Đề: Phân tích bi kịch người trí thức trong xã hội cũ là nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao

Cùng với truyện ngắn Chí Phèo, Đời thừa là một tác phẩm xuất sắc của Nam Cao trước cách mạng. Tuy không có một cốt truyện hấp dẫn, tình tiết éo le ly kì nhưng truyện Đời thừa đã khẳng định những quan điểm tư tưởng và quan điểm nghệ thuật tiến bộ có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống; đối với công việc sáng tạo văn chương.

BÀI LÀM

Cùng với truyện ngắn Chí PhèoĐời thừa là một tác phẩm xuất sắc của Nam Cao trước cách mạng. Tuy không có một cốt truyện hấp dẫn, tình tiết éo le ly kì nhưng truyện Đời thừa đã khẳng định những quan điểm tư tưởng và quan điểm nghệ thuật tiến bộ có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống; đối với công việc sáng tạo văn chương. Có được điều đó là nhờ Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật Hộ và qua nhân vật này ông nêu rõ những bi kịch đau đớn của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Hộ ý thức sâu sắc về giá từ cuộc sống nhưng lại bị xã hội đẩy vào tình cảnh sống vô nghĩa, sống với cuộc sống đời thừa, với con người thừa. Họ đề cao lẽ sống tình thương, coi đây là đạo lý làm người lớn nhất nhưng cuối cùng do hoàn cảnh xã hội, họ đã chà đạp lên lẽ sống tình thương ấy.

Trước hết nói về bi kịch trong sự nghiệp của Hộ.

Có nhiều nhân vật của Nam Cao như được gợi ra từ cuộc đời số phận mang bóng dáng, tính cách của chính nhà văn. Đó là Thứ trong Sống mòn, Điền trong Trăng sáng, Độ trong Đôi mắt và ở đây là nhà văn Hộ.

Hộ là một nhà văn có khát vọng cao đẹp “muốn nâng cao giá trị đời sống của mình bằng sự lao động thật sự, bằng sự sáng tạo nghệ thuật để cống hiến cho xã hội”. Với Hộ, văn chương là trên hết, vì lý tưởng nghệ thuật anh có thể chịu đựng mọi gian khổ thiếu thốn và hi sinh tất cả “đói rét không có nghĩa lý vì đối với gã tuổi trẻ say mê lý tưởng. Đối với hắn lúc ấy nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa”. Ý nghĩa ấy của Hộ không phải là quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, hoàn toàn thoát ly cuộc sống mà suy đến cùng đấy là quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, là niềm say mê quên mình cho một người cầm bút có hoài bão cao đẹp. Cả đời mình, cái hoài bão mà Hộ theo đuổi và cố đạt tới là một sự nghiệp văn chương chân chính có ích cho mọi người bởi tư tưởng nhân tạo thấm sâu trong từng tác phẩm cụ thể, “nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao mạnh mẽ vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”. Không những thế, Hộ còn mong muốn tác phẩm của mình có hình thức biểu hiện thật điêu luyện để trên con đường nghệ thuật anh đạt tới đỉnh cao của sự vinh quang “hắn bâng khuâng nghĩ tới một tác phẩm, nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi nhưng quyền ấy sẽ ăn giải Nobel và được dịch ra mọi thứ tiếng trên toàn cầu”.

Tuy có phần hơi ảo tưởng và có phần hơi bốc đồng của hơi men nhưng khát vọng đó chính là mục đích của Hộ đeo đuổi. Nó không phải là sự háo danh tầm thường mà đấy là niềm mong muốn được khẳng định vị trí, vai trò cá nhân của mình trước cuộc đời, đây cũng là biểu hiện sự không bằng lòng với một cuộc đời mờ nhạt vô nghĩa. Nói tóm lại, con người có tự trọng, có lí tưởng là con người đặt ra một mục đích để phấn đấu, mục đích ấy thành đạt đó chính là sự nghiệp của mình. Mỗi thời một cách nói khác nhau, một mục đích khác nhau, một sự nghiệp khác nhau nhưng suy cho cùng ước mơ của Hộ chính là cái nợ tang bồng “vay trả trả vay” của Nguyễn Công Trứ, là “Làm trai phải lạ ở trên đời” của Phan Bội Châu... Thời kì 1930-1945, những trí thức đã làm văn hóa, coi sự nghiệp ấy như là sự trả nợ non sông... Chúng ta thấy cần đánh giá cao các mục đích mà Hộ (cũng như các nhà văn đương thời đặt ra). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đây là thời kì ý thức cá nhân được đánh thức mạnh mẽ nhất. Không khẳng định được mình có nghĩa là đã chết.

Hộ đang bay trên đôi cánh của khát vọng với những viễn tưởng đầy hứa hẹn. Có điều cái hoài bão văn chương cao đẹp của Hộ đã không thể thực hiện được bởi thực tế phũ phàng, bởi không những cảm hứng nghệ thuật lớn mà chỉ là những xúc cảm tầm thường. Đó là “những lo lắng tủn mủn về vật chất, những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lý” của cuộc sống cơm áo ghì sát đất. Nói như Xuân Diệu “cơm áo không đùa với khách thơ”. Mọi sự đã thay đổi khi Hộ lấy Từ làm vợ, cũng có nghĩa là “hắn có cả một gia đình phải chăm lo”. Hắn hiểu rõ nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Vì gia đình, vì vợ con, Hộ không còn khinh đồng tiền như hồi còn độc thân, trái lại anh phải ra sức kiếm tiền với cái nghề duy nhất, bạc bẽo nhất là viết văn. Nhưng cũng vì phải kiếm tiền, Hộ không thể viết một cách thận trọng, theo yêu cầu khắt khe của nghệ thuật chân chính mà anh phải viết theo đơn đặt hàng. Muốn vợ con không chết đói thì phải viết nhiều. Muốn viết nhiều thì phải viết nhanh, muốn viết nhanh thì phải viết ẩu. Do vậy, dễ dãi, cẩu thả, bất lương, đê tiện là cái cơ chế vô hình đã đánh hỏng một đời văn. “Hắn phải cho in những cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết nhiều bài báo để người đọc quên ngay sau lúc đọc... Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, diễn một vài ý thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá dễ dãi, hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương”.

Cái bi kịch của Hộ chính là ở chỗ đó. Nếu không biết ăn năn có lẽ Hộ sẽ không đau khổ. Người ta chỉ thực sự sa vào bi kịch khi ý thức một cách sâu sắc t bi kịch của chính mình. Hộ đã tự sỉ vả mình bằng những lời thậm tệ: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng đã là bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Văn chương Hộ coi như cái đạo rất thiêng liêng và sáng tạo chính là tư cách thiêng liêng của người nghệ sĩ, thế mà Hộ lại dùng văn chương để lần hồi kiếm miếng ăn, biến nó thành công việc của thợ, thành trò khéo tay tầm thường... Hộ đã chà đạp lên cái khát vọng ước mơ sống của mình. Xác định mục tiêu làm nghệ sĩ nhưng bằng hành động Hộ đã tước bỏ thiên chức nghệ sĩ.

Đau đớn nhất là Hộ đối diện với mình, với tư cách là độc giả. Anh đọc văn của cái “thằng tôi” để mà “nghiến răng vò nát sách, mắng mình như một thằng khốn nạn”. Hộ đau đớn không phải vì không được viết văn mà viết rất nhiều những trang văn của... thơ. Hộ đau đớn cũng chẳng phải vì quá mệt mỏi với gánh nặng áo cơm mà chính cái gánh nặng ấy đã khiến anh không thực hiện được cái hoài bão văn chương cao đẹp của mình. Khi thấy mình là một kẻ bất lương đê tiện, là một kẻ vô ích thì Hộ nhận ra rằng mình là một người thừa. Buồn... chán. Nhục nhã... Ê chề. Đau đớn lương tri, lương tâm của Hộ đã bị quát tứ phía, Hộ thấy đời mình không còn nghĩa lý, như một thứ đồ đã bỏ đi “thôi thế là hết. Ta đã hỏng: Ta đã hỏng đứt rồi”. Đấy chính là nỗi đau tư tưởng của một người trí thức, của một nhà văn, ý thức sâu sắc về một cuộc sống chân chính có ý nghĩa. Khao khát khẳng định vai trò của mình trong xã hội nhưng thực tế nghiệt ngã của xã hội lại đẩy anh ta vào tình cảnh phải chấp nhận sống vô nghĩa. Cũng như Chí Phèo, Nam Cao đã nói được cái bi kịch đau đớn nhất của con người. Bi kịch bị tha hóa - mình không được là mình, mình bị ngoại lực sai khiến mình như con rối, như công cụ.

Qua bi kịch về sự nghiệp của một nhà văn, Nam Cao đã tố cáo một xã hội đã vùi dập mọi ước mơ khát vọng của con người, đã cướp đi cái ước mơ đẹp đẽ của cuộc sống xứng đáng làm con người; cái xã hội thù địch với khát khao vươn lên làm người, nó có sức đánh hỏng đời người...

Ngoài bi kịch sự nghiệp Hộ còn gặp bi kịch tình thương.

Thật ra đây là con đường mở cho sự bế tắc của bi kịch thứ nhất, nhưng mở ra để rồi lại càng thấy tối tăm và bế tắc hơn. Nếu Hộ cứ tiếp tục ăn năn, cứ giày xé và cứ biến lương tâm mình thành một bãi chiến trường không ngơi nghỉ với sự cay đắng về sự nghiệp thì Hộ đã tự đầu độc mình, càng ăn năn Hộ càng dìm mình vào bi kịch và tất yếu sẽ chết đuối trong cái bi kịch đó. Chỉ một giải thoát mà Hộ tưởng là hữu hiệu đó là triết lí tình thương, là sự hi sinh. Hộ phải lựa chọn một trong hai cách nghiệt ngã: muốn đeo đuổi sự nghiệp, đeo đuổi lý tưởng làm nhà văn thì phải vứt bỏ vợ con, để vợ con nheo nhóc thậm chí chết đói, còn muốn cưu mang vợ con thì phải từ bỏ lí tưởng, sự nghiệp. Hoặc là nghệ thuật hoặc là tình thương, hoặc là khát vọng hoặc là bổn phận. Muốn thành công cho mình thì phải tàn nhẫn.

Hộ đành phải hi sinh bởi Hộ là một con người nhân hậu, vị tha, giàu tình yêu thương. Trong đôi mắt của Từ - vợ Hộ - thì chồng mình là một ông thánh. Cuộc sống của Hộ không có gì sung sướng, Hộ đã gặp Từ, khi cô ở trong một hoàn cảnh tuyệt vọng bị một tên sở khanh phản bội, cả tính mệnh và danh dự bị đe dọa. Từ không có cách gì kiếm sống để nuôi một mẹ già, nuôi bản thân và một đứa con mới sinh. Vậy mà Hộ đã “cúi xuống nỗi đau khổ của Từ... đã chịu nhận Từ làm vợ”. Đây không phải là tình yêu chỉ có tình thương rất lớn của Đấng Cứu Thế mới có sự hi sinh lớn như thế, Hộ không phải là tình nhân mà là người bảo hộ, là một ân nhân với nạn nhân. Quá khứ như thế, Hộ không thể vứt bỏ cái khát vọng thiêng liêng nhất của mình là tiếp tục cưu mang, tiếp tục chung thủy với lẽ sống tình thương. Tuy nhiên, cái bi kịch thứ hai này nó trở nên cùng quẫn, nó là một cuộc chiến tranh cài răng lược giữa cái thiện và cái ác.

Khát vọng để làm người nghệ sĩ cao đẹp nó đâu chết, nó chỉ ngủ quên trong giây lát. Nó cứ âm ỉ cháy, có cơ hội là nó thức dậy. Nó cũng sống như bản tính lương thiện của Chí Phèo: nó đâu tắt, chỉ cần ngọn gió tình thương của Thị Nở là nó bùng lên. Ấy là những khi gặp những bạn văn chương hay nghe tin về sự thành đạt của đồng nghiệp. Cái mặc cảm sống vô ích, sống thừa, mặc cảm thua kém, mặc cảm giữa đường đứt gánh đã vò xé tâm can Hộ với mọi nỗi đớn đau. Hộ đã muốn cắt bỏ mọi sợi dây ràng buộc của tình thương và tâm đắc lời của một triết gia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Hộ cảm thấy mình không làm được như vậy “có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường”. Và rồi Hộ lại quay về với triết lí tình thương “không có tình thương, con người chỉ là quái vật”... Hộ thấy hận đời, sầu đời và tìm đến rượu để quên. Nhưng rượu lại như một thứ dầu tưới vào lửa hận trong lòng. Những lo lắng chuyện cơm áo gia đình, những ì xèo không thể nào tạo ra sự yên bình thư thái của tâm hồn khiến Hộ trở thành bứt rứt và đến lượt anh biến vợ con thành nạn nhân, trút xuống vợ con bao nhiêu là tàn nhẫn, phũ phàng, mù quáng. Cơn say của Hộ đã biến Hộ thành một kiểu Chí Phèo trí thức. Trong khi say, Hộ cho rằng vợ con mình là nguồn gốc dẫn đến tình cảnh tồi tệ bế tắc của đời mình. Anh muốn đánh vật một nhát cho chết cả, anh gầm lên như sư tử đòi đuổi vợ đuổi con ra khỏi nhà - người vợ đói khát và những đứa con đói khát len lét sợ hãi nhìn chồng và nhìn cha. Hộ đã trở thành người cau có và hung tợn, người hay chửi bới hành hạ vợ con tàn nhẫn mỗi lúc say rượu về. Vậy là chính Hộ đã giày xéo lên chính lẽ sống tình thương vốn có của mình. Ở bi kịch thứ nhất Hộ cao thượng bởi vì đã chọn sự hi sinh cho tình thương. Ở bi kịch thứ hai Hộ là kẻ hèn hạ vì không có lí do gì để biện hộ cho sự ác độc, tàn nhẫn của anh. Nếu trượt dài trên đà ấy, Hộ sẽ là một thằng khốn nạn như anh thừa nhận. Đằng này Hộ lại ăn năn và thế là bi kịch Hộ đã khóc cay đắng, bất lực bởi Hộ có thể ăn năn nhưng rồi không thoát khỏi sự ăn năn.

Nước mắt trong tác phẩm Nam Cao chính là tấm gương làm biến hình vũ trụ: Chí Phèo khóc, lão Hạc khóc và nhân vật Hộ khi khóc đã cho ta thấy được cái lương thiện lương tri ở trong anh trở nên trong sáng vô ngần. Nam Cao rất tin vào nước mắt của con người có thể thanh lọc, có thể làm cho người ta sám hối... Hộ tự nhận mình là một thằng khốn nạn, còn Từ thì lại bào chữa cho anh “Không!... Anh chỉ là một người khốn khổ”. Phải chăng đây chính là lời bào chữa của Nam Cao: “Khổ sở đã làm cho người ta trở thành khốn nạn”. Rõ ràng miêu tả sự đau đớn của nhân vật nhưng Nam Cao không buông xuôi để cho họ rơi vào sa ngã. Ông cố gắng đưa họ vươn lên trong lẽ sống của tình thương, nhân đạo. Sáng hôm sau khi tỉnh rượu, Hộ nhớ lại những hành vi thô bạo của mình với vợ con, anh rất hổ thẹn và hối hận. Thật có ý nghĩa khi đôi mắt của Hộ nhìn vợ mình đang ngủ đầy ái ngại: “Da mặt Từ xanh nhợt, cái bàn tay lủng củng rặt những xương... Một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ chật vật…” Tiếng khóc, Nam Cao đã miêu tả tiếng khóc của Hộ: “Khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”. Tiếng khóc ấy đã trả Hộ về với bản chất nhân hậu vị tha.

Truyện ngắn Đời thừa đã miêu tả tình cảnh tủi nhục bế tắc của người trí thức nghèo trong xã hội cũ: Họ muốn sống cho tử tế theo lẽ sống nhân đạo thì họ phải chấp nhận một người thừa, một đời trong cuộc sống và trong văn chương, họ muốn thực hiện lí tưởng nghệ thuật cao đẹp thì họ phải quên đi mình là một người có tình thương. Qua bi kịch này Nam Cao đã nêu rõ quan điểm sáng tạo trong nghệ thuật: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm tạo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có ”. Cũng qua bi kịch của Hộ, Nam Cao nêu rõ quan điểm nhân đạo trong cuộc đời: “Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Có điều những giọt nước mắt của Hộ thương xót cho người vợ yếu đuối, cho tình cảnh khốn khổ của gia đình mình, dù sao cũng chỉ là nước mắt nhân đạo nó không thay đổi tình cảnh của mình thậm chí càng làm cho vết thương mở rộng hơn. Do vậy, vấn đề cấp thiết được đặt ra trong truyện ngắn này (cũng như lão Hạc, Chí Phèo) đó là phải xóa bỏ cái xã hội luôn thù địch với những ước mơ cao đẹp, cái xã hội không vun trồng được những tâm tính nết đẹp mà đang giết dần cá chất người và dồn người ta vào cảnh ngộ quẫn bách đáng thương.

Nước mắt của lão Hạc, Chí Phèo, của Hộ sẽ nở ra thành nụ cười khi mà cái xã hội ấy bị tiêu diệt vĩnh viễn.

Các bài học liên quan
Đề: Bình giảng bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu.
Đề: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu:  Gì sâu bằng những trưa thương nhớ ... Một giọng hò đưa hố não nùng.
Đề: Cảm nhận về bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu.
Đề: Bình giảng bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Đề: Có ý kiến cho rằng “Thơ mới là một dàn đồng ca của những điệu sầu”, Anh (chi) hãy phân tích để làm sáng tỏ ý kiến trên qua 3 bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận và Tống biệt hành của Thâm Tâm.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật