Đề: Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945. Hãy phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện để làm sáng tỏ điều đó
Truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945.
- Bài học cùng chủ đề:
- Soạn bài Vợ nhặt - Ngắn gọn nhất
- Soạn bài Vợ nhặt
- Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân - Ngữ Văn 12
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
Đọc xong truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân), không hiểu sao trước mắt tôi cứ hiện mãi hình ảnh người mẹ tươi cười, đon đả:
- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.
Có thật chăng món chè cám ngon đáo để? Có thật chăng lòng người mẹ đang vui sướng? Chỉ biết rằng có một niềm xúc động rất thật cứ dâng lên trong lòng người đọc trước tấm lòng bà cụ Tứ - hình ảnh cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945.
Bà cụ Tứ là một nhân vật xuất hiện ở phần cuối truyện “Vợ nhặt”. Nhưng nếu không có nhân vật này, chắc chắn tác phẩm sẽ không còn hấp dẫn, hoặc sẽ hấp dẫn theo một cách khác. Bà cụ Tứ đã giữ cho câu chuyện Vợ nhặt có chiều sâu, mang lại cho tác phẩm sự mặn mà, đằm thắm. Viết Vợ nhặt với tình huống Tràng nhặt được vợ, Kim Lân muốn thể hiện số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám và lòng khao khát hạnh phúc của họ. Xây dựng nhân vật bà lão, dường như nhà văn muốn hướng người đọc nhìn việc lấy vợ của Tràng từ một góc độ khác, trong một tâm trạng khác. Nhưng đọc tác phẩm, càng ngẫm nghĩ ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng người mẹ nông dân nghèo trước cách mạng. Điều này có lẽ nằm ngoài ý đồ sáng tạo ban đầu của tác giả. Sự kì diệu của nghệ thuật chính là ở đó. Lòng kính trọng người mẹ, kính trọng người già và nỗi đau khổ suốt đời đè nặng lên con người đã tạo nên tầm bao quát và sức sống của nhân vật bà cụ Tứ.
Chân thật là “điểm đi” và cũng là “điểm đến” của nghệ thuật chân chính.
Sức sống của nhân vật cũng do yếu tố này quyết định. Bởi khi sống với nhân vật, ta như được sống với thế giới tâm hồn “thật hơn cả con người thật”. Đến với nhân vật bà cụ Tứ, nhiều lúc ta có cảm giác như bà hấp háy cặp mắt bước từ căn nhà rúm ró, tồi tàn của mình mà bước vào trang truyện chứ không hề do dụng công xây dựng của tác giả. Vâng, làm sao có thể nghi ngờ được điều đó khi ta chứng kiến những diễn biến tâm lí đầy tinh tế, khi ta lắng nghe những lời nói tưởng đỡ đần, lẩm cẩm mà xiết bao ân tình của người mẹ nông dân nghèo...
Chân thật trong hình ảnh và chân thật trong từng chi tiết, Kim Lân dường như không kể mà dắt ta đến với bà cụ Tứ. Bắt đầu là cái dáng lọng khọng đi vào, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng. Có biết bao nhiêu là thân thương, trìu mến. Ta gặp lại dáng hình gầy gầy, còng còng vì sương gió cuộc đời của người bà quen thuộc. Từ lọng khọng đầy sáng tạo và giàu sức tạo hình. Với cái lẩm cẩm, chậm chạp theo nỗi phấp phỏng trước sự đón tiếp khác thường của ông con trai, bà bước vào trong nhà. Khi thấy một người đàn bà đứng ngay ở đầu giường con mình, bà hết sức ngạc nhiên. Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu óc già nua của bà. “Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?” Phải, bà làm sao ngờ được giữa năm đói, nhà lại nghèo mà con bà lại dẫn không về nhà một người vợ? Băn khoăn mãi, khi đã hiểu, bà lão cúi đầu nín lặng. Bà vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Thương con để rồi tủi phận mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi... còn mình thì... Đọc những dòng này, ta có cảm giác như trái tim người mẹ trong cái thân hình còm cõi đang rung lên đau đớn, xót xa. Việc trọng đại trong đời con, lẽ ra “Làm được dăm ba mâm thì phải”, nhưng “nhà mình nghèo”, nên điều đó chỉ nằm trong suy nghĩ, không thực hiện được. Bà cụ thương con, tủi phận rồi lại thương dâu. Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được. Vừa mừng tủi, vừa lo lắng, bà lo nỗi lo rất chính đáng của con người đã trải một đời cực nhọc, đớn đau: Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không? Nén nỗi lo trong lòng, bà cụ động viên con tin tưởng vào tương lai: “Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”. Bà nói với con dâu bằng lời của một người từng trải - vừa lo lắng, vừa thương xót: "... Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá... Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa... Nhưng ta hiểu, người con dâu bà lúc này sẽ rất hiểu bà, thấy thân thiết gắn bó với bà, thực sự coi bà là mẹ. Và nghĩa là đám cưới đã xong. Chẳng lễ nghi, không đưa đón, tấm lòng chân thật, nhân hậu của người mẹ nghèo đã thay thế tất cả. Đến đây, ta cứ liên tưởng tới mẹ chồng Dần trong Một đám cưới (Nam Cao). Người mẹ ấy mở “tài ăn nói”, nói rất nhiều, rất “ngọt ngào” để khỏa lấp cái sự “không có nhiều tiền”, làm “mát lòng mát ruột” cha Dần. Chao ôi, những người mẹ nông dân nghèo trước cách mạng là thế ư? Tình yêu thương con, ý thức trách nhiệm của người làm mẹ khiến họ cưới vợ cho con bằng tất cả những khả năng mình có thể dẫu chỉ là lời nói... Nhưng nếu mẹ chồng Dần nói rất nhiều thì bà cụ Tứ lúc này chỉ nói rất ít. Bà khóc. Nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Những giọt nước mắt ấy đã nói lên tất cả tấm lòng chân thật của bà. Bà dành lời cho bữa cơm mừng con dâu ngày hôm sau - toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này, bà say sưa bàn với các con những dự định cho tương lai...
Từ sự ngỡ ngàng đến thoáng im lặng, hiểu ra biết bao cơ sự, từ giọt nước mắt tủi phận nghèo, thương con dâu đến nỗi lo lắng không biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không đến niềm vui mừng, niềm tin vào tương lai tất cả đan xen, hiển hiện dưới ngòi bút Kim Lân. Tác giả đã đi sâu phân tích diễn biến tâm lí tinh tế của bà cụ Tứ, thể hiện một cách tài tình trong từng suy nghĩ, từng hành động, lời nói. Lối lo xa cho tương lai, lối nhìn người mà ngẫm đến mình, tủi phận mình hay sự duy tâm của người già: “chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chết chứ biết làm thế nào mà lo cho hết được?” tưởng đọc lên, ta không thể không chắc chắn đó là lời của bà cụ Tứ. Quả là không thể lẫn đi đâu được cách nói, cách nghĩ vừa lẩn thẩn, vừa đôn hậu của người mẹ già nông thôn. Tác giả vừa hóa thân vào nhân vật để phân tích diễn biến tâm lí vừa khách quan ghi lại. Đặt nhân vật trong hoàn cảnh không gian, thời gian nhất định, Kim Lân đã diễn tả sâu sắc tâm trạng nhân vật. Bà cụ Tứ ngửi mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết thoảng vào khét lẹt mà nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út, đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình để rồi phấp phỏng lo lắng cho tương lai của con: liệu có hơn bố mẹ nó trước kia không. Nghệ thuật “biện chứng pháp tâm hồn” đã thể hiện nhuần nhị trong từng biến thái tinh tế, phong phú của tâm lí người mẹ nghèo. Tác giả phải có sự thấu hiểu trân trọng đặc biệt, phải có vốn sống phong phú đến mức nào mới có thể diễn tả một cách chân thực, tài tình đến vậy. Vợ nhặt không còn là trang văn, đó là những trang đời - những trang đời thấm đẫm những giọt nước mắt tủi cực, xót xa phấp phỏng nỗi lo cho tương lai và rạng rỡ lạc quan trong trái tim người mẹ nghèo. Chân thực mà cũng thật cảm động, hình ảnh bà cụ Tứ không chỉ giúp ta chứng kiến diễn biến tinh tế của tâm tư mà còn rung cảm sâu sắc trước tấm tình tha thiết của người mẹ.
Bắt đầu là cái cúi đầu nín lặng khi hiểu ra cơ sự, bà lão cho ta cảm hiểu cái một thế giới nội tâm phong phú bên trong cái vẻ ngoài lẩm cẩm của mình. Bà im lặng - mạch truyện lắng xuống, thiết tha - Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán vừa sót thương cho số kiếp đứa con mình... Không còn là câu trần thuật tâm lí trong câu văn còn rưng rưng tấm lòng hòa cảm, ân tình của Kim Lân. Bà lão im lặng, lòng chất chứa bao nỗi niềm. Người già thường cả nghĩ. Bà thương con, tủi phận mình để rồi thương dâu. Bà đăm đăm nhìn người đàn bà như để nhận mặt người đồng hành khốn cùng trong cuộc đời khổ nghèo với bao thông cảm. Bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con, bà tủi hờn, ai oán cho số kiếp đứa con mình. Những lời độc thoại như những đợt sóng cứ cuộn lên trong lòng người mẹ, cứ da diết xót xa trong lòng người đọc. Biết bao nhiêu là ân tình trong hai tiếng “mừng lòng” bà lão nói với các con... Đọc truyện, có lẽ không ai quên được cái cách giấu giếm đầy ngượng ngập, vụng về những dòng nước mắt xót thương con của bà lão: “Có đèn đấy à? Ừ thắp lên một tí cho sáng sủa... Dầu bây giờ đắt gớm lên mày ạ..." Bà đã cố nén sự xúc động của mình, đã cố nuốt những giọt nước mắt chát đắng xót xa vào trong trái tim vốn đã chát đắng của một đời tủi cực.. Và khi ấy trước đôi mắt nhòa lệ của người đọc, dòng nước mắt cứ chảy ròng ròng sau lời bộc bạch tâm tình với con dâu của bà lão lại hiện lên rõ hơn bao giờ hết. Những giọt nước mắt lấp lánh tấm lòng vị tha cao quý của người mẹ. Những giọt nước mắt mặn mòi là muối của đất, là muối của trái tim yêu thương dạt dào như biển cả... Những giọt nước mắt lặn vào trong ấy đã hóa niềm vui chân thành trong hành động xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa trong tíu tít những dự định nào ngăn buồng cho đôi trẻ, nào mua đôi gà... Để ý, ta sẽ thấy chính bà lão gần đất xa trời này lại là người nói đến tương lai nhiều hơn tất cả. Không đơn thuần chỉ là tâm lí lạc quan khỏe khoắn của người lao động, đó là cả niềm ao ước thiết tha về một ngày mai sáng sủa hơn cho con của người mẹ nghèo. Có thể bà chẳng còn sống mấy nữa. Nhưng bà sống vì con, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự chăm lo vun vén cho con. Và bởi vậy, những ước muốn, hi vọng đâu chỉ dành cho tuổi trẻ - nó trở nên nằm sâu, nồng thắm hơn trong tấm lòng của những người mẹ nghèo như bà cụ Tứ. Ai dám bảo bà lão lẩm cẩm, dớ dẩn? Ai dám cười những ước mong, dự định của bà? Cái gốc lạc quan, yêu thương không những tàn héo mà ngược lại càng xanh tươi trong mưa nắng cuộc đời. Tâm tình ấy làm ta xúc động, thấm thía bao điều... Tâm tình ấy khiến bữa cháo thành bữa tiệc, khiến nồi cháo chát xít, nghẹn bứ trong miệng mà ngon ngọt trong lòng. Người đọc cười ra nước mắt trước sự hào hứng, vui vẻ khi bà lão lễ mễ bưng nồi cháo cám nghi ngút khói lên nhà, đon đả tươi cười múc cho con mà bảo: “Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem”. Phải, cái nồi cháo cám hèn hạ đành rồi, nhưng tấm lòng người mẹ quê ngẫm lại không đáng thương, đáng quý hay sao? Dường như bà cố ý xua đi không khí ảm đạm, cố gắng vượt lên hoàn cảnh bằng vẻ tươi tỉnh để động viên con. Bên trong cái vẻ tươi tỉnh ấy, ta biết lòng người mẹ đang thổn thức. Lòng người đọc cũng dâng lên bao xót xa... Tội nghiệp thay niềm vui của bà lão - cái niềm vui không cất cánh lên được. Bởi vẫn còn đó bát cháo cám, vẫn còn đó tiếng trống thúc thuế dồn dập khiến niềm vui không thể trọn vẹn... Bà không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc, còn người đọc thì thấy rất rõ những giọt nước mắt trong lòng bà, thấy rất rõ những giọt nước mắt của Kim Lân khi viết những dòng này. Bằng tất cả sự nâng niu, trân họng, Kim Lân đã để trái tim đập cùng một nhịp với trái tim người mẹ nông dân nghèo.
Tóm lại, qua truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945. Đó là một người mẹ hết lòng yêu thương con, hi sinh tất cả vì con. Trong hình ảnh bà cụ Tứ, ta như thấy thấp thoáng hiện ra hình ảnh mẹ Dần, mẹ chồng Dần và cả lão Hạc (Nam Cao) - những con người biết sống cho con, biết sống vì con. Dẫu là một nhân vật phụ, dầu nhà văn không có ý xây dựng bà cụ Tứ thành một nhân vật điển hình nhưng bằng tài năng, bằng vốn sống, bằng tình cảm thiết tha, trìu mến đối với những tấm lòng người mẹ, nhà văn đã khiến hình ảnh bà cụ Tứ trở nên chân thật và cảm động hơn bao giờ hết. Những giọt nước mắt lấp lánh, niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt bủng beo u ám của người mẹ đã tỏa rạng căn nhà mờ tối, niềm tin tưởng vào tương lai “sáng sủa” hơn của các con đã xua đi không khí buồn tủi của ngày đói. Ánh sáng ấy làm câu chuyện anh Tràng nhặt được vợ trở nên thấm thía, cảm động hơn, nâng truyện ngắn Vợ nhặt lên tầm cao và mang chiều sâu của một truyện ngắn hiện thực - nhân bản. Ánh sáng bắt nguồn từ nguồn sáng nhân văn, trân trọng con người, tin tưởng ở con người sẽ sáng mãi trong lòng người đọc.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 12
- Tuần 2 sgk ngữ văn 12
- Tuần 3 sgk ngữ văn 12
- Tuần 4 sgk ngữ văn 12
- Tuần 5 sgk ngữ văn 12
- Tuần 6 sgk ngữ văn 12
- Tuần 7 sgk ngữ văn 12
- Tuần 8 sgk ngữ văn 12
- Tuần 9 sgk ngữ văn 12
- Tuần 10 sgk ngữ văn 12
- Tuần 11 sgk ngữ văn 12
- Tuần 12 sgk ngữ văn 12
- Tuần 13 sgk ngữ văn 12
- Tuần 14 sgk ngữ văn 12
- Tuần 15 sgk ngữ văn 12
- Tuần 16 sgk ngữ văn 12
- Tuần 17 sgk ngữ văn 12
- Tuần 18 sgk ngữ văn 12
- Tuần 19 sgk ngữ văn 12
- Tuần 20 sgk ngữ văn 12
- Tuần 21 sgk ngữ văn 12
- Tuần 22 sgk ngữ văn 12
- Tuần 23 sgk ngữ văn 12
- Tuần 24 sgk ngữ văn 12
- Tuần 25 sgk ngữ văn 12
- Tuần 26 sgk ngữ văn 12
- Tuần 27 sgk ngữ văn 12
- Tuần 28 sgk ngữ văn 12
- Tuần 29 sgk ngữ văn 12
- Tuần 30 sgk ngữ văn 12
- Tuần 31 sgk ngữ văn 12
- Tuần 32 sgk ngữ văn 12
- Tuần 33 sgk ngữ văn 12
- Tuần 34 sgk ngữ văn 12
- Tuần 35 sgk ngữ văn 12