Phân tích truyện Làng của Kim Lân

Với truyện ngắn Làng, Kim Lân lại thành công trong việc thể hiện hình ảnh người nông dân, nhưng là người nông dân của thời đại cách mạng và kháng chiến mà tình yêu làng quê đã hòa nhập trong lòng yêu nước và tinh thần của người dân kháng chiến.

BÀI LÀM

1. Kim Lân được biết đến từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với những truyện ngắn đặc sắc về những thú chơi dân dã tài hoa của người dân quê xứ Kinh Bắc: chọi gà, thả chim, đấu vật... Có đời cầm bút của mình, nhà văn tài năng này chỉ viết rất ít và cũng hầu như chỉ viết về người dân quê ông vùng Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê nổi tiếng vừa trù phú tươi đẹp, vừa giàu
truyền thông văn hóa.

Lần này, với truyện ngắn Làng, Kim Lân lại thành công trong việc thể hiện hình ảnh người nông dân, nhưng là người nông dân của thời đại cách mạng và kháng chiến mà tình yêu làng quê đã hòa nhập trong lòng yêu nước và tinh thần của người dân kháng chiến. Truyện Làng được viết và in năm 1948 trên tạp chí văn nghệ mới ra mắt số đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc và nhanh chóng được khẳng định là một trong số không nhiều truyện ngắn thành công sớm nhất của văn học thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).

2. Cái làng đối với người nông dân - đặc biệt là vùng đồng bằng miền Bắc có một vị trí và ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của họ. Nó gắn bó thân thiết với họ hàng ngày và suốt cuộc đời, cả đến khi đã từ giã cõi đời. Vì thế, từ bao nhiêu đời nay, lòng yêu làng quê đã trở thành một tình cảm sâu nặng và tự nhiên, hơn thế nữa đã thấm sâu vào tâm thức, tâm linh của người dân quê. Đã có bao nhiêu câu ca dao đẹp nói về tình yêu quê hương và niềm tự hào về cảnh đẹp và sự trù phú của những làng quê ở mọi miền đất nước. Thậm chí có khi tình cảm ấy đã bị đẩy tới sự thiên vị và trở thành một thứ tâm lí “bản vị” hẹp hòi: “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Tình yêu làng ở ông lão Hai - nhân vật chính của truyện - vừa rất chung rất tiêu biểu cho nét tình cảm và tâm lí này của mọi người dân quê, lại vừa rất riêng, rất độc đáo. Đó là cái tính khoe làng từ xưa đến nay ở ông. Với ông Hai, cái làng Chợ Dầu của ông thật không đâu bằng và cái gì cũng đáng tự hào: "Ông khoe làng ông nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng, cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất". Nhưng sự khoe làng ở ông cũng có thay đổi theo thời cuộc. Hồi trước Cách mạng “mỗi bận đi đâu xa, khoe làng ông chỉ khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông. Ông có vẻ hãnh diện cho làng có được cái sinh phần ấy lắm”. Còn bây giờ thì “ông khoe làng ông có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”. Ông còn khoe những ngày khởi nghĩa rồn rập ở làng, mà ông gia nhập phong trào từ hồi kì còn bóng tối”. Rồi ông khoe “những hố, những ụ, những giao thông hào của làng ông thì đến công trình không để đâu hết”.

Có thấy được tình yêu làng đến thành một niềm say mê của ông Hai thì mới hiểu được tâm trạng của ông trong hoàn cảnh phải rời làng đi tản cư. Chiến tranh lan đến vùng quê ông, chính quyền vận động các gia đình đưa người già, phụ nữ và trẻ em đi tán cư. Thực tình ông Hai không muốn đi tản cư một tí nào. Vợ con đã đi cả, ông vẫn ở lại với một số anh em thanh niên dân quân đến nỗi bà Hai đã phải năm bảy lần nhắn về thúc giục ông lên mà ông vẫn còn nấn ná ở lại. Ông nghĩ: “Mình sinh sống ở cái làng này từ tấm bé đến giờ. Ông cha cụ kị mình xưa kia cũng sinh sống ở cái làng này đã từ bao nhiêu đời nay rồi. Bây giờ gặp phải cái lúc hữu sự như thế này mình lại đâm đầu bỏ đi còn ra thế nào nữa”. Đó quả thật là suy nghĩ và thái độ của một người nông dân gắn bó tha thiết với cái làng của mình, đồng thời cũng là của một người công dân yêu nước.

Kim Lân đã thấu hiểu và diễn tả thật sinh động và cảm động nét tâm lí này ở người nông dân mà hiếm có một cây bút nào đạt được như vậy, mặc dù đã có không ít tác phẩm viết về sự gắn bó với đất đai và làng quê của người nông dân Việt Nam.

3. Làng là một truyện ngắn có cốt truyện rất đơn giản, tập trung vào diễn tả tâm trạng của nhân vật chính - ông Hai, hay có thể nói đây là một kiểu cốt truyện tâm lí. Ngay từ những dòng đầu truyện đã mở ra với tâm trạng của ông Hai ở nơi tản cư: Tối nào cũng vậy, cứ đến lúc nhà lên đèn và bà Hai ngồi lầm rầm tính toán những tiền của, tiền bún, tiền kẹo... Thì một tâm trạng buồn bực lại dậy lên trong lòng ông Hai khiến ông phải vùng dậy sang bên bác Thứ nói chuyện. Cái việc ông Hai cứ tối tôi lại tìm sang bác hàng xóm cũng là người tản cư để nói chuyện chính là một cách để giải tỏa những nỗi buồn bực, nghĩ ngợi vẩn vơ và nhất là để thổ lộ nỗi nhớ da diết cái làng của ông. Bởi vậy, trong cuộc trò chuyện chỉ có ông Hai nói và bác Thứ ngồi nghe. Mà thực ra thì ông Hai cũng chẳng để ý lắm đến việc người cùng trò chuyện có nghe ông nói hay không, ông chỉ cốt nói để trút với tâm trạng và nhất là cho đỡ nhớ cái làng của mình. “Ông nói chuyện về cái làng ấy một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động".

Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách để làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật, đó là tình huống ông Hai đột ngột nghe tin dữ: Làng Chợ Dầu của ông theo giặc lập tề.

Cái tin ấy đến với ông vào một buổi trưa giữa lúc tâm trạng ông đang rất phấn chấn vì nghe được nhiều tin ta đánh thắng giặc trên tờ báo ở phòng thông tin. Cái tin ấy đến với ông quá đột ngột, khiến ông sừng sờ đến nỗi “cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được". Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông đã cố gắng hỏi để hy vọng cái tin ấy là không đúng sự thật. Nhưng những người đưa tin lại kể rành rọt quá và khẳng định họ vừa từ dưới ấy lên, nên ông không thể nào nghi ngờ gì nữa. Từ lúc ấy ông Hai rơi vào một tâm trạng đau đớn, tủi hổ ngày càng nặng nề. Trước càng tự hào, hãnh diện bao nhiêu về cái làng của mình thì nay ông Hai lại càng đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu. Suốt ngày ông không bước ra đến ngõ. Ông chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp, lắng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài: “Một đám đông túm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang bàn tán đến cái chuyện ấy. Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhông, là ông lùi ra một góc nhà nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi". Tác giả đã diễn tả rất cụ thể và sâu sắc cái tâm trạng nặng nề đến thành một tâm trạng sợ sệt luôn ám ảnh trong tâm trí ông Hai.

Không khí nặng nề bao trùm cả gia đình ông từ lúc có cái tin ấy. Cả nhà, từ ông Hai, bà Hai đến lũ trẻ con đều sống trong tâm trạng nặng nề, nơm nớp không ai dám nói to, trẻ con không dám cười đùa. Lòng tự hào về làng quê của ông đã bị tổn thương nặng nề. Nỗi tủi hổ là vì dân của cái làng Việt gian theo Tây đè nặng khiến ông Hai không dám ló mặt ra ngoài, cả đến bên bác Thứ cũng không dám sang. Tình thế của ông Hai và gia đình càng khốn đốn hơn khi mà mụ chủ nhà đã ngỏ ý không cho gia đình ông ở nhờ nữa, vì nghe nói có lệnh không chứa chấp những người của cái làng Chợ Dầu theo Tây. Nhưng chính trong tình thế ấy mới càng bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê đủ thống nhất với lòng yêu nước ở một nông dân bình thường như ông Hai. Trong lúc dường như đã tuyệt đường sinh sống, ông Hai thoáng có ý nghĩ “Hay là trở về làng” nhưng ông đã gạt ngang ý nghĩ ấy bởi vì làng bây giờ đã theo Tây, bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, là cam chịu trở lại với kiếp nô lệ nhục nhà mà chỉ mới nghĩ đến ông đã thấy rùng mình. Bởi thế mà ông Hai đã tự xác định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

Sự mở rộng và thống nhất của tình yêu quê hương trong tình yêu nước và tình cảm giai cấp là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kì kháng chiến đã chú trọng làm nổi bật. Hẳn chúng ta còn nhớ những người trai làng trong thơ của Chính Hữu, Hồng Nguyên sẵn sàng từ biệt những gì thân thiết, gắn bó cả đời ở làng quê để bước vào cuộc đời người lính:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giêng nước, gốc đa nhớ người ra lính.
                                   (Đồng chi - Chính Hữu)

Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều tranh, tiếng mõ đêm trường
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya.
                                   (Nhớ - Hồng Nguyên)

Cao trào trong tâm trạng của nhân vật và cũng là lúc biểu lộ một cách sâu sắc và cảm động tình cảm chân thành và thiêng liêng của ông Hai với quê hương, với đất nước và cách mạng đó là cảnh ông Hai trò chuyện với thằng con út:

“Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào người nó, khẽ hỏi:
- Hút kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
- Là con thầy mới u con u.
- Thế nhà con ở đâu?
- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?
Thằng bé nép đầu vào ngực bổ trả lời khe khẽ:
- Có.”

Thì ra, tình yêu làng quê ở ông Hai trước sau vẫn son sắt và sâu nặng, dù có lúc ông đã tức giận và đau đớn tự nhủ: “Làng đã theo Tây thì phải thù”.

Đoạn đối thoại tiếp theo của hai bố con cho thấy tình cảm gắn bó thủy chung đến thành một niềm thiêng liêng ở ông đối Với Cụ Hồ, cũng tức là đối với cách mạng và kháng chiến:

“Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng. Một lúc lâu ông lại hỏi:
- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má.
Ông nói thủ thỉ:
- ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ”

Trong tâm trạng buồn khổ quá mà không thể tâm sự cùng ai, ông Hai chỉ còn biết thủ thỉ với đứa con còn ngây thơ. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Đó là tấm lòng gắn bó trước sau với quê hương, một lòng một dạ với đất nước, với Cụ Hồ. “Cái làng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

Trong văn học cách mạng Việt Nam đã có nhiều tác phẩm thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của nhân dân với cách mạng và đất nước, nhưng có lẽ truyện ngắn Làng của Kim Lân ở trong số những tác phẩm thành công sớm nhất với cách diễn tả thật bình dị, tự nhiên và đặc sắc. Có được thành công này chính là vì tác giả rất am hiểu và gắn bó với những người nông dân và cuộc sống nông thôn nơi quê ông cùng với một ngòi bút viết truyện ngắn vững vàng và đặc sắc ngay từ trước Cách mạng tháng Tám.

4. Góp phần vào thành công của truyện ngắn Làng, ngoài nghệ thuật xây dựng tình huống và miêu tả tâm lí còn phải kể đến đặc sắc của ngôn ngữ nghệ thuật - cả ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ trần thuật.

Kim Lân không thuộc số nhà văn mà khi đi vào cách mạng và kháng chiến phải cố gắng hết sức từ bỏ con người cũ của mình để thâm nhập vào đời sống nhân dân ta và sáng tác theo phương hướng “đại chúng hóa”. Kim Lân vốn đã rất am hiểu và gần gũi với những nhân vật quần chúng của mình, nhà văn để họ được nói năng, suy nghĩ, hành động một cách hết sức tự nhiên mà bộc lộ được tâm lí, cá tính rất sinh động. Trong truyện Làng, từ nhân vật chính - ông Hai - đến nhân vật phụ như mụ chủ nhà đều có ngôn ngữ vừa rất đại chúng lại vừa rất riêng của mình. Ngôn ngữ của ông Hai cả trong những lời đối thoại và lời độc thoại - đều rõ là lời ăn tiếng nói, cách nghĩ của một ông lão nông dân vốn gắn bó tha thiết với làng quê và rất thành tâm với cách mạng, với kháng chiến. Đây là lời khoe của ông Hai về cái sinh phần của viên tổng đốc người làng ông: "Chết! Chết, tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được như cái dinh cơ cụ Thượng làng tôi. Có làm lắm là của: Vườn hoa, cây cảnh nom như động ấy. Thấy bảo còn hơn cái lăng cụ Thiếu Hà Đông nhiều cơ mà”. Còn đây là tấm lòng thủy chung với kháng chiến được bộc bạch qua những lời tâm sự của ông với đứa con và cũng là tự nhủ: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ soi xét cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai”.

Kim Lân cũng đã sử dụng ngôn ngữ trần thuật và quan điểm trần thuật gần gũi và thống nhất với ngôn ngữ và quan điểm tỏa nhân vật quần chúng, tạo nên sự thống nhất giữa người trần thuật và nhân vật trung tâm của tác phẩm. Sự xích lại gần nhau và đi đến thống nhất của quan điểm và ngôn ngữ người trần thuật với nhân vật quần chúng cũng là một đặc điểm khá phổ biến trong văn xuôi thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phù hợp với quan điểm của nhân vật, lời trần thuật nhiều khi hòa vào giọng và lời của nhân vật, nhập vào ý nghĩ và tâm trạng của nhân vật. Truyện ngắn Làng còn tạo được một giọng điệu trần thuật tự nhiên, thân mật và đôi khi dí dỏm nhưng đôn hậu. Đó cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công của thiên truyện.

LUYỆN TẬP

1. Phân tích những biểu hiện tình cảm đặc biệt của ông Hai yêu thương làng của mình bằng tình yêu đặc biệt (Làng - Kim Lân).

2. Phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc.

3. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong Làng của Kim Lân.

4. Viết bài tự sự ngắn, đóng vai nhân vật ông Hai (trong truyện "Làng” của Kim Lân kể lại tâm trạng mình khi nghe tin làng chợ Dầu theo Tây.

(Kể đoạn từ khi ông Hai mới nghe tin làng chợ Dầu theo Tây đến hết đoạn nói chuyện với bà Hai trong đêm tối).

5. Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.

6. Truyện ngắn Làng của Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp?

7. Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

8. Dưới đây là một phần của truyện ngắn Làng (Kim Lân):

“Thế nhà con ở đâu?
- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?
Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:
- Có.
Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:
- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thi:
- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ."
(Sách Văn học 9, tập hai-NXB Giáo dục 2008)

a. Qua đoạn đối thoại này, em thấy tâm trạng ông Hai có gì đặc biệt? Điều đó thể hiện nỗi niềm sâu kín của nhân vật này như thế nào?

b. Vì sao khi xây dựng hình tượng nhân vật chính luôn hướng về làng Chợ Dầu nhưng Kim Lân lại đặt tên truyện ngắn của mình là Làng chứ không phải là Làng Chợ Dầu ?

c. Em hãy nêu tên hai tác phẩm văn xuôi Việt Nam đã được học, viết về đề tài người nông dân và ghi rõ tên tác giả.

Các bài học liên quan
Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Có ý kiến cho rằng: “Văn học cổ nước ta thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc”. Dựa vào những tác phẩm văn học cổ mà em đã học và đọc thêm trong chương trình Văn lớp 9, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Một trong những đặc điểm nghệ thuật của văn học cổ nước ta là nghiêng về tả theo cách thức có sản gọi là ước lệ hơn là tả thực những chi tiết có thực trong đời sống.
Truyện Lục Vân Tiên phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong một xã hội phong kiến suy tàn. Có thể nói là Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào trận “cả một đạo quân bừng bừng khí thế kiên quyết vì chính nghĩa mà chiến đấu và chiến thắng”...

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật