LUYỆN TẬP VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ KẾT HỢP VỚI MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM

Trong một văn bản tự sự bao giờ cũng có sự kết hợp, đan xen giữa các yếu tố miêu tả và biểu cảm, có tác dụng làm cho văn bản tự sự sinh động và sâu sắc hơn.

I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG

1. Trong một văn bản tự sự bao giờ cũng có sự kết hợp, đan xen giữa các yếu tố miêu tả và biểu cảm, có tác dụng làm cho văn bản tự sự sinh động và sâu sắc hơn.

2. Trong quá trình tạo lập văn bản cần biết vận dụng một cách có hiệu quả các yếu tố biểu cảm và miêu tả.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI PHẦN BÀI HỌC

Căn cứ trên các bước xây dựng đoạn văn tự sự, các em có thể chọn một trong ba sự việc và nhân vật để xây dựng đoạn.

Ví dụ, sau khi đã lựa chọn sự việc và nhân vật ở tình huống b: Em giúp bà cụ qua đường vào lúc xe cộ đông, nhiều người qua lại, các em phải xác định thứ tự kể (Sự việc em giúp bà cụ qua đường vào thời gian nào? Không gian xung quanh ra sao? Trình tự diễn biến của sự việc đó như thế nào) sau đó phải xác định được mình sẽ thể hiện trong đoạn các yếu tố miêu tả và biểu cảm gì (Cảnh đường sá lúc đó ra sao? Bà cụ có hình dáng bên ngoài như thế nào? Tình cảm của em khi thấy bà cụ chuẩn bị qua đường ra sao? Em dẫn bà cụ qua đường với tâm trạng như thế nào? Thái độ của bà cụ khi được em giúp đỡ, cảm nghĩ của em khi giúp được bà cụ qua đường...).

III. RÈN KĨ NĂNG GIẢI BÀI TẬP SGK

Bài tập 1. Đóng vai ông giáo kể lại giây phút lão Hạc sang báo tin lão bán con chó với vẻ mặt và tâm trạng đau khổ:

Lão Hạc chạy sang nhà tôi báo tin là lão vừa bán con chó. Dù lão có làm ra vui vẻ nhưng tôi thấy lão cười như mếu và nhất là đôi mắt già nua, bạc phếch của lão đầy nước mắt. Thấy lão đau khổ quá, tôi rất ái ngại và muốn ôm chầm lấy lão để an ủi. Khi tôi hỏi lão “Thế nó cũng cho người ta bắt à” thì mặt lão đột nhiên co rúm lại, cái miệng nhăn nheo và móm mém vì rụng hết răng của lão mếu máo, mắt lão lại giàn giụa nước. Lão khóc hu hu và nói với tôi trong nước mắt rằng lão là kẻ tồi tệ, đã lừa dối cả con chó. Tôi không biết nói gì, chỉ nhẹ nhàng an ủi lão rằng lão không có tội, lão đã làm một việc đúng là hóa kiếp cho con chó. Lão có đỡ khóc hơn nhưng hình như lão đang cố nén nỗi buồn lại trong lòng. Lão cười gượng gạo, hai bờ vai gầy rung rung theo tiếng cười. Tôi thương lão quá. Thật là tội nghiệp cho lão. Phải giết con Vàng, người bạn duy nhất của mình chắc lão đau lòng lắm.

Bài tập 2. Trong đoạn văn kể lại phút giây lão Hạc sang báo tin con chó, nhà văn Nam Cao đã lồng vào đó các yếu tố miêu tả và biểu cảm rất đậm nét: Đó là việc ông tập trung tả lại chân dung đau khổ của lão Hạc với những chi tiết rất độc đáo: nụ cười như mếu, mắt lão ầng ậng nước, mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại, cái đầu lão ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, lão hu hu khóc.

Chính các yếu tố miêu tả và biểu cảm đó đã khắc sâu vào lòng người đọc một lão Hạc khốn khổ với hình dáng bên ngoài tội nghiệp, đặc biệt là thể hiện được rất sinh động sự đau đớn quằn quại về tinh thần của người trong giây phút ân hận, xót xa: “già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó".

Các bài học liên quan
TRỢ TỪ, THÁN TỪ
CÔ BÉ BÁN DIÊM (trích) An-đéc-xen
LUYỆN TẬP TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ
TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ
LIÊN KẾT CÁC ĐOẠN TRONG VĂN BẢN

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật