Đề: Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát... Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai. Em hãy phân tích bài ca dao trên và phát biểu cảm nghĩ của mình

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng khen tiếng Việt giàu và đẹp, nhuần nhị và trong sáng, đặc biệt là ca dao Việt Nam, nhiều câu ca dao là những viên ngọc của thơ dân tộc.

Đề: Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
      Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông
      Thân em như chẽn lúa đòng đòng
      Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

Em hãy phân tích bài ca dao trên và phát biểu cảm nghĩ của mình.

BÀI LÀM 1

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng khen tiếng Việt giàu và đẹp, nhuần nhị và trong sáng, đặc biệt là ca dao Việt Nam, nhiều câu ca dao là những viên ngọc của thơ dân tộc. Hãy thử đọc một câu ca dao mà xem, đó chính là lời ca tiếng hát của chính những người nông dân đói khổ cần lao. Trong những câu ca dao nói về nông thôn Việt Nam nói chung và ngợi ca cây lúa nói riêng, em thấy có một câu rất hay, rất ý nghĩa và cũng để lại cho em thật nhiều ấn tượng:

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

Lúa vốn là biểu tượng của nông thôn, đất nước Việt Nam. Lúa không chỉ là nguồn sống của mỗi người dân đất Việt mà nó còn đẹp, một cái đẹp vừa thanh mảnh vừa đậm đà, vừa uyển chuyển lại vừa khỏe khoắn. Chính vì vậy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cất tiếng hát tự hào về Việt Nam, về cây lúa ấy:

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa, đâu trời đẹp hơn?

"Đâu trời đẹp hơn - nhà thơ hỏi hay nhà thơ đã tự trả lời rằng, không có nơi nào sánh được với vẻ đẹp cây lúa, cánh cò... Việt Nam. Tiếng gọi đất nước thiết tha của Nguyễn Đình Thi gắn liền với tình yêu cây lúa, mà thực ra là xúc cảm trước một "biển lúa mênh mông". Biển lúa mênh mông thế nào và tại sao lại đẹp, chỉ có hai câu đầu của bài ca dao mới trả lời được mà thôi:

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
        Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông.

Nếu có thể vẽ được cảnh ấy thì không biết cảnh sẽ trải dài suốt bao nhiêu tờ giấy khi mà chỉ mới đọc lên ta đã thấy choáng ngợp giữa những câu thơ dài như biển lúa rồi. Hai câu là hai vế đối rất chỉnh về thế đứng, về hình ảnh, kết hợp với phép đảo ngữ càng như xóa nhòa phạm vi khung cảnh. Những từ "mênh mông bát ngát", "bát ngát mênh mông", đã dàn trải ra một biển lúa bao la vô tận, mà dù có thay đổi vị trí quan sát cũng không thu hẹp được tầm rộng lớn ấy. Hai câu thơ đã khẳng định sự dồi dào, sự phong phú của lúa Việt Nam, mà từ "cũng" là câu dưới càng gieo thêm niềm tin tưởng ở sự giàu có ấy. Lúa mùa này đang lúc lên đòng:

Thân em như chẽn lúa đòng đòng

Thời kì lúa lên đòng là thời kì sung sức nhất, mạnh mẽ nhất, dồi dào sức sống nhất của lúa. Cái màu xanh đậm đà điệp điệp khắp đồng chính là nét đẹp của biển lúa. Lúa lúc này không có màu rực rỡ của "lúa tháng năm kén tằm vàng óng", nhưng chính cái màu xanh ấy mới thật là khỏe khoắn, nhuộm cả một không gian đầy lúa lại càng đẹp. Tác giả Tố Hữu có nói: "Một ngôi sao chẳng sáng đêm. Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng" nên giờ đây, khi đọc câu thứ ba này, ta mới thấy hết, ngấm hết cái đẹp "mênh mông bát ngát" của lúa.

Không chỉ minh họa cho vẻ đẹp của hai câu đầu, câu thứ ba còn đem đến cho ta một cái nhìn đúng đắn vẻ cô gái nông thôn Việt Nam. Nổi lên trên cả câu là hình ảnh so sánh sáng tạo lọ kì: "Thân em như chẽn lúa đòng đòng". "Em" ở đây chính là các cô gái nông thôn. Các cô không vì mình với trúc, với mai như Thúy Kiều, Thúy Vân: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần" mà lại ví mình với lúa. Bởi cái vẻ đài các, yểu điệu đâu có phù hợp với cuộc sống dân dã, giản dị ở thôn quê. Nếu các cô vì mình là một "cây lúa" thì mảnh mai quá, một "bổ lúa" thì thô thiển quá, chỉ có thể là một chẽn lúa đầy đặn mà vừa vặn. Thân hình ấy sao mà đẹp thế, khỏe khoắn, đậm đà thế mà cũng mềm mại thế. Thật là một nét quê bình dị mà đáng mến.

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

Câu cuối cùng này nâng cô gái thêm một cung bậc tình cảm của sự cảm mến. Là gái quê, nhưng các cô không cục mịch, thô thiển mà cũng uyển chuyển tuy không hề lả lướt, các cô như ngọn lúa phất phơ. Màu nắng hồng ban mai chính là nền tảng để nâng cái đẹp ấy lên. Người xưa không nói là "biển nắng" mà nổi là "ngọn nắng" chứng tỏ màu hồng này là sắc màu đậm nhất của một tia nắng, những gì đẹp đẽ nhất của nắng được hội tụ về đây để tô điểm cho các cô gái nông thôn Việt Nam thêm đẹp.

BÀI LÀM 2

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
        Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông.

Thường thì ca dao hay dùng thể thơ lục bát. Nhưng tác giả bài này đã vượt ra ngoài thông lệ. Câu 1 có 12 tiếng; câu 2 có 13 tiếng. Nhịp thơ kéo dài. Nhịp này nối nhịp kia (4 - 4 - 4 rồi 4 - 4 - 5). Kết hợp với nhịp điệu là nghệ thuật sử dụng điệp ngữ, đảo ngữ (đứng bên ni đồng, đứng bên tê đồng, mênh mông bát ngát, bát ngát mênh mông). Trước mắt ta hiện lên cánh đồng lúa trải dài. Nhìn bên ni cũng như bên tê đều thấy cánh đồng mênh mông, vô tận. Niềm tự hào dào dạt. Cảm xúc đó đòi hỏi hình thức diễn đạt vượt ra ngoài khuôn khổ. Ngôn ngữ giản dị, không có gì tân kì. Nhưng chính sự mộc mạc đó lại nói lên tấm lòng tác giả: chân chất, hồn nhiên. Và, đó là điều đáng quý.

Sau khi tả cánh đồng, tác giả chuyển sang nói về con người. Câu 3-4:

Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

Chẽn lúa đòng đòng là một nhánh lúa nhỏ, đang thời kì nằm trong thân cây, sẽ phát triển thành bông lúa. Sự so sánh (như) gợi lên vẻ đẹp mảnh mai, đầy sức sống của cô gái đồng quê. Cảnh gắn bó với người - đồng quê bát ngát, cô gái đẹp vẻ đẹp khỏe mạnh, hồn hậu. Hình ảnh cô gái được tô đậm hơn ở câu 4:

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai

Cô gái, nhân vật trữ tình trong bài ca dao, đang tung tăng dưới ngọn nắng hồng, đang ngó bên ni đồng, bên tê đồng, vẻ đẹp thật hồn nhiên, thơ mộng. Đó là nét tính cách của nhân vật.

Cảnh đẹp thiên nhiên, hình ảnh người thôn nữ đã được thể hiện trong, nhiều tác phẩm văn học. Nhưng ít có tác phẩm nói lên được một cách tự nhiên, sinh động vẻ đẹp tươi mát, hồn nhiên, mang hơi thở của cuộc sống lao động như bài ca dao trên.

Các bài học liên quan
Để: Từ bài văn dưới đây em hãy viết bài văn để nhớ lại một ngày khai trường mà em đã được dự.
Cảm nhận về hình ảnh con cò trong một số bài ca dao dân ca .
Suy nghĩ về câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách (bài 2).
Bình luận câu tục ngữ : Có chí thì nên.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật