Phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi... Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điểm)

Đoạn thơ trên nằm trong khúc ca thứ hai của lời bà mẹ dân tộc Tà-ôi ru con. Tiếng ru cất lên khi người mẹ đang đi tỉa bắp trên núi Ka-lưi. Nhà thơ đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm.

Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

                                    (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điểm)

BÀI LÀM

Đoạn thơ trên nằm trong khúc ca thứ hai của lời bà mẹ dân tộc Tà-ôi ru con. Tiếng ru cất lên khi người mẹ đang đi tỉa bắp trên núi Ka-lưi. Nhà thơ đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm.

“Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”

Hai hình ảnh “Lưng núi" - “lưng mẹ” tạo thành một cặp tương phản: “to” - “nhỏ”, thiên nhiên vĩ đại, sừng sững - con người nhỏ bé, yếu ớt. Hình ảnh ấy khiến ta như thấy cả khối núi nặng nề đang giáng xuống bờ lưng vốn đã oằn xuống vì vất vả, mệt nhọc của người mẹ. Câu thơ gợi những gian khổ trong công việc và đời sống của người mẹ Tà-ôi nơi núi rừng Tây Nguyên nắng lửa.

Nhưng dẫu có gian khổ đến đâu, người mẹ vẫn không nguôi tình yêu thương, niềm hi vọng nơi đứa con bé nhỏ của mình:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

Nhà thơ đã sử dụng phép nhân hóa rất thành công. Mặt trời mang đến ánh sáng, hơi ấm, sự sống cho vạn vật. Nếu như mặt trời của bắp là mặt trời tự nhiên nằm ở trên đồi thì mặt trời của mẹ là em nằm trên lưng đó. Gọi con là mặt trời của mẹ để bày tỏ lòng yêu thương khôn tả: con là lẽ sống, là ánh sáng của đời mẹ. “Con nằm trên lưng” phía sau mẹ tỏa ánh sáng vào cuộc đời vốn nhiều nhọc nhằn cơ cực của mẹ để động viên mỗi bước mẹ đi, mỗi việc mẹ làm, mỗi lời mẹ nói. Lời thơ giản dị mà chan chứa cảm xúc biết bao!

LUYỆN TẬP

1. Phân tích bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" để làm rõ tình cảm và ước vọng của người mẹ dân tộc Tà ôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

2. Trong lời ru của bà mẹ Tà-ôi (“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" - Nguyễn Khoa Điềm) không chỉ có tình yêu thương con tha thiết mà còn có cả tình cảm và nhận thức về hành động cách mạng của người dân yêu nước”.

Phân tích bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” - Nguyễn Khoa Điềm để chứng minh ý kiến trên.

3. Hãy phân tích một hình ảnh thơ mà em thích nhất trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

4. Phân tích sự giống nhau và khác nhau của cách dùng từ “mặt trời” trong hai câu thơ sau, chú ý làm rõ nét đặc sắc của mỗi cách dùng:

- “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
                                     (Viếng lăng Bác - Viễn Phương)

- Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
                                    (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)

Các bài học liên quan
Dựa vào nội dung truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, hãy đóng vai một nhân vật để kể lại câu chuyện.
Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật