Bình giảng bài Thơ duyên của thi sĩ Xuân Diệu
Thơ duyên đúng là một bài thơ tình. Tình yêu ở đây sinh ra giữa đất trời và phát triển theo lẽ tương giao của vạn vật. Tất cả được tạo hóa xếp đặt trong một quan hệ tưởng vô tình mà hữu ý, tưởng hờ hững, vu vơ mà mối lái, ràng buộc.
- Bài học cùng chủ đề:
- Bàn về thơ Xuân Diệu, nhà phê bình Hoài Thanh đã khẳng định: “Thơ Xuân Diệu … tha thiết”. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên đây thông qua sự hiểu biết về thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.
- Phân tích những cách tân nghệ thuật của nhà thơ Xuân Diệu qua một số bài thơ, câu thơ của ông
- Những nét chính trong sự nghiệp văn học của nhà thơ Xuân Diệu.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
Tôi không nghĩ rằng từ "duyên" ở câu mở đầu bài thơ đã được dùng đắc địa. Nó còn để lộ kĩ xảo và thu hẹp nghĩa từ "duyên" nơi đầu đề. Thực ra trong cái tứ bao quát toàn bài, "duyên" đồng nghĩa với sự "tác hợp" của "cơ trời" cho đôi lứa - một sự "tác hợp" nhiệm màu thông qua không khí xe duyên bao trùm cả vũ trụ.
Thơ duyên đúng là một bài thơ tình. Tình yêu ở đây sinh ra giữa đất trời và phát triển theo lẽ tương giao của vạn vật. Tất cả được tạo hóa xếp đặt trong một quan hệ tưởng vô tình mà hữu ý, tưởng hờ hững, vu vơ mà mối lái, ràng buộc. Đúng nửa số câu của bài thơ được dành để nói về thiên nhiên và nửa số câu còn lại dùng để tả người, và cách miêu tả thì luân phiên với từng đối tượng. Nhưng theo cách nhìn khác, thiên nhiên vẫn hiện diện liên tục trong bài thơ, làm bản nhạc đệm cho những bước chân tìm đến tình yêu. Tuy nhiên, sự hiện diện đó mỗi lúc một khác. Khi nhẹ êm len lỏi vào khoảng cách giữa những bước chân đi dạo ngập ngừng để gợi ý, dẫn dụ, rủ rê, khi trỗi dậy với những tiết tấu giục giã, thúc bách, đòi hỏi. Đúng là một cái "nền" tuyệt diệu, biết nói những lời cần thiết đúng lúc và đầy sức nặng.
Từ khúc dạo đầu, bản nhạc đệm đã trào lên những giai điệu hạnh phúc:
"Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chìm chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”
Sao nhiều sự vật và lắm động tác thế! Tất cả đều tìm đến nhau và tìm đôi, ríu rít cả lên. Những đường biên giới cách ngăn bị xóa mờ. Chiều trở thành chiều mộng và nhánh là nhánh duyên. Nhà thơ đã cố tình lướt qua những sắc màu và dáng nét cụ thể của chúng cho âm hưởng cuộc hòa thơ càng ngân nga. Câu thứ ba có ngữ pháp rất lạ. Cái gì đã đổ trời xanh ngọc. Chủ thể hành động ấy là ai? Thật khó giải thích. Chỉ biết rằng nếu câu thơ được viết lại cho đúng khuôn phép hơn, ví như Trời xanh đổ ngọc... thì có lẽ không còn gì. Chút choáng ngợp trong cảm xúc mất đi và vẻ ăm ắp, no đầy, tự dưng nghiêng đổ của thiên nhiên cũng sẽ không được cảm nhận một cách sâu sắc. Đừng quá rạch ròi ở đây. Ngay tiếng huyền ở câu thứ tư không chắc là một thứ tiếng gì rõ rệt. Chẳng qua "vạn vật nức xuân tâm" bỗng dưng phát tiếng, thật mơ hồ mà như có giai điệu dìu dặt, và có lẽ càng dìu dặt hơn trong vẻ mơ hồ ấy.
Rõ là thiên nhiên đang gây áp lực cho con người theo kiểu riêng của nó. Ý niệm về hạnh phúc được khơi lên cứ không ngừng tỏa lan những vòng sóng nơi tâm hồn, khiến ta nhìn vào đâu cũng chạm phải nỗi rung động mới mẻ của chính mình.
"Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiều".
So với mây câu thơ đầu, cảnh vật ở đây được nhìn gần và đượm tính "người" hơn. Các từ láy âm nhỏ nhỏ, xiêu xiêu, lả lả vừa mô phỏng tài tình các dáng điệu cùng những sắc thái chuyển động tinh vi của sự vật, vừa diễn tả rất đắt nỗi xao xuyến của lòng người khi lắng nghe những giao lưu bí ẩn trong trời đất. Có một thoáng nhìn hoang vắng phủ trùm lên cảnh vật lúc nắng trở chiều. Lạ, cũng trên con đường nhỏ nhỏ thân thuộc ấy, sao chiều nay trong gió xiêu xiêu, lòng ta bỗng mất vẻ an bằng, cũng chống chếnh, xiêu xiêu? Và cành lả lả, sao khéo giống con người đang trạng thái ngây ngất, bỗng phút chốc thấy mất hết sức lực vì một ảo giác nào đó? Thật không ngờ khuôn mặt tình yêu đã hiện lên giữa bộn bề những môi xúc cảm không rõ hình, rõ nét ấy:
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Sự thực từ đây con người đã bắt được vào nhịp điệu của thiên nhiên và cộng hưởng với nó.
Khổ thơ thứ ba mở ra một khoảng không gian bằng lặng và rộng rãi. Nhịp thơ trở lại điều hòa, khoan thai. Nhân vật trữ tình dường như muốn ngừng bước một vài giây để xác nhận lại, kiểm nghiệm lại chất lượng mới trong tình cảm của mình. Bản nhạc đệm thiên nhiên cũng chìm lắng đi để những bước chân vô tư lự của anh, của em trở thành đối tượng quan sát chính:
"Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần".
Không còn nghi ngờ gì nữa, trong bài thơ dịu của đất trời, anh với em như một cặp vần. Tuy nói điềm nhiên, chẳng theo gần, nhưng sự thật xúc cảm của nhân vật trữ tình đã mất đi vẻ "điềm nhiên". Anh ta muốn reo lên, muốn kết luận nói lời ràng buộc. Sự vô tâm lúc này chỉ còn là cái vỏ nữa thôi.
Khổ thơ thứ tư quay trở lại với hình ảnh thiên nhiên và thừa tiếp rất khéo ý thơ trên:
"Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần".
Âm thanh bản nhạc lúc này nổi lên có vẻ thúc giục và khuyến dụ ráo riết hơn, nhờ hiệu quả của các từ láy âm gấp gấp, phân vân nằm ở cuối câu, cuối nhịp và một mật độ dày đặc các động từ hoặc trạng từ, tính từ được động từ hoá: về, bay, gấp gấp, phân vân, nghe, giang, lạnh, xuống. Nó xui người ta tìm đôi hoặc thổ lộ yêu đương và nói lời "dứt điểm" vào đúng lúc chiều sắp tắt, sương xuống lạnh để trời thành quá rộng. Ngay cả làn mây biếc và con cò trên ruộng cũng đâu có nhởn nhơ duyên tương - chúng đang lựa chọn hay mải miết tìm về một chốn nào. Quả có mối ngộ giữa anh và em, khiến anh phải ngơ ngẩn trước tình yêu đang nảy nở, để rồi bật thốt lên một tiếng kêu đắm đuối: “Lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Trong từ cưới đó nghe ran một niềm hoan lạc.
Thơ duyên có một bố cục chặt chẽ, sáng sủa, thể hiện khá sâu cảm hứng lí giải của nhà thơ. Mặc dù có lần nói "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu" (Vì sao), nhưng trong dự án làm "pho tự vị" thật đầy đủ về nó, Xuân Diệu đã không chịu bỏ trống mục từ nào, kể cả mục từ Duyên đầy hóc búa. Bao nhiêu lần người ta đã nói đến sự lạ lùng của "cơ duyên" (Cơ duyên đâu bỗng lạ sao - Kiều) nhưng có lẽ chỉ đến Xuân Diệu, cái nghịch lí của phạm trù này mới được tường giải. Ta cảm thấy rõ rệt bàn tay xếp đặt của tạo hóa, tuy vô hình mà có sức mạnh rất hiện thực. Dưới sức ép của quy luật tìm đôi và giữa muôn ngàn sợi tư tình giăng mắc, làm sao người ta có thể không đến cùng nhau, làm sao có thể không yêu được? Duyên là thế - ở phần chìm của nó!
Nhưng "Thơ duyên'' còn được hợp thành từ một nguồn cảm hứng khác nữa: cảm hứng bảy tỏ tình yêu và bộc lộ niềm ao ước được kết duyên cùng em của nhân vật trữ tình, ở đây cần phải có sự phân biệt giữa anh ta và nhà thơ. Nhà thơ luôn tỉnh láo và không quên nhiệm vụ "cắt nghĩa" của mình, còn nhân vật trữ tình thì say đắm đến ngẩn ngơ trước niềm xốn xang giao cảm của vạn vật. Anh ta đã nhìn thấy hay chỉ muốn thấy thiên nhiên trong vai trò xe kết tình duyên của nó. Không những thế, anh còn muốn tin ngay đó là chân lí - một chân lí vàng - cần được kể ra, nói lên cho đối tượng của mình cùng chia sẻ, để cùng đẩy sự điềm nhiên lui về thì quá khứ, ở đây, nhà thơ đã "về hùa" với nhân vật trữ tình, cho thiên nhiên hiện ra đúng khớp với niềm mong mỏi của anh ta, dẫu thừa hiểu rằng chẳng có thiên nhiên khác toàn bộ tâm giới trẻ đang yêu trong một biểu hiện trá hình mà thôi.
Sự giao thoa của hai nguồn cảm hứng nói lên chính cơ sở nhận thức và tình cảm vững chắc giúp Xuân Diệu phái hiểu một quan niệm sâu sắc về tình yêu: tình yêu là sản phẩm của tạo hóa, "nó chiếm hồn ta” một cách tự nhiên, vô hình mà không cưỡng nổi. Chính vì vậy, yêu là thuận theo lẽ trời, vô tội và đẹp. Nhiều năm tháng đã qua đi, cái duyên của bài Thơ duyên vẫn còn mặn mà như thách thức thời gian. Vâng, làm sao có được một bài thơ mà bao nhiêu độc giả đã yêu, đã thuộc và đã dùng làm "nhịp cầu tơ chắp ý duyên" bắc về muôn nẻo tình yêu.
Phan Huy Dũng
dayhoctot.com
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo