TỔNG KẾT PHẦN TIẾNG VIỆT

Bài tập 1. Dựa vào những kiến thức về từ, hãy dùng dấu gạch chéo (/) để vạch ranh giới giữa các từ trong đoạn trích sau (theo mẫu):

M: Bình minh / của / hoa phượng / là / một / màu / đỏ / còn / non /, nếu / có / mưa / lại / càng / mát dịu /. Ngày / xuân / dần / hết /, số / hoa / tăng / màu / cũng / đậm / dần /. Rồi / hòa nhịp / với / mặt trời / chói lọi /, màu / phượng / mạnh mẽ / kêu / vang /: hè / đến / rồi /! Khắp / thành phố / bỗng / rực lên / y như / tết / đến / nhà nhà / đều / dán / câu đối / đỏ. Sáng mai / thức dậy / cậu / học trò / vào / hẳn / trong / màu / hoa phượng/.

(Xuân Diệu, Trích Hoa học trò)

Đoạn trích:

1) Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh hoa mai to hơn một chút. Những nụ mai không phô hồng mà ngời xanh màu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh mai xòe ra, mịn màng như lụa. Những cánh hoa ánh lên một sắc vàng muốt, mượt mà. Một mùi thơm lựng như nếp hương phảng phất bay ra. Hoa mai trổ từng chùm thưa thớt, không đơm đặc như hoa đào. Nhưng cành mai uyển chuyển hơn cành đào. Vì thế, khi cành mai rung rinh cười với gió xuân, ta liên tưởng đến một đàn bướm vàng rập rờn bay lượn.

(Theo Mùa xuân và phong tục Việt Nam)

2) Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sáu của tôi trên đảo Thanh Luân (1) một cách quá là đầy đủ. Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh...

(Nguyễn Tuân, Cô Tô, Ngữ văn 6, tập 2, tr. 89)

Bài tập 2- Nhận diện bằng cách gạch chân các từ ghép trong những đoạn trích sau đây (theo mẫu):

M: Ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao. Tàu lá cau trổi nhất gượng bám chút bụi mặt trời.... Trí tôi thấy - tuy mắt tôi không- những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một ít, và cái đêm tôi cứ lên hoài cho đến khi ngập cả trời cao.

Hoàng hôn. Ễnh ương kêu. Tiếng khan khản phát từ muôn gốc cỏ, từ những ruộng sâu thũng xuống làm cho con đường tự nhiên mà cao. Tiếng áo não, hơi phồng, như trong ấy có sự gắng sức, tiếng rậm và nhiều, và thê lương như sự chết làm sôi bóng hoàng hôn.

(Xuân Diệu - Phấn thông vàng, Dẫn theo Nguyễn Tăng Chương, 

Giảng văn 6, Trí Đăng, Sài Gòn, 1974, tr. 53).

Đoạn trích:

1) Tôi đang mơ màng tưởng tượng thì chợt vang lên tiếng chim hoàng oanh hót. Tôi đưa mắt tìm xem chim đậu ở đâu mà hót. Mỗi lần nghe chim hoàng oanh hót là tôi phải nghĩ đến những cây bàng cành lá xanh mướt, vòm trời xanh có mây trắng nhẹ như bông. Đà Lạt có chim hoàng oanh hót là điều tôi không bao giờ ngờ. Nhưng kìa, trên một cành thông gãy, có một con chim hoàng oanh nhỏ đang mổ vỏ thông tìm mồi. Mổ nhanh nhanh một hồi rồi lại nhảy sang cành khác, hót véo von. Mình chim thon thon, lông mướt, màu vàng nghệ, thật hòa hợp với giọng hót ấm áp.

Óc tôi vụt nhiên thấy êm ả vô cùng...

(Vò Hồng, Hoài cỏ nhân. Dẫn lại theo Hoàng Đăng Cấp - Lê Hữu

Hiền - Bằng Giang - Xuân Tước - Thấm Thệ Hà - Trọng Khanh, Quốc

văn 8, Sống Mới, Sài Gòn, 1974, tr.31)

2) Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sáu của tôi trên đảo Thanh Luân (1) một cách quá là đầy đủ. Tôi dậy từ canh tư. Còn tôi đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh...

(Nguyễn Tuân, Cô Tô, Dẫn lại Ngữ văn 6, tập 2, NXB. Giáo dục,

Hà Nội, tr. 88- 89).

* Chú thích: Đảo Thanh Luân: Một trong 17 đảo trên quần đảo Cô Tô.

Bài tập 3. Nhận diện bằng cách gạch chân các từ láy trong những đoạn trích sau đây theo mẫu:

M: “...Chị Doãn là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự.

Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời ! Răng trắng nữa, trời ạ! Cái áo dài lướt thướt màu xanh, cái quần nhiều trắng trai lơ, đôi giày cao gót có quai kiểu gái nhảy, với mẫu khăn vành rây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mĩ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm.

Đã thế, trong khi chuyện trò, thỉnh thoảng lại chêm vào một vài câu tiếng Tây, ra ý khoe khoang mình vốn là nữ học sinh. Tôi có cảm tưởng man mác rằng, người đàn bà này, những lúc vắng nhà, hẳn đã huýt còi như một ông lính Tây say rượu”...

(Trích Vũ Trọng Phụng, Lấy vợ xấu)

Đoạn trích:

1) “Anh Hoàng đi ra, Anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả bởi vì người anh khí to béo quá, vừa bước vừa bơi cánh tay kềnh kệnh ra hai bên, những khối thịt ở bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá. Cái dáng điệu nặng nề ấy, hồi còn ở Hà Nội anh mặc quần áo tây cả bộ, trông chỉ thấy là chững chạc và hơi bệ vệ. Bây giờ nó lộ ra khá rõ ràng, trong bộ áo ngủ màu xanh nhạt, phủ một cái áo len trắng nó nịt người anh đến nỗi không còn thở được.

Anh đứng lại bên trong cổng, một bàn tay múp míp hơi chìa về phía tôi, đầu hơi ngửa về đằng sau, miệng hé mở, bộ điệu một người ngạc nhiên hay mừng rỡ quá. Tôi có thì giờ nhận rõ một sự thay đổi trên bộ mật đầy đặn của anh: trên mép, một cái vành móng ngựa ria, như một cái bàn chải nhỏ.

Sừng người ra một lúc rồi anh mới lâm li kêu lên những tiếng ở trong cổ họng:

- Ôi giời ơi ! Anh ! Quý hóa quá !...”

(Nam Cao, Trích Đôi mắt)

2) Em Tuyết của tôi vừa được 5 tháng. Nó mập tròn, trắng như hòn bột, khác hẳn với các trẻ khác trong làng. Hai mắt đen nhánh và trong vắt. Thấy gì nó cũng nhìn. Nó cười nhiều hơn là khóc. Ai bồng bế nó cũng được.

Mẹ tôi ẵm nó ở trước ngực, để tay chân nó được tự do. Hai tay nó cào không khí một cách vụng về; hai chân nó đạp lung tung.

Khi người này bồng nó chuyển sang người khác, khi các cô bạn mẹ tôi hôn hít nó, một hồi nó thấy chán và đói bụng, nó òa lên khóc. Tức thì mẹ tôi nâng niu nó, cho nó bú và dồn nó ngủ.

(Dẫn lại Từ Phát - Việt luận, Lớp nhì, lớp nhất, lớp liên, Thanh Quang, Sài Gòn, 1970, tr.79)

Bài tập 4 - Gạch dưới các từ vay mượn có trong bài thơ dưới đây và cho biết tác dụng của các từ ngữ vay mượn ấy:

Thăng Long thành hoài cổ

                             Bà huyện Thanh Quan

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường (1)
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương (2)
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo (3)
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (4)
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt (5)
Nước còn cau mặt với tang thương (6)
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ (7)
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường (8)

Chú thích:

(1) Tạo hóa: ông trời; hí trường: nơi đùa vui; (2) Tinh sương: đêm và ngày (3) Thu thảo: cỏ mùa thu; (4) Tịch dương: nắng chiều tà; (5) Tuế nguyệt: năm tháng; (6) Tang thương: từ câu “Thương hải biến vi tang điền” (Biển xanh biến thành nương dâu), ý nói sự đổi thay lớn; (7) Kim cố: xưa nay; (8) Đoạn trường: đau lòng (đứt ruột).

Bài tập 5. Tra từ điển tiếng Việt để giải thích nghĩa của các từ sau: đầu, lưng, tay, chân. Qua một số ví dụ, em hãy chứng minh rằng các từ này có thể chuyển nghĩa trong những câu nói cụ thể?

Bài tập 6. Dùng cách định nghĩa để giải nghĩa các từ sau: biển, hồ, đầm; núi, đồi, khe, suối, sông, ngòi, lạch, luồng.

Bài tập 7. Tra từ điển để giải nghĩa các từ: tấm, mảnh. Cho biết mỗi từ có bao nhiêu nghĩa? Tìm nghĩa gốc của từ các từ đó.

Bài tập 8- Gạch dưới các cụm danh từ trong đoạn trích sau đây, theo mẫu.

M: ... “Vân ngồi lặng lẽ để sự bình tĩnh thấm vào người.

...Trước mặt chàng, khói hương nghi ngút trên bàn thờ lộng lẫy. Những chữ vàng của hai vế đối hai bên nổi bật lên trên nền sơn đen. Qua chiếc màn the hồng. Vân đưa mắt nhìn chiếc đỉnh đồng ám khói, chiếc ngai màu đỏ ối. mấy cây đèn nến cổhai lọ sứ cầm hai cành đào, hoa đào đỏ thắm như môi người.

(Dẫn theo Nguyễn Tăng Chương - Giảng văn 6, Trí Đăng, 

Sài Gòn, 1974. tr.68).

Đoạn trích:

“Mẹ con bác Lê ở một căn nhà cuối phố, một căn nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác, có một chiếc giường nan đã gãy nát. Mùa hè thì rải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó. Từ buổi sớm tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta phải trở dậy đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn, tuy bác phải làm vất vả nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đêm mùa rét, khi các ruộng kia đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, bác Lê lo sợ vì không ai mướn làm việc gì nữa. Thế là cả nhà chịu đói. Mấy đứa nhỏ nhất khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm để mong lấy cái hơi ấm của mình ấp ủ cho nó.

(Thạch Lam, trích Nhà mẹ Lê)

Bài tập 9- Gạch dưới các cụm động từ trong đoạn trích sau đây, theo mẫu.

M: “Hải đã xa Hà Nội, ra cẩm Phả nhận công tác. Mỗi khi có dịp về quê Hà Nội rồi tạm biệt nó, bao giờ Hải cũng ngồi lặng hàng giờ để nghe bạn anh là một nhạc sĩ trình bày bản “Ánh trăng” của Bít- tô-vơn bằng đàn pi-a-nô. Anh cảm thấy dễ chịu và đầu óc bớt căng thẳng...

(Tô Ngọc Hiến - Dần theo Tiếng Việt 4, tập 1,

NXB. Giáo dục, 1999, tr.42).

Đoạn trích:  “Sóng vẫn vỗ ầm ầm vào bờ. Những đợt sóng trước kia xanh đẹp là thế, nay ngầu đục, dồn dập, xô đẩy nhau, cưỡi lên nhau... Trên mười năm qua rồi, đời sống của miền Ngư Thủy này đối thay đã nhiều, thế mà biển vẫn y như trước, vẫn hung bạo không kém.

Ông bõ nheo nheo mắt nhìn những đợt sóng dồn dập ở ngoài kia, nhớ đến cái lúc thuyền bõ bị đắm thì trên thuyền cũng có năm người. Bõ còn nhớ rõ như in trong trí là lúc thuyền bị sóng nhận xuống thì ba người đã phóng xuống biển để nâng bợ thuyền lên. Còn lại hai người, là bõ với một anh bạn

(Anh Đức, Biển xa. Dần lại Vũ Tú Nam, Phạm Hổ,

Nguyễn Quang Sáng, Bùi Hiển, Văn miêu tả và kể chuyện, tr. 160).

Bài tập 10. Gạch dưới các cụm tính từ trong đoạn trích sau đây, theo mẫu.

M: “Nó chỉ là chiếc quạt như bao nhiêu chiếc quạt khác của chị em trong ban vũ thôi. Nhưng ở trong tay nàng Há, mỗi lúc nàng múa lên, cái vật tầm thường này lại được thoát hình trong một sự biến hóa huyền lo lạ thường. Nó không còn là chiếc quạt nữa. Nhưng là một cái gì khác lạ hẳn. Một cánh bướm nhẹ nương theo một cánh gió. Một bài thơ trác tuyệt. Một mảnh vàng chới với trong không trung để lôi cuốn tâm hồn người ta vào một thế giới mung lung, mỏng áo của núi rừng có trăng thanh và suối bạc.”

Đoạn trích:

“Khuyên chú ý chiếc quạt ấy ngay từ buổi trình diễn đầu tiên... Nhưng cái ấn tượng sâu đậm nhất mà vũ khúc ghi vào tâm não anh là một chiếc quạt với bàn tay trắng mềm. Bao giờ cũng vậy, suốt cả vũ khúc, mắt Khuyến theo dõi mãi không ngừng chiếc quạt và bàn tay ấy. Và rồi hình ảnh bàn tay với chiếc quạt nhẹ phẩy trong không trung, cùng một đàn bướm rừng vô hình bị lùa bay tán loạn theo gió, lại vụt hiện về với Khuyến mỗi lúc anh nghĩ đến nàng Há”.

(Theo Minh Văn - Xuân Tước, Việt luận, Lớp 5, tiếp liên, 6,7,8,

Sống Mới, Sài Gòn, 1970, tr. 54-55)

Bài tập 11. So sánh hai câu sau đây và cho biết câu nào có nhiều vị ngữ? Bác Vuông cảm thấy nhẹ nhàng, khỏe khoắn, vui vui. Bác đi ra vách, với cây đàn bầu, so dây, gẩy.

Bài tập 12. Đọc và cho biết những câu nào dưới đây có hai chủ ngữ? “...Chính mắt bõ trông thấy một đàn cá mập lượn tới, con đầu to bằng cánh phản, bơi nghiêng và những con sau bõ mới chỉ kịp nhìn thoáng thấy, chưa kịp kêu, thì chúng đã đớp ngay một anh. Hai anh kia cũng bị chúng đuổi theo, ăn nốt. Máu loang đỏ trào lên ngọn sóng. Bõ với anh Tấn nấp sát vào lòng khoang thuyền. Đàn cá biết còn người trên thuyền nên chúng cứ lượn quanh. Nhưng chúng không có cách nào ăn thịt hai người. Hai người cứ rúc trong lườn thuyền. Chiều hết đến đêm. Thực là một đêm khủng khiếp trong đời bõ”.

(Anh Đức, Biển xa, Dẫn lại Vũ Tú Nam, Phạm Hổ…

- Văn miêu tả và kể chuyện, tr. 160).

Bài tập 3. Viết một đoạn văn trong đó có sử dụng câu trần thuật đơn có từ “là” và không có từ “là”. Chú ý dùng đúng các dấu chấm, phẩy, chấm than...

Bài tập 13. Tìm các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích dưới đây và cho biết tác dụng của chúng :

“Ngồi xem anh Thận làm việc thật thích: có cái gì rất khỏe, rất say trong công việc của anh, sinh động và hấp dẫn lạ thường. Này đây, anh bắt lấy thỏi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. Những chiếc vảy của nó bắn ra tung tóe thành những tia lửa sáng rực. Nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó không chịu khuất phục. Anh quặp lấy nó trong đôi kìm sắt dài, lại dúi đầu nó vào giữa đống than hồng.

... Cuối cùng con cá lửa đành chịu thua. Nó nằm ưỡn dài ngửa bụng ra trên đe mà chịu những nhát búa như trời giáng. Và tới lúc anh trở tay ném nó đánh xèo một tiếng vào cái chậu nước đục ngầu làm cho chậu nước bùng sôi lên sùng sục thì con cá sắt kia liền chìm nghỉm xuống đáy chậu: nó đã biến thành một chiếc lưỡi rựa vạm vỡ và duyên dáng. Anh Thận chỉ liếc nhìn nó một cái, như một kẻ chiến thắng. Và anh lại bắt đầu một cuộc chinh phục mới”.

(Nguyên Ngọc- Đất Quảng, tập 2. Dẫn lại

Vũ Tú Nam, Phạm Hổ... Sđd, tr.154-155).

Các bài học liên quan
TỔNG KẾT PHẦN VĂN
ĐỘNG PHONG NHA
BỨC THƯ CỦA THỦ LĨNH DA ĐỎ
CẦU LONG BIÊN - CHỨNG NH N LỊCH SỬ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật