VÀO NHÀ NGỤC QUẢNG ĐÔNG CẢM TÁC - Phan Bội Châu

Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu được làm ngay sau khi cụ bị bắt giam vào nhà ngục Quảng Đông, đã truyền vào tâm hồn chúng ta một niềm tự hào về truyền thống bất khuất, hiên ngang của các nhà cách mạng tiền bối. Tinh thần của bài thơ lại thể hiện sự đàng hoàng, hiên ngang, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu được làm ngay sau khi cụ bị bắt giam vào nhà ngục Quảng Đông, đã truyền vào tâm hồn chúng ta một niềm tự hào về truyền thống bất khuất, hiên ngang của các nhà cách mạng tiền bối. Tinh thần của bài thơ lại thể hiện sự đàng hoàng, hiên ngang, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng.

Bài thơ có sức truyền cảm lớn, vì nội dung khơi dậy lòng yêu nước, ý chí kiên cường, kích thích người đọc - nhất là thanh niên thời bấy giờ - một tấm lòng yêu nước thương nòi.

Bài thơ viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật thể hiện khí phách anh hùng, tính bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Trải qua bao sóng gió vẫn mang hoài bão “kinh bang tế thế” sáng ngời niềm tin vào sự nghiệp cứu nước, coi thường mọi thử thách hiểm nguy,

II. RÈN KĨ NĂNG ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)

Câu 1. Phân tích cập câu 1-2, tìm hiểu khí phách và phong cách của nhà chiến sĩ khi rơi vào vòng tù ngục.

Hai câu 1, 2 là hai câu đề: Giới thiệu vấn đề cần nói tới.

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Cách vào đề rất khéo, ở đây nhà thơ muốn nói tới hoàn cảnh mình bị bắt giam. Ý của hai câu có thể diễn đạt lại:

+ Vào tù mình vẫn giữ được tài trí và cách sống của mình: là người có tài cao, chí lớn, khác thường (hào kiệt), là người luôn giữ dáng vẻ lịch sự, trang nhã (phong lưu).

+ Mình ở tù không phải do bị bắt mà vì chạy mỏi chân (tức hoạt động cách mạng đã nhiều), tạm thời nghỉ ở đây.

Tác giả có nói đến việc bị bắt vào nhà tù nhưng không nhấn khía cạnh rủi ro, đau khổ hoặc âu lo, khiếp sợ. Ngược lại, nhà thơ coi việc đó chẳng có gì khủng khiếp, đáng buồn, đó chỉ là những giây phút nghỉ ngơi sau những ngày hoạt động sôi nổi. Mặc dầu trong hồi kí cụ viết: “Thật từ lúc cha sanh mẹ đẻ đến nay, chưa lúc nào nếm mùi thất bại chua xót như bây giờ”.

Câu 2. Hai câu 3 - 4 là hai câu thực: Dùng tả cảnh hãy trình bày sự việc phần đề đặt ra

Đã khách không nhà trong bốn bể
Lại người có tội giữa năm châu.

Hai câu thơ này khác với giọng điệu cười cợt, vui đùa như hai câu đề. Ở đây như lời tâm sự không phải để than mà để nói lên nỗi đau lớn lao trong tâm hồn người anh hùng.

Tả người tù mà nói “khách không nhà” với “năm châu”, thì thật đúng là cái cười nhạo báng đối với nhà tù của bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Chữ “đã”, chữ “Lại” mở đầu hai câu thực càng nhấn mạnh thêm tình cảnh tù đày của người chiến sĩ cách mạng. Song gắn “khách không nhà” với “năm châu”, nhà thơ như muốn vẽ chân dung người tù một cách phóng khoáng hơn.

Câu 3. Hai câu 5, 6 là hai câu luận: Bàn luận mở rộng vấn đề.

Dang tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Ở đây tác giả khẳng định: chí lớn tài cao của người chiến sĩ mạng không cảnh tù đày nào có thế đè bẹp.

Lối nói khoa trương đã thể hiện sự lãng mạn, chất anh hùng ca khiến cho con người không còn nhỏ bé nữa mà có tầm vóc lớn lao như thần thánh. Tuy bị bắt nhưng người tù vẫn “dang tay”, “mở miệng cười” thể hiện thái độ coi thường, coi khinh mọi khó khăn trước mắt.

Câu 4. Hai câu 7, 8 là hai câu kết: Nâng cao vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc của tác giả.

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Trong bài thơ này, hai câu kết khẳng định niềm tin của nhà thơ vào tương lai, thể hiện thái độ coi thường lao tù nguy hiểm.

Hai tiếng “còn” đứng cạnh nhau tạo nên âm hiệu khẳng định mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho sự cứu nước, đó như hai tiếng trống chắc nịch, âm vang kích động lòng người, kết thúc một bản hùng ca.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Ôn lại những kiến thức đã học về thể thất ngôn bát cú Đường luật. Em hãy nhận dạng thể thơ của bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác về phương diện số câu, số chữ, cách gieo vần.

Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác viết bằng thể thất ngôn bát cú Đường luật. Chữ thứ hai của câu một là chữ “là” thuộc thanh bằng; như vậy bài thơ này được viết theo luật bằng thể thất ngôn bát cú Đường luật.

Chữ thứ hai của câu một là chữ “là” thuộc thanh bằng, như vậy bài thơ này được viết theo luật bằng.

Chữ “lưu” ở cuối câu một thuộc thành bằng dùng để gieo vần. Đây là căn cứ xác định bài thơ này có vần bằng. Toàn bộ có 5 chữ thuộc thanh bằng ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8: “lưu - tu - châu - thù - đâu”.

IV. BÀI VĂN THAM KHẢO

Em cảm nhận thế nào về tâm sự và chí hướng của Phan Bội Châu qua những câu thơ sau đây:

Đã khách không nhà trong bốn bể
Lại người có tội giữa năm châu
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Bài làm

Trong những lần vào tù ra khám, những nhà cách mạng thường dùng văn thơ để ghi lại tâm sự và chí hướng của mình.

Chúng ta có thể tìm hiểu tâm sự và chí hướng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh qua bài Đập đá ở Côn Lôn, Ngồi tù ở ngục Sante... Qua tác phẩm Thì tù tùng thoại, chúng ta cũng có thể hiểu được nỗi lòng cùng tâm hồn của nhiều nhà cách mạng khác.

Trên đường bôn ba nơi hải ngoại để mong thực hiện lí tưởng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, trong những lần vào tù ra khám, Phan Bội Châu cũng đã ghi lại tâm sự và chí hướng của mình qua nhiều văn thơ. Đoạn thơ sau đây trích trong bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác giúp ta hiểu được khá nhiều tâm sự và chí hướng của nhà cách mạng họ Phan:

Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội giữa năm châu
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Năm 1913, khi trong nước xảy ra vụ ném bom ở Thái Bình và khách sạn Hà Nội, thì tại tỉnh thành Quảng Đông - nơi mà nhà cách mạng Phan Bội Châu đang hoạt động - có quân lính gây chiến, Long Tế Quang được lệnh kéo binh đến để nhậm chức Đô đốc tỉnh Quảng Đông, Pháp âm mưu mua chuộc Long Tế Quang để ông này bắt giam Phan Bội Châu vào ngục.

Cuộc đời vào tù ra khám không thể làm nản lòng, thối chí một người đã quyết hi sinh vì đại cuộc như Phan Bội Châu.

Đứng ra chủ trương và lãnh đạo trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, Phan Bội Châu đã thấy trước tất cả những gian lao nguy hiểm đang chờ đón mình.

Tuy nhiên, trong bao năm lưu lạc nơi đất khách, theo đuổi một lí tưởng cao cả, mang trong mình một sứ mạng thiêng liêng: cứu dân, cứu nước, nhà cách mạng không khỏi chạnh lòng nghĩ đến tấm thân trôi nổi, rày đó mai đây không nơi nương tựa. Giữa cảnh mênh mông và vô cùng rộng lớn của trời đất thế mà Phan Bội Châu không tìm được một mái nhà để sưởi ấm lòng người viễn khách trên bước đường lí hương:

Đã khách không nhà trong bốn bể.

Trong những ngày còn ở tại quê nhà, Phan Đội Châu phải lén lút hoạt động để tránh sự dò xét của thực dân Pháp. Cho đến khi ra hải ngoại và mỗi lần trở về nước, ông đều phải giữ bí mật hành tung.

Không có cơ hội hoạt động ở quê hương, trốn ra hải ngoại, Phan Bội Châu cũng chẳng được may mắn hơn. Ông đã yêu cầu các chính khách Nhật và Trung Hoa giúp cho phương tiện trong việc đổi lại chủ quyền của đất nước. Những người này hứa sẽ sẵn sàng giúp và hứa hẹn rất nhiều nhưng đó chỉ là những lời nói suông. Năm 1908, sau khi kí thương ước với Pháp, chính phủ Nhật đã ra lệnh trục xuất tất cả những nhà cách mạng Việt Nam trên đất Nhật. Phan Bội Châu cùng các bạn đồng chí sang Trung Hoa để tạm tránh và tiếp tục việc mưu đồ đại sự, nhưng nơi đây nhà cầm quyền Trung Hoa cũng chẳng để cho ông và các bạn đồng chí được yên.

Ở trong nước, Phan Bội Châu đã bị thực dân phong kiến đặt ra ngoài vòng pháp luật, ra nước ngoài ông cũng vẫn bị theo dõi. Đâu đâu ông cũng phải hoạt động một cách âm thầm, lén lút.

Nhân vụ ném bom ở Thái Bình và khách sạn Hà Nội, thực dân Pháp lên án xử tử 14 người làm cách mạng trong đó có Phan Bội Châu và Kì Ngoại Hầu Cường Để. Bủa lưới khắp trong nước để bắt cho kì được Phan Bội Châu, thực dân còn thương thuyết các nước liên bang để truy nã ông một cách gắt gao.

Vậy khắp năm châu, đâu đâu Phan Bội Châu cũng là kẻ có tội.

Lại người có tội giữa năm châu.

Nhưng Phan Bội Châu đã làm gì nên tội? Phải chăng ông đã thiết tha yêu nước và mong mỏi đòi lại chủ quyền quốc gia trong tay thực dân? Thực dân không muốn cho nước Việt Nam được tự do, Phan Bội Châu tranh đấu đòi tự do. Thực dân rêu rao khai hóa dân tộc nhược tiểu nhưng kì thật chúng muốn cho Việt Nam mãi mãi là thuộc địa của chúng. Vì lẽ ấy, cường quyền và pháp luật của thực dân đã lên án Phan Bội Châu.

Bốn câu thơ trong bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác trên đây không những đã nói lên tâm sự của nhà cách mạng Phan Bội Châu mà còn cho chúng ta biết thêm chí hướng của ông nữa.

Chí hướng của Phan Bội Châu là chí hướng của một người luôn luôn mưu việc ích nước lợi dân. Lí tưởng này đã có ngay trong người của Phan Bội Châu từ lúc ông còn là một thư sinh. Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào (năm 1885), Tôn Thất Thuyết liền hạ chiếu cần vương. Lúc bấy giờ chỉ là một thư sinh vừa 18 tuổi, Phan Bội Châu hăng hái hưởng ứng phong trào kháng Pháp bằng cách lập ra sĩ tử cần vương đội”. Khi ông đã quên thân mình, quên chữ công danh, đi khắp trong nước để vận động công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Vì muốn thực hiện việc kinh bang tế thế mà Phan Bội Châu phải lưu lạc nơi xứ người, chịu muôn ngàn cay đắng, vào tù ra khám. Tuy nhiên, nhà ái quốc chân thành họ Phan, trước những đe dọa của thực dân, vẫn khư khư “ôm chặt bồ kinh tế”:

Dang tay ôm chặt bồ kinh tế.

Nhưng lí tưởng của Phan Bội Châu không phải chỉ dừng lại khi ông đã hoàn thành sứ mạng giành lại chủ quyền cho đất nước. Ông còn muốn tiến xa hơn nữa, chủ trương dùng vũ lực để đánh đuổi kẻ thù cướp nước ta khỏi lãnh thổ, nhưng Phan Bội Châu không hề có tư tưởng “kì thị chủng tộc”.

Ông muốn tiến đến một xã hội mà trong đó loài người không còn thù oán, giận ghét nhau. Là một nhà nho uyên thâm, ông muốn thực hành câu của thánh hiền “dĩ đức báo oán”. Kẻ thù đối xử tàn ác với mình nhưng với độ lượng quân tử, với lòng nhân ái, mình phải dùng sự ôn hòa, đức độ để đối xử với họ, thù oán nhờ đó sẽ được xóa tan.

Gặp lúc hoạn nạn người quân tử không nên trách trời, hờn giận người, mình phải xét lỗi mình, suy ngẫm để sửa chữa những khuyết điểm.

Trên đường tranh đấu, là một chiến sĩ cách mạng tiên phong, Phan Bội Châu thấy cần phải thực hành phương châm “bớt thù thêm bạn” để gây thêm uy lực cho mình, những sự oán thù, hiềm khích cũng sẽ được giải quyết một cách ôn hòa.

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Lí tưởng của nhà cách mạng Phan Bội Châu được thể hiện qua bốn câu thơ trên là lí tưởng đại đồng, nhân ái mà chúng ta có thể tìm được nơi các bậc hiền triết trên thế giới.

Tâm sự và chí hướng của Phan Bội Châu trong bốn câu thơ trên là tâm sự của một nhà ái quốc đã gặp nhiều nỗi gian truân trên bước đường thực hiện lí tưởng cứu dân cứu nước và chí hướng của ông là chí hướng của một người anh hùng lúc nào cũng muốn đem tài kinh bang tế thế của mình để làm nên những việc phi thường, lưu lại cho hậu thế những chiến công hiển hách.

Với những lời thơ hào hùng, Phan Bội Châu đã tỏ ra có một tác phong của người quân tử “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Các bài học liên quan
Thuyết minh về đôi dép lốp (cao su) trong kháng chiến.
Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam.
LUYỆN NÓI: THUYẾT MINH VỀ MỘT THỨ ĐỒ DÙNG
DẤU NGOẶC KÉP
DẤU NGOẶC ĐƠN VÀ DẤU HAI CHẤM
BÀI TOÁN DÂN SỐ - Thái An

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật