Đề: Em hãy tả lại một đêm trăng đẹp và nêu cảm nghĩ của em
Mùa hè năm ấy, khi về quê, em còn nhớ mãi một đêm trăng sáng mà em cùng bà trải chiếu ra sân ngồi hóng mát. Ngồi bên bà em lắng nghe giọng kể thân thương trầm ấm của bà.
- Bài học cùng chủ đề:
- Đề: “Bốn con ngồi bốn chân giường, Mẹ ơi mẹ hỡi mẹ thương con nào?” Em hãy nêu cảm nghĩ về cảnh sống của mẹ con nhà này. Một gia đình như vậy, theo ý em, có hạnh phúc không?
- Đề: Hoa lay-ơn, trong tên gốc, có nghĩa là hoa lưỡi kiếm.... Từ những điều tóm tắt trên, em hãy kể lại thành câu chuyện sinh động.
- Đề: Một đàn kiến tha một hạt gạo lên dốc cát. Em hãy kể lại sự việc ấy và nói nên cảm nghĩ của mình.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Mùa hè năm ấy, khi về quê, em còn nhớ mãi một đêm trăng sáng mà em cùng bà trải chiếu ra sân ngồi hóng mát. Ngồi bên bà em lắng nghe giọng kể thân thương trầm ấm của bà. Bà kể chuyện chú Cuội và chị Hằng trên cung trăng. Câu chuyện này em đã nghe nhiều lần, nhưng mỗi lần nghe lại em vẫn thấy hay và muốn nghe mãi. Rồi em ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng sáng đang tỏa một màu vàng dịu. Đầu tiên em chỉ thấy vài vệt đen trên đó, nhưng trí tưởng tượng đã giúp em dần dần thấy rõ hình ảnh chị Hằng, chú Cuội ngồi gốc cây đa trong câu chuyện mà bà đang kể. Câu chuyện của bà đã chấm dứt từ lâu mà em vẫn không hay biết, bà đang ngồi yên, hình như bà cũng đang ngắm trăng và say sưa trước vẻ đẹp của nó. Cảnh vật im ắng lạ thường, hàng cây trước sân nhà đứng yên phăng phắc như chúng cũng đang ngắm trăng như em. Bỗng một làn gió nhẹ thổi tới phá vỡ khung cảnh yên lặng, làm những chiếc lá đung đưa, vẫy vẫy như muốn mời trăng xuống chơi. Thoảng trong gió, hương hoa bưởi, hoa cau đưa lại thơm ngát.
Trăng đã lên cao, sân nhà tràn đầy ánh sáng. Em nhìn lên ngọn cau, những tàu lá cong đẫm một màu vàng lóng lánh như được dát vàng. Mặt đất cũng dần sáng lên một thứ ánh sáng xanh xanh, mờ ảo dịu dàng. Hàng dâm bụt với những chiếc lá mỏng dưới ánh trăng ngời ngời như là ướt nước vậy. Quanh bà, quanh em được phủ đầy ánh trăng. Bất giác em nhìn bà, mái tóc bạc óng ánh phản chiếu ánh trăng. Bà trông giống như một bà tiên trong truyện cổ tích.
Nghe tiếng đập cánh nhẹ lướt trên đầu, em ngẩng lên thấy mấy con dơi đang bắt muỗi, cánh của chúng như được viền bằng ánh sáng. Bên hàng xóm có tiếng rì rầm trò chuyện. Chốc chốc em lại nghe những trận cười thoải mái. Đằng xa, một con nghé non kêu lên “nghé ơ” như bỡ ngỡ vì vẻ đẹp kì lạ của ánh trăng. Đâu đó ngoài cánh đồng vọng lên tiếng ếch kêu đứt quãng. Ngoài sông thỉnh thoảng lại nghe tiếng máy của một chiếc thuyền. Rồi tất cả lại chìm trong im lặng. Trăng đã chếch về hướng tây, đêm đã khuya, bà giục em vào nhà ngủ. Mặc dầu rất buồn ngủ nhưng em vẫn luyến tiếc vẻ đẹp của đêm trăng.
Từ đó, mỗi lần ngắm trăng em lại càng thương bà, nhớ quê. Những lúc ấy em lại nôn nao muốn về bên bà để được ngồi trong lòng bà kể chuyện, ngắm trăng. Đêm trăng hôm ấy đã để lại dấu ấn đậm trong em, giúp em thêm yêu quê hương mình.
BÀI LÀM 2
Cả một ngày trời nắng thật oi nồng và khó chịu. Cây lá ủ rũ, mọi người đều phờ phạc. Buổi chiều, một trận mưa đổ xuống, không khí mát lại, nhưng cơn mưa chưa đủ sức làm dịu hết cái oi nóng. Và đêm nay, cả nhà em thật hạnh phúc khi rủ nhau ra sân đón trăng.
Và rồi, trăng cũng đĩnh đạc từ từ đi lên vòm trời. Cả một khoảng không gian thoáng đãng đang chờ trăng ngự giá. Bầu trời ánh một màu xanh ngọc bích, những cụm mây trắng xốp lững thững trôi qua trong yên lặng, các vì sao li ti nhấp nháy mắt đợi chờ. Trăng đã lên dần từ những đám mây thẫm màu in hình răng cưa phía xa xa.
Cả một vùng trời đêm như thức dậy, như mơ màng thấm đẫm một màu vàng cổ tích. Dường như tất cả cây lá lao xao và phát ra muôn nghìn thứ ánh sáng khác nhau nhờ hào quang kì diệu mà trăng hào hiệp ban phát. Màu xanh lục trên những chiếc lá non tơ của tầng cao cây mận, màu xanh thẫm như đen lại của những tàu dừa ở những tầng phía thấp, màu cỏ non tơ như gọi mời một con trâu thần nào ăn cái xanh mướt ngọt ngào của ánh trăng thanh, màu vàng của trăng như reo lên trong cái quẫy sông của một con cá nào dưới đám bèo. Những khóm chuối phơi những tàu lá rộng để hứng thật nhiều cái mát rượi của trăng. Gió hiu hiu thổi, trăng như chao mình lặng lẽ trong không gian lốm đốm những vị tinh tú nhỏ. Cảnh vật như một bức họa. Con đường làng quê em gồ ghề, lồi lõm những ổ gà, ổ trâu giờ đây phẳng phiu mà chạy hun hút mãi như dẫn người ta đến một chốn non tiên. Tất cả cảnh vật như đẹp hơn lên. Những cái gì ban ngày đã đẹp giờ càng thêm đẹp. Những gì xấu xí dưới ánh mặt trời giờ như được điểm tô lại và cũng dễ hiểu, dễ mến. Ôi trăng thật là kì lạ, hình như nó có những phép nhiệm màu. Nhìn cảnh vật dưới trăng mà em tưởng tượng trăng như một bà tiên với chiếc gậy cải tảo hoàn sinh. Chiếc gậy đem đến sự sống cho muôn loài ấy đang phát ra muôn vàn các bụi vàng nhỏ li ti ban phúc cho thế gian.
Càng khuya, trăng càng thu nhỏ lại, càng tròn hơn và càng sáng hơn. Cây lá đong đưa, bồi hồi trước khi chìm vào giấc ngủ. Chỉ có những nghệ sĩ dế, và những chị vạc là không sao ngủ được. Trăng làm cho bọn họ xao xuyến trước cái đẹp mê hồn của thiên nhiên, cho nên họ cứ thả vào không gian giai điệu của những bản nhạc ngợi ca trăng và rủ rỉ giãi bày lòng mình.
Mọi người đã đưa ghế vào nhà từ lâu. Riêng em, sao không thấy muốn ngủ một chút nào. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời em được chiêm ngưỡng một đêm trăng huyền ảo như vậy.
BÀI TẬP:
1 - CÂY TRE
I. Cành lá tre này cũng như cành lá khác, không có gì đặc biệt, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn ngắm một cành lá tre mà không thấy nổi lên trong lòng những ý nghĩ và những cảm giác lúc nào cũng giống nhau.
II. Khi thấy lá tre gió thổi vút một chiều, tôi cảm thấy một vang động âm thầm và kín đáo trong tâm hồn. Hình như một cảm giác gì thanh thoát và lạnh lẽo, một cái gì vừa cứng cỏi vừa chua xót, lại vừa tha thiết vừa lãnh đạm như tâm hồn một nhà ẩn dật đời xưa chán những điều thế tục, đem giấu kín cái tài năng không được ai biết trong rừng núi... vài lá tre dài, nhọn vắt qua trăng sáng trông thật giống một bức tranh phóng bút của Tàu.
III. Những bức tranh ấy, không những chỉ phô bày một cảnh mà thôi, nó còn là một ý nghĩa biểu hiện nữa: Tre, cũng như thông, được người xưa lấy làm biểu hiện của người thanh cao, danh lợi không màng, và trong ngọn gió đầu sương, vẫn giữ được tâm hồn ngay thẳng.
Thạch Lam
IV. BỐ CỤC: Bài này chia làm mấy phần? Nói ý chính của mỗi phần.
V. NHẬN XÉT:
A. Nội dung:
- Khi nhìn ngắm một cành tre, tác giả có những ý nghĩ và những cảm giác ra sao?
- Khi thấy lá tre bị gió thổi vút lên một chiều, tác giả cảm thấy như thế nào? Hãy phân tích cảm giác của tác giả.
- Tâm hồn một nhà ẩn dật đời xưa ra sao? Tại sao nhà ẩn dật đem giấu cái tài năng của mình trong rừng núi?
- Bức tranh phóng bút của Trung Quốc có những đặc tính gì? Lối vẽ phóng bút khác với lối vẽ tả chân ra sao?
- Tại sao tre được người xưa lấy làm biểu hiện của người thanh cao? Người thanh cao đó, nhà nho gọi là “người quân tử”. Phải có những đặc tính gì mới được gọi là người quân tử (Nhân, Trí, Dũng).
B. Hình thức:
- Những chữ dùng để tả cảm giác có chính xác không?
- Tác giả có hay dùng những tiếng Hán Việt không?
Những tiếng này có làm cho bài văn trở nên cầu kì, tối nghĩa không?
- Nhận xét về phép điệp ngữ trong bài: (vừa cứng cỏi, vừa chua xót, vừa tha thiết, vừa lãnh đạm...)
2 - HOA SEN
I. Đến kì sen nở... Có bông vượt hẳn lên cao quá tàu lá, có bông kín đáo nấp dưới bóng xanh, nở sát ngay mặt hồ. Trong cái vòng chén của cánh lụa, nhụy hoa giữ được tất cả cái nóng của mùa hạ và cái mát rượi của nước trong.
II. Sen có hai thứ: quỳ và sen, như hai chị em một nhà. Quỳ chỉ có tuyền những cánh to, hoa khoáng đãng và rộng rãi, nhưng không đầy đủ, thân mật như những cánh nhỏ của sen âu yếm ôm lấy cái gương xanh. Về màu sắc, thì có hai thứ đỏ, trắng. Kể thật ra không phải là đỏ, đó là một màu riêng, màu xanh sen, tươi và mát hơn, Có thứ quỳ trắng toát, rực rỡ toàn một màu trắng trong, một bài thơ trắng tinh khiết của nước và của mây trời... Nhưng tôi ưa thứ sen trắng hơn, với những cánh nhỏ trắng nõn pha xanh như da mặt người con gái yếu. Và thỉnh thoảng có một cánh viền một đường màu đỏ, chỗ đậm chỗ nhạt không đều. Hình như trong cái mộng trinh tiết trắng trong còn vướng víu chút tình của bông sen đỏ quấn quít không thoát được.
Ai nói cho hết được cái bí mật cao quý của hoa sen? Cái gương tròn ở trong lòng, cùng một màu ngọc thạch non như lá mới, với những hạt sen non nhỏ. Và những hạt nhụy trắng như sữa trên cái cuốn phấn vàng tươi, ôm ấp lấy hương sen một vòng thơm mát... Hoa sen là của quý của mùa hạ, đem tất cả cái rực rỡ thắm màu của trời xanh mây trắng đúc nên cái tươi mát vô cùng.
III. Không có cái hương thơm nào hợp với gió hơn bởi cũng thanh và nhẹ như luồng gió... Trong sương sớm, đi hái sen ở trên hồ, tưởng vướng mắt được tất cả cái trong sạch của hoa lá ấy. Lý Thái Bạch trong bài “Thái liên khúc” (Khúc hát hái sen) tả buổi hái trong sớm của cô gái bên ngòi Nhược Gia, có hai câu bất tuyệt:
Nhật chiếu tân trang thủy đề minh
Phong chiêu hương duệ không trung cử.
... Áo quần mặc mới trắng tinh,
Nắng soi đáy nước rung rinh hóng hổng.
Thơm tho vạt áo gió tung,
Bay lên phất phới trong không ngọt ngào...
(Tản Đà dịch)
Thật đủ cả ánh nắng buổi sớm, hơi nước mát, gió đưa nhẹ hương thơm của bông sen và cái miệng cười tươi thắm của cô thôn nữ mặc áo mới trên hồ.
Thạch Lam (Ngày nay)
IV. NHẬN XÉT:
A. Nội dung:
- Tứ văn ở phần vào bài có gì đặc biệt? Tác giả áp dụng phép trực tiếp hay gián tiếp? Tác giả cho ta biết rõ hình dáng, vị trí và mùa sen nở? Tác giả có gợi cho ta cảm tình gì đối với hoa sen?
- Với dụng ý gì tác giả so sánh hoa quỳ với hoa sen? Quỳ đẹp ở những điểm nào? Sen đẹp ở những điểm nào?
- Tại sao tác giả ưa sen hơn quỳ? Theo ý tác giả, sen có những đặc điểm gì hơn quỳ?
- Tác giả tả hoa sen có tỉ mỉ không? Tác giả có tả đầy đủ hình dáng, màu sắc, cánh sen, nhụy sen, hương sen? Dẫn chứng.
- Tại sao tác giả cho sen là của mùa hạ? Tại sao tác giả cho rằng: “Không ai nói hết được cái bí mật cao quý của hoa sen?”.
- Ở phần Kết Luận, tác giả bày tỏ cảm nghĩ gì về sen. Tác giả dẫn hai câu thơ của Lý Thái bạch đời Đường với dụng ý gì?
B. Hình thức:
- Từ ngữ trong bài này có những đặc điểm gì? Từ ngữ tả màu sắc có chính xác, khéo léo không? Từ ngữ nào bóng bẩy, hàm súc?
- Nhận xét về nghệ thuật tả màu sắc trong bài. Tác giả dùng màu sắc gì để tả hoa quỳ? Dùng màu sắc gì để tả hoa sen? Những màu sắc ấy có đúng với màu sắc thiên nhiên chăng?
- Nhận xét về phép tỉ dụ áp dụng trong bài. Tác giả so sánh sen và quỳ như hai chị em một nhà, lời so sánh ấy có xác đáng không?
- Nhận xét về phép nhân cách hóa áp dụng trong bài. Kể những câu tác giả đã nhân cách hóa cánh sen, nhụy sen, cuống sen, hoa sen.
- Kể một câu trong bài này tác giả dùng toàn kiểu câu tỉnh lược (Trong sương sớm, đi hái sen ở trên hồ, tưởng vướng mắc được tất cả cái trong sạch của hoa lá ấy). Nói công dụng của các kiểu câu này.
- Bút pháp của tác giả có sức nhẹ nhàng, uyển chuyển, gợi cảm? Dẫn chứng từng đặc tính của bút pháp.
3 - TRƯA HÈ Ở THÔN QUÊ
I. Một bữa trưa hè chói lọi nóng rực.
Sáu ngọn cau với những tàu lá mềm rũ, lóng lánh như thép in lên da trời xanh thẳm. Không một vẩn mây. Những mái tranh khô đét với những tia khói bốc ở dưới lên như sắp bật lửa.
II. Mẹ mình trần, mặc mỗi cái yếm nâu, đầu xõa tóc, ngồi phệt xuống thềm nhà trên, tay cầm quạt mo phe phẩy từng hồi. Ánh sáng chói trên mặt sân phản chiếu làm cặp mắt bà nhíu lại.
Nàng dâu ngồi bên ngưỡng cửa cúi xuống đầu mẹ rẽ tóc bắt chấy. Cả hai mẹ con không một lời nói. Hình như khí nóng của trưa hè đã ru ngủ tâm hồn họ làm cho họ lười nghĩ. Chốc một, lại vẳng đưa những tiếng gà gáy xa xăm, và luôn những tiếng ru trẻ và tiếng võng đưa kẽo kẹt bên hàng xóm.
Đàn sẻ ríu rít dưới mái tranh. Một vài con bay xuống sân. Cả đàn ùa theo, tiếng cánh vi vu, rồi nhảy nhót, mổ những hạt bụi. Con Vẹt ở bếp thủng thỉnh đi lên. Đàn sẻ hoảng hồn bay tán loạn.
Mẹ chồng đôi mắt lim dim, ngủ gà ngủ gật. Nhưng mỗi bận nàng dâu tuốt sợi tóc, bà biết hiệu, tỉnh dậy, ngửa bàn tay ra đợi ...
III. Dưới tàu cau, dưới bóng cây, những con sẻ ríu rít se sẽ như thì thầm. Một con gà trống ở chuồng lợn nhảy ra, đi dõng dạc đến đống bẩn ngay cửa bếp. Nó lấy chân vãi bẩn tung tóe chung quanh rồi vừa mổ vừa cục cục một hồi. Ba con gà mái ở chuồng lợn cũng nhảy ra, chạy vội lại tranh nhau mổ.
Nàng dâu giật mình ngẩn lên nhìn rồi cúi xuống bắt chấy.
Trần Tiêu (Chồng con)
IV. NHẬN XÉT:
A. Nội dung:
- Nhận xét về cách nhập đề (Lung khởi hay trực khởi).
- Tác giả có nói rõ thời gian và nơi chốn không?
- Trong bài gồm những ai? Họ đang làm gì?
- Hành động của người mẹ chồng ra sao?
- Hành động của nàng dâu ra sao?
- Ngoại cảnh có ảnh hưởng đến tâm hồn họ chăng?
- Tại sao tác giả chú trọng tả hành động, cử chỉ của loài vật (đàn sẻ, con gà trống, ba con gà mái).
B. Hình thức:
- Kể những từ ngữ tác giả dùng để tả thời tiết.
- Kể những tiếng tượng thanh trong bài.
- Phép tượng hình là gì? Kể những từ ngữ tác giả ứng dụng phép này.
- Nhận xét về nghệ thuật: Ví dụ, nhân cách hóa.
- Những trạng từ “dõng dạc, tung tóe” tác giả dùng có đặc sắc không?
4 - CON BÚP BÊ CỦA PHƯỢNG
I. Phượng mở gói quà của mình ra trước những cặp mắt chăm chú của các bạn.
Rồi tất cả cùng reo lên một lượt:
- Ồ! Búp bê!
II. Mắt Phượng sáng hẳn lên. Một con búp bê thật có mái tóc màu nâu và đôi mắt trong xanh nhắm, mở được. Búp bê đứng sững ở trên nắp hộp. Nó mặc váy hồng nạm kim tuyến, chân đi giày cao su trắng. Nó cười với Phượng, với lũ trẻ. Mấy bạn Phượng thèm thuồng nhìn nó. Bọn này không may rút phải những gói quà mà chúng không mơ ước. Con Nguyệt được một cái ô tô sơn đỏ. Con Hương được khẩu súng bắn nút chai. Con Dung lại được chiếc máy ảnh giả. Nhưng không món nào đáng thích bằng một con búp bê, búp bê nhắm mắt, mở mắt được.
Phượng sung sướng quân cả bọn. Nó ôm lấy hộp búp bê chạy ra sân sỏi. Tiếng hò hét của các soeurs xen với tiếng nô đùa các lũ trẻ trong phòng lớn vẳng lại ở đằng sau. Phượng về phòng ngủ và ôm búp bê vào trong tay. Bây giờ Phượng mới được ngắm kĩ nó. Mặt nó hồng hào và cái miệng rất tươi. Mái tóc nó vàng óng có băng tím vấn ngang đầu. Cổ búp bê đeo một sợi dây mang chiếc thánh giá lúc lắc ở trên ngực.
Phượng nghĩ đến ngày mai, ngày kia, hôm nào búp bê cũng là của Phượng. Phượng sẽ bế nó đi ăn cháo ở phòng dưới. Trong giờ học, búp bê sẽ ngủ ở ngăn kéo.
Buổi tối, hai đứa sẽ cùng nhau đi cầu kinh ngoài giảng đường, búp bê sẽ ngồi trong lòng Phượng. Chắc mắt nó sẽ mở to dưới ánh đèn sáng.
Nhật Tiến (Chuyện bé Phượng)
III. Bây giờ, Phượng mở ra xem hộp đựng búp bê. Cái hộp dán giấy hoa màu xanh, buộc băng nơ đỏ. Bốn bề vừa vặn một chỗ cho búp bê nằm, Ở trong còn có một miếng đệm lụa và một cái gối xinh xinh.
IV. NHẬN XÉT:
A. Nội dung:
- Ở phần vào bài, tác giả giới thiệu con búp bê có khéo léo hay không? Sự xuất hiện bất ngờ của con búp bê gieo cảm giác gì cho bọn trẻ?
- Tác giả tả mấy lần hình dáng và cách trang phục của búp bê? Tại sao tác giả không tả một lần, mà tả hai lần?
- Mới nhìn con búp bê, Phượng thấy nó đẹp ở những điểm nào? Khi lòng đã bình thản, Phượng ngắm kĩ con búp bê có mái tóc màu nâu; lần thứ hai, Phượng thấy nó có mái tóc màu vàng óng. Tác giả tả sai hay có dụng ý gì?
- Trước con búp bê, tâm trạng của Phượng ra sao? Tâm trạng của bọn trẻ ra sao? Tâm trạng của chúng có thể hiện qua cử chỉ, hành động?
- Được con búp bê, Phượng nghĩ gì đến ngày mai? Phượng có vạch một chương trình cho mình và búp bê không? Chương trình ấy ra sao?
- Tại sao cuối cùng, tác giả mới tả cái hộp đựng búp bê? Cái hộp ấy có những đặc điểm gì? Và tương xứng với búp bê không?
B. Hình thức:
- Tác giả tả đồ vật tinh tế và sinh động không?
- Nhận xét về nghệ thuật tả hình ảnh, màu sắc của tác giả. Những màu sắc và hình ảnh ấy gợi cho ta những cảm giác gì?
- Những từ ngữ nào do Tiếng Pháp phiên âm ra tiếng Việt? Tại sao tác giả hay dùng những từ ngữ đó?
- Tại sao từ ngữ Soeur tác giả không phiên âm ra tiếng Việt?
- Nhận xét phép nhân cách hóa áp dụng trong bài này. Kể những câu tác giả đã áp dụng phép nhân cách hóa.
- Kể những tiếng tượng hình trong bài. Những tiếng này có công dụng gì?
- Bút pháp của tác giả có những đặc điểm gì?
5 - HÒN NON BỘ
I. Trước mặt Dũng, những chậu sứ trồng lan xếp đều đặn thành mấy hàng cạnh núi non bộ. Quả núi ấy, nguyên một tảng đá, ông Tuần đã bỏ ra mấy trăm bạc để mua lại của một người Tàu.
II. Đối với dũng khi còn nhỏ, quả núi với những khe đá hiểm hóc, những chòm cây um tùm là một thế giới thần tiên đầy bí mật. Đã bao nhiêu lần chàng đứng hàng giờ ngắm nghía không biết chán, chàng thường chỉ cho Loan và những trẻ bên hàng xóm xem một con đường ở sát mặt nước đi khuất vào trong bóng tối một cái hốc đá; chàng bảo đó là con đường vào Đào Nguyên và tả cảnh Đào Nguyên lại cho Loan nghe như lời ông Tú đã kể chuyện với chàng. Ngay từ lúc nhỏ chàng có muốn rời khỏi nhà để tìm cảnh Đào Nguyên đẹp đẽ... Có khi đêm khuya, sực thức dậy, chàng chạy ra nhìn con đường ấy xem có xảy ra sự gì lạ không. Dưới ánh trăng hai ông tiên ngồi đánh ván cờ thiên cổ, chàng tưởng họ ngừng đánh và ngạc nhiên nhìn chàng. Mấy con cá vàng lên đớp ánh trăng trên mặt nước, dưới những cụm xương bồ ướt sương, chàng cho là những con vật kì quái biết cử động giữa một thế giới yên lặng nhưng có linh hồn.
III. Nhớ lại, Dũng mỉm cười. Sau bao nhiêu năm tháng chàng vẫn còn ở nguyên chỗ cũ. Núi non bộ với những người chăn trâu, những ngôi chùa, những tiều phu bằng đất nung chàng thấy không có gì là thần tiên nữa, có vẻ ngờ nghệch, vụn vặt trẻ con.
Nhất Linh (Đôi bạn)
IV. NHẬN XÉT:
A. Nội dung:
- Tác giả giới thiệu hòn non bộ có khéo léo không?
- Tác giả mượn cảnh hiện tại để gợi cho Dũng nhớ lại kỉ niệm xưa. Ngoại cảnh nào và kỉ niệm nào?
- Tại sao khi Dũng còn nhỏ, quả núi đối với chàng như thế giới thần tiên đầy bí mật? Thế giới thần tiên là thế giới nào?
- Tại sao Dũng có ý muốn rời khỏi nhà để tìm cảnh Đào Nguyên?
- Dũng có giàu tưởng tượng và giàu mơ mộng không?
- Tại sao giờ đây Dũng thấy quả núi có vẻ ngờ nghệch vụn vặt?
B. Hình thức:
- Từ ngữ có dồi dào, súc tích và chính xác không?
- Tác giả tả cảnh có tỉ mỉ không? Dẫn chứng.
- Phương pháp hồi tưởng ứng dụng có nghệ thuật không?
- Giải thích phương pháp này (Phương pháp mượn ngoại cảnh hiện tại gợi nhớ lại những kỉ niệm xưa).
- Kể những đoạn văn tác giả đã áp dụng phép nhân cách hóa và phê bình nghệ thuật của tác giả.
- Các thể loại văn tham khảo lớp 7
- Bài 1 sgk ngữ văn 7
- Bài 2 sgk ngữ văn 7
- Bài 3 sgk ngữ văn 7
- Bài 4 sgk ngữ văn 7
- Bài 5 sgk ngữ văn 7
- Bài 6 sgk ngữ văn 7
- Bài 7 sgk ngữ văn 7
- Bài 8 sgk ngữ văn 7
- Bài 9 sgk ngữ văn 7
- Bài 10 sgk ngữ văn 7
- Bài 11 sgk ngữ văn 7
- Bài 12 sgk ngữ văn 7
- Bài 13 sgk ngữ văn 7
- Bài 14 sgk ngữ văn 7
- Bài 15 sgk ngữ văn 7
- Bài 16 sgk ngữ văn 7
- Bài 17 sgk ngữ văn 7
- Bài 18 sgk ngữ văn 7
- Bài 19 sgk ngữ văn 7
- Bài 20 sgk ngữ văn 7
- Bài 21 sgk ngữ văn 7
- Bài 22 sgk ngữ văn 7
- Bài 23 sgk ngữ văn 7
- Bài 24 sgk ngữ văn 7
- Bài 25 sgk ngữ văn 7
- Bài 26 sgk ngữ văn 7
- Bài 27 sgk ngữ văn 7
- Bài 28 sgk ngữ văn 7
- Bài 29 sgk ngữ văn 7
- Bài 30 sgk ngữ văn 7
- Bài 31 sgk ngữ văn 7
- Bài 32 sgk ngữ văn 7
- Bài 33 sgk ngữ văn 7
- Bài 34 sgk ngữ văn 7