Đề: Dựa vào một số bài ca dao đã học và đọc thêm, em hãy chứng minh rằng: Ca dao là tiếng nói về tình cảm gia đình đằm thắm và tình làng xóm quê hương tha thiết

Lòng yêu thương gia đình, tình làng nghĩa xóm, sự gắn bó tha thiết với con người và cảnh vật nơi chôn nhau cắt rốn là nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác dân gian, trong đó có ca dao.

BÀI LÀM

Lòng yêu thương gia đình, tình làng nghĩa xóm, sự gắn bó tha thiết với con người và cảnh vật nơi chôn nhau cắt rốn là nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác dân gian, trong đó có ca dao. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, tình bạn, dòng sông, ngọn núi, mái đình, giếng nước, bờ tre, ruộng lúa... là hình ảnh quen thuộc của ca dao, dân ca. Tuổi thơ chúng ta lớn lên thành người, ai mà không được tắm mình trong dòng chảy ngọt ngào của âm điệu ca dao qua lời ru của mẹ, qua tiếng hát của chị, để rồi cái nghĩa, cái tình mặn mà và nồng thắm như dòng nước mát cứ thấm dần, thấm dần vào lòng ta, để ta sống thành người có tình, có nghĩa.

Chim có tổ, người có tông, tiếng nói đầu tiên của ca dao là thể hiện tình yêu thương gia đình đằm thắm, trước hết là lòng kính yêu, biết ơn ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành, nuôi dưỡng ta nên người:

Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Công ơn ấy thật là to lớn, tưởng như không gì sánh nổi, nếu có so sánh cũng chỉ là để cụ thể hóa, ghi nhớ các công ơn vô cùng to lớn ấy mà thôi:

Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt, nhớ ông bà bấy nhiêu.

Hoặc:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Ai có thể đếm được trên mái nhà cổ bao nhiêu nuộc lạt? Ai có thể đo hết chiều cao của núi? Lại càng không thể đong được ở ngoài biển cả có bao nhiêu nước, ông bà sinh ra cha mẹ ta, chăm chút ta, mẹ hiền mang nặng đẻ đau để sinh ra ta, cha quý nuôi dưỡng ta, lo lắng cho ta từng tháng từng ngày. Cảm hiểu sâu sắc nỗi vất vả, cơ cực mà cha mẹ phải chịu đựng để nuôi dưỡng ta từ lúc lọt lòng, qua thuở nằm nôi đến khi ta thành người, biết bao cơm cha, áo mẹ đã dành cho ta, biết bao nghĩ suy mà cha mẹ phải lo lắng cho ta đến nỗi phải "tóc bạc da mồi”, người bình dân gửi gắm nỗi lòng mình vào ca dao một cách chân thành, tha thiết:

Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Tình nghĩa anh em trong gia đình cũng được người bình dân hết sức coi trọng, họ hiểu rằng "anh em như thể chân tay", "như môi với răng" vì thế phải luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn phải luôn lo giữ gìn sự hòa thuận êm ấm:

Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.

Có lẽ những câu ca dao hay nhất, thổ lộ được nỗi lòng sâu kín nhất, nồng thắm nhất của người bình dân là nghĩa vợ chồng. Nghĩa trúc mai, mận đào, bầu bí, rồng mây, thuyền bến, phượng loan, bướm hoa, mình ta là cái nghĩa của hạnh phúc lứa đôi không thể tách rời. Vì thế, dù đói dù no, đạm bạc, cơ cực, họ vẫn giữ vững tình thủy chung son sắt, coi trọng tình nghĩa hơn sự giàu sang:

Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Tình nghĩa vợ chồng được coi là nghĩa tào khang (lấy nhau từ thuở còn nghèo hèn), nghĩa trăm năm, bởi thế sự thủy chung son sắt là điều mà đôi lứa vợ chồng rất coi trọng. Chẳng thế mà họ nói được với nhau những lời chân tình và cũng thật nồng cháy:

Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc ta đừng quên nhau.

Mò cua tận dưới bể, hái mơ chua tận trên rừng chắc phải vất vả lắm, ấy thế mà vì nghĩa vợ chồng, họ vẫn cứ thế vượt qua. Thực ra, người xưa đã mượn chuyện đầu non cuối biển hoặc mượn vị chua, ngọt để nói sự sướng khổ và mượn màu sắc xanh, bạc để thể hiện sự đổi thay, họ đã dựng lên một lời khuyên mặn mòi để nói lên tình nghĩa vợ chồng, bởi lẽ, tuy biết là cuộc sống vất vả nhưng mà họ vẫn vui, vẫn tin vào một ngày mai tốt đẹp:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Một mảng tình cảm khác cũng được ca dao thể hiện một cách sâu sắc là tình làng xóm, tình quê hương tha thiết.

Mỗi người đều có một làng quê để mà thương mà nhớ, để mà tự hào. Người xưa tự hào về làng xóm thanh bình, êm ả, nơi mọi người cùng chung sống, cùng chăm chỉ làm ăn.

Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.

Nếu người Hương Canh tự hào về nghề làm đồ gốm, người Nga Sơn không giấu giếm tài dệt chiếu, thì người Hà Nội lại yêu quý nghề trồng rau truyền thống của mình:

Đi đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau.

Bởi vậy, người ở thì yêu, kẻ đi thì nhớ, họ nhớ những gì ở làng quê đã gắn bó với họ, nhớ những gì tuy bình dị mà vô cùng thân thương:

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai giãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Cùng một dòng sông, một ngọn đồi, nhưng dòng sông ngọn đồi của quê hương lại chất chứa biết bao tình sâu, nghĩa nặng:

Anh đi anh nhớ non Côi,
Nhớ sông Vị Thủy, nhớ người tình chung.
Quản bao non nước ngại ngùng,
Lấy ai san sẻ gánh gồng đằng xa.

Bởi "nước non là bạn, cỏ cây là tình" nên người bình dân hiểu rằng: tình yêu làng xóm sẽ xây đắp nên trong họ tình yêu quê hương đất nước. Tự hào về nước non tươi đẹp với "non xanh nước biếc như tranh họa đồ", với "Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh", với thủ đô Thăng Long "phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ"..., người xưa coi trọng tình nghĩa giữa những người cùng quê hương, đất nước:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Họ luôn tâm niệm, nhắc nhở nhau sống trong yêu thương đùm bọc:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Kể sao cho hết cái nghĩa, cái tình sau lũy tre xanh, nơi thị thành phồn hoa. Ở đâu, lúc nào ta cũng có thể bắt gặp tình yêu làng xóm, quê hương mộc mạc nhưng cũng rất sâu đậm trong mỗi con người. Ca dao chính là tiếng nói tâm tình ấy, là một trong những dòng chảy của nguồn cảm hứng chân thành ấy. Chính vì thế, ca dao là một trong những thể loại văn học được nhiều người ưa thích nhất, là những bài học quý giá nhất của cuộc sống đã khơi nguồn cảm xúc trong ta, nâng tâm hồn ta bay bổng hơn, đẹp hơn, giúp cho ta sống có nghĩa có tình hơn.

Các bài học liên quan
Để: Từ bài văn dưới đây em hãy viết bài văn để nhớ lại một ngày khai trường mà em đã được dự.
Cảm nhận về hình ảnh con cò trong một số bài ca dao dân ca .
Suy nghĩ về câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách (bài 2).
Bình luận câu tục ngữ : Có chí thì nên.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật