Đề: Bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ đã gợi cho em cảm nghĩ gì sâu sắc về Bác Hồ kính yêu, về thơ văn của Người?

Đất nước, dân tộc ta tự hào vì có Bác Hồ, nhà cách mạng lỗi lạc, vị lãnh tụ kiệt xuất. Chúng ta lại càng tự hào vì Bác Hồ cũng là một nghệ sĩ, một tâm hồn vĩ đại mà gần gũi.

BÀI LÀM

Đất nước, dân tộc ta tự hào vì có Bác Hồ, nhà cách mạng lỗi lạc, vị lãnh tụ kiệt xuất. Chúng ta lại càng tự hào vì Bác Hồ cũng là một nghệ sĩ, một tâm hồn vĩ đại mà gần gũi. Mỗi khi nhớ đến Người, nhắc đến thơ văn của Người, ta thấy hiện lên một cách rạng rỡ, tự nhiên tâm hồn, khí phách và nhân cách Việt Nam. Cảnh khuya là một trong những khía cạnh tinh tế và sâu sắc về tình cảm của Người đối với thiên nhiên đối với đất nước, dân tộc, biểu hiện sự hài hòa tuyệt diệu giữa con người chiến sĩ và con người thi sĩ trong thơ Bác:      “Tiếng suối trong như tiếng hát xa

    Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
        Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Cũng nhờ rung động tinh tế, bài thơ đi vào lòng người đọc, khắc đậm một phong cách thơ độc đáo, gợi lên hình ảnh của cái đẹp, đem lại những nghĩ suy sâu sắc, những tình cảm trân trọng - cũng là những nghĩ suy, tình cảm của riêng em đối với Người. Yêu thiên nhiên, đó là một trong những nét chính của tâm hồn Hồ Chủ Tịch. Bức tranh thiên nhiên mà Bác mô tả trong Cảnh khuya là cảnh núi rừng Việt Bắc vào một đêm trăng sáng:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.

Bài thơ mở đầu trong một không khí nửa thực nửa hư, với những nét phác họa đầu tiên còn chan chứa những rung động nhẹ nhàng mà lắng đọng. Ai đã từng ở Việt Bắc, nhất là trong những năm kháng chiến ấy, hẳn sẽ cảm nhận hết sức rõ rệt cái không khí này, “Tiếng suối trong”, tính từ “trong” nhè nhẹ theo sau hai thanh sắc “tiếng suối” tả nên một cảm giác nhè nhẹ, cũng tinh khiết như thế. “Trong” cũng có thể dùng để diễn tả tính chất của màu sắc, nhưng ở đây nó được dùng để biểu hiện cái thanh âm trong trẻo, thi vị của tiếng suối, một tiếng suối “như tiếng hát xa”. Biện pháp so sánh này càng làm nổi bật cái trong trẻo hết sức nhẹ nhàng của tiếng suối, làm cho âm thanh ấy trở nên vừa xa vừa gần, vừa tạo ra cái “động” vừa khắc họa cái “tĩnh” của không gian. Không gian có tĩnh lặng, tịch mịch thì mới có thể vang vọng tiếng suối ẩn hiện gần xa, nhẹ nhàng và hư ảo dường như một “tiếng xa xa” như vậy. Hình dung đến một tiếng hát giữa rừng khuya của một vùng vốn chỉ có “vượn hót chim kêu suốt cả ngày” ở Việt Bắc, ta dường như chỉ cảm nhận được một âm thanh hết sức nhẹ nhàng, khua động không gian chỉ bằng cái tần số rung động tinh tế chứ không phải bằng tiếng động của âm thanh. Thế mà lúc này Bác so sánh tiếng suối với một tiếng hát như thế, hơn thế nữa, “một tiếng hát xa”... nó cho ta cảm nhận được cái tiếng vọng từ đâu đó, rất xa trong không gian, và đồng thời rất sâu trong tâm hồn Bác, một tâm hồn hòa điệu với thiên nhiên. Bác đã nghe tiếng suối không chỉ bằng đôi tai bình thường mà đã đón bắt từng rung động nhỏ hết sức tinh tế của thiên nhiên, đã nghe tiếng nói của rừng bằng cả tâm hồn thi sĩ và cảm nhận tiếng suối bằng tâm hồn ca hát của một thi sĩ. Tiếng hát rất sâu ấy chỉ có thể được bắt gặp trong một tấm lòng gần gũi, đón nhận và gắn bó. Chỉ một vài nét về cách nghe và cách thể hiện tiếng suối rừng, bác đã thực sự dựng lại được cả một không gian, thực sự cho thấy bề sâu sự gắn bó, hòa điệu của tâm hồn mình đối với thiên nhiên chứ không chỉ đơn thuần là biết thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên...

Nhưng đó mới chỉ là “tiếng suối”, một tiếng suối chưa thực sự cho phép ta hình dung được cái “cảnh khuya” mà người đang sống. “Cảnh khuya”, hai chữ giản đơn chất chứa cả một tấm lòng, một tâm sự. “Cảnh khuya” cùng với sự xuất hiện của trăng, thường sẽ làm cho người đang thao thức chợt trào lên những cảm xúc bất tận và khó diễn tả về cái đẹp, nhưng ở đây, lúc này, Bác đã diễn tả vẻ đẹp đẽ bằng một ngôn ngữ giàu hình ảnh và có sức gợi cảm:

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Ta như thấy hiện ra trước mắt toàn bộ khung cảnh nên thơ ấy, những cảnh vật đưa ra ở gần hơn “tiếng suối” xa xa lúc này, cây cổ Thụ to cao với những tán lá trải rộng như vươn mình ôm trọn những cánh hoa rừng mộc mạc, khiêm nhường nép mình bên dưới... Và tất cả chan hòa, quấn quít dưới ánh trăng bao trùm khắp mặt đất.. Có cảm giác như với cảnh vật như thế thì chỉ có diễn đạt như Bác mới thực sự lột tả được cái hồn của thiên nhiên. Và đúng là cũng chỉ “có cảm giác” như vậy thôi, còn thật ra thì đâu phải thế! Mỗi con người là mỗi tâm hồn, là mỗi cách suy nghĩ cảm nhận và diễn tả khác nhau, một trăm người là một trăm cách nói. Ở Bác Hồ, cái nhìn cảnh vật cũng là một biểu hiện của tâm hồn Người. Người nghe thiên nhiên như thế nào thì nhìn thiên nhiên như thế ấy. Trăng, suối, lá, hoa, là những hình ảnh dịu dàng, mềm mại, đằm thắm, cổ thụ tượng trưng cho sự mạnh mẽ, vững chãi. Những hình ảnh tưởng như tương phản đó tạo nên sự hài hòa tuyệt đối của núi rừng. Tiếng suối tuy vẳng lại từ rất xa, nhưng lại gần gũi, gắn bó với Người.. Mặt trăng cao vời vợi nhưng dường như lại “lồng cổ thụ” chan hòa ánh sáng, vằng vặc không gian ngay bên cạnh Người. Từ Hán Việt “cổ thụ” kín đáo giữa câu làm tăng thêm cái trang trọng, cái phong vị cổ kính cho câu thơ: “Trăng lồng cổ thụ bóng láng hoa”. Hai chữ “lồng” quyện vào nhau gợi nên một cảm giác quấn quít chan hòa. Âm điệu kỳ diệu của câu thơ khắc đậm nét bút của người họa sĩ thiên nhiên và cả người họa sĩ - con người nữa. Điệp từ “lồng” bản thân nó đã thể hiện sự quấn quít, phối hợp, lại được sử dụng bằng một cấu trúc quấn quít, phối hợp trong câu thơ, tạo ra một cái gì hết sức nhịp nhàng, gắn bó. Có những thắc mắc " quanh những chữ “bóng lồng hoa” vì có người cho rằng “bóng” ở đây là không rõ: bóng trăng, bóng người, hay chính là bóng hoa? Có thể hiểu theo một cảm nhận chủ quan, bản thân chữ “bóng lồng” mà Bác sử dụng đã diễn tả một sự phối hợp nhịp nhàng đến mức không còn phân biệt, tách riêng ra các khách thể trong sự phối hợp ấy được. Bóng của mọi vật, ngay cả bóng dáng của tiếng suối ở trên nữa, cũng có thể hòa quyện với nhau trong một không khí vừa thực vừa hư, vừa động vừa tĩnh, nâng nhau lên một mức tột đỉnh... Nói như Nguyễn Đăng Mạnh: “thơ Bác chỉ gợi chứ không tả”, cho nên hiểu thế nào là tùy ở mỗi người.

Hai câu thơ nói về cảnh vật, song liệu có nằm ngoài phong cách thơ “lấy cảnh ngụ tình” của Bác hay không? Có cảm tưởng rất rõ rệt rằng, cảnh vật, nhất là cảnh vật thể hiện qua nghệ thuật, phụ thuộc phần nào vào cách nhìn cảnh vật của chủ thể sáng tạo nghệ thuật đó. Cảnh vật ở đây nên thơ, tươi sáng và tinh tế, nó bộc lộ cái thâm sâu tâm hồn thi sĩ của Bác, đồng thời là cả niềm lạc quan tươi sáng như cảnh vật ấy. Bóng trăng từng là người bạn tâm tình, gắn bó với bác, từ cuộc đời theo vào tận những dòng thơ. Những khi “Nguyệt tòng song khích khán thi gia” hay “Nguyệt thôi song vấn: - Thi thành vi?” trăng gần gũi, thân mật thế nào, thì lúc “trăng lồng cổ thụ”, nó cũng quấn quít như thế, lại hơi có chút gì tinh nghịch, dí dỏm nữa. Phong vị Á Đông của Bác thể hiện rất rõ qua hai câu thơ này, không chỉ vì đây là một bài thơ tiếng Việt mà còn vì bản thân cái nội dung, màu sắc của nó. Người cũng đã từng nói: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp...” Phải chăng tấm lòng yêu mến, hòa nhịp với thiên nhiên của Bác cũng là sự tiếp nối truyền thống của dân tộc? Phong cách và tâm hồn thi sĩ của Người phải chăng cũng chính là con đẻ của sự kết hợp nhuần nhị giữa cái truyền thống và cái hiện đại?

Người tiếp câu thứ ba: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ” vừa như một sự đúc kết hai câu trên, vừa đưa dẫn người đọc đến câu cuối cùng. Câu thơ thứ ba này được chia ra làm hai vế rõ rệt “cảnh khuya như vẽ” và “người chưa ngủ”. Vế đầu nói lên một cách trực tiếp cảm nghĩ của Bác trước phong cảnh hữu tình... “Cảnh khuya như vẽ” thực vậy, nét cọ của thiên nhiên đã bộc hiện rất rõ ở hai câu trên, nên biện pháp so sánh được dùng ở đây như một sự khẳng định, nó làm nổi bật cái hài hòa của cảnh, của tình trong bức tranh thủy mặc đẹp đẽ ấy, đồng thời kín đáo thể hiện cả cái nghệ thuật đặc sắc nét cọ thi sĩ. “Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ” lối diễn đạt bình dị mà trong sáng của Bác đã khéo léo nối liền hai vế, chuyển từ cảnh sang người một cách tự nhiên, giản dị.

Sự xuất hiện của con người cũng vừa bất ngờ vừa tất yếu. Hai câu trên tưởng như thuần tả cảnh, song thực ra cảnh ấy đã được thể hiện qua xúc cảm thẩm mĩ riêng của người. Và đến lúc này thì con người trực tiếp xuất hiện, giản dị, tự nhiên và tế nhị. Câu tiếp theo, cũng là câu cuối cùng, tràn đầy sức nặng, đáp lời hết sức bất ngờ và giản dị: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Câu kết như kéo người đọc ra khỏi trạng thái lâng lâng ở những câu trên, đưa ta trở về với con người chiến sĩ, với hình ảnh người lãnh đạo cách mạng đầy trách nhiệm trong Bác. Câu kết này gợi ta nhớ đến câu kết bài thơ “Không ngủ được” của Bác: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”, và những câu khác: “Nhòm song Bắc Đẩu đã nằm ngang”, “Năm canh thao thức không nằm...” Thì ra, đây là tâm trạng thường xuyên của Bác. Cốt cách Á Đông còn thể hiện ngay cả trong điều này nữa, vì tâm trạng buồn lo thao thức cũng là tâm trạng thường gặp của các nhà hiền triết, các nho sĩ yêu nước, các ẩn sĩ phương Đông...

Các bài học liên quan
Đề: Qua cách miêu tả cảnh vật trong bài thơ Xa ngắm thác núi Lư em đã thấy gì về nghệ thuật miêu tả và tính cách của nhà thơ Lí Bạch?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật