Đề: Hãy phân tích hình tượng cái “bánh trôi nước" và nêu cảm nhận của em về bài thơ

"Bánh trôi nước" là một loại bánh dân dã, thường thấy quanh năm, nhưng nhiều nhất vào dịp Tết, mồng ba tháng ba. Tương truyền để làm giỗ "Mẹ”- Thánh mẫu liễu Hạnh - (Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ)".

BÀI LÀM

"Bánh trôi nước" là một loại bánh dân dã, thường thấy quanh năm, nhưng nhiều nhất vào dịp Tết, mồng ba tháng ba. Tương truyền để làm giỗ "Mẹ”- Thánh mẫu liễu Hạnh - (Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ)".

Tuy nó không ra đời trong ánh hào quang của huyền thoại hay từ một chuyện cổ tích li kì như chiếc "bánh dầy", "bánh thánh", nhưng nó lại được ngòi bút của nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân hóa trở thành hình tượng ẩn dụ về thân phận của người phụ nữ thuở xưa.

Nói khác đi, ngoài nghĩa đen phô ra nó còn mang một nghĩa bóng ta thường thấy ở thơ Hồ Xuân Hương - một ý nghĩa kép: ý nghĩa xã hội và một nghĩa rất Xuân Hương. Vào đầu bài thơ, nữ sĩ chỉ phác thảo về màu sắc, hình dáng với đặc điểm của chiếc bánh hay là chiếc bánh tự nói về mình:

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn".

Màu trắng và cái dáng dấp hình tròn của chiếc bánh làm người ta liên tưởng đến làn da trắng trẻo, mát mẻ với cái thân hình "tròn trĩnh" xinh gọn.

Tiếp đến nhà thơ nói đến một khía cạnh khác của "thân phận" người phụ nữ, mới nhìn thấy rất đẹp, thế mà có ai lại không thấy cái cảnh tượng:

"Bảy nổi ba chìm với nước non"

Ý nghĩa tả thực là cái bánh trôi phải thả vào nồi nước sôi và người ta phải quấy lên mấy lần, chiếc nào chín thì nổi lên mới vớt ra. Nhưng chắc chắn đây không phải là bà đang làm bánh trôi, mà thông qua đó, nhà thơ nhìn nó, lấy nó để nói đến thân phận người phụ nữ ở cái "đoạn đời" sống nổi chìm, long đong, lận đận.

Mạch liên tưởng, hình ảnh từ câu thứ nhất chuyển sang câu thứ hai giao nhau làm nổi bật lên vừa là hình ảnh, vừa là hình tượng lại vừa là miêu tả giãi bày về số phận của người phụ nữ mà hầu như cuộc đời đã dành cho họ như thế đó.

"Bảy nổi ba chìm" có thể hiểu là sự gian truân vất vả trong lao động, sinh con, nuôi dưỡng con cái và "thờ phụng" đức ông chồng - thậm chí có thể coi đây là một nỗi bất hạnh.

Tuy nhiên, cũng có thể hiểu đó chỉ là "nụ cười" của "khổ chủ" kể ra cho biết thôi. Ở đây ý nghĩa này đưa con người lên ngang tầm với sự vùng vảy trong nước non. Cách xưng hô "thân em" rất mang tính nữ chứ không phải hạ thấp mình và từ quan hệ "vừa... vừa" làm tăng vẻ đẹp bề ngoài qua lời tự thuật của cái bánh trôi được nhân hóa thành người phụ nữ.

Như vậy thì "bảy nổi ba chìm" là cái đẹp tiếp theo. Sau cái đẹp về hình hài, cái đẹp về lao động bôn ba, lăn lộn, nổi chìm cứng cỏi với nước non.

Phân tích như vậy ta thấy có mối quan hệ lôgic với hai câu dưới:

"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
    Mà em vẫn giữ tấm lòng son..."

Ý nghĩa thứ nhất (nghĩa đen) của hai câu này đã phô ra rõ ràng. Hình thức chiếc bánh phụ thuộc vào bàn tay người "nặn" (Xuân Hương gọi là "kẻ nặn") nhưng dù thế nào thì "tấm lòng son" vẫn không bao giờ thay đổi. Như vậy cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của hai câu này kết chặt vào nhau.

Nhưng nếu xét ở câu thứ ba có thể có những cách hiểu khác nhau: có thể đây là lời phàn nàn con người không làm chủ được cuộc đời. Giọng thơ như than vãn chuyển sang ngậm ngùi cam chịu. Nhưng cũng có thể hiểu đó là cái phất tay "phớt lờ" một tình trạng "muôn thuở" chưa thể đổi thay nếu vẫn là trời đất này, xã hội ấy. Tính cách này ta thấy nữ sĩ thể hiện ở nhiều bài: Sự tình, Dở dang, Tranh tố nữ v.v... Cho nên còn có thể coi cái vẻ than vãn bề ngoài kia là sự tự tin, thách thức, khẳng định phẩm giá của mình.

Người phụ nữ ở đây chỉ có thể tạm thời chấp nhận hoàn cảnh, nhưng không cam chịu. Dám đối lập "tấm lòng son" của mình với tất cả "bảy nổi ba chìm" trong nước non.

Bài thơ được kết cấu theo cách đối lập:

- Câu 1 và 2 đối lập nhau làm nổi bật lên hình thức và thân phận người phụ nữ, đối lập giữa vẻ đẹp tươi xinh với nỗi gian truân vất vả.

- Câu 3 và 4 đối lập nhau làm nổi bật lên cảnh ngộ đành cam chịu, tấm lòng thủy chung và nhân cách người phụ nữ, mặc dù họ phải sống trong xã hội bất công đối với người phụ nữ.

Kết cấu đối lập là một nghệ thuật tài tình trong bài thơ này. Tác giả đã khai thác triệt để nhằm biểu hiện "mặc dầu tay kẻ nặn" nhưng không hề buông xuôi và đối lập với nó là một giọng nói mạnh mẽ, dứt khoát tự tin: "Mà em vẫn giữ tấm lòng son". Từ "mà" chỉ quan hệ đối lập đặt ở đầu câu và thêm từ "vẫn" làm cho ý nghĩa càng thêm mạnh mẽ.

Qua cái bánh trôi nước - một đề tài nhỏ, bình thường nhưng cây đũa thần của Hồ Xuân Hương biến thành tâm bánh lấp lánh những màu sắc thanh bạch đáng yêu.

Chỉ có 4 câu với 28 chữ, nhưng nữ sĩ đã nói đến một vấn đề xã hội rộng lớn đối với người phụ nữ.

Tính chất trữ tình của bài thơ thể hiện ở lời tâm sự, khẳng định nhưng dịu dàng, đằm thắm, tự tin và quả quyết.

* Bài đọc thêm:

BÁNH TRÔI NƯỚC:

NGÔN NGỮ VÀ CÁ TÍNH

Trước hết, Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương có thể coi là một vai vế về thân phận con người - cụ thể là người phụ nữ: đẹp (cả về hình thức lẫn phẩm chất tâm hồn) nhưng cuộc đời lại nổi trôi, phiêu dạt "Bảy nổi ba chìm". Chủ đề tác phẩm được tác giả giải quyết khá thấu đáo trong một hệ thống ngôn ngữ đầy cá tính:

    Thân em vừa trắng lại vừa tròn
 Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn, nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Tôi xin phép được bỏ qua việc phân tích nghĩa hiển ngôn để đi trực tiếp vào lớp nghĩa hàm ngôn, lớp nghĩa quan trọng hơn của tác phẩm (mặc dầu nghĩa hàm ngôn chỉ có được trên cơ sở nghĩa hiển ngôn).

"Thân em" - nghe phảng phất hơi ca dao "Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". Mở đầu bài thơ là chuyện thân phận, tác giả lại sử dụng lối xưng hô khá nền nã "em" nên câu thơ có cái thiết tha của tiếng hát than thân trong ca dao xưa. Nhưng Xuân Hương là Xuân Hương. Ca dao xưa ví von so sánh - tức là vẫn phải qua một tầng hình tượng để diễn tả vẻ đẹp của người con gái. Xuân Hương trái lại, tả trực tiếp, tả chính xác nét đẹp khỏe, nhờ thế khỏe và đẹp như chính người thiếu nữ vậy. Thành thử, mượn lời ca dao nhưng không phải là một lời than ủy mị mà chính là một lời khẳng định. Tức là qua ngôn ngữ, cá tính, phong cách Xuân Hương dần dần bộc lộ: Một cái "tôi" vừa tha thiết lại vừa ngạo nghễ, vừa đằm thắm lại vừa kiêu bạc. Chuyển qua câu thơ tiếp là một lời kể khổ, đúng hơn là trình bày một hoàn cảnh:

 Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.

Vâng Xuân Hương lại mượn lời dân gian, sử dụng ngôn ngữ dân gian "Bảy nổi ba chìm" nhưng cũng như ở câu thơ trên, được biến thái đi, được thổi cái hồn Xuân Hương vào nên thành ngữ dân gian được Xuân Hương hóa đã mang một nghĩa mới: mới về mặt phong cách: "Bảy nổi ba chìm với nước non" - (Nghe trong lời thơ có cái gì như là sự cao ngạo: "với nước non''). Đành rằng đây là tả bánh trôi, và tả rất đúng, rất thật chiếc bánh trôi - nhưng sẽ thật khờ dại nếu bạn đọc chỉ tiếp cận bài thơ ở tầng nghĩa ấy. Đó chỉ là cái mã của bài thơ mà chìa khóa để giải mã chính là từ mở đầu "Thân em" và từ kết thúc "tấm lòng son" trong bài.

Quay trở lại lời bộc bạch về thân phận: người con gái xưa không có 1 quyền làm chủ thân phận mình. "Thân em như tấm lụa đào. Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". Ca dao chỉ nói thế. Còn Xuân Hương kết thúc bằng sự khẳng định nhân cách, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn: "Mà em vẫn giữ tấm lòng son". Chữ "" là bản lề khép mở hai thế đối lập, đối lập trong một mạch nguồn thống nhất, cuộc đời bạc bẽo thế nhưng không làm nhạt nhòa nổi tấm lòng son. Và một lần nữa, Xuân Hương lại đi ngược chu trình thông thường (Chu trình thông thường: Lời khẳng định vẻ đẹp. Lời than cho số phận mà một loạt những câu ca dao mở đầu bằng "thân em" đã tạo nên): vẻ đẹp thể xác bị va đập trong cuộc đời bạc bẽo đã không những không nhạt phai mà còn là nơi neo giữ vẻ đẹp tâm hồn. Hoàn cảnh bất bình đẳng trong xã hội cũ không những không bóp nghẹt nổi tâm hồn con người, xóa nhòa đi nhân cách con người, trái lại, nó chỉ là yếu tố thử thách "ngọc càng mài càng sáng". Không như dân gian than thân trách phận, cái nổi bật trong bài thơ của Xuân Hương là lời khẳng định phẩm giá con người: "Mà em vẫn giữ tấm lòng son", còn hoàn cảnh kia chỉ là một thứ "thuốc thử".

Các bài học liên quan
Đề: Hãy miêu tả chân dung một người bạn của em.
Đề: Lượm là một em bé hồn nhiên, nhí nhảnh, yêu đời và có tinh thần dũng cảm. Căn cứ vào bài thơ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật