Đề: Câu 1: Phân tích những diễn biến tâm trạng và hành động của Chí Phèo từ lúc gặp Thị Nở đến lúc kết thúc cuộc đời bằng tự sát trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Chí Phèo, tên nhân vật được Nam Cao đặt thành tên tác phẩm (sau hai lần đổi tên), xuất hiện xuyên suốt tác phẩm với một tấm bi kịch “bị cự tuyệt quyền làm người”.
- Bài học cùng chủ đề:
- Đề: Dựa vào phần tiểu dẫn sách giáo khoa và hiểu biết của em về tác giả, tác phẩm, hãy viết phần mở bài cho các tác phẩm văn 12.
- Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm 12 - Ngắn gọn nhất
- Luyện tập Kiểm tra tổng hợp cuối năm - Ngữ Văn 12
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
Đề:
Câu 1: Phân tích những diễn biến tâm trạng và hành động của Chí Phèo từ lúc gặp Thị Nở đến lúc kết thúc cuộc đời bằng tự sát trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.
Câu 2: Bình giảng khổ cuối bài Tràng giang của Huy Cận:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
BÀI LÀM
Câu 1:
Có hạt cát vô tình rơi vào làm xót lòng trai. Tháng năm... năm tháng hạt cát không mang tên, không số phận. Hạt cát lại trở thành hạt ngọc quý giá cho đời. Có những tác phẩm ví như đứa con mang nặng đẻ đau qua chín tháng mười ngày của người mẹ: những nhà văn đầy tâm huyết và trách nhiệm với nghề Nam Cao với thiên chức cao cả đó và thai nghén nên đứa con tinh thần Chí Phèo, bên cạnh những Lão Hạc, Đời thừa, Sống mòn.
Chí Phèo, tên nhân vật được Nam Cao đặt thành tên tác phẩm (sau hai lần đổi tên), xuất hiện xuyên suốt tác phẩm với một tấm bi kịch “bị cự tuyệt quyền làm người”. Nghĩa là từ lúc chào đời Chí đã mang lấy cái bi kịch tội nghiệp của số phận! Nhưng có lẽ những diễn biến trầm trọng và hành động của Chí thì lúc gặp Thị Nở đến khi tự kết liễu cuộc đời là khúc ca ai oán nhất, có thể gọi là bi kịch nhất trong những thứ gọi là bi kịch của Chí.
Và Nam Cao, sợ hóa thân hài hòa trong cuộc sống của người nông dân nghèo thời kỳ 1930-1945 với tấm lòng nhân đạo sâu sắc đã tạo nên giá trị của tác phẩm thông qua ngòi bút đầy tài năng của ông.
“Tài sản” duy nhất của một đứa trẻ bị vứt trong cái lò gạch hoang được người ta cứu vớt trước khi sắp chết chỉ là cái váy đụp “rách như tổ đỉa”. Đó là hình dạng nguyên vẹn của Chí Phèo lúc mới ra đời. Rồi Chí lớn lên, trở thành anh canh điền, sau mấy lần “thay cha đổi mẹ ” mà cũng không phải như thế, Chí cổ được làm con của ai bao giờ đâu? Anh canh điền chân đất, chăm làm lụng ấy vì sự ghen tuông của Bá Kiến đã bị chế độ nhà tù đế quốc “đào tạo” mất đi lương tính sau ngày trở lại quê hương.
Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ xuống vì hắn. Chính Bá Kiến và ủy quyền giai cấp thống trị mà hắn là đại diện cùng sức mạnh của đồng tiền đã tha hóa con người của Chí.
Chí mất hẳn nhân hình và nhân tính, hắn chỉ còn có men rượu làm bạn. Ai cũng trách hắn, hắn là kẻ cô đơn, nhất là chính bản thân hắn trong mê hồn trận của mình, hắn đã không cảm nhận được hay đôi khi cảm nhận nhưng không thể thay đổi được mọi việc mọi diễn biến xung quanh vì lúc nào hắn cũng say, rồi la hét, rạch mặt ăn vạ để đòi nợ cho gia đình tên Bá Kiến.
Hắn vẫn đương say, vẫn là “con quỷ dữ” cho đến cái đêm trăng ấy bên bờ sông. Hắn bắt gặp Thị Nở. Ả nằm ngủ ngon lành, bộ dạng “hớ hênh” làm thức tính một cái gì đó trong hắn. Đó không phải là tình yêu, mà chỉ là “bản năng” song cũng chẳng phải bản năng của con người bình thường! Rượu điều khiển hắn chứ hắn không tự chủ được bản thân từ khi nhận năm hào của Bá Kiến nữa rồi.
Sau đêm ấy, hắn bị ốm liệt giường. Mọi sự chắc cũng sẽ diễn ra bình thường, hắn cũng sẽ say, sẽ có một mình trong túp lều ọp ẹp của hắn. Nhưng Thị Nở với một chút tình thương trong tâm hồn người phụ nữ đã đến với hắn. Thị mang cho hắn một bát cháo hành. Ôi lạ thật, Chí đã từ ngạc nhiên rồi đến xúc động nghẹn ngào. Bát cháo là ân huệ từ trước đến nay hắn được nhận từ sự quan tâm, chăm sóc của một con người. Mắt hắn rưng rưng, đây là một sự thay đổi đầu tiên trong hắn, tự bao giờ có thấy hắn khóc bao giờ? “Ai chưa ăn cháo hành không biết là cháo rất ngon”. Phải chăng đời đã dành cho hắn chút ân tình? Và điều gì đã diễn ra d con người ấy?
Hắn đã dần bỏ rượu, cứ nghe mùi rượu là hắn ớn, những phút yêu đương với Thị Nở chiếm hết thời gian của hắn. Hắn tưởng Thị Nở đã chấp nhận hắn thì mọi người ắt sẽ chấp nhận được hắn thôi.
Nhưng cánh cửa Thị Nở mở cho hắn về với cuộc đời vội khép lại. “Con mụ ” dở hơi ấy vì “nhận ra mình còn một bà cô” nên đã “dừng yêu” về nhà hỏi cô. Bà cô là những đại diện cho những hà khắc. Những định kiến của xã hội cùng với tâm tính của một bà già còn “ở vậy” đã ngăn cắm cháu đến với Chí, một thằng suốt đời chỉ biết rạch mặt ăn vạ.
Chí Phèo nào biết mọi việc diễn ra theo chiều hướng xấu. Buổi sáng chờ Thị Nở đối với hắn thật là dài, và hắn thấy “Chao ôi! Buồn”. Mọi vật mà hằng ngày vì say mèm hắn quên để ý nên thứ gì cũng thấy mới mẻ. Hắn muốn uống rượu nhưng để có thời gian mà yêu, nên thôi. Diễn biến tâm trạng của hắn thật là khó diễn đạt. Có lẽ nào con người của ý chí, của lương tri đã sống lại trong hắn? Sự vật chung quanh bừng sáng, âm thanh mái chèo khuấy nước nghe là lạ. “Chao ôi! Buồn”, có gì đâu mà chẳng buồn đối với hắn. Hắn chợt nhớ... những ước mơ thời tuổi trẻ một mái gia đình nghèo thôi chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, có chút ít vốn thì nuôi mấy con lợn trong nhà. Anh canh điền của tuổi đôi mươi chợt hiện về trong Chí. Chí khao khát được trở lại với cuộc sống, trở lại với cộng đồng và trong ý nghĩ của Chí thì Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối đưa hắn trở về với đồng loại.
Bao dự định tốt đẹp mà hắn với Thị Nở sẽ làm như mạch suy tưởng của anh Chí với khát vọng sống ngày xưa. Chí chờ Thị và thời gian như bỡn cợt hắn. Và rồi Thị đến, Thị đem đến cho hắn, nếu lần trước là bát hành nóng, thì hôm nay là gáo nước lạnh tạt vào mặt. Mọi sự bất ngờ quá. Hắn cứ tưởng Thị đùa nên lấy làm thú vị. Rồi hắn ngạc nhiên! Và hắn hiểu. Hiểu cái xô của Thị. Lần thứ hai Chí khóc. Không thể mô tả bản mặt của Chí lúc này, hắn rất đáng thương. Nam Cao cũng chỉ có thể nhìn nhận đây là bản mặt của một con vật lạ khác mặt con quỷ trước đó.
Chí uống, mọi lúc để có can đảm làm việc gì đó như đi đòi nợ, rạch mặt ăn vạ, hắn chỉ việc uống cho thật say. Quái, sao càng uống càng tỉnh, “những thằng điên và những thằng say không bao giờ làm những việc mà trước đó hắn định làm”. Chí Phèo định đến nhà để “giết chết con mụ khọm già”. Hắn nghĩ tại bà cô của Thị Nở. Hắn xách dao đi trong trạng thái không say cũng không tỉnh nhưng không phải đến nhà bà cô Thị Nở mà lối ấy đến nhà Bá Kiến.
Khi không còn gì, dường như lúc ấy người ta lại còn rất nhiều. Chí còn gì đâu, nhân hình đã mất, nhân cách cũng không còn, Thị Nở là điểm tựa là niềm ao ước duy nhất của Chí để đưa Chí trở về với cuộc sống của cộng đồng. Nhưng Thị Nở đã khép mất cánh cửa hi vọng của đời Chí. Chỉ còn mối thù ai đã xô Chí đến con đường này, tiến không được, lùi cũng không xong. Có lẽ mọi sự đã hết nhưng Chí phải làm cho xong một việc. Đòi lương thiện cho mình.
Lần thứ ba, Chí đến nhà Bá Kiến, kẻ mà ngày mới ra tù về làng Chí định sẽ đến đòi nợ. Lần này Chí không đến lấy mấy hào bố thí, không đòi đi tù mà đòi cái thiêng liêng, cao cả nhất của con người mà chính Bá Kiến đã trực tiếp tước mất của Chí.
“Tôi đến để đòi lương thiện”. Câu nói xuất phát từ tận đáy lòng con người đang đi đến mức đường cùng của bi kịch. Chí Phèo đã vung dao giết chết Bá Kiến và Chí tự kết liễu đời mình ngay ở ngưỡng cửa trở về. Câu hỏi nhức nhối đến đau thương sau cùng của Chí “Ai cho tao lương thiện” và những lần Chí hét “Thì đây... này” chính là câu trả lời của bản thân Chí.
Bằng cảm nhận, người đọc thấy cái lôgic tất yếu lời nói và hành động của Chí Phèo ở cuối tác phẩm là rất tự nhiên rất phù hợp. Dĩ nhiên dù có những nghiệt ngã và bất ngờ - cái nghiệt ngã cái tự nhiên, cái lạ như quy luật cuộc sống! Thế nhưng, thử đọc lại và suy ngẫm, ta khó cắt nghĩa được thậm chí ta thấy đối ngược với ý niệm ban đầu: Tại sao Chí Phèo lại có thể nói như một nhà hiền triết? Tại sao con người bản chất nông dân ưa nôm na mách qué và đã có một quá trình bị rượu u mê lại có thể đường hoàng dõng dạc và nói mạch lạc, minh triết đến sâu thẳm cái ước mong vô vọng của mình? Thực ra, cái dõng dạc cái vênh mặt kiêu ngạo, cái lắc đầu khi đứng trước Bá Kiến lần này là “thừa kế” những lần say đến đòi tiền nhà Đội Tảo, những lần chủ động hung hăng đến gây tai họa cho dân Vũ Đại. Nhưng có lẽ cái hành động rất linh hoạt này, Chí đã “học” từ Bá Kiến bởi hàng ngày hắn lá mặt lá trái với con quỷ nham hiểm này. Còn lời nói? Cái từ “lương thiện” chẳng đã vang lên như điệp khúc khi Chí gần Thị Nở? Khi Chí khao khát Hắn thèm lương thiện (...) Họ sẽ nhận ra hắn vào (...) những người lương thiện. Mơ ước đôi lứa với Thị Nở, cái “lương thiện” trở thành một bào thai của hi vọng đang cựa quậy... Nhưng khi đối mặt với Bá Kiến cái tiếng ấy được “Cụ Bá ” nhắc lại như nói với thằng say một điều mà hắn phải tỉnh.
Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ!
Khát khao cháy bỏng của Chí với cụ Bá lại chỉ là một việc vớ vẩn không đáng lưu tâm "Ồ tưởng gì" cái việc lấy lương thiện cũng dễ như cái việc uống rượu đòi nợ và ăn vạ. Dù hiểu đời đến mức lọc lõi Bá Kiến cũng không thể hiểu ước mơ của Chí nó quan hệ tới sinh tử. Thế giới quỷ có bao giờ hiểu thế giới dù là đời thường nhất của người? Do đó lời “cụ Bá ” muốn “tri kỉ” với thằng quỷ mà mình vắt nặn nên trở thành lời nhạo báng với anh Chí vừa rời lốt quỷ: Chí Phèo nói và day dứt nhiều tới lương thiện có lẽ là vậy.
Lời nói của Chí Phèo phản ánh một thực tế trần trụi đến thô bỉ: “Định kiến” người đời đã không thể cho Chí qua một cái con sào barie ngáng đường, mà điều này không khổ lắm, bởi chỉ mình Thị Nở, Thị cũng có khả năng mở chốt nâng sào. Chí giận sôi sùng sục trong lời chất vấn mà kết án với Bá Kiến. Thực ra, Chí đang nói những ấm ức mà Thị Nở vừa “Trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô”.
Vậy là ngôn ngữ, giọng điệu thái độ có lẽ rất lạ của Chí đã có những yếu tố hiện thực tiềm năng trong quá khứ. Nó bất ngờ và vẫn tự nhiên là vì thế. Nhưng có lẽ tài năng của Nam Cao ở đây là ông đã mô tả một cách tuyệt vời những "vùng biên" tâm trạng rất vi tế thậm chí mơ hồ của con người, đâu là lời và hành động của Chí Phèo say? Đâu là anh Chí tỉnh? Thật khó rạch ròi. Cách phân tích là nên đọc lại và thêm một lần nữa khâm phục Nam Cao. Vậy là Chí không còn con đường lựa chọn nào khác, xã hội đã không thừa nhận. Thị Nở cũng đã bỏ hắn, mà trở lại với cuộc sống lưu manh tha hóa, thì Chí không thể nhân tính hắn mất, nhưng phút cuối cùng nó lại trở lại với anh Chí.
Chí Phèo ngoắc ngoải trên vũng máu, đây là hình ảnh mang sức tố cáo lớn. Nó tố cáo chế độ phong kiến, tố cáo nhà tù thực dân với sự nhơ bẩn của đồng tiền đã xô đẩy, tha hóa một con người. Giá trị nhân đạo của một tác phẩm qua ngòi bút của Nam Cao vừa đau đớn vừa như một nhát dao lạnh ông để lại cho thời đại cùng lên án một chế độ, về một cách cư xử khi nhìn người ta sung sướng thì ghen tuông vùi dập. Đó là hoàn cảnh với bao nhiêu sự cay độc, tàn ác đã chà đạp lên số phận con người. Chí Phèo và tuổi thơ đã là một bi kịch xót xa ngậm ngùi nhưng Chí Phèo với bi kịch dằng xé trong tâm hồn và những hành động đã bị ép vào con đường cùng thì càng khiến người đọc đau ran vùng cay đắng, nhức nhối một niềm thương cảm hơn. Chí chỉ mơ ước một cuộc đời bình dị, một người vợ cũng bình thường trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao xây dựng Thị Nở xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn, có lẽ ông đã dụng ý của kì công khắc họa một nhân vật xấu nhất trong văn học Việt Nam xuất phát từ thành tâm đem đến cho Chí một người phụ nữ thích hợp. Khác với mô-típ xây dựng nhân vật của những nhà văn đi trước hoặc cùng thời, nhân vật xấu người đẹp nết hay ngược lại, đó đã là một khía cạnh thể hiện sự nhân đạo của Nam Cao. Ông nhìn nhận sâu sắc bằng cả trái tim và tâm linh của người viết về cái phần hồn của mỗi người “Với con người phần hồn nặng hơn phần xác” (ý Nguyễn Minh Châu) Chí Phèo và Thị Nở, người thì mất cả nhân hình lẫn nhân tính. Người thì xấu xí lại ương dở “vô tư”. Nhưng chính Nam Cao đã phát hiện ra phần hồn được đánh thức của họ, xã hội đẩy đưa trong túm bọc thành kiến đã biến chất con người họ chứ như tự tâm hồn họ vẫn khát khao được sống được yêu như những người bình thường.
Hành động quyết liệt cuối cùng của Chí, tìm đến cái chết, có phải là hạn chế của Nam Cao cũng như nhân vật của chị Dậu của Ngô Tất Tố với cái “tiền đồ tối đen như mực”? Đây là điểm nhân đạo lớn của tác giả. Ông không muốn phải đứng về phía xã hội xưng hô với Chí bằng những tiếng “y” hay “hắn”. Ông không muốn Chí phải trở về với con đường cũ, về với sự cách biệt của xã hội mà muốn con quỷ làng Vũ Đại về với cái anh Chí ngày nào và nếu có chết cũng phải cắt đứt cái đuôi “phèo” rất nặng để thăng hoa thành người. Chí Phèo đã rất tội, ngay từ mở đầu “hắn vừa đi vừa chửi” đây là sự thèm khát được giao tiếp đến tột độ của nhân vật.
Tác phẩm đóng lại nhưng thực ra trong suy nghĩ của người đọc thì vẫn còn mô. Chị Dậu của Ngô Tất Tố về đâu với cái tiền đồ tối đen như mực? Còn Chí Phèo, cái chết là gì? Phải chăng đỉnh cao của bản trạng tố cáo chế độ phong kiến thực dân là máu của Chí, là nhân mạng? Cái chết như là biểu dương nhân cách, nhân tính. Nó khuyến dụ và cảnh cáo.
Nam Cao ơi! Sao rơi chi nhiều nước mắt? Hẳn tác giả đã khóc như bao lần Nguyên Hồng đã òa khóc cho Huệ Chi: “Nó chết rồi”. Cả tác phẩm Chí Phèo vùi trong cơn say, trong những diễn biến tâm trạng khác nhau còn đối với người đọc, lại là những phút giận và những giờ thương.
Không biết trong cái xã hội đen tối cũ, có bao nhiêu người bị đẩy vào bi kịch cả về tâm trạng lẫn hành động như Chí Phèo. Hỏi Nam Cao? Hỏi xã hội tấm lòng thương cảm của mỗi con người?
Câu 2: Bình giảng khổ thơ cuối trong bài Tràng giang của Huy Cận.
Nói đến Huy Cận, ta chưa có dịp đọc hết nhưng ta cũng có cảm giác buồn. Chế Lan Viên viết:
Đừng quên có một thời thơ đó
Tổ quốc trong lòng mà cũng như không.
Trong lòng mỗi đứa con đất Việt đều có chung một đất nước hình chữ “S” uốn lượn nhưng có cũng như không trong cảnh mất nước. Thế giới sầu của Huy Cận là cái vỏ bọc che chắn cho nhà thơ trong những phút tìm quên ấy.
Tràng giang cũng thuộc vào hệ thống những bài thơ đượm chất buồn của thi sĩ. Mỗi khổ là một điệu buồn man mác cả về cảnh lẫn tình. Khổ thơ cuối là tiêu biểu cho bức tranh đẹp mà buồn.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Cả bốn câu thơ đều có tâm cảnh và ngoại cảnh, nói cách khác đó là cảnh buồn gặp tình buồn. Hoàng hôn thường là buổi diễn tả hay nhất sự buồn sự nhớ (như Bà Huyện Thanh Quan) nhưng Huy Cận đã phủ định “không” để nói lên cái cổ trong lòng mình.
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” có từ láy “lớp lớp” tạo cảm tưởng mây nhiều quá, toàn những áng mây trắng nhiều hình thể đùn đẩy, chen nhau trên cái nền trời với đỉnh núi xa xăm phủ màu trắng kim loại bạc. Câu thơ tạo không khí buồn ngay từ sự liên tưởng với nét vẽ tài tình của nhà thơ, từng gam màu chồng lên nhau, đồng hiện gây ấn tượng cho óc liên tưởng của người đọc.
Trong bức tranh chiều buồn ấy, một cánh chim mỏi.
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ.
(Hồ Chí Minh)
Như tăng thêm sức gợi: cảnh buồn mà hồn người càng buồn hơn.
Cánh chim nhỏ chao nghiêng, dưới góc độ của nhà thơ như đã làm bóng chiều cũng theo đó mà sa xuống. Động từ sa nằm ở vị trí này cùng với dấu hai chấm là nét chấm phá cực hay. Sự đối lập giữa cái nhỏ bé của cánh chim và cái bao la của bóng chiều tà càng tăng thêm nỗi niềm của kẻ xa nhà:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Hai câu cuối bộc bạch quá rõ tâm tình của nhà thơ. Thì ra, cảm giác buồn điệp điệp, cô liêu đều là do nhớ nhà.
Thơ viết về tình cảnh nhớ thương, lưu luyến gia đình quê hương không phải chỉ đến Huy Cận mới có nhưng dường như đọc những câu thơ của Huy Cận thì không lẫn vào đâu được cái cảm giác buồn lai láng của "thế giới sầu" ở nhà thơ.
Hai từ láy "dợn dợn" được đặc biệt lưu ý vì có nhiều độc giả đọc thành “dợn dợn”. Phải là “dợn dợn” mới lạ và gây sức cảm mạnh. Cái ngoại cảnh đã có muôn ngàn lớp sóng vỗ trong lòng người, trong tâm cảnh.
Khói sóng là tác nhân mạnh mẽ gây nên nỗi nhớ trong tứ thơ Thôi Hiệu (nhà thơ Trung Quốc), còn đối với Huy Cận lời tâm sự bắt đầu bằng từ chữ “không” phủ định dùng cái không mà khẳng định thật cái có nỗi nhớ nhà.
Bốn câu thơ như là một bài thơ tứ tuyệt tả cảnh ngụ tình rõ ràng là như vậy, bến Chèm ở sông Hồng gợi về vùng quê sông nước Hương Sơn (Hà Tĩnh) của nhà thơ. Đó là một tình cảm đẹp mà thực của nhà thơ, nó xuất phát từ tâm trạng hiện tại. Xa nhà và buồn cảnh đất nước. “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Nỗi buồn “điệp điệp” ấy bao phủ cả thi phẩm và đến khổ cuối như một nỗi niềm òa vỡ không sao kiềm chế được.
BÀI LÀM 2
Nguyễn Minh Châu đã có nhận xét về Nam Cao: “Cả đời cầm bút của Nam Cao ông chỉ đau đáu nhìn vào nhân cách của con người”. Điều này thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm của Nam Cao. “Chí Phèo” là một ví dụ điển hình. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp Thị Nở đến khi kết liễu cuộc đời trong truyện ngắn cùng tên, tác giả đã thể hiện tài năng, bản lĩnh nghệ thuật của mình, đồng thời cũng bộc lộ rõ tấm lòng nhân đạo sâu sắc của ông.
Trước khi gặp Thị Nở, cuộc đời Chí Phèo đã trải qua hai chặng đường: làm thuê cuốc mướn và ở tù rồi ra tù. Hắn vác cái mặt “câng câng, cái đầu thì trọc lóc, hai hàm răng trắng ớn" về làng, cam lòng làm tay sai cho kẻ thù - Bá Kiến đã gieo rắc tai họa kinh hoàng cho dân làng Vũ Đại. Và rồi vào đêm trăng định mệnh của số phận, hắn đã gặp Thị Nỡ, mở đầu cho một giai đoạn mới trong cuộc đời Chí. Sau cái đêm ấy thì Chí ngã bệnh. Hắn chưa bệnh bao giờ. Thế mà giờ đây lại yếu đến thế. Buổi sớm mai thức dậy, tâm trạng của Chí được miêu tả thật tài tình qua ngòi bút của Nam Cao. Mở đầu là “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” và rồi “tiếng của anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, rồi những người đàn bà đi chợ Nam Định.
Vải hôm nay bán mấy?
Kém ba xu dì ạ.
Tất cả những cái đó đột nhiên vang vang trong lòng Chí. Tất cả rất quen mà với hắn, chợt trở nên mới, nên lạ. Vì hôm qua, hôm kia, cả bao hôm trước nữa. Chí có nghe những tiếng ấy bao giờ đâu khi đang chìm trong những cơn say bất tận của cuộc đời. Giờ đây, tỉnh lại, tiếng cuộc đời, tiếng con người đang lăn náo nức, cứ dội vang mãi trong lòng Chí. Phải rồi! Tiếng của cuộc đời lương thiện đang vang lên trong anh. Con quỷ dữ sau cơn ốm bệnh dường như đã lấy lại được một phần con người, một phần hiền lành lương thiện của anh Chí hôm nào. Chí lắng nghe tất cả, thế rồi bỗng thấy “lòng bâng khuâng mơ hồ buồn”, lát nữa lại buồn: “Buồn thay cho đời”. Một cảm giác lạ đang len lỏi trong lòng Chí Phèo. Tiếp sau nỗi buồn là nỗi lo sợ, sợ đói, rét, cô độc, “Cô độc ư?” Cái này còn đáng sỢ hơn cái đối và cái rét. Chí đã dần nhận ra thảm cảnh của đời mình: bơ vơ, lạc lõng không ai thân thích, không ai nương tựa. Trong nỗi sợ ấy, Chí cũng đang hình dung lại hình như ngày xưa hắn cũng có một ước mơ: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, lại có một con lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng”. Một ước mơ nhỏ nhoi thôi tầm thường lắm nhưng rất con người. Trước đây thì còn là một anh Chí “hiền như cục đất ”, biết “nhục chớ yêu thương gì" khi bị bà Ba bắt lên bóp chân, ước mơ ấy hiện hữu trong anh. Trải qua những tháng ngày tăm tối, u mê, ước mơ đã tắt lịm hẳn, nhường chỗ cho cái ác, cái thú tính lên cao. Giờ đây, sau cơn say khi một phần “người” đã trỗi dậy, ước mơ ấy đã lại trỗi dậy theo, tha thiết, cồn cào. Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo được Nam Cao khắc họa thật đậm nét. Buồn, lo sợ, ước mơ. Đó là những nét tính cách rất người, đặc biệt là ước mơ rất đời thường ấy. Trong lúc Chí Phèo đang ngổn ngang trong bao tâm sự, nỗi niềm thì chất xúc tác đưa hắn trở lại làm người xuất hiện. Đó là Thị Nở. Thị đến mang cho hắn bát cháo hành giải cảm. Và chính liều thuốc giải độc này góp phần thức tỉnh con người bấy lâu bị chìm lấp trong Chí Phèo.
Phải nói rằng Nam Cao đã rất dụng công khi miêu tả hành động Chí ăn cháo. Đầu tiên là hắn “ngạc nhiên” vì trước đây hắn chỉ toàn cướp “chứ có xin của ai hay ai cho bao giờ” lần này thì lại được “một người đàn bà cho ngạc nhiên”, rồi cảm động, “hắn thấy mắt mình như ươn ướt”. Và rồi Chí đã đón nhận bát cháo từ tay Thị Nở như một báu vật. Hắn chưa vội vã ăn mà ngửi đã, sau đó mới “húp một húp” - cách thức hành động này của Chí Phèo đâu còn là ăn nữa mà là thương thức và tận hưởng, thưởng thức và tận hưởng hương vị của cuộc đời và của tình người. Sau đó, lần đầu tiên ta thấy Chí Phèo triết lý: “Những con người chưa bao giờ ăn cháo hành không biết cháo rất ngon”. Ngon cũng là phải vì Chí có được ăn bao giờ đâu “mà có ai nấu cháo Chí ăn”. Chính vì thế, Chí Phèo đã rất trân trọng vật báu này. Bát cháo hành nồng đượm hương vị tình đời, tình người xuất hiện giữa mênh mông bao nhiêu là rượu trong cuộc đời Chí Phèo. Cũng như Thị Nở vậy, tình yêu giữa Thị xuất hiện như ánh chớp lóe lên giữa cuộc đời đầy đặc những số không to tướng của Chí Phèo; không cha mẹ, không gia đình, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai. Nếu như đêm trăng ấy như một ý kiến đã nhận xét, Thị chỉ khơi dậy bản năng sinh vật trong con người Chí thì hôm nay, với bát cháo hành, Thị đã cứu rỗi tâm hồn Chí bằng tình yêu của mình. n xong cháo, Chí thấy “thèm làm hòa với mọi người biết bao”, “thèm làm người lương thiện” biết bao, và Chí nhận ra rằng Thị chính là cái cầu nối nối hắn, giúp hắn quay trở lại với xã hội bằng phẳng của những con người lương thiện. Thị Nở vừa là người tình, lại vừa như người mẹ soi đường cho hắn, vì thế hắn đã muốn “làm nũng với Thị như mẹ” đấy thôi. Và thế là hai con người khốn khổ khốn nạn đã kết hợp lại với nhau trong cái khát vọng hạnh phúc, và muốn làm người lương thiện, bình thường.
Khác với Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân, khi có được hạnh phúc, Tràng cảm thấy “nên người"’ hơn, còn Chí, người ta đã tước đoạt ngày hạnh phúc của anh. Sau những ngày yêu thương hạnh phúc. Nghe lời bà cô, Thị Nở đã bỏ rơi Chí không thương tiếc. Cái ao ước được “yêu khi tính” sau những tháng ngày “ăn trong khi say, ngủ trong khi say” của Chí đã bị định kiến xã hội ngăn cản. Đau đớn thay Chí Phèo, và anh lại tìm về với rượu. Thế nhưng “hơi rượu không sặc sụa mà thoang thoảng thấy hơi cháo hành” anh càng uống lại “càng tỉnh ra”, “tỉnh ra! Chao ôi, buồn” Chí đã nhận ra cái bi kịch cự tuyệt quyền sống quyền làm người của mình. Thế là anh vác dao đến nhà “con đĩ Nở, giết hết nó và cả con khọm già nhà nó” Thế nhưng, lí trí lại dẫn anh sang nhà Bá Kiến. Nhưng câu đối đáp của anh và Bá Kiến xốn xang lòng ta đến lạ “Tao không có đến đây để xin năm hào. Tao muốn làm người lương thiện!” “Ai cho tao lương thiện”, “tao không làm người lương thiện nữa được rồi!”. Và Chí đã đâm Bá Kiến rồi tự tử. Bá Kiến chết vì đã đoán lầm Chí Phèo, đó không là một tên say nữa mà đó là một con người khát khao quyền sống, khao khát lương thiện. Ai bảo Chí Phèo say khi đến nhà Bá Kiến? Say ấy chỉ say phần “con” để tỉnh thức phần “người”, mà chiến đấu với chính mình giành lương thiện. Chí Phèo gục ngã trước ngưỡng cửa cuộc đời nhưng khát khao sống ấy còn cháy mãi.
Có nhiều ý kiến nhận xét cách viết của Nam Cao là sắc, lạnh, tỉnh táo và đóng cũi tình cảm. Thế nhưng ta thấy ngòi bút của ông tràn đầy tính nhân đạo, không nhân đạo sao nhà văn lại thấy được những mơ ước, khao khát rất đời thường, lại đắm sâu trong tâm hồn của những con người đã bị tha hóa, biến dạng về cả nhân tính lẫn nhân hình. Những trang văn Nam Cao viết mô tả lúc Chí Phèo vừa tỉnh dậy mới thấm đẫm tấm lòng thương người của ông biết bao! Và cả bát cháo hành mà Nam Cao đã dụng công miêu tả nữa. Nó xuất hiện bất chợt giữa cuộc đời Chí Phèo, mang lại cho anh chút hương vị của lòng người để lắng lại trong anh cái phần “con” độc ác, xấu xa, đồng thời thổi bùng lên ngọn lửa khát khao lương thiện làm người. Trong những con người bị tha hóa đến cùng cực như Chí Phèo. Nam Cao vẫn thấy ở đó một khát khao mãnh liệt. Chính vì vậy ông đã để cho nhân vật của mình “vác dao đi đòi lương thiện”.
Còn một nét nhân đạo nữa đó là Nam Cao đã để cho nhân vật của mình được chết. Ông biết Chí Phèo sống không thể trở thành anh bộ đội cụ Hồ tự cứu lấy đời mình, cũng không để anh sống tù tội để rồi nhà tù thực dân phong kiến gắn thêm cho anh cặp sừng, cái đuôi, để anh thành con quỷ ác hơn, dữ hơn cái anh đã từng làm ở làng cũ Vũ Đại. Cuộc hôn phối giữa “con quỷ dữ của làng Vũ Đại - Chí Phèo và một con vật gì rất tởm” - Thị Nở cũng là một cách nhìn hết sức nhân đạo của Nam Cao. Nhân đạo ở chỗ ông đã thấy cái mơ ước, khát khao được hạnh phúc của những con người cùng khổ.
Chí Phèo sống khổ mà chết vật vã cũng khổ. Qua bi kịch đó nhà văn tố cáo một xã hội đã đày đọa, tha hóa, bần cùng hóa con người, đẩy họ vào chỗ biến dạng cả nhân tình lẫn nhân hình. Nam Cao viết nhiều đến cái “đói” nhưng riết nóng nhất trong văn của ông là cái “đói người” trong sự giành giật của phần “con” và ông lớn tiếng đòi quyền sống cho phần “người” ấy.
Đọc xong truyện mà câu hỏi “Ai cho tao lương thiện” của Chí Phèo ám ảnh ta mãi. Quả thật với tấm lòng nhân đạo sâu sắc và tài năng của mình. Nam Cao miêu tả những vết thương trong nhân cách con người. Nhưng ông xoáy sâu mà tìm cách chạy chữa cho nó. Với những trang văn và những bi kịch điển hình như Chí Phèo, Nam Cao đã lớn tiếng đòi tự do, hạnh phúc cho con người, cũng như lời gọi: Hãy cứu lấy, bảo vệ cho nhân cách con người! Với đề tài đã khai thác tối đa như đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao với lưỡi xẻng ngôn từ và tài năng của mình, vẫn có thể “tìm tòi”, “khơi được những nguồn chưa ai khơi”, lật lên nhiều mảng khổ đau và mảng đẹp mới, trong tính cách, trong bản chất của người nông dân Việt Nam ở thời điểm đêm trước của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại.
Câu 2:
Có bao nhiêu dòng sông lặng lờ chảy qua những trang thơ trong phong trào Thơ mới 1930-1945. Ta rợn ngợp với “Sống lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời” trong “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu, bâng khuâng với “Lai láng niềm trăng tương dạ nước” trong thơ Thúc Tề, lãng đãng khói sương với “Bến sông trăng” trong “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử và nặng trĩu bao nỗi lòng với “Tràng giang” của Huy Cận. “Tràng giang” là một bài thơ hay tuy kết thúc bài thơ mà còn vẫn mênh mông bao điều. Khổ cuối bài thơ, có khép lại một cái gì đó nhưng mở ra nhiều, gợi sâu thẳm một nỗi niềm sông núi đầy sức hấp dẫn và ám ảnh.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Có những khoảnh khắc thần diệu của nỗi niềm làm bật lên, phát sáng những vần thơ có sức hút kì lạ. Điều đó cũng ứng với “Tràng giang”? Đứng ở bờ Nam bến Chèm bên bờ sông Hồng, dường như nỗi buồn của Huy Cận còn dài, rộng, lai láng hơn dòng sông trước mặt. Thế rồi cả dòng buồn lặng lẽ ấy đã chảy qua những dòng thơ, thấm đẫm dòng thơ. Nỗi buồn chảy tràn từ câu thơ này xuống câu thơ khác “Tràng giang” và đến hạ lưu - khổ cuối bài thơ, dường như nó lại bồi đắp thêm bao nỗi niềm trước khi tung mở, chảy trôi khắp tâm hồn người đọc. Mở đầu khổ cuối là một hình ảnh đầy sáng tạo.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.
Ánh nhìn của nhà thơ đã hướng lên trên. Hình ảnh núi, mây trắng bạc ấy đã in đậm trong đôi mắt thi nhân. Sau này trong “Tây Tiến”, Quang Dũng đã có nói đến “cồn mây”.
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Nhưng xem ra nó chưa thật ấn tượng và hùng vĩ như núi mây bạc ở Tràng giang. Ta hình dung trên bầu ười cao rộng ấy, mây trắng đang đùn thành tảng núi lớn hùng vĩ, lộng lẫy sắc bạc. Từ “đùn” Huy Cận dùng thật đắt. Sau này, ông cũng có dùng chữ “đàn” trong bài thơ khác nổi tiếng của mình:
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Ở “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, Huy Cận nói ông đã mượn chữ “đùn” của Đỗ Phủ trong câu thơ:
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Từ “đùn” quả thật tự bên trong nó đã có một nội lực, và chính nó đã tạo nên một giá trị tạo hình độc đáo của câu thơ. Và trên nền trời lộng lẫy những núi mây ấy, nhà thơ đã điểm xuyết một cánh chim chiều.
Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa.
Có thể nói đây là một trong những câu thơ hay nhất của bài. Một cánh chim lại “nghiêng cánh nhỏ” chơi vơi giữa một khung cảnh cao rộng như thế mới thấy hết cô đơn, lạc lõng của con người, chỉ như “củi một cành khô lạc mấy dòng” hay một cánh chim mà thôi.
Cánh chim đã nhỏ, lại chở nặng cả bóng chiều trên đôi cánh ấy, nên chỉ khẽ nghiêng cánh, bóng chiều đã “sa” đã đổ ập xuống dòng sông và lòng người. Đến đây ta mới hiểu vì sao Huy Cận ở khổ thơ thứ hai lại viết.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót.
Thì ra, bóng chiều trĩu nặng ấy đã “sa”, đã nằm sâu trong lòng sông cũng như lòng người mất hẳn rồi Nặng nề đến thế nên mới kết bài thơ bằng hai câu thơ.
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Từ “dợn dợn” nghe thật lạ, đặc biệt. Huy Cận đã nói lên cái nặng nề của dòng sông đang chảy trôi và lòng người đang thấm thía nỗi buồn. Trên sông có khói thường buồn. Người xưa có câu “Yên ba sầu sát nhân” (khói sóng buồn đến chết người), cả Thôi Hiệu cũng cổ hai câu thơ nổi tiếng mà Tản Đà đã dịch:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
Thế nhưng với Huy Cận, chẳng cần khói sóng hoàng hôn cũng “nhớ nhà”, lòng quê vẫn dậy lên một nỗi niềm man mác. Phải nói trong lòng thi nhân nỗi buồn lo ấy to lớn vô cùng, nén kín, dằn sâu mà chỉ chực trào ra, chẳng cần ngoại cảnh làm chất xúc tác. Nỗi buồn vẫn bay lên che phủ khắp hồn người. Nỗi buồn ấy không còn cộng hưởng với ngoại cảnh, tự nó đã rung lên tiếng lòng tha thiết nhất, ô-giê-rốp có câu: “Thơ là thể loại để lại nhiều khoảng trắng trên giấy trắng”. Thế nhưng d bài thơ này, cụ thể là khổ cuối mà ta đang khám phá, những khoảng trắng giữa các dòng thơ chưa được cảm xúc của người đọc dâng lên lấp đầy thì nó đã đong đầy nỗi buồn của thi nhân mất rồi.
Lê Di có nhận xét:
Là Tràng giang, khổ nào cũng dập dềnh sóng nước,
Là tâm trạng, khổ nào cũng lặng lẽ u buồn.
Khổ cuối bài thơ Tràng giang cũng vậy. Nó không thoát khỏi cái mạch buồn đã được khơi nguồn từ đầu bài thơ. Có thể nói ở khổ thơ cuối này, Huy Cận đã đưa nỗi buồn sông núi của mình thăng hoa. Hiểu khổ thơ cuối, hiểu bài thơ, ta mới cảm hết được tâm hồn “mang mang thiên cổ sầu” của ông. Dòng buồn chảy quanh, chảy tràn vào trong mười sáu vần thơ, nó đã hợp lưu với những dòng thơ ấy thành những dòng trữ tình lặng lẽ chảy trôi trong tâm hồn người đọc, những dòng trữ tình lặng lẽ, như đã nổi ở trên đây, đầy sức hấp dẫn và ám ảnh.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 12
- Tuần 2 sgk ngữ văn 12
- Tuần 3 sgk ngữ văn 12
- Tuần 4 sgk ngữ văn 12
- Tuần 5 sgk ngữ văn 12
- Tuần 6 sgk ngữ văn 12
- Tuần 7 sgk ngữ văn 12
- Tuần 8 sgk ngữ văn 12
- Tuần 9 sgk ngữ văn 12
- Tuần 10 sgk ngữ văn 12
- Tuần 11 sgk ngữ văn 12
- Tuần 12 sgk ngữ văn 12
- Tuần 13 sgk ngữ văn 12
- Tuần 14 sgk ngữ văn 12
- Tuần 15 sgk ngữ văn 12
- Tuần 16 sgk ngữ văn 12
- Tuần 17 sgk ngữ văn 12
- Tuần 18 sgk ngữ văn 12
- Tuần 19 sgk ngữ văn 12
- Tuần 20 sgk ngữ văn 12
- Tuần 21 sgk ngữ văn 12
- Tuần 22 sgk ngữ văn 12
- Tuần 23 sgk ngữ văn 12
- Tuần 24 sgk ngữ văn 12
- Tuần 25 sgk ngữ văn 12
- Tuần 26 sgk ngữ văn 12
- Tuần 27 sgk ngữ văn 12
- Tuần 28 sgk ngữ văn 12
- Tuần 29 sgk ngữ văn 12
- Tuần 30 sgk ngữ văn 12
- Tuần 31 sgk ngữ văn 12
- Tuần 32 sgk ngữ văn 12
- Tuần 33 sgk ngữ văn 12
- Tuần 34 sgk ngữ văn 12
- Tuần 35 sgk ngữ văn 12