ĐỘNG PHONG NHA

Văn bản Động Phong Nha thuộc văn bản nhật dụng vừa mang chất văn của một văn bản văn học đơn thuần vừa mang tính chất thời sự, đó là vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ danh lam thắng cảnh và phát triển kinh tế du lịch.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Động Phong Nha ở miền tây tỉnh Quảng Bình được xem là cảnh đẹp nhất (“Đệ nhất kì quan”).

- Động Phong Nha đã và đang thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.

- Chúng ta tự hào vì đất nước có động Phong Nha cũng như những thắng cảnh khác.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Văn bản Động Phong Nha thuộc văn bản nhật dụng vừa mang chất văn của một văn bản văn học đơn thuần vừa mang tính chất thời sự, đó là vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ danh lam thắng cảnh và phát triển kinh tế du lịch.

- Phong Nha nằm trong quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng, nên có chỗ gọi là Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được xem là “Đệ nhất kì quan” (tức là cảnh đẹp nhất).

- Cảnh sắc động Phong Nha được miêu tả theo trình tự: giới thiệu vị trí quần thể của động; miêu tả hai đường vào hang; miêu tả hai bộ phận chính của hang; miêu tả động chính, các dòng sông ngầm và khu rừng nguyên sinh; đặc tả cảnh đẹp lộng lẫy và kì ảo của động Phong Nha.

Bài văn không chỉ làm cho chúng ta yêu quý, tự hào về động Phong Nha mà còn nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng và bảo vệ thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp này. Đây cũng chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

- Với nghệ thuật đặc tả, động Phong Nha hiện lên với một vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo, vẻ đẹp của động Phong Nha trước hết là vẻ đẹp của những hình khối nhũ thạch cổ đường nét như những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc: hình con gà, con cóc, hình mâm xôi, cái khánh, hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ,... hiện lên đa dạng và phong phú.

Động Phong Nha cùng lộng lẫy về sắc màu (một sắc màu lóng lánh như kim cương không bút nào lột tả hết, huyền ảo về sắc màu, những nhánh phong lan xanh biếc...), kì lạ về âm thanh (một tiếng nước gõ tong tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt,...).

Vẻ đẹp độc đáo và đặc sắc của động Phong Nha khiến cho du khách như lạc vào thế giới khác lạ - thế giới của tiên cảnh: vừa hoang sơ, bí hiểm; lại vừa thanh thoát, giàu chất thơ.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

2. Bài văn có thể chia làm mấy đoạn? Nếu là hai cách thì cách chia và nội dung cụ thể của từng đoạn là gì? Nếu là ba cách thì cách chia và nội dung cụ thể của từng đoạn là gì?

Gợi ý:

Bài văn này có thể chia làm ba đoạn.

Đoạn 1: Từ đầu cho đến những xóm làng, nương ngô, bãi mía nằm rải rác. Nội dung của đoạn này nói về vị trí địa lý và lối vào động Phong Nha.

Đoạn 2: Tiếp theo đến tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất bụt. Nội dung của đoạn này nói về cảnh tượng trong động Phong Nha.

Đoạn 3: Còn lại. Nội dung của đoạn này nói về những giá trị của động, nêu lên những tiềm năng của động Phong Nha trong việc khai thác du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học.

3. Cảnh sắc của động Phong Nha đã được tác giả miêu tả theo trình tự nào? vẻ đẹp của Động khô và Động nước đã được miêu tả bằng những chi tiết nào?

Gợi ý:

Cảnh sắc của động Phong Nha đã được tác giả miêu tả theo trình tự: từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể, từ cụ thể đến khái quát.

Vẻ đẹp của Động khô:

- Độ cao (200 mét)

- Nguồn gốc: xưa là một sông ngầm.

- Hiện tại có những vòm đá vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh.

Vẻ đẹp của Động nước:

- Hiện tại có một con sông ngầm chảy suốt ngày đêm, nước rất trong và mát. Động chính được miêu tả tỉ mỉ:

+ Gồm 14 buồng thông nhau,

+ Buồng ngoài cách mặt nước 10 mét, từ buồng thứ hai hang cao 25 - 40 mét.

- Các khối đá nhiều hình khối, màu sắc:

+ Có khối hình con gà; con cóc.

+ Có khối xếp thành hình đốt trúc dựng đứng.

+ Có khối mang hình mâm xôi.

+ Có khối mang hình cái khánh.

+ ...

- Hệ thống từ ngữ: mang giá trị gợi hình và gợi cảm rõ rệt.

+ Tính từ miêu tả: lộng lẫy, kì ảo, hoang sơ, bí hiểm, thanh thoát và giàu chất thơ...

+ Cụm tính từ, cụm danh từ: huyền ảo về màu sắc, lóng lánh như kim cương, thế giới khác lạ, thế giới của tiên cảnh.

4. Hãy đọc lại lời phát biểu của ông trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh và trả lời câu hỏi sau:

a) Nhà thám hiểm đó nhận xét và đánh giá động Phong Nha như thế nào?

b) Em có cảm nghĩ gì trước lời đánh giá đó?

Gợi ý:

a) Lời nhận xét đánh giá của ông trưởng đoàn thám hiểm người Anh:

- Động Phong Nha là hang động dài nhất, đẹp nhất thế giới, bao gồm bảy cái nhất:

+ Hang động dài nhất.

+ Cửa hang cao và rộng nhất.

+ Bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất.

+ Có những hồ ngầm đẹp nhất.

+ Hang khô rộng và đẹp nhất.

+ Thạch nhũ trạng lệ và kì ảo nhất.

+ Sông ngầm dài nhất.

b) Lời đánh giá đó vừa khích lệ, vừa nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và khai thác động một cách hợp lý.

BÀI TẬP NÂNG CAO

• CHỮA LỖI VỀ CHỦ NGỮ VÀ VỊ NGỮ (Bài 29, 30, 32)

1. Em hãy xem xét các câu sau đây:

- Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối

- Cô Hà là người Cần Thơ.

- Cô Hoa người Bến Tre.

Các câu: “Rên, hèn.”, “Van, yếu đuối.”, “Cô Hoa người Bến Tre.” có phải là câu sai ngữ pháp không? Vì sao ?

Gợi ý:

Các câu: “Rên, hèn”, “Van, yếu đuối”, “Cô Hoa người Bến Tre.” không phải là câu sai ngữ pháp. Đây là câu trần thuật đơn có từ là. Ở đây, từ là được thay bằng dấu phẩy ở hai câu đầu, được lược bớt ở câu sau.

2. Trong bài Tre Việt Nam, Thép Mới đã viết hai câu có dấu phẩy nằm giữa bộ phận chủ ngữ và vị ngữ nhằm nêu bật ý khẳng định của câu. Em hãy tìm xem hai câu ấy là câu nào?

Gợi ý:

Hai câu ấy là: “Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu”.

3. Trong các câu dưới đây, câu nào viết sai ngữ pháp ? Chỉ ra chỗ sai của những câu đó.

a) Qua câu chuyện mà bạn kể trước lớp.

b) Câu chuyện mà bà vừa kể rất hay.

c) Những bài tập nâng cao cô ra cho chúng tôi làm ở lớp.

d) Những bài tập nâng cao này không có trong sách giáo khoa

đ) Qua truyện Thạch Sanh thấy rằng Lí Thông là kẻ độc ác.

e) Bạn Bích Thu đã đạt học sinh giỏi học kì một.

Gợi ý:

Các câu a, c, đ là những câu sai ngữ pháp.

Câu a là câu thiếu chủ ngữ và vị ngữ.

Câu c là câu thiếu vị ngữ.

Câu d là câu thiếu chủ ngữ.

4. Vì sao bộ phận sau đây chưa thành câu: “Những học sinh giỏi học kì một vừa qua”?

A. Thiếu chủ ngữ B. Thiếu vị ngữ

c. Thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ D. Sai về nghĩa

Gợi ý:

Lỗi: B. Thiếu vị ngữ

5. Những câu sau sai vì lỗi gì? Em hãy nêu cách sửa và sửa lại cho đúng.

a) Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng đáng nhớ.

b) Nga, bạn gái mà tôi rất quý mến.

c) Đức thư của Mai vừa gửi cho ba.

d) Về tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài viết cho các em thiếu nhi.

đ) Với những bạn vừa mới đạt danh hiệu học sinh giỏi học kì một.

e) Nhằm ghi lại thành tích của cả lớp trong đợt trồng cây chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.

g) Việc lớp trưởng lớp tôi phổ biến kế hoạch thi đua trong tháng tới.

h) Mỗi khi nhớ lại thời còn là học sinh cắp sách tung tăng đến trường.

Gợi ý:

5. Tìm chỗ sai:

Thiếu vị ngữ: Câu b, c, g.

Thiếu chủ ngữ và vị ngữ: Câu a, d, đ, e, h.

- Cách sửa: Thêm những bộ phận còn thiếu hoặc thêm hay bỏ những từ ngữ để câu không sai ngữ pháp.

- Sửa lại:

+ Chẳng hạn, các em sửa lại câu a) Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng đáng nhớ.

Cách 1: Thêm vị ngữ (Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng đáng nhớ, tôi đã theo mẹ đến trường.)

Cách 2: Thêm từ (Buổi sáng hôm ấy một buổi sáng đáng nhớ.)

+ Câu khác, g) Việc lớp trưởng lớp tôi phổ biến kế hoạch thi đua trong tháng tới.

Cách 1: Thêm vị ngữ (Việc lớp trưởng lớp tôi phổ biến kế hoạch thi đua trong tháng tới đã làm cả lớp xôn xao.)

Cách 2: Bỏ từ “việc” (Lớp trưởng lớp tôi phổ biến kế hoạch thi đua trong tháng tới.)

Những câu còn lại, các em có thể làm được rồi.

6. Hoàn chỉnh câu dưới đây bằng cách thêm chủ ngữ, vị ngữ vào chỗ trống:

a. Thời gian không học trên lớp,.....

b. ...... mới mua cho Thanh một chiếc cặp sách rất đẹp.

c. Tất cả những bạn đi tham quan lần này.....

d. Trên bờ sông,......đang gặm cỏ.

Gợi ý:

Các em hoàn chỉnh câu bằng cách thêm chủ ngữ, vị ngữ vào chỗ trống trong câu. Các em có thể thêm ở một chỗ trống vừa chủ ngữ vừa vị ngữ, cũng có chỗ trống chỉ cần thêm chủ ngữ hoặc vị ngữ là được. Câu a thêm cả chủ ngữ và vị ngữ, câu b thêm chủ ngữ, câu c thêm vị ngữ, câu d thêm chủ ngữ. Chẳng hạn:

a. Thời gian không học trên lớp, em vừa học bài, vừa giúp đỡ bố mẹ việc nhà.

b. Mẹ mới mua cho Thanh một chiếc cặp sách rất đẹp.

c. Tất cả những bạn đi tham quan lần này không cần mang theo đồ dùng cá nhân.

d. Trên bờ sông, mấy con trâu đang gặm cỏ.

7. Những câu sau sai vì lỗi gì? Em hãy nêu cách chữa từng câu.

- Chân bé vừa chạy vừa khóc gọi mẹ.

- Tay chị đưa chiếc liềm thoăn thoắt và khe khẽ hát.

- Cây bút của Ngọc đang đưa lên đưa xuống mềm mại bỗng dừng lại hỏi cô.

- Chiếc xe đưa Toàn từ nhà đến trường và bước vào lớp.

Gợi ý:

Đây là những câu sai về quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành phần câu. Cụ thể: Câu “Chân bé vừa chạy vừa khóc gọi mẹ.” không thể hiểu chân bé lại có thể khóc gọi mẹ được. Có thể sửa câu này bằng cách thêm chủ ngữ (ví dụ, “miệng” vào trước vừa khóc gọi mẹ (Chân bé vừa chạy miệng vừa khóc gọi mẹ.).

Tương tự, câu “Tay chị đưa chiếc liềm thoăn thoắt và khe khẽ hát.” có thể sửa thành: "Tay chị đưa chiếc liềm thoăn thoắt và chị khe khẽ hát.” . Câu “Cây bút của Ngọc đang đưa lên đưa xuống mềm mại bỗng dừng lại hỏi cô.” sửa thành: “Cây bút của Ngọc đang đưa lên đưa xuống mềm mại bỗng Ngọc dừng lại hỏi cô”. Câu “Chiếc xe đưa Toàn từ nhà đến trường và bước vào lớp.” có thể tách thành hai câu như sau: “Chiếc xe đưa Toàn từ nhà đến trường.”, “Toàn bước vào lớp.”

Các bài học liên quan
CẦU LONG BIÊN - CHỨNG NH N LỊCH SỬ
CÂU TRẦN THUẬT ĐƠN KHÔNG CÓ TỪ LÀ
CÂU TRẦN THUẬT ĐƠN CÓ TỪ LÀ
LAO XAO
LÒNG YÊU NƯỚC
CÂU TRẦN THUẬT ĐƠN
CÂY TRE VIỆT NAM

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật