bi, con người ấy, vẫn con người ấy/ lại bị kết thêm cái án tày trời nữa. Hai cái án oan khuất đan chéo trên thân phận một con người. Hai cái án như là hai gọng kìm không thể gỡ ra được. Cái án thứ nhất biểu hiện tập trung tình cảnh người phụ nữ trong gia đình phong kiến. Cái án thứ hai biểu hiện tập trung tình cảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Gia đình và xã hội phong kiến cùng xúm vào đày đọa người phụ nữ.

Lớp trò về khung cảnh vợ chồng Thị Kính sống đầm ấm, hạnh phúc được dựng lên như để tương phản với lớp trò tiếp sau đó.

2. Ở đoạn trích “Nỗi oan hại chồng”, Sùng bà xuất hiện không chỉ như một mẹ chồng ác nghiệt, mà còn như một kẻ đại diện cho tầng lớp trên của xã hội phong kiến trong gia đình. Hành động của mụ thật ghê gớm, thô bạo. Chưa nghe phải trái đã bù loa. Mụ bắt khoan bắt nhặt Thị Kính đủ điều: “dúi đầu Thị Kính xuống” “bắt Thị Kính ngửa mặt lên”. Hãy xem kẻ tự xưng là “giống phượng, giống công” ăn nói. Những lời lẽ mắng nhiếc, xỉ vả Thị Kính (con này, mày tao, cái con mặt sứa gan lim, chém bồ băm vằm..) là ngôn ngữ “giống phượng, giống công” của mụ (!). Dường như mỗi lần mụ cất lời, Thị Kính lại thêm một tội. Mụ trút cho Thị Kính đủ tội: tội giết chồng, tội “say hoa đắm nguyệt”, "dưới bộc trên dâu". Tất cả những gì là xấu xa nhất, mụ đều đổ vạ cho Thị Kính.

Sùng bà tàn nhẫn và độc ác. Mụ không cần hỏi rõ sự tình, không cần phải hay trái. Thì ra, mụ đuổi Thị Kính vì lý do khác hơn là vì cho rằng Thị Kính giết chồng. Lời lẽ của mụ chủ yếu dồn vào điều này:

- Giống nhà bà đây giống phượng giống công.         - Tuồng bay mèo mả gà đồng, 

- Nhà bà đây cao môn lệch tộc.                              - Mày là con nhà cua ốc.

- Trứng rồng lại nở ra rồng.                                   - Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

                                                                          - Đồng nát thì về câu Nôm...

Lời lẽ rặt sự phân biệt. Vốn từ ngữ để phân biệt chuyện “thấp - cao” của mụ thật là giàu (!). Trong lời lẽ của mụ, quan hệ của mụ với Thị Kính đã vượt ra khỏi quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Quan hệ ấy được mụ đặt đúng, trả đúng vào vị trí của nó: quan hệ giai cấp. Lời lẽ của mụ qua các làn điệu hát sắp, nói lệch, múa hát sắp chợt càng bộc lộ rõ thái độ trấn áp tàn nhẫn phũ phàng, giọng “kiêu kỳ” dòng giống, khinh thi người nghèo khó. Thị Kính, tuy có đủ đức hạnh như lễ giáo phong kiến quy định, nhưng vẫn không được chấp nhận trong gia đình chồng bởi vì, nói đúng hơn, chỉ vì người phụ nữ này không có nguồn gốc “con nhà”. Mâu thuẫn giai cấp bám rễ vào trong vấn đề hôn nhân phong kiến thật sâu sắc.

Sùng bà chỉ ra trò trong một lớp, nhưng rất tiêu biểu cho một loại vai trong chèo cổ: vai mụ ác (tính cách của loại vai này là hợm của, khoe giòng giống, cả vú lấp miệng em...). Sùng bà lấy mình làm chuẩn để tỏ rõ phép nhà. Mụ là kẻ tạo ra “luật” và “lệ” trong gia đình.

3. Trước tai ương bất ngờ ập đến, Thị Kính chỉ còn biết kêu oan và van xin. Nội dung lời nói chỉ là một chữ oan. Chi tiết này, trò có khác truyện. Truyện để cho Thị Kính được giãi bày ngọn ngành sự việc. Trò không cho Thị Kính được nói rõ nỗi oan mà chỉ mới kêu oan đã bị Sùng bà mắng át đi. Đây là sự sáng tạo độc đáo của trò diễn trong chèo, tô đậm thêm nỗi khổ đau và nghịch cảnh éo le của nhân vật.

Năm lần Thị Kính kêu oan. Trong năm lần ấy thì bốn lần tiếng kêu oan hướng về mẹ chồng và chồng.

Lần thứ nhất kêu oan với mẹ chồng:

Giời ơi, con oan lắm, mẹ ơi!

Lần thứ hai, vẫn với mẹ chồng:

Oan cho con lắm mẹ ơi!

Lần thứ ba, kêu oan với chồng:

Oan thiếp lắm chàng ơi!

Lần thứ tư, một lần nữa, lại kêu oan van xin mẹ chồng:

Mẹ xét tình cho con, oan con lắm mẹ ơi!”.

Bốn lần than khóc và van xin. Trông cậy chồng ư? Vô ích. Thiện Sĩ đớn hèn và nhu nhược. Thiện Sĩ có phần giống Thúc Sinh trong màn Hoạn Thư đánh ghen (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhưng ở Thúc Sinh ta còn gặp một thái độ:

Sinh càng nát ruột tan hồn,
Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay.

Còn Thiện Sĩ thì hoàn toàn bỏ mặc người vợ đã từng thương yêu, chăm chút, gắn bó với mình, cho mẹ hành hạ. Lúc này, y chỉ là một nhân vật thừa trên sân khấu.

Mong mỏi Sùng bà xét tình ư? Lời van xin đẫm nước mắt của Thị Kính chỉ là thứ lửa đổ thêm dầu làm bùng thêm lên những lời đay nghiến vô lý, tàn nhẫn. Thị Kính càng kêu oan, nỗi oan càng dày. Giữa gia đình chồng, người phụ nữ đức hạnh ấy hoàn toàn cô độc.

Chỉ đến cuối cùng, lần thứ năm, kêu oan với cha (Mãng ông), Thị Kính mới nhận được một sự cảm thông. Nhưng đó là sự cảm thông đau khổ và bất lực.

Mãng ông:
           Oan con lắm à?
           (Sử rầu rồi vãn)
           Con ơi! Dù oan dù nhẫn chẳng oan 
           Xa xôi cha biết nỗi con nhường nào!

Kết cục của nỗi oan là mối tình chồng vợ Thị Kính - Thiện Sĩ tan vỡ! Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà chồng.

Trước khi đuổi Thị Kính, Sùng bà và Sùng ông còn lập ra một vở kịch tàn ác: lừa Mãng ông sang ăn cữ cháu, kỳ thực là bắt Mãng ông sang nhận con về. Chúng có thú vui là làm điều ác, có thú vui làm cho cha con Mãng ông phải nhục nhã ê chề. Hơn thế nữa, nhanh như trở bàn tay, Sùng ông đã thay quan hệ thông gia bằng những hành động vũ phu:

Mãng ông:
           Ông ơi! Ông cho tôi biết đầu đuôi với ông ơi. 
Sùng ông:
           Biết này!
(Sùng ông dúi ngã Mãng ông rồi bỏ vào nhà. Thị Kính vội chạy lại đỡ cha. Hai cha con ôm nhau than khóc).

Thị Kính như bị đẩy vào chỗ cực điểm của nỗi đau: nỗi đau oan ức, nỗi đau tình vợ chồng tan vỡ, và giờ lại thêm nỗi đau trước cảnh cha già thân yếu, người mà bấy lâu Thị Kính mong được báo đền công dưỡng dục bị chính cha chồng khinh khi, hành hạ.

Trên sân khấu chỉ còn lại hai cha con Thị Kính lẻ loi. Hình ảnh hai cha con ôm nhau than khóc là hình ảnh của những người oan khuất, khổ đau mà hoàn toàn bất lực. Cảnh Sùng bà qui kết, đổ vạ cho Thị Kính diễn ra chóng vánh, dồn dập. Còn cảnh hai cha con Thi Kính ôm nhau than khóc thì kéo dài trên sân khấu. Sự bố trí xô đẩy, dồn dập và kéo dài những tình tiết kịch của sân khấu dân gian, ở đây, mang đầy ý nghĩa.

4. Hãy chú ý những cử chỉ của Thị Kính trước khi ra khỏi nhà Thiện Sĩ:

(Thị Kính dẫn cha một quãng. Mãng ông quay lại), về cùng cha con ơi! (Thị Kính đi theo cha mấy bước, rồi dừng lại và thở than, quay vào nhìn từ cái kỉ đến sách, thúng khâu, rồi cầm lấy chiếc áo đang khâu dở, bóp chặt trong tay.)

Chao ôi! Tất cả vừa mới đây thôi! Chiếc kỉ kia! Quyển sách kia! Và chiếc áo đang khâu dở này! Tất cả còn đây, dấu vết của tình vợ thủy chung, hiền dịu. Tất cả còn đây, làm chứng. Vừa mới đây thôi, vậy mà đảo lộn tất cả rồi. Dấu vết của tình vợ thương chồng bị coi, bị sử dụng như là dấu vết của sự, thất tiết. Một sự đảo lộn đột ngột và ghê gớm, vượt khỏi sức hình dung của con người.

Nỗi lòng chiếc áo đang khâu dở, trước khi gửi vào màu áo tu hành và tiếng mõ tụng kinh đều đều, buồn bã, nhẫn nại, toàn run rẩy những nỗi đau. Điệu sử rầu, nói thảm Thị Kính hát, nghẹn ngào nước mắt. Những điệu hát ấy chứa đựng lời bộc bạch trước bước ngoặt cuộc đời. Độc bạch những giằng xé nội tâm:

            Thương ôi! Bấy lâu sắt cầm tịnh hảo
Bỗng ai làm chăn gối lẻ loi.

“Bấy lâu” và “bỗng”, “sắt cầm tịnh hảo” và “chăn gối lẻ loi”. Một bên là thời gian dài lâu của kỷ niệm hạnh phúc, bên kia là khoảnh khắc chớp nhoáng của sự tan vỡ, một bên là hình ảnh của tình vợ chồng hòa hợp, bên kia là hình ảnh chia lìa. Những đối lập bi kịch! Nỗi niềm này, cơ sự ấy như rã rời gục xuống trong tiếng hát sử rầu:

Trách lòng ai nỡ phụ lòng
Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi.

Về cùng cha ư? Đường về quê cha mẹ không phải là cảnh “trước rừng, sau rừng” nhưng là cảnh dè bỉu, mỉa mai của miệng thế chưa hiểu sự tình, chưa tỏ nguồn cơn. Lời “bộc bạch” của nhân vật gợi lên rất rõ hình ảnh một con người đang bơ vơ trước cái vô định của cuộc đời, đang “đối cảnh” trước những hồi ức, những nỗi đau và đang đứng trước, một cuộc lựa chọn giằng xé: về đâu? Đời người phụ nữ, thời phong kiến, “lênh đênh chiếc bánh giữa dòng”.

Cảnh cuối cùng của đoạn trích Nỗi oan hại chồng: Thị Kính lạy cha lạy mẹ, rồi chít áo cài khuy, giả trai, bước vào cửa Phật. Trong sự đau khổ, bất lực, con đường giải thoát của Thị Kính có hai mặt. Mặt tích cực là ước muốn mong được sống ở đời để tỏ rõ là người đoan chính. Mặt tiêu cực là cho rằng mình khổ do số kiếp, do “phận hẩm duyên ôi”, tìm vào cửa Phật dễ tu tâm. Thị Kính thiếu cái khỏe khoắn, lạc quan của những người vợ trong ca dao, thiếu cái bản lĩnh dũng cảm của Thị Phương trong chèo “Trương Viên”, không có nghị lực cứng cỏi đứng lên hành động chống lại những oan trái bất công. Người phụ nữ này chưa đủ sức, chưa đủ bản lĩnh đứng lên trên, vượt lên trên hoàn cảnh, trái lại đã khuất phục hoàn cảnh, cam chịu hoàn cảnh bằng sự chịu đựng nhẫn nhục. Hành động đấu tranh của Thị Kính mới chỉ dừng lại ở những lời trách móc số phận và mới chỉ dừng lại ở ước muốn “nhật nguyệt sáng soi” - một ước muốn thụ động.

Vở chèo “Quan âm Thị Kính” được xây dựng trên cơ sở khai thác tích Phật. Nhưng trong vở chèo này, Thị Kính, trước hết là hình tượng hiện thực về thân phận người phụ nữ. Trên sân khấu chèo, ngay con đường Thị Kính tìm về cửa Phật cũng không phải xuất phát từ một sự tự giác lĩnh hội giáo lý nhà Phật, mà chỉ là kết quả của một đời người muốn tìm hạnh phúc nhưng thất bại. Nhưng nếu phủ nhận ảnh hưởng dấu vết của triết lý nhà Phật ở hình tượng thì không đúng. Hình tượng Thị Kính thể hiện ước muốn tiêu diệt mọi nỗi khổ ngàn kiếp mà không còn cách nào khác hơn là tìm về đạo Phật, tìm cách sông nhẫn nhục, từ bi, bác ái. Nó cũng phản ánh “những ước mơ hạnh phúc chính đáng bị biến thành ảo tưởng tôn giáo của phụ nữ nông dân Việt Nam, những người khao khát tự giải phóng ra khỏi chế độ phụ quyền phong kiến mà chưa tìm được con đường đúng đắn.

Các bài học liên quan
Đề: Đọc sách có lợi ích gì? Trong các loại sách em thích đọc loại nào nhất? Tại sao? Đọc như thế nào thì có lợi và đọc như thế nào thì có hại?
Đề: Giải thích câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật