Đề: Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích số đỏ) của Vũ Trọng Phụng

Hạnh phúc của một tang gia, ngay nhan đề của đoạn trích đã gây một tiếng cười - cười mà chua chát, mà mỉa mai. Mâu thuẫn trào phúng cơ bản nằm ngay trong cái đầu đề của chương.

BÀI LÀM

Vũ Trọng Phụng bước chân lên thi đàn văn học mang theo đứa con cưng số đỏ, với nhiều ấn tượng độc đáo đã làm lung lay bức màng đen tối của xã hội tư sản thành thị. Tác phẩm là lời tố cáo, đanh thép, mãnh liệt bản chất xảo trá, bịp bợm, là tấm lòng của tác giả trước cảnh hiện thực nhố nhăng đương thời. Cảnh nhố nhăng, điên đảo ấy được khắc họa trong một loạt chân dung biếm họa mà rõ nét nhất là ở Hạnh phúc của một tang gia.

Hạnh phúc của một tang gia, ngay nhan đề của đoạn trích đã gây một tiếng cười - cười mà chua chát, mà mỉa mai. Mâu thuẫn trào phúng cơ bản nằm ngay trong cái đầu đề của chương. Thường thì tang gia ai cũng buồn đau vì phải vĩnh biệt người thân yêu về với thế giới khác - một cõi mênh mông xa vời không bao giờ có thể gặp lại được. Ấy vậy nhưng ở đây tang gia lại rộn lên những niềm vui riêng tư thầm kín. Tất cả mọi người trong gia đình cụ cố Hồng vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi cụ tổ mất đi, bởi vì mỗi thành viên trong gia đình đều thấy đây là một dịp may hiếm có: “Bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng, thỏa thích... Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma...” Đám con cháu phấn khích, nôn nóng, họ đã biến một đám ma thành một lễ hội long trọng, linh đình để phô trương tất cả mọi sự lố lăng, dâm đãng, lẳng lơ và rởm đời của mình.

Khi cụ tổ chết, mỗi người trong gia đình cụ cố Hồng đều hồ hởi, phấn chấn. Ai nấy đều mang những tâm trạng, những nỗi mềm.

Ông Phán mọc sừng vô cùng sung sướng hạnh phúc vì sắp sửa được một số tiền để bù vào khoản bị vợ cắm sừng. Cụ tổ chết, tài sản chia ra mỗi người một phần, ai cũng cầu mong điều đó. Với ông Phán mọc sừng thì đấy là một niềm vui lớn “ông Phán mọc sừng đã được cụ cố Hồng nói nhỏ vào tai rằng sẽ chia cho con gái và rể thêm một số tiền là vài nghìn đồng”. Chính ông ta cũng không ngờ rằng giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến thế. Nghĩ đến những đồng tiền sắp có trong tay, ông Phán mọc sừng không chỉ đánh đổi cả danh dự mà còn xem đó là một ân huệ lớn, một sự may mắn lắm. Thấy tiền ông đánh đổi cả tình thân để vui sướng.

Cụ cố Hồng trước cái chết của bố ruột lẽ ra cụ phải hết sức đau đớn, tiếc thương thì ngược lại cụ đã biến cái chết của bố đẻ thành một sự mong mỏi, đợi chờ cho việc thực hiện ý đồ riêng tư. Đây là dịp hiếm có để cụ mặc đồ xô gai đóng giả điệu bộ của một người thương xót cha “Cụ mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ”. Cụ muốn đám tang của cha mình là cái đòn bẩy để cụ trở nên nổi tiếng, để được mọi người biết đến. Ước mơ của cụ đã dẫn cụ đến hố thẳm của sự tha hóa nhân cách. Cụ tha thiết đám ma của cha cụ phải được mọi người biết đến với tất cả sự nhố nhăng mà cụ cho là tốt đẹp, là văn minh, giàu có, lịch lãm. Cụ trở nên một kẻ xấu xa, bỉ ổi, một con người không có tình người.

Đứa cháu đích tôn cũng chẳng khá hơn chút nào, ông Văn Minh thích thú vì "Cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa”. Ông nội chết mà thằng cháu đích tôn chỉ cảm thấy hãnh diện bởi ý định của mình sắp thành công thì gia đình ấy thật là một gia đình đại vô phúc.

Cậu tú Tân chạy qua chạy lại cứ “điên người lên vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến”. Cái chết của cụ tổ là dịp để cậu thi thố tài năng, ra mắt với mọi người.

Bà Văn Minh nóng ruột nôn nao đợi chờ giây phút cử hành tang lễ để có cơ hội trình diễn cái mốt thời trang kiểu mới tân thời của hiệu may u hóa. Đám tang là nơi mọi người phải nghiêm trang, kính cẩn thì bỗng dưng nay lại được biến thành chỗ trình diễn thời gian - trình diễn những lối ăn mặc kiểu cách nhố nhăng, hở hang.

Riêng Tuyết thì buồn rầu vì chưa thấy người tình đến “Tuyết như bị kim châm vào lòng”. Đám tang của ông là nơi để Tuyết hẹn hò nói những lời tình tứ với gã ma cà bông mà Tuyết từng ngưỡng mộ, là nơi để Tuyết phô trương hình thể “Hôm nay Tuyết mặc y phục ngây thơ - cái áo dài voan mỏng trong có coóc-sê trông như hở cả nách và nửa vú - nhưng mà viền đen và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Thấy thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ ngây thơ để thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Cái lối ăn mặc của Tuyết đã nói lên bao điều về thực trạng u hóa của tầng lớp tư sản thành thị lúc ấy với lối ăn chơi nửa Tây nửa ta chẳng có một chút gì là văn hóa.

Với ông Tuýp Phờ Nờ (TYPN) đám tang là sân khấu để ông thể hiện tài thiết kế mẫu mã của mình và hi vọng sau đám tang tên tuổi của ông sẽ vang xa trong thiên hạ, các báo chí sẽ viết bài về những bộ quần áo cách tân mới mẻ “hợp thời trang”. Vì vậy mà ông vô cùng sốt sắng vì mãi vẫn chưa thấy giờ đưa đám “ông TYPN rất bực mình vì mãi không được thấy sự chế tạo của mình ra mắt công chúng để xem các báo chí phê bình ra sao”.

Cụ Phán bà trước đám tang bố chồng chỉ duy nhất lo lắng một điều, làm sao yên bề gia thất cho Tuyết - đứa con gái đang được xem là quả bom nổ chậm trong nhà. Bà muốn nhân cơ hội này mà lấy chồng cho Tuyết thì hay biết bao -vừa để Tuyết không phải mang tiếng hư hỏng, lại vừa có thể lấy được một chàng rể quý cho gia đình. Nói tóm lại, trước cái chết của cụ tổ, mỗi người đều mang một tâm trạng riêng tư không giống nhau, nhưng họ đều thể hiện một điểm duy nhất, chung nhất đó là tuyệt nhiên không có ai tỏ ra buồn thương tiếc nuối người vừa quá cố. Thậm chí họ còn đợi chờ cái giờ phút ấy đến càng nhanh càng tốt, để những ý tưởng đã từ lâu lắm của họ trở thành hiện thực. Tâm trạng trong đại gia đình cụ cố Hồng đã nói lên một hiện thực đau đớn của xã hội lúc bấy giờ. Đặc biệt tác giả lên án lối sống phóng túng, kiểu cách Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta của giới thượng lưu, của tầng lớp tư sản thành thị. Mọi giá trị chân thực về cuộc sống đã bị sụp đổ trước cái lối u hóa nhố nhăng, nhặng xị, rởm đời của họ. Đám tang là chỗ thí điểm cho tất cả mơ ước của họ, vậy nên bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng thỏa thích. "... Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma, vân vân... ”.

Cảnh đám tang diễn ra trong sự đua đòi lối sống văn minh rởm đời của đám con cháu. Đám tang thường được mọi người chuẩn bị nhỏ nhẹ, khiêm tốn nhưng mang tính thiêng liêng, kính cẩn, thể hiện được sự buồn đau, tiếc nuối của người sống đối với người chết, nhưng đám tang của cụ tổ lại được tổ chức một cách long trọng vì cụ cố Hồng muốn thế. Cụ muốn mọi người phải ca tụng, trầm trồ, hoa mắt lên bởi từ trước tới giờ chưa có đám ma nào lại to lớn, giàu có đến vậy. Và đám tang đã được thực hiện đúng với ý định của cụ cố Hồng “theo cả lối ta, Tàu, Tây có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng, và bút điếu, và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu Tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ, thật là một đám tang to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng”. Đấy là một đám tang làm náo loạn cả thành phố, không phải bằng những giọt nước mắt thương tiếc mà bằng tiếng cười vui vẻ như trong một ngày hội lớn vì “kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu lần lượt thay nhau mà rộn lên” cảnh huyên náo, không khí nhộn nhịp chẳng có gì là hơi thở của sự chết chóc.

Cái làm cho tang lễ độc đáo lên nhiều lần đó là con cháu trong gia đình cụ cố Hồng đã mượn cái chết của cụ tổ để làm nơi quảng cáo những bộ áo quần cách tân u hóa kiểu mới, mốt thời thượng. Những “bộ đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn màu trắng viền đen... có thể ban cho những ai có tang thương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời”. Nơi đám tang là nơi để bà Văn Minh - cụ cố Hồng khoe khoang bộ đồ xô gai mới mẻ, là nơi để Tuyết mặc những chiếc áo hở hang gọi mời, để cậu Tú Tân trổ tài chụp ảnh... cả một đám tang cứ loạn lên với những ý tưởng riêng tư. Đó là một đám tang với một cảnh tượng hết sức kỳ quặc, lố lăng từ trước đến nay chưa bao giờ có.

Không chỉ mỗi mình đám con cháu trong đại gia đình cụ cố Hồng mong muốn cụ tổ chết mà dường như những bè bạn, những người có mối quan hệ dây mơ rễ má với gia đình này cũng chờ đợi điều đó. Những con người sống trong tầng lớp thượng lưu tư sản chỉ chờ cơ hội để phô trương, phơi bày tất cả mọi sự lố bịch “những ông bạn thân của cụ cố Hồng, ngực đầy những huân chương như: Bắc đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Miên bội tinh, Vạn tượng bội tinh, vân vân... trên mép và trên cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung hoặc lún phún hay rầm rậm, loàn quăn, nhiều ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cữu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy cũng đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn xuân ai oán, não nùng”. Thực chất, họ đâu phải đi để thăm viếng người quá cố mà để khoe khoang những tấm huy chương, khoe khoang những bộ râu kiểu cách hợm hĩnh của mình và đặc biệt là sự dâm đãng. Tuổi của họ đã bằng bậc cha bậc chú của Tuyết nhưng khi thấy Tuyết hở hang trong bộ quần áo mang tang thì ai nấy đều cảm động. Đấy thật là một xã hội nhố nhăng, dơ bẩn, chỉ biết ăn chơi sa đọa đánh mất hết bản chất người của mình. Đó chính là một lũ cặn bã của xã hội tư bản thành thị lúc bấy giờ.

Đám ma xuất hiện hàng trăm “trai thanh gái lịch”, họ đến để ngắm nghía, tán tỉnh, hẹn hò, bình phẩm về nhau: “một nửa là phụ nữ, phần nhiều tân thời, bạn của cô Tuyết, bà Vân Minh, cô Hoàng Hôn, bà Phó Đoan, vân vân..." Tất cả họ bề ngoài đều “mang vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma” nhưng bên trong thì ai nấy đều hớn hở, đều hãnh diện vì trên người mình đang được trang sức bằng những bộ cánh mới - những bộ cánh mà họ đã ao ước được khoác lên mình từ lâu để mọi người trầm trồ khen ngợi. Một đám ma đủ “trai thanh gái lịch” nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau bằng những vẻ mặt buồn rầu. Trong đám ma không hề có một tiếng khóc mà chỉ thấy những câu thì thào.

- Con bé nhà ai mà kháu thế? - Con bé bên cạnh đẹp hơn nữa!
- Ừ, ừ cái thằng cứ bạc tình bỏ mẹ! Xưa kia vợ nó bỏ nó chớ? - Hai đời chồng rồi! Còn xuân chán! - Gớm cái ngực, đầm quá đi mất! Làm mối cho tớ nhé? Mỏ vàng hay mỏ chì? Không, không hẹn hò gì cả? - Vợ béo thế, chồng gầy thế thì “mọc sừng mất! Vân vân!” Đúng là lời lẽ của những kẻ cặn bã tận cùng trong xã hội, thế mà những con người ấy cũng được mệnh danh là hiểu biết, là có học thức mới lạ. Xã hội ấy đúng là xã hội vô nhân đạo, những con người ấy đúng là những con người vô liêm sỉ.

Có lẽ ấn tượng nhất trong đoạn trích vẫn là sự xuất hiện của nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Vũ Trọng Phụng chỉ giới thiệu một cách sơ qua và khá ngắn gọn về nhân vật này nhưng đã làm nổi bật được bản chất lõi đời của hắn. Xuân Tóc Đỏ xuất hiện giữa lúc đám tang đang di chuyển đã làm cho cảnh đám tang thêm lố lăng. Gần như hầu hết bản chất của Xuân Tóc Đỏ được bộc lộ, đấy là sự tinh quái, láu lỉnh bên cạnh tính đểu cáng và dâm đãng vốn có của hắn. Hắn biết làm cho mình trở nên nhân vật đặc biệt quan trọng, biết tự quảng cáo đúng chỗ xuất hiện đúng lúc để lấy được lòng của những người mà hắn đang cần đến, đặc biệt là cụ bà và Tuyết. Cái tính chất lõi đời của Xuân đã được tác giả kết thúc ở một hành động dối trá, bịp bợm, vô sỉ đáng ghê tởm, đó là hành động hắn nhận những đồng tiền từ tay ông Phán mọc sừng: Hắn nhận một cách khéo léo, ranh mãnh đến nỗi không ai có thể nhận ra được. Hóa ra Xuân đến đám tang cũng chỉ để trao đổi những đồng tiền bẩn thỉu, rách rưới chứ không ngoài mục đích gì khác.

Những gì gọi là “to tát”, "danh giá" của đám tang chỉ là sự phô trương giả dối, rởm đời, lố lăng những cái đáng cười và cũng đáng khóc đó là giữa bao nhiêu sự lố lăng thì đám “vẫn cứ đi” như không hề có chuyện gì xảy ra. Vì vậy mà qua cảnh đám ma của cụ Tổ, Vũ Trọng Phụng đã chĩa ngòi bút của mình đánh một đòn mạnh vào chế độ xã hội thối nát mục ruỗng lúc bấy giờ, đặc biệt là tầng lớp tư sản thành thị sa đọa, vô sỉ, không có đạo đức.

Với bút pháp trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã vạch trần chân tướng của tầng lớp tư sản thành thị chỉ biết chạy theo đồng tiền, đua đòi lối sống văn minh rởm, bịp bợm, dâm đãng đồi bại mà đánh mất tất cả lương tâm và bản chất tốt đẹp của con người. Hạnh phúc của một tang gia qua mỗi chân dung, mỗi tên gọi là bức tranh biếm họa về lối sống ấy. Đoạn trích này cùng với tác phẩm Số đỏ đã cho ta thấy Vũ Trọng Phụng đúng là một cây bút hiện thực trào phúng xuất sắc của nền văn học trào phúng 1930 - 1945. Đúng như lời Nguyễn Hoành Khung đã nói: “Sự nghiệp văn học của Vũ Trọng Phụng trước hết là tiếng nói tố cáo mãnh liệt đối với cái chế độ bất công tàn bạo đã vùi dập quyền sống, đầu độc tâm hồn con người; và những trang sách sôi sục phẫn uất dù có u ám của ông đã làm toát lên niềm khát khao cháy bỏng một sự đổi thay xã hội. Tiếng nói ấy, niềm khát khao ấy chắc chắn vẫn được các thế hệ độc giả đấu tranh xây dựng xã hội mới ngày nay cảm thông và trân trọng".

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao để làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.
Đề: Bình giảng bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu.
Đề: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu:  Gì sâu bằng những trưa thương nhớ ... Một giọng hò đưa hố não nùng.
Đề: Cảm nhận về bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu.
Đề: Bình giảng bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật