Phân tích đoạn thơ sau trong bài Vội vàng của thi sĩ Xuân Diệu: Xuân đang tới...tiễn biệt
Đoạn thơ trên đây cho thấy vẻ đẹp trong thơ Xuân Diệu: sự trau chuốt về ngôn từ, sự tinh tế trong cảm xúc và biểu hiện. Một quan niệm nhân sinh rất tiến bộ về thời gian, về mùa xuân và tuổi trẻ. Cái tôi cá nhân trữ tình được khẳng định.
- Bài học cùng chủ đề:
- Bình giảng bài thơ Vội vàng của thi sĩ Xuân Diệu.
- Phân tích Vội vàng để thấy quan niệm sống của Xuân Diệu
- Đọc hiểu Vội vàng của Xuân Diệu
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
"Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua
(...) Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”.
Thầy giáo Nguyễn Đức Quyền trong cuốn sách “700 bài Phân tích - Bình giảng - Bình luận văn học" cho biết cách đây mấy chục năm, ông có đến thăm Xuân Diệu và hỏi: "Nếu sau này, thơ lãng mạn của anh được đưa vào sách giáo khoa thì anh ưa chọn bài nào?” Thi sĩ Xuân Diệu trả lời ngay: “Bài Vội vàng". Đã hai mươi năm nay, bài thơ “Vội vàng” đã vinh dự hiện diện trên cuốn sách Văn 11, nhiều câu thơ đã trở thành câu thơ trong trí nhớ của hàng ngàn, hàng vạn chàng trai, cô gái thời áo trắng gần xa:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”...
“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.
“Vội vàng" là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong tập “Thơ thơ" (1938). Vượt qua dòng chảy thời gian hơn 60 năm rồi, mà những ý tưởng mới mẻ về thời gian, về tuổi xuân, về tình yêu đời, yêu cuộc sống... cùng với một giọng thơ nồng nhiệt, đắm say vẫn lôi cuốn chúng ta một cách kì lạ. Đây là đoạn thơ trích trong phần hai bài “Vội vàng” nói lên sự cảm nhận về thời gian của thi sĩ Xuân Diệu:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua
.....................
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...”.
Hai câu thơ đầu đoạn, với cách ngắt nhịp 3/5, đọc lên ta cảm thấy cái nhún nhảy của mùa xuân, của thời gian:
“Xuân đang tới /nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non /nghĩa là xuân sẽ già ”
Các từ ngữ: “đang tới" với “đương qua", “còn non" với “sẽ già” tương ứng, đối lập nhau, diễn tả mùa xuân và thời gian vận động không ngừng. Bước đi của mùa xuân, dòng chảy của thời gian là mải miết, vô tận. Trong hiện tại “đang tới" đã có màu li biệt “đương qua". Chữ “đang" chuyển thành chữ “đương" một cách nói điệu đà, rất thơ. Trong dáng vẻ “còn non" hôm nay đã báo hiệu một tương lai sẽ già”. Cách cảm nhận của thi sĩ về thời gian và mùa xuân là tinh tế và biểu cảm. Đó là một ý tưởng rất tiến bộ. Cũng chữ “non" và chữ “già” ấy, ông có những cách cảm nhận rất độc đáo bằng một tâm hồn lãng mạn với cặp mắt xanh non:
“Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt...
(...) Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi..."
(Giục giã)
Và ông cũng nhìn thấy sự vật phát triển và đổi thay không ngừng. Mùa xuân, thời gian và sự sống thật vô cùng kì diệu:
“Mấy hôm trước còn hoa
Mới thơm đây ngào ngạt
Thoáng như một nghi ngờ
Trái đã liền có thật".
(Quả sấu non trên cao)
Bảy câu thơ tiếp theo nói lên nghịch lí giữa tuổi trẻ, đời người với thời gian và vũ trụ. Và đó cũng là bi kịch của con người, đời người. Khi “xuân hết”, tuổi trẻ đi qua “nghĩa là tôi cũng mất". Mất ý vị cuộc đời. Tuổi trẻ đáng yêu biết bao! Mỗi người chỉ có một thời son trẻ. Cũng như thời gian trôi qua, tuổi trẻ một đi không trở lại:
“Mùa xuân tắt nghĩa là tôi cũng mất".
“Lượng trời cứ chật" mà “lòng tôi rộng", muốn trường sinh bất tử, muốn trẻ mãi không già. Quy luật của sự sống thật vô cùng nghiệt ngã: “Không cho dài thời trẻ của nhân gian". “Hảo hoa vô bách nhật - Nhân thụ vô bách tuế” (Nguyễn Du). "Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi..." (tục ngữ). Một lần nữa thi sĩ lại đặt ngôn ngữ trong thế tương phản giữa “rộng” với “chật", để nói lên cái nghịch lí củạ đời người. Cũng là một cách cảm nhận thời gian rất thơ:
"Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”.
Xuân của bốn mùa thì tuần hoàn (xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận) nhưng đời người chỉ có một thời thanh xuân. Tuổi trẻ “chẳng hai lần thắm lại". Vũ trụ đất trời thì vĩnh hằng, vô hạn, trái lại đời người thì hữu hạn. Kiếp nhân sinh nhiều bi kịch. Ai cũng muốn trẻ mãi không già, ai cũng muốn được sống mãi với tuổi xanh, tuổi hoa niên. Tiếng thơ cất lên như một lời than tiếc nuối:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời".
“Tiếc cả đất trời" vì không được trẻ mãi để tận hưởng mọi cái đẹp của thiên nhiên và cuộc đời. Đó là lòng yêu đời và ham sống, khao khát được sống hết mình với tuổi trẻ:
"Mười chín tuổi, hỡi những nàng má ngọc.
Ríu rít chim, là tuổi ước mơ hoa!
Hỡi chàng trai kiều diễm mãi vui ca,
Mười chín tuổi! chằng hai lần hoa nở!".
("Đẹp” - Xuân Diệu)
“Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại" cũng như “Mười chín tuổi! chẳng hai lần hoa nở!", đó là bi kịch của người đời, xưa và nay. Có ham sống và yêu đời mới cảm nhận sâu sắc bi kịch ấy. Vì thế không được vung phí thời gian và tuổi trẻ.
Hai câu thơ cuối dào dạt cảm xúc. Nhà thơ xúc động lắng nghe bước đi của thời gian, tiếng “than thầm tiễn biệt" của sông núi, của cảnh vật. Xuân Diệu rất nhạy cảm với thời gian trôi đi qua, “mùi”, “vị" của năm tháng “chia phôi" trong dòng chảy vô tận. Một cách cảm nhận thời gian rất thơ, rất tinh tế:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt".
Đoạn thơ trên đây cho thấy vẻ đẹp trong thơ Xuân Diệu: sự trau chuốt về ngôn từ, sự tinh tế trong cảm xúc và biểu hiện. Một quan niệm nhân sinh rất tiến bộ về thời gian, về mùa xuân và tuổi trẻ. Cái tôi cá nhân trữ tình được khẳng định. Ham sống và yêu đời; sống hết mình, sống trong tình yêu - đó là những ý tưởng rất đẹp, vẻ đẹp của một hồn thơ lãng mạn - “Vội vàng" không có nghĩa là sống gấp, như ai đó đã nói.
dayhoctot.com
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo