Đề số 1: Vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người Hi Lạp thể hiện qua cảnh đoàn tụ gia đình của Uy-lít-xơ trong Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê - sử thi Hi Lạp)

I-li-át và Ô-đi-xê là hai thiên sử thi nổi tiếng của Hi Lạp nói riêng và thế giới nói chung. Nếu như với I-li-át, Hô-me-rơ ngợi ca sức mạnh thể chất thì với Ô-đi-xê, người con của dòng sông Mê-lét lại hết lời ca tụng sức mạnh trí tuệ của người Hi Lạp.

Bài làm

I-li-át và Ô-đi-xê là hai thiên sử thi nổi tiếng của Hi Lạp nói riêng và thế giới nói chung. Nếu như với I-li-át, Hô-me-rơ ngợi ca sức mạnh thể chất thì với Ô-đi-xê, người con của dòng sông Mê-lét lại hết lời ca tụng sức mạnh trí tuệ của người Hi Lạp. Với đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (trích Ô-đi-xê), chúng ta sẽ thấy vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người Hi Lạp được khắc họa đậm nét qua cảnh đoàn tụ gia đình của Uy-lít-xơ.

Trong Ô-đi-xê, nhân vật chính Uy-lít-xơ luôn được ngợi ca về trí tuệ tuyệt vời của chàng. Chẳng thế mà Hô-me-rơ luôn gọi chàng là Uy-lít-xơ muôn vần trí xảo. Trước kia, bằng khối óc và trái tim, Uy-lít-xơ đã chiến thắng trên chiến trường đại dương mênh mông với vô vàn nguy hiểm trong cuộc hành trình trở về nhà. Về đến quê hương, chàng lại chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù phá hoại hạnh phúc của mình. Trong đoạn trích Uy-lít-Xơ trở về, một lần nữa Uy-lít-xơ lại chiến thắng trên phương diện lòng người. Trí tuệ của Uy-lít-xơ được thể hiện rõ nét qua cuộc đấu trí giữa Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ.

Nghe nhũ mẫu báo tin Uy-lít-xơ trở về, ban đầu Pê-nê-lốp bỗng mừng rỡ cuống cuồng, nàng nhảy ra khỏi giường ôm chầm lấy bà lão, nước mắt chan hoà. Nhưng qua giây phút đột ngột, có thì giờ suy nghĩ, cân nhắc, nàng tự ghìm mình và ghìm cả nỗi vui mừng của nhũ mẫu, thận trọng nghi hoặc điều nhũ mẫu nói. Mặc cho nhũ mẫu thuyết phục, mặc cho con trai Tê-lê-mác trách cứ gay gắt, và dù đã tận mắt nhìn thấy Uy-lít-xơ, Pê-nê-lốp vẫn quyết định thử thách để xem người đang ngồi trước mặt nàng kia có đúng là Uy lít-xơ hay là kẻ xảo quyệt nào giả mạo. Ý định thử thách Uy-lít-xơ của Pê-nê-lốp được trình bày thật tế nhị, khéo léo. Nàng không nói trực tiếp với Uy-lít-xơ vì còn xa lạ, phải giữ lịch sự, lễ độ, nhã nhặn, mà thông qua đối thoại với con trai để nói với Uy-lít-xơ: "Nếu quả thực đây chính là Uy-lít-Xơ (...) thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được ra nhau (...) vì cha và mẹ có những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau”. Chắc chắn khi nói những lời này, Pê-nê-lốp đã liên tưởng đến điều bí mật sẽ đem ra thử thách: chiếc giường.

Nhận ra ý muốn thử thách của Pê-nê-lốp, tuy chưa biết sẽ thử thách cái gì nhưng Uy-lít-xơ vẫn mỉm cười. Mỉm cười chấp nhận, mỉm cười vì tin ở trí tuệ của-mình, mỉm cười vì nắm chắc phần thắng (bởi chàng chính là Uy-lít-xơ, chắc chắn chàng biết dấu hiệu riêng mà Pê-nê-lốp nói), Uy-lít-xơ không vội vàng, hấp tấp, không nôn nóng như Tê-lê-mác. Chàng càng thể hiện sự cao tay và tài trí của mình khi nói với con trai: “Tê-lê-mác, con! Đừng làm rầy mẹ, mẹ còn muốn thử thách cha ở tại nhà này. Thế nào rồi mẹ con cũng sẽ nhận ra, chắc chắn như vậy...”. Nói với con trai mình nhưng thực chất Uy-lít-xơ đang nói với Pê-nê-lốp. Chàng đã nén cái cháy bỏng, sục sôi trong lòng để thể hiện một thái độ trầm tĩnh, tự tin, để cảnh giác, đề phòng, cân nhắc, tính toán sáng suốt và sâu sắc vô chừng: bàn với Tê-lê-mác xử trí những kẻ cầu hôn bị giết chết. Chàng bảo mọi người đi tắm rửa, rồi mặc quần áo đệp, ca múa đánh lạc hướng người ngoài cho họ lầm tưởng trong nhà đang chuẩn bị lễ cưới để không ai biết bọn cầu hôn bị giết. Đó cũng là một mưu chước của Uy-lít xơ muôn vàn trí xảo.

Trút bỏ bộ dạng người hành khất, Uy-lít-xơ trở lại chỗ ngồi cũ, đối diện với Pê-nê-lốp và bắt đầu cuộc đối đầu trực tiếp với nàng. Sau những lời trách về trái tim sắt đá của Pê-nê-lốp, Uy-lít-xơ nói với nhũ mẫu (mà cũng chính là nói với Pê-nê-lốp): “Già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay...”. Sự khôn khéo của Uy-lít-xơ chính là lời gợi ý này đây. Thực ra, ở nhà này mấy ngày, hẳn Uy-lít-xơ đã có nơi ngủ, Vậy mà đến giờ, chàng lại đòi một chiếc giường. Chàng thực sự mệt mỏi và muốn đi nghĩ hay phải chăng chàng đã nghĩ đến cái giường bí mật và gợi ý cho Pê-nê-lốp về đề tài của thử thách. Pê-nê-lốp hoặc có ý định từ trước, hoặc từ sự gợi ý của Uy-lít-xơ về chiếc giường, ngay lập tức đã sai nhũ mẫu “khiêng chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng vách tường kiên cố do chinh tay Uy-lít-xơ xây nên...

Nghe Pê-nê-lốp nói, nhận ra điều thử thách của nàng, Uy-lít-xơ bỗng giật mình, chột dạ vì chiếc giường đó không thể xê dịch được, sao bây giờ lại có thể khiêng ra? Trong cơn hoảng hốt, thắc mắc của mình, Uy-lít-xơ đã miêu tả chi tiết, tỉ mỉ về chiếc giường và việc tự tay mình kiến trúc nó, đặt vào đó một sự bí mật: một trong bốn chân giường là một gốc cây. Miêu tả chiếc giường, Uy-lít-xơ đã giải mã dấu hiệu riêng mà Pô-nê-lốp đặt ra.

Nếu Pê-nê-lốp dùng sự khôn khéo, thông minh để xác định sự thật thì Uy-lít-xơ, bằng trí tuệ nhạy bén của mình, chàng đã hiểu và đáp ứng được điều thử thách. Đây là sự gặp gỡ của hai trí tuệ, hai tâm hồn. Cả Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp đều chiến thắng, không ai là người thua cuộc trong thử thách này. Và trí tuệ của hai người đã mang đến họ hạnh phúc, trả họ về bên nhau sau hai mươi năm xa cách đằng đẵng.

Khi trước, có lần ta đã nghe nhũ mẫu khẳng định: "... người đang có trong đầu một ý nghĩ rất khôn”. Đến Tê-lê-mác cũng tiếp tục khẳng định cái phẩm chất cơ bản trong cha mình: "xưa nay cha vẫn là người nổi tiếng không ngoan, không một kẻ phàm trần nào sánh kịp”. Giờ đây, Pê-nê-lốp cũng lại tiếp tục thừa nhận phẩm chất tuyệt vời đó của chàng: “...xưa nay chàng vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan”. Cả ba nhân vật đều có chung một nhận định về Uy-lít-xơ.

Như vậy, từ thử thách của Pê-nê-lốp, trí tuệ Uy-lít-xơ một lần nữa được khẳng định. Và thêm một lần, chủ đề ca ngợi vẻ đẹp trí tuệ của con người Hi Lạp được nhấn mạnh hơn nữa.

Các bài học liên quan
Dựa vào một số tác phẩm văn học từ năm 1930 đến nay, anh (chị) hãy chứng minh rằng văn học đã theo sát cuộc đấu tranh của dân tộc ta, phản ánh được những ước mơ và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta.
Hãy chọn hai trong số phong cách của tác giả sau đây: Chế Lan Viên, Nam Cao, Nguyễn Tuân phân tích làm sáng tỏ ý kiến: Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có gì đó rất riêng, mới
Nghị luận về câu ‘học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”
Từ lời nhắn nhủ của cha ông ta “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”, anh (chị) hãy viết một bài văn bày tỏ thái độ của mình trước những mảnh đời bất hạnh và đói nghèo còn tồn tại trong xã hội ta
Nêu vai trò của sách đối với đời sống nhân loại

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật