Đề: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Sóng là một bài thơ hay của chị, in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Ở đây, khát vọng tình yêu đã được thể hiện theo một cách riêng rất, chân thực, rất dễ yêu, dù hình tượng sóng mà Xuân Quỳnh mượn làm ẩn dụ vốn chẳng xa lạ gì với các nhà thơ viết về tình yêu kim cổ.

BÀI LÀM

Trong số các nhà thơ thuộc “thế hệ chống Mĩ”, Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết nhiều và viết rất hay về tình yêu. Thơ tình của chị đậm nét tự truyện, vẫn là những chuyện muôn thuở của tình yêu nhưng bao giờ chúng cũng có vẻ như chuyện riêng của Xuân Quỳnh, không quá thật thà nhưng xa lạ với những uốn éo điệu đàng, những sự “réo rắc” quá độ. Sóng là một bài thơ hay của chị, in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Ở đây, khát vọng tình yêu đã được thể hiện theo một cách riêng rất, chân thực, rất dễ yêu, dù hình tượng sóng mà Xuân Quỳnh mượn làm ẩn dụ vốn chẳng xa lạ gì với các nhà thơ viết về tình yêu kim cổ.

Trước Xuân Quỳnh đã có biết bao nhà thơ thiên tài viết về tình yêu. Xuân Quỳnh hình như không có ý đua tranh với họ. Chị “khiêm tốn” chỉ đem chuyện mình ra kể, không giảng giải cho ai, không xây dựng lý thuyết, không nói điều gì vượt quá nhận thức và trải nghiệm của chính mình. Khi chị nói:

Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.

thì trước hết ta nên hiểu là chị đang nói về mình, đang thú nhận nỗi bồi hồi của mình cùng với sự tự biết rằng mình còn rất trẻ. Nếu mấy câu ấy ứng hợp với nhiều người thì lại là chuyện khác. Cái nhìn của Xuân Quỳnh xuất phát từ bên trong. Nó không giống sự suy đoán tuy già dặn, đúng đắn nhưng lại đi từ ngoài vào của các nhà nghiên cứu tâm lý tình yêu. Cũng thế, khi nói về nơi bắt đầu của tình yêu, Xuân Quỳnh thực sự đứng giữa cái phân vân của chính mình:

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.

Người ta thường hay đối chiếu hai câu thơ Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau của Xuân Quỳnh với câu Làm sao cắt nghĩa được tình yêu trong bài Vì sao của Xuân Diệu. Đúng là giữa chúng có sự tương đồng nhưng cái khác vẫn rõ. Mặc dù tỏ ra ngẩn ngơ nhưng Xuân Diệu cắt nghĩa và sự cắt nghĩa của ông cũng khá rạch ròi. Xuân Quỳnh không hẳn giống thế, chị không ham lí giải, phân tích dù trong lòng có mối bức xúc đòi tìm ra tận bể để “hiểu” để “nghĩ”. Chị vẫn giữ nguyên tâm lý phụ nữ của mình với cái “lắc đầu” thật dễ “động lòng”: Em cũng không biết nữa. Nhu cầu tìm hiểu ở đây là nhu cầu của tình cảm hơn là nhu cầu của trí tuệ. Nó cũng như con sóng, được đẩy tới rồi thoái và tan trong nỗi ngọt ngào được che chở, vỗ về. Biết ta đang yêu nhau thế là đã đủ. Thắc mắc một tí chỉ là để yên tâm hơn với hạnh phúc hiện có. Tuy nhiên, như chị đã viết trong một bài thơ khác (Thuyền và biển): "... tình yêu muôn thuở, có bao giờ đứng yên”, dù không có gì thật gay cấn thì tình yêu vẫn sống động, sống vẫn muốn vỗ suốt hai chiều không gian và thời gian:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.

Là con người của thời đại dám sống với toàn bộ những gì mình có, Xuân Quỳnh không ngại nói thẳng ra nỗi đau đáu của mình. Trong tâm thức con người ấy, chỉ cổ “anh” là đáng kể mà thôi. Chị rất kiên định trên “lập trường tình yêu” và đề cao tuyệt đối lòng chung thủy:

Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương.

Những lời khẳng định ấy thật da diết, riết cóng và cũng chứa đựng ít nhiều thách thức, thách thức với hoàn cảnh và thách thức với cả tình “anh” nữa! Những ai hay do dự và có thói quen “vọng ngoại” trong tình yêu hẳn sẽ có: cảm giác "chợn" trước sự tỏ bày dứt khoát ấy. Bình thường người ta vẫn nói ngược về phương Bắc, xuôi về phương Nam nhưng Xuân Quỳnh thì đã nói ngược lại. Đối với chị, dù có xáo trộn một thì điều đó cũng không có gì là quan trọng. Quan trọng nhất chỉ là “phương anh”, dù ở đâu em cũng “hướng về”. Nếu nói đến sự quyết liệt của tình yêu Xuân Quỳnh thì khổ thơ này là dẫn chứng thuộc loại tiêu biểu nhất.

Như nhan đề bài thơ đã nói rõ, hình tượng trung tâm ở đây là hình tượng sóng. Mới nhìn qua, cách diễn đạt khát vọng tình yêu bằng ẩn dụ kia chưa phải đã thật độc đáo. Dù vậy, Xuân Quỳnh đã hoàn toàn đúng khi chọn đối tượng để hóa thân. Sóng - Xuân Quỳnh - nhân vật trữ tình tuy là ba nhưng cũng gần như một. Ở Xuân Quỳnh cũng có nhiều nét đối cực như sóng, cũng không bao giờ chịu yên bề như sóng và cũng như sóng, luôn muốn tìm ra với biển lớn của tình yêu, của cuộc đời:

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.

Căn cứ vào âm điệu dồi dào nhiều biến đổi và thường là cuộn trào sôi nổi của bài thơ, có thể thấy sóng là một hình tượng sống thực chứ không hề là hình ảnh minh họa (hình ảnh minh họa chỉ là vỏ ngoài ý tưởng, nó sẽ chết khi ý tưởng đã được người đọc lĩnh hội hết). Xuân Quỳnh đã phả vào hình tượng “sóng” vốn khá quen thuộc hơi thở đương nồng nàn của mình, và do vậy, tái tạo nó, khiến nó như mới được sinh ra lần đầu với tình yêu của chị. Đôi khi, sự hóa thân của chị vào “sóng” sâu sắc đến mức “sóng” cũng thành ra có dáng... vất vả, lo toan tất bật ngược xuôi. Khổ thơ có mấy câu Dẫu xuôi..., Dẫu ngược... cùng khổ thơ tiếp theo cho thấy điều đó rất rõ:

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở.

Nhưng hình tượng “sóng” trong bài thơ của Xuân Quỳnh không phải là một ẩn dụ hoàn chỉnh. Đây chính là điểm thú vị nhất về phương diện nghệ thuật của tác phẩm. Ẩn dụ “sóng” đã được giải thích ngay từ nửa sau của khổ thơ thứ hai, không đợi người đọc phải suy đoán, phải tìm cách “giải mã”, dẫu rằng cuộc “giải mã” vẫn cần được tiếp tục ở một cấp độ cao hơn. Theo một góc nhìn nào đó, Xuân Quỳnh đã để lộ ý hơi sớm, đã không tận dụng hết sức chứa của ẩn dụ này. Nhưng điều quan trọng đối với Xuân Quỳnh không phải là sự giấu che khéo léo mà là sự bày tỏ cùng kiệt nỗi yêu thương và khát vọng của mình. Khi cần, chị đứng ra thuyết minh trực tiếp. Biết đâu chị chẳng nghĩ: đã thực hiện được sự thống nhất giữa “cái tôi tình yêu” với “sóng” rồi, thì để “sóng” nói hay mình nói cũng thế mà thôi! Thậm chí không phải thay nhau mà có lúc cả hai cùng nói, khiến cho ý nghĩa của vấn đề càng có sức đập mạnh vào nhận thức và tình cảm của người đọc. Cách biểu đạt thơ này từng xuất hiện ở bốn câu cuối của bài Thuyền và biển giờ lại có mặt ở đây. Sau khổ thơ miêu tả những con sóng dưới lòng sâu, trên mặt nước, Ngày đêm không ngủ được vì nhớ bờ, chị “bồi” thêm hai câu rất đột ngột, cho đứng riêng thành một khổ, phơi lộ cái “tôi” của mình:

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Khi ẩn mình trong “sóng”, khi đứng hẳn ra xưng “em”, một mà hai, hai mà một, cái “tôi” của Xuân Quỳnh luôn thao thức, trăn trở. Vừa bộc lộ gián tiếp lại vừa giãi bày trực tiếp, khi ẩn, khi hiện, đấy mới là “nhịp sóng” ngầm của bài thơ, quy định những xáo động bề mặt, biểu hiện qua câu chữ và âm điệu, nhịp điệu tương đối dễ thấy ẩn dụ “sóng” tuy có lúc bị phá vỡ, nhưng đấy chỉ là sự phá vỡ bề ngoài. Điều đó tạo điều kiện cho ta hiểu sâu hơn tầng “ẩn dụ” của cả bài thơ, hiểu sâu hơn những lo âu khắc khoải, những hi vọng, khát vọng, những gắng sức tìm kiếm và hành động tất yếu phải có ở một tình yêu chân chính, một tình yêu như tình yêu của Xuân Quỳnh khi đối diện với cuộc đời rộng lớn, với thời gian trôi chảy không ngừng:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Như trên đã phân tích, bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh có một cách thể hiện riêng về khát vọng tình yêu: Bao trùm lên là sự chân thực trong tình cảm, dường như chì nói những điều mà nhà thơ đã thể nghiệm sâu sắc. Cách nói ở đây táo bạo, nhiều khi quyết liệt chứ không dè dặt, sẽ sàng. Hình tượng sóng được xây dựng sinh động, hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, tuy nhiên nó thường bị giải thích bằng những lời thổ lộ tình cảm trực tiếp của nhân vật trữ tình. Với một vẻ đẹp khá độc đáo, khá riêng đó, bài thơ đã dành được cảm tình tốt đẹp của rất nhiều người đọc trong những năm qua. Như mong ước của Xuân Quỳnh, giữa biển lớn tình yêu con sông được chị hóa thân vào vẫn còn dào dạt vỗ.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng các nhân vật Tnú, cụ Mết, Dít, bé Heng trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật