THUYẾT MINH VỀ MỘT DANH LAM THẮNG CẢNH

Khi viết một văn bản thuyết minh giới thiệu về một danh lam thắng cảnh, thì điều đầu tiên, nhất thiết phải làm là cần có sự quan sát hoặc tra cứu sách vở, phỏng vấn những người hiểu biết về danh lam thắng cảnh đó.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

1. Khi viết một văn bản thuyết minh giới thiệu về một danh lam thắng cảnh, thì điều đầu tiên, nhất thiết phải làm là cần có sự quan sát hoặc tra cứu sách vở, phỏng vấn những người hiểu biết về danh lam thắng cảnh đó.

2. Lời giới thiệu bao giờ cũng nên đi kèm theo miêu tả, bình luận để hấp dẫn hơn.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI PHẦN BÀI HỌC

1. Văn bản đã giới thiệu về Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đây là hai di tích nằm giữa Thủ đô Hà Nội.

2. Muốn viết về một danh lam thắng cảnh như vậy cần phải có những kiến thức về danh lam thắng cảnh đó, như về vị trí, diện tích, độ nông, sâu, quang cảnh thiên nhiên xung quanh, nét đặc biệt của di tích đó.

3. Muốn có những tri thức trên cần phải đọc sách, tra cứu, quan sát, phỏng vấn những người dân sống lâu năm ở Hà Nội và có hiểu biết về Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

4. Bài viết thiếu phần Mở bài; mới chỉ đề cập đến phần lịch sử ra đời của Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn, chưa có phần miêu tả về vị trí, độ rộng, hẹp của hồ, thiếu miêu tả quang cảnh xung quanh, cây cối, màu nước, đặc biệt ở Hồ Gươm có một loại rùa quý hiếm..., vì thế bài viết có phần khô khan.

5. Phương pháp thuyết minh ở đây là nêu định nghĩa, giải thích.

III. RÈN KĨ NĂNG GIẢI BÀI TẬP SGK

Bài tập 1. Sắp xếp lại bố cục của văn bản giới thiệu hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Mở bài: Giới thiệu khái quát về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn: Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là hai thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội. Nói đến Hà Nội, không ai là không nhắc tới hai thắng cảnh này. Có một nhà thơ đã gọi Hồ Gươm là “chiếc lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng Hà Nội”.

Thân bài: Giới thiệu xuất xứ của hồ, tên hồ, độ rộng, hẹp vị trí của Tháp Rùa, của đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, miêu tả quang cảnh xung quanh, cây cối, màu nước, thỉnh thoảng cụ rùa lại nổi lên...

Kết bài: Vị trí của hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn trong lòng người Hà Nội.

Bài tập 2. Nếu muốn giới thiệu theo trình tự tham quan hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong nên sắp xếp thứ tự giới thiệu như sau:

- Từ xa: thấy hồ rộng, có Tháp Rùa, giữa hồ có đền Ngọc Sơn.

- Đến gần: cổng đền có Tháp Bút, cầu Thê Húc dẫn vào đền, đền Ngọc Sơn có hồ bao bọc xung quanh đền; xung quanh hồ có nhiều cây to...

Bài tập 3. Nếu viết lại bài này theo bố cục ba phần, nên chọn các chi tiết sau để làm nổi bật giá trị lịch sử và văn hóa của di tích, thắng cảnh:

Mở bài: Giới thiệu khái quát về di tích lịch sử Hồ Gươm.

Thân bài:

+ Giới thiệu về sự tích lịch sử của Hồ Gươm.

+ Giới thiệu về Hồ Gươm đối với môi trường sinh thái, môi trường du lịch của Thủ đô.

Kết bài: Khẳng định lại giá trị của Hồ Gươm.

Bài tập 4. Có thể xếp câu nói của nhà thơ nước ngoài đó vào phần mở bài của bài viết.

Các bài học liên quan
KHI CON TU HÚ - Tố Hữu
CÂU NGHI VẤN (tiếp theo)
QUÊ HƯƠNG - Tế Hanh
CÂU NGHI VẤN
ÔNG ĐỒ - Vũ Đình Liên
NHỚ RỪNG - Thế Lữ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật