Đề: Dòng sông Hương được cảm nhận như thế nào qua phần trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường?

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn Việt Nam hiện đại chuyên viết bút kí. Những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khách quan và chủ quan, giữa trữ tình và chính luận, sử thi hóa cảm hứng lịch sử và khám phá chiều sâu văn hóa của đối tượng.

BÀI LÀM

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn Việt Nam hiện đại chuyên viết bút kí. Những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khách quan và chủ quan, giữa trữ tình và chính luận, sử thi hóa cảm hứng lịch sử và khám phá chiều sâu văn hóa của đối tượng. Bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc bởi khả năng liên tưởng mạnh mẽ, tư duy khoáng đạt, ngôn ngữ trong sáng, đẹp đẽ. Một trong những tác phẩm kí đặc sắc là Ai đã đặt tên cho dòng sông? được ông viết năm 1987. Bài chỉ được trích một đoạn (gồm phần thứ nhất - trừ đoạn mở đầu) trong ba phần của bài và lời kết của toàn bộ bài kí.

Phần thứ nhất nói về cảnh quan thiên nhiên của sông Hương. Hai phần còn lại nói về sự gắn bó của sông Hương với lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, ngay trong phần thứ nhất, người đọc không chỉ thấy được vẻ đẹp thiên nhiên gắn với đời sống và tâm hồn con người mà còn cảm nhận được sự gắn bó của sông Hương với lịch sử và văn hóa của xứ Huế của đất nước. Mặt khác, những nét tiêu biểu cho đặc trưng thể loại bút kí và văn phong Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã thể hiện trong đoạn văn đặc sắc này.

Mở đầu là dòng sông Hương ở thượng lưu, được miêu tả với một sức sống mãnh liệt, hoang dại nhưng cũng có lúc dịu dàng và say đắm. cảnh dòng dòng sông ở đây được tác giả khắc họa với những hình ảnh đầy ấn tượng (mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc), những sắc màu rực rỡ (màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng) những từ ngữ gợi cảm (bản trường ca của rừng già, dịu dàng và say đắm) những phép tu từ so sánh kết hợp với nhân hóa (sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, Rừng già đã hun húc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng)...

Khi về đến đồng bằng, sông Hương có sự thay đổi về tính cách. Sông như đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái để mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của ngột vùng văn hóa xứ sở. vẻ đẹp dịu dàng trí tuệ này của dòng sông thực ra đã có cội nguồn ở phần tâm hồn sâu thẳm của nó trong cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua. Hình tượng người con gái đẹp được người tình mong đợi đến đánh thức đã hứa hẹn nhiều vẻ đẹp mới của sông Hương. Những kiến thức về địa lí đã giúp cho tác giả miêu tả được tỉ mỉ sông Hương với những khúc quanh và lưu vực của nó. Năng lực quan sát tinh tế và sự phong phú về ngôn ngữ hình tượng đã giúp cho tác giả viết được những câu văn đầy màu sắc và ấn tượng như sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn sắc nước trở nên xanh thẳm và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách (...), dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc (...), sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Ta nhận thấy, kiến thức về văn hóa, văn học đã in dấu vào những câu văn viết về những lăng tẩm, về vẻ đẹp trầm mặc của sông Hương đoạn ở ngoại vi thành phố Huế vào ca dao:

Bốn bề núi phủ mây phong 
Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên.

Sông Hương khi chảy vào thành phố Huế trở nên vui tươi hẳn lên và đặc biệt chậm rãi, êm dịu, mềm mại.

Ở đoạn này, tác giả đã sử dụng những hình ảnh đầy ấn tượng: chiếc cầu trắng in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non, sông Hương uốn một cánh cũng rất nhẹ... Những phép tu từ so sánh kết hợp với nhân hóa, ẩn dụ độc đáo dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu, khúc quanh (trước khi ra biển) như một nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Những chi tiết về phong tục, lễ hội trở thành những hình tượng nghệ thuật miêu tả dòng sông với trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh (...) qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng, có thể liên hệ với câu thơ của Thu Bồn viết về sông Hương:

         Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

Những kiến thức về âm nhạc cũng được tác giả huy động với những liên tưởng kì thú: điệu nhảy lặng tờ của nó (sông Hương) khi ngang qua thành phố (...) Đấy là điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế. Tiếp đó, ký ức về những dòng sông mà tác giả đã từng đến đã được vận dụng để so sánh, để làm rõ nét đặc trưng dòng chảy của sông Hương: sông Xen của Pa-risông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, và đặc biệt là dòng sông Nê-va với những phiến băng trôi nhanh như chiếc thuyền của những chú chim hải âu...

Tiếp theo, như một tiểu kết cho bài kí, tác giả khéo léo dùng một đoạn trong văn kiện chính xác của UNESCO - một đoạn văn thuyết minh đầy cảm xúc như tùy bút - để khái quát và đánh giá về Huế - một di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới - làm tiểu kết cho phần thứ nhất của bài bút kí. Đây là một kiểu đòn bẩy nghệ thuật, vừa khái quát được nội dung vừa thể hiện được nghệ thuật bút kí.

Cuối cùng, bài bút kí kết thúc bằng cách lý giải cái tên của dòng sông: sông Hương, sông Thơm. Thực ra, sự lí giải này người đọc đã phần nào cảm nhận được ở các đoạn trên nhưng đến đây tác giả muốn nhấn mạnh thêm bằng một huyền thoại về tên gọi của dòng sông đã nói lên khát vọng của con người nơi đây muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử. Việc dùng một câu hỏi để đặt tên cho bài kí chẳng những lưu ý người đọc về cái tên đẹp của dòng sông còn gợi lên niềm biết ơn đối với những người đã khai phá miền đất ấy.

Tóm lại, đoạn bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông là đoạn văn xuôi đầy chất thơ đã ca ngợi cảnh vật sông Hương, con sông gắn bó với lịch sử văn hóa của Huế và cũng là của dân tộc. Xuyên suốt đoạn văn thấm đượm vào từng chi tiết, người đọc thấy được lòng yêu mến đến say mê dòng sông đất nước, được thể hiện bằng tài năng của một cây giàu chất trí tuệ, chất văn hóa, với ngôn ngữ trong sáng, chọn lọc tinh tế: Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Các bài học liên quan
Đề: Tìm và phân tích những chi tiết chính đưa đến việc nhận thức mới của nhân vật Đẩu (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu).
Đề: Anh (chị) hãy phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu để làm nổi bật cách nhìn của nhà văn về hiện thực đời sống, một cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu đối với con người.
Đề: Phân tích bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật