Đề: Qua ý nghĩ và cách xử sự của viên quản ngục đối với ông Huấn Cao (truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân), anh (chị) đánh giá viên quản ngục là con người như thế nào? Vai trò của nhân vật này trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?

Chữ người tử tù là truyện ngắn có giá trị nhất rút ra từ đây cả hai nhân vật chính trong truyện này là Huấn Cao và viên quản ngục đều mang những nét tính cách độc đáo cùng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm là ca ngợi cái đẹp, cái tài hoa tài tử bao giờ cũng có sức sống mãnh liệt.

BÀI THAM KHẢO

Vang bóng một thời là một tác phẩm đặc sắc và tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Trong tác phẩm này, với ngòi bút tài hoa uyên bác, nhà văn đã khắc họa lại hình ảnh một thời đã qua nhưng hãy còn “vang bóng”. Đó chính là cái đẹp xưa của thời phong kiến suy tàn. Chữ người tử tù là truyện ngắn có giá trị nhất rút ra từ đây cả hai nhân vật chính trong truyện này là Huấn Cao và viên quản ngục đều mang những nét tính cách độc đáo cùng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm là ca ngợi cái đẹp, cái tài hoa tài tử bao giờ cũng có sức sống mãnh liệt. Đặc biệt là viên quản ngục tuy không sáng tạo được cái đẹp, nhưng lại là người biết trân trọng, thực lòng yêu cái đẹp của các bậc tài hoa nghệ sĩ.

Xưa nay, nhắc đến chức vụ “quản ngục”, ai cũng dễ liên tưởng đến bọn quỷ dữ hầm hè “đầu trâu mặt ngựa” mất cả nhân tính chớ dễ chỉ lại hình dung ra một con người với một thú chơi thanh cao tao nhã: chơi chữ, biết say mê cái đẹp, quý trọng cái tài. Đặc biệt, đối với viên quản ngục, thú chơi này lại là một niềm say mê cực độ. Thì ra đây một thú chơi đã phát sinh từ thời trẻ, lúc ông còn đi học. Cũng chính vì vậy mà ông đã dám chơi chữ của một kẻ đại nghịch là Huấn Cao. Vượt qua mọi thứ sợ sệt, e ngại “tai vách mạch rừng”. Viên quản ngục đã dám nghĩ tới việc xin chữ của bậc tài hoa ngay trong nhà ngục tử tù và ông cũng đã kiên trì nhẫn nhục để có được một bước chữ “báu vật trên đời ” như ý ông đã muốn.

Đúng như nhận xét đầy tình cảm của nhà văn: “Trong hoàn cảnh đề lao người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn xô bồ”, Khi biết tin, ông Huấn Cao sẽ bị giải đến nhà ngục do chính mình cai quản, viên quản ngục đã trằn trọc đến khuya, vốn khâm phục một người có tài riêng đã từ lâu nên chỉ đọc tên là đã biết. Tuy ông Huấn Cao chưa xuất hiện nhưng đã đủ làm viên quản ngục mừng và lo lẫn lộn. Muốn biết đãi người tử tù tài hoa ấy nhưng ông lại sợ viên thư lại cáo giác mình với cấp trên. Tuy vậy, viên quản ngục vẫn không che giấu sự trân trọng của mình đối với người tử tù trước các thuộc hạ. Ông đã không ra uy khi Huấn Cao đến, giống như lệ thường đối với những tên tù trước đó. Ông quý trọng ông Huấn Cao và ấp ủ một khát vọng “có được chữ ông ấy mà treo là cả một báu vật trên đời”.

Đến lúc được tận mắt nhìn thấy con người mình ngưỡng mộ, viên quản ngục lại càng thêm trân trọng. Trước mặt ông là một Huấn Cao hiên ngang, khẳng khái, gạt bỏ ngoài tai mọi lời lẽ thô lỗ của bọn lính canh, điềm tĩnh cùng với năm người đồng chí rõ gông giết rệp. Chính phong thái ung dung đĩnh đạc của con người vừa có tài vừa có khí phách ấy đã khiến cho niềm khát khao được nhận chữ của viên quản ngục này ngày mỗi dạt dào và thôi thúc hơn. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông biệt đãi Huấn Cao, hàng ngày cho người "dâng rượu với thức nhấm" nói năng với Huấn Cao hết sức cung kính, lễ độ. Có lần quản ngục đánh bạo đến thăm ông Huấn và đã nhận được một câu nói đầy khinh bạc: “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Trước thái độ ấy, không những viên quản ngục không giận mà ta còn thêm khâm phục nhân cách của bậc tài hoa khí phách. Đúng là ông đã tự nhận thức được thân phận thấp hèn của mình "chỉ là một tên tiểu lại giữ tù" trước một nhân vật kì vĩ là Huấn Cao. Thái độ của ông ta nhẫn nhục cam chịu. Bị khinh bạc, bị xua đuổi, lẽ ra phải nổi xung nhưng ông chỉ nhỏ nhẹ cúi đầu với câu nói: “xin lĩnh ý” rồi sau đó còn đưa cơm rượu hậu đãi ông Huấn Cao hơn trước. Lúc này, viên quản ngục vẫn coi việc xin được chữ của Huấn Cao “là ý mãn nguyện” và "chỉ lo mai mốt đây ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ thì ân hận suốt đời mình”. Bởi vậy viên quản ngục đã sợ hãi đến nỗi “tái nhợt người” khi biết ông Huấn sắp phải giải về kinh thọ hình.

Sau cùng thái độ khâm phục tài hoa nhân cách Huấn Cao của viên quản ngục bộc lộ trọn vẹn trong cảnh Huấn Cao cho chữ. Trong khi ông Huấn ung dung viết từng chữ thì viên quản ngục, kẻ đại diện của cái triều đình mà ông Huấn đã chống lại, đã thành kính “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Đặc biệt là khi nghe những lời di huấn về đạo lý làm người trong cái thời vàng thau lẫn lộn của ông Huấn, viên quản ngục đã cảm động lắng tai và cúi đầu: “xin bái lĩnh”. Viên quản ngục, như nhà văn miêu tả, đã vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Với các đặc điểm tính cách vừa nói, viên quản ngục đúng là một con người say mê cái đẹp, biết kính trọng người tài hoa khí phách. Ông tiêu biểu cho những người tuy không sáng tạo ra cái đẹp nhưng thực lòng trân trọng, nâng niu và thiết tha yêu mến cái đẹp trong cuộc đời. Từ chỗ chỉ yêu cái đẹp của nét chữ đến yêu cái đẹp toàn diện của con người đặc biệt là yêu một nhân cách đẹp. Vì vậy ông có tấm lòng "biệt nhỡn" biết “liên tài” đầy ngưỡng mộ đối với bậc anh hùng chọc trời khuấy nước, mưu đồ hành đạo thế thiên là Huấn Cao.

Điều đáng quý hơn là đã phải sống, phải làm một nghề nghiệp đê tiện trong một môi trường “cặn bã”, “lừa lọc” và “quay quắt” như thế nhưng viên quản ngục vẫn không nguôi niềm say mê. Ông vẫn ấp ủ lòng yêu cái đẹp mặc dù sở nguyện ấy không giúp ông thay đổi được hoàn cảnh của mình. Đến khi gặp được cái đẹp chân chính, sở nguyện kia lập tức bị đánh thức. Nhân cách của “kẻ tiểu lại giữ tù” vì vậy, cũng trở nên đẹp hơn. Chính viên quản ngục đã từng suy nghĩ: “Một kẻ biết yêu mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình".

Đúng vậy, người biết trọng người tài ấy là người phóng khoáng, đại lượng, có chí cầu tiến. Người biết quý cái đẹp là người luôn khao khát vươn lên hoàn thiện mình. Chỉ có kẻ hèn hạ mới “ganh hiền ghét ngõ ” thái độ của viên quản ngục và viên thư lại đối với Huấn Cao ở đầy đủ cho thấy họ là người tốt. Cái chi tiết đặc sắc của truyện này hẳn là chi tiết viên quản ngục vâng lời chỉ giáo, chắp tay vái người tù, cái chi tiết mà giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định:

Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng nhiên trở nên cao cả hơn, lớn lao lên, lẫm liệt hơn sáng trong hơn. Đây là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lượng”. (Đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Nguyễn Đăng Mạnh, Báo Văn nghệ 11-1-1992).

Người học đến đây ai cũng tin là viên quản sẽ làm theo lời khuyên của Huấn Cao. Nghĩa là “sẽ tìm về nhà quê mà ở, thoát khỏi cái nghề này” cái nghề phải sống và làm việc trong một môi trường “cặn bã”, “tối tăm”, “nhơ bẩn”, cái nghề cai ngục với biết bao là lọc lừa tàn nhẫn.

Điều này đủ cho thấy sức chinh phục của cái đẹp chân chính và trọn vẹn toát lên tỏa sáng từ Huấn Cao. Viên quản ngục qua diễn biến của truyện đã được cảm hóa bằng khí phách, bằng vẻ đẹp và bằng thiên lương tiềm ẩn thống nhất hài hòa trong con người ông ông Huấn. Hai nhân vật này đều là nhân vật chính của truyện cùng bộc lộ chủ đề của truyện như đã giới thiệu trong ngay từ phần đầu bài làm.

Mặt khác, viên quản ngục còn gửi gắm đến người đọc một lời khuyên bổ ích. Đó là biết yêu cái đẹp, là điều kiện để người ta trở nên đẹp và giữ vững được cái đẹp của thiên lương mình cho mãi mãi trong sáng vững lành dù trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào.

Tóm lại, nhân vật viên quản ngục được Nguyễn Tuân xây dựng và thể hiện bắt đầu từ một cực đối lập với nhân vật Huấn Cao. Nhưng sau đó nhờ tấm lòng trọng nghĩa liên tài, say mê cái đẹp của mình đã khiến ông liên kết lại với ông Huấn.

Người đọc hôm nay hẳn là ai cũng dễ dàng đồng ý với nhà văn điều đó.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Đề: Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Đề: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng các nhân vật Tnú, cụ Mết, Dít, bé Heng trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật