LÃO HẠC - Nam Cao
Truyện Lão Hạc vừa nêu bật một hình ảnh đáng thương, đáng kính của một con người với cái chết đau đớn; vừa cho thấy cảnh sống cơ cực của người nông dân trong xã hội đương thời.
- Bài học cùng chủ đề:
- ĐỀ 61. Phân tích nhân vật cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.
- Soạn bài Lão Hạc trang 38 SGK ngữ văn 8
- Phân tích cách nhìn người nông dân của Nam Cao qua truyện ngắn Lão Hạc?
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG
Truyện Lão Hạc vừa nêu bật một hình ảnh đáng thương, đáng kính của một con người với cái chết đau đớn; vừa cho thấy cảnh sống cơ cực của người nông dân trong xã hội đương thời. Thông qua số phận đau khổ, nghèo khó của nông dân, tác giả đã vẽ lại một cách chân thực số phận thê thảm của người nông dân trước Cách mạng, đồng thời ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của họ trong những giây phút khốn cùng nhất.
Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc nhiều trăn trở và suy nghĩ thân phận người nông dân nghèo trong xã hội Việt Nam cũ.
Qua việc miêu tả cái chết của lão Hạc, tác giả đã làm sáng tỏ nhân cách của ông, đó là thà chết chứ không bao giờ chịu ăn xin, thí, chết chứ không bao giờ để phiền lụy đến hàng xóm, thà chết chứ nhất định không chịu ăn tiêu vào tài sản của con.
Nhân vật lão Hạc được xây dựng bằng phương pháp đối lập. Lão Hạc bề ngoài có vẻ lẩm cẩm, gàn dở, thậm chí còn bị nghi là đánh bả chó nữa, nhưng bên trong là con người lương thiện, giàu tính tự trọng và lòng vị tha. Nhân vật lão Hạc được miêu tả qua những chi tiết chi về ngoại hình, qua bộ dạng, hành vi, ngôn ngữ đối thoại nội tâm.
II. RÈN KĨ NĂNG ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)
Câu 1. Phân tích diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán chó.
* Tình cảm của lão Hạc đối với cậu Vàng được tác giả thể hiện thật cảm động:
+ Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự.
+ Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm.
+ Cho nó ăn cơm trong một cái bát như nhà giàu.
+ Lão cứ ăn vài miếng rồi lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho cọn trẻ.
+ Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa bé.
* Tình thế cùng đường khiến lão phải tính đến việc bán cậu Vàng. Lúc này trong lão diễn ra một sự dằn vặt đau khổ:
+ Lão kể cho ông giáo việc bán “cậu Vàng” với tâm trạng vô cùng đau đớn: “Lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”, đến nỗi ông giáo thương lão quá “muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc”.
+ Khi nhắc đến cậu Vàng bị lừa rồi bị bắt, lão Hạc không kìm nén được, nỗi đau đớn cứ dội lên: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”.
Lão Hạc đau đớn đến thế không phải chỉ vì quá thương con chó, mà còn lão không thể tha thứ cho mình vì đã nỡ lừa con chó trung thành của lão. Ông lão quá lương thiện ấy cảm thấy lương tâm đau nhói khi thấy trong đôi mắt con chó bất ngờ bị trói có cái nhìn trách móc: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”.
Phải có trái tim vô cùng nhân hậu và trong sạch thì lương tâm mới bị dày vò, đau đớn đến thế.
Câu 2. Nguyên nhân cái chết của lão Hạc. Qua những điều lão Hạc thu xếp nhờ cậy ông giáo rồi sau đó tìm đến cái chết, suy nghĩ về tình cảnh và tính cách của lão Hạc.
- Lão Hạc không muốn hàng xóm nghèo phải phiền lụy về thân già của mình, đã gửi lại toàn bộ số tiền dành dụm bằng sự nhịn ăn tiêu của lão để nhờ ông giáo đưa ra nói với hàng xóm lo giúp cho lão khi lão chết. Con người hết sức hiền hậu ấy cũng là hết sức tự trọng, quyết không nhận của bố thí, chỉ biết sống bằng sức lao động của mình.
- Lão Hạc đã tìm đến cái chết trong khi vẫn còn trong tay mấy chục bạc (không kể vẫn còn mảnh vườn đáng giá). Lão thà nhịn đói chứ không tiêu xu nào trong món tiền lão cậy ông giáo cầm giúp. Với lòng tự trọng và nhân cách trong sạch, khi đã đem gửi hết đồng tiền cuối cùng, lão chỉ còn ăn uống qua bữa bằng khoai, ráy, củ chuối, rau má..., nhưng lại kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ của người khác, kể cả sự giúp đỡ của ông giáo mà chắc lão hiểu rõ là rất nhân tình, “lão từ chối một cách gần như là hách dịch”.
- Với cái chết đau đớn mà Lão Hạc tự chọn, lão Hạc đã thành một người đáng kính. Là một nông dân cùng khổ, lão Hạc đã thể hiện một khí tiết cao quý, có ý thức nhân phẩm đáng trân trọng. Lão Hạc là con người của câu tục ngữ: “đói cho sạch, rách cho thơm”, “chết vinh còn hơn sống nhục”, là con người mà nhân phẩm còn lớn hơn cả cuộc sống.
Câu 3. Thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc:
- Người kể chuyện đã phát biểu suy nghĩ về cách nhìn người: “Chao ôi! Đối với những người quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương”.
- Trong Lão Hạc, nhà văn cho rằng, đối với những người nông dân, phải “cố tìm mà hiểu họ” thì mới thấy rằng chính những con người bề ngoài lắm khi "gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi" ấy chính là những người đáng thương và có bản tính tốt, có điều cái bản tính tốt ấy của họ thường bị những nỗi khổ cực, những lo lắng trong cuộc sống "che lấp mất". Tức là nhà văn đặt ra vấn đề phải có tình thương, có sự cảm thông và phải có cách nhìn theo chiều sâu, không hời hợt, phiến diện, chỉ thấy cái bề ngoài, nhất là không thành kiến tàn nhẫn.
- Suy nghĩ của nhân vật “tôi” trên đây chính là một quan điểm sáng tạo của nhà văn Nam Cao.
Câu 4. Ý nghĩa trong câu nói của nhân vật “tôi”:
- Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó để bắt một con chó thường xuyên vào vườn nhà lão thì ông giáo cảm thấy cuộc đời thật đáng buồn. Ông giáo đã biết đến lão Hạc là một người nhân hậu, không tham lam, không muốn làm phiền người khác, một người đã khóc vì trót lừa một con chó mà nay lại đi xin bả chó để trộm chó của người khác. Hành động này khiến lão Hạc từ một người lương thiện, có tự trọng trở thành người bất lương. Lão Hạc chẳng khác nào Binh Tư, và cuộc đời này cũng lắm người cướp giật của người khác. Để có cái ăn, con người, ngay cả người lương thiện cũng không từ một thủ đoạn nào nên cuộc đời này quả thật đáng buồn.
- Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc, ông giáo biết được chân tướng của sự việc thì suy nghĩ của ông giáo lại khác. Cái đáng buồn trước đây ông giáo nghĩ đã không xảy ra, xã hội vẫn còn những con người chịu chết vinh còn hơn sống nhục. Đó thật sự là niềm vui lớn đối với ông giáo. Nhưng cái buồn khác của ông giáo chính là bi kịch của lão Hạc. Một con người nhân hậu, lương thiện lại rơi vào một tình cảnh không lối thoát, đến khi chết còn bị hành hạ đau đớn. Chết nhưng không được chết một cách thanh thản. Bi kịch của lão Hạc chính là bi kịch chung của đại đa số nông dân Việt Nam thời kì đó. Quả đúng là Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác.
Câu 5.
- Truyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi” đã tạo hiệu quả nghệ thuật rất lớn, đồng thời nó gây xúc động cho người đọc.
- Cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở chỗ tính chân thực và cảm xúc trữ tình.
- Chất trữ tình thể hiện ở giọng kể, ở những câu cảm thán. Nhiều khi không nén được cảm xúc, tác giả đã gọi tên nhân vật lên để trò chuyện than thở: "Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó Vàng của lão”, “Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão càng làm liều như ai hết..”, “Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt...!
- Qua nhân vật “tôi”, người kể chuyện - tác giả - đã biểu lộ tự nhiên những cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Câu 6. Ý nghĩ của nhân vật tôi qua đoạn trích: “Chao ôi! ... che lấp mất”.
Những câu văn mang tính triết lí đó không hề có trong sách vở, không mang tính trừu tượng, mà là những suy nghĩ từ thực tế nên có sức thuyết phục đặc biệt.
Câu 7. Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ được thể hiện:
- Cuộc đời: Đây là những số phận thật nghiệt ngã, bần cùng trong xã hội thực dân nửa phong kiến, cái nghèo khổ phơi bày ra trong cảnh sưu thuế tàn nhẫn như gia đình chị Dậu phải bán chó, bán con và khiến người sống cô đơn như lão Hạc phải tự hành hạ mình cho đến chết.
- Tính cách: Qua các tác phẩm, chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn cao quý, lòng nhân hậu, sự hi sinh của từng nhân vật:
+ Ở Tức nước vỡ bờ là sức mạnh phản kháng của con người khi bị đẩy đến bước đường cùng.
+ Ở truyện ngắn Lão Hạc là ý thức về nhân cách, về lòng tự trọng trong nghèo nàn, khổ cực.
III. BÀI VĂN THAM KHẢO
Lão Hạc (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) là một lão nông dân Việt Nam đáng kính bởi phẩm hạnh một con người đôn hậu, giàu lòng tự trọng và rất mực yêu con... Hãy chứng minh nhận định trên.
Bài làm
Nói đến Nam Cao là phải nói đến Lão Hạc. Tác phẩm này được coi là truyện ngắn hiện thực xuất sắc trong trào lưu hiện thực phê phán thời kì 1930 - 1945. Truyện không những nêu được nỗi khổ của người nông dân trước tai trời ách đất, trước xã hội suy tàn mà đáng chú ý hơn là tác phẩm đã nêu bật được hình ảnh một lão nông dân đáng kính với phẩm chất của một con người đôn hậu, giàu lòng tự trọng và rất mực yêu thương con, để lại trong lòng người đọc niềm xót xa, cảm thương và mến phục.
Điều đầu tiên phải nói đến là tấm lòng đôn hậu, rất mực yêu thương con của lão Hạc... Vợ chết sớm, sống một mình trong cảnh gà trống nuôi con, lão yêu con hết mực; Khi con đến tuổi trưởng thành, vì nhà nghèo nên làm lỡ duyên con, lão vô cùng ân hận và cảm thấy mình có lỗi. Trách nhiệm làm cha luôn luôn thôi thúc giày vò lão, lão tìm mọi cách để làm yên lòng con. Nhưng người con vì phẫn uất đã bỏ nhà đi đồn điền cao su để mình lão thui thủi ở nhà. Tình yêu con của lão được biểu hiện vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Trực tiếp qua tình cảm của lão với anh con trai, gián tiếp qua tình cảm với con Vàng - kỉ vật duy nhất của con. Lão cho nó ăn vào bát như chó nhà giàu, mình ăn gì nó ăn nấy. Lão nâng niu bế bồng nó như bà mẹ hiếm hoi chiều đứa con cầu tự. Những lúc vui buồn lão đều trò chuyện, tâm tình với nó, coi nó như người bạn tâm giao. Bao nhiêu tình cảm nhớ thương xa cách, lão đều dành cho nổ. Không phải bất cứ người nào cũng có thể nhớ thương súc vật như vậy. Vậy lão không đôn hậu, yêu con đó sao? Nhưng mưa bão niên miên, hoa màu trong vườn đều bị phá sạch, việc làm chẳng còn, nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ ăn vào số tiền lão chắt chiu dành dụm cho con. Nếu đặt lên bàn cân mà tính số suất ăn của con chó cùng bằng lão, vậy tốn quá. Giữa số tiền dành dụm cho con và con chó, người bạn tâm tình, lão chọn ai đây! Để đi đến quyết định, lão đã phải dằn vặt, đau khổ, lão đã suy nghĩ nhiều, nhiều lắm mới dũng cảm bán chó. Cuộc lựa chọn tàn khốc diễn ra trong nước mắt. Nhưng nếu không bán lão sẽ chết, và số tiền dành dụm cho con cũng chẳng còn. Lão bán chó đâu phải để ăn mà để lo tương lai cho cho đứa con. Nét cao đẹp của lão Hạc chính là ở chỗ đó. Sau khi bán chó, lão cảm thấy hụt hẫng, thiếu vắng. Lão lại tự dằn vặt lương tâm mình, tự oán trách mình vì đã trót lừa một con chó: “các nếp nhăn xô lại ép cho nước mắt chảy ra, lão hu hu khóc”. Vậy là, trong cuộc đổi chác này, cái được chẳng là bao mà cái mất thật là to lớn. Lão Hạc được vài đồng để sống qua ngày nhưng lại mất đi một người bạn, mất đi mối dây liên hệ giữa lão và đứa con. Xót xa thay, cay đắng thay cho một số phận của con người đôn hậu, hiền lành này. Lão lương thiện đến mức chỉ vì bán con chó mà tự oán trách mình đau khổ đến thế. Liệu Binh Tư, vợ ông giáo và bao người khác nữa, họ có hiểu không, hay họ chỉ thấy lão Hạc gàn dở và ngốc nghếch. Ta cảm thương cho số phận lão, ta cảm phục trước đức hi sinh và lòng nhân hậu của lão, một con người cao đẹp.
Đẹp hơn nữa trong tâm hồn lão Hạc là lòng tự trọng cao quý, lão tự trọng với mọi người, với đứa con và với chính bản thân mình. Trận ốm kéo dài đã khiến lão suy sụp, lão không còn đủ sức để làm và cũng không còn gì để ăn. Nhưng lòng tự trọng không cho phép lão xâm phạm vào số tiền của con. Và như đã nói, lão bán chó, quyết định cay đắng để giữ trọn chữ tín với con. Khi mọi thứ đều đã hết, lão vẫn tiếp tục sống, một cuộc sống tạm bợ và vất vưởng. Vì tương lai của con, vì lòng tự trọng của mình, lão đã quyết định chết, cái giá đấy phải chăng là quá đắt. Không, với lão Hạc nó không hề đắt và có lẽ cũng vì vậy mà chúng ta thấy khâm phục trước nghị lực của lão. Có thể tưởng tượng, cuộc sống của lão lạc như một bó đuốc lớn. Nó vẫn cháy và vẫn có thể cháy nhưng lão dập tắt để thắp thêm vào ngọn đuốc của con. Cái đáng chú ý ở đây là mặc dầu không biết số phận đứa con ra sao; còn sống hay đã chết, nhưng với niềm tin cháy bỏng, lão vẫn quyết định hi sinh. Với quyết tâm cao như vậy, lao chuẩn bị, sắp xếp cho cái chết một cách tỉ mỉ và cẩn thận; nhờ ông giáo trông hộ mảnh vườn cho con và gửi tiền làm ma để đỡ phiền hàng xóm. Lòng tự trọng ấy cao đẹp biết bao. Từ đó, lão tồn tại gần như vất vưởng, vớ được thứ gì ăn thứ nấy, hôm thì quả sung, củ ráy, hôm thì củ chuối, con ốc… Lão đã chịu đựng một cách kiên gan và cao ngạo để giữ trọn phẩm giá. Lão đã từ chối gần như hách dịch tất cả mọi sự giúp đỡ của mọi người. Và cái chết của lão đâu phải là của con người. Phải chăng lão đã chết như một con vật để được sống như một con người? Ở con người này, quy luật "đói ăn vụng, túng làm liều" không thể xảy ra. Kết cục ấy là một diễn biến tất yếu của một cuộc đời trong sạch ngay thẳng như lão. Ta không những khâm phục mà còn nên lấy đó làm tấm gương noi theo.
Khi xây dựng nhân vật này, Nam Cao hẳn đã hướng nhân vật vào cái thiện, qua đó bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của lão nói riêng và của những người nông dân ở nông thôn Việt Nam nói chung. Ở điểm này, Ngô Tất Tố cũng giống như Nam Cao với nhân vật chị Dậu. Nhưng tác phẩm của Nam Cao xuất sắc hơn bởi nó đảm bảo được tính hiện thực của tác phẩm. Chị Dậu cùng bị dồn vào những mâu thuẫn sâu sắc cần phải giải quyết nhưng lần nào, với trí thông minh và sắc sảo hiếm có của mình, chị cũng thoát ra được. Điều đó phần nào đã làm mất đi tính chân thực của truyện. Ở đây lão Hạc cũng đã đến bước đường cùng, và cái chết ấy là kết cục tất yếu của hiện thực cuộc sống. Bởi vậy, có thể nói rằng nhân vật lão Hạc là một nhân vật xuất sắc trên mọi phương diện.
Cái cao tay của Nam Cao là để cho nhân vật lão Hạc hiện lên trong con mắt của rất nhiều người, đủ loại người: vợ ông giáo, ông giáo, Đinh Tư. Tất cả đều hiểu lầm lão Hạc, coi lão thật ngớ ngẩn, dở hơi. Duy chỉ có ông giáo vì cảm thông, chịu tìm hiểu nên đã phát hiện được vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn lão Hạc. Còn riêng em, trong con mắt em, lão Hạc hiện lên là một người cha mẫu mực, một con người Việt Nam cao quý.
- Bài 1 sgk ngữ văn 8
- Bài 2 sgk ngữ văn 8
- Bài 3 sgk ngữ văn 8
- Bài 4 sgk ngữ văn 8
- Bài 5 sgk ngữ văn 8
- Bài 6 sgk ngữ văn 8
- Bài 7 sgk ngữ văn 8
- Bài 8 sgk ngữ văn 8
- Bài 9 sgk ngữ văn 8
- Bài 10 sgk ngữ văn 8
- Bài 11 sgk ngữ văn 8
- Bài 12 sgk ngữ văn 8
- Bài 13 sgk ngữ văn 8
- Bài 14 sgk ngữ văn 8
- Bài 15 sgk ngữ văn 8
- Bài 16 sgk ngữ văn 8
- Bài 17 sgk ngữ văn 8
- Bài 18 sgk ngữ văn 8
- Bài 19 sgk ngữ văn 8
- Bài 20 sgk ngữ văn 8
- Bài 21 sgk ngữ văn 8
- Bài 22 sgk ngữ văn 8
- Bài 23 sgk ngữ văn 8
- Bài 24 sgk ngữ văn 8
- Bài 25 sgk ngữ văn 8
- Bài 26 sgk ngữ văn 8
- Bài 27 sgk ngữ văn 8
- Bài 28 sgk ngữ văn 8
- Bài 29 sgk ngữ văn 8
- Bài 30 sgk ngữ văn 8
- Bài 31 sgk ngữ văn 8
- Bài 32 sgk ngữ văn 8
- Bài 33 sgk ngữ văn 8
- Bài 34 sgk ngữ văn 8
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo