ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG

Lúc đầu ếch ngồi đáy giếng thì nhìn trời chỉ thấy nhỏ hẹp, nhưng ếch đã ra ngoài, tức là môi trường tiếp xúc rộng lớn hơn, tầm nhìn xa rộng hơn. Thế nhưng ếch vẫn bị trâu giẫm bẹp.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Truyện ngụ ngôn là một loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

- Truyện ngụ ý phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang, khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không chủ quan, kiêu ngạo.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

Ngụ ngôn có nguyên nghĩa là lời nói có ngụ ý (ngụ: hàm chứa ý kín đáo, ngôn: lời nói), tức là lời nói có ý kín đáo để người nghe, người đọc tự suy ra mà hiểu. Truyện ngụ ngôn là truyện kể có ngụ ý, tức là truyện không chỉ có nghĩa đen mà có cả nghĩa bóng, nghĩa bóng mới là mục đích chính của truyện.

Nghĩa đen của truyện ngụ ngôn là nghĩa bề ngoài, nghĩa cụ thể của chính câu chuyện kể; nghĩa mà người đọc, người nghe dễ nhận ra. Còn nghĩa bóng của truyện là ý sâu kín được suy ra từ ý nghĩa của truyện và thường được diễn đạt như những bài học cho con người trong cuộc sống. Nghĩa bóng của truyện là nghĩa gián tiếp, nhưng là mục đích chính của người sáng tác, là mục đích mà người nghe, người đọc hướng tới.

Truyện ngụ ngôn được mọi người ưa thích không chỉ vì nội dung, ý nghĩa giáo huấn sâu sắc, mà còn vì cách giáo huấn rất tự nhiên, độc đáo của nó. Tự nhiên, độc đáo vì sự giáo huấn này được thông qua hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn.

- Lúc đầu ếch ngồi đáy giếng thì nhìn trời chỉ thấy nhỏ hẹp, nhưng ếch đã ra ngoài, tức là môi trường tiếp xúc rộng lớn hơn, tầm nhìn xa rộng hơn. Thế nhưng ếch vẫn bị trâu giẫm bẹp. Chi tiết này cho thấy, truyện không chỉ khuyên người ta phải cố gắng để mở rộng tầm hiểu biết của mình mà cần phải cảnh giác, tỉnh táo, không được huênh hoang, chủ quan, kiêu ngạo, “coi trời bằng vung”.

- Truyện ngụ ngôn và tục ngữ có những điểm giống nhau: truyện ngụ ngôn và phần lớn tục ngữ đều có nghĩa đen và nghĩa bóng; cả hai đều nhằm truyền đạt, khuyên nhu con người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

Truyện này có mối quan hệ mật thiết với thành ngữ Ếch ngồi đáy giếng. Thành ngữ Ếch ngồi đáy giếng thường chỉ người ít hiểu biết, kiến thức nông cạn, tầm nhìn thiển cận do điều kiện tiếp xúc hạn hẹp. Từ thái độ nhâng nháo “coi trời bằng vung” mà thành ngữ này còn hàm ý nói về sự chủ quan, coi thường thực tế của một ai đó. Bài học cho những kẻ huênh hoang, hợm hĩnh chỉ chuốc lấy thất bại khi tiếp xúc với thực tế phong phú, sinh động; khi hiểu ra thì “sự đã rồi”.

Như vậy, truyện và thành ngữ có mối tương đồng về ý nghĩa.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vì sao ếch tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng cái vung và nó thì oai như một vị chúa tể?

Gợi ý:

Ếch tưởng bầu trời chỉ bé bằng cái vung, nó thì oai như một vị chúa tể vì:

- Ếch sống lâu ngày trong giếng;

- Xung quanh nó chỉ có vài con nhái, cua, ốc bé nhỏ.

- Ếch kêu Ồm ộp làm cho những con cua, con ốc hoảng sợ.

2. Do đâu ếch bị con trâu đi qua giẫm bẹp?

Gợi ý:

Do sự kiêu ngạo, chủ quan của ếch.

3. Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng nhằm nêu lên gì? Ý nghĩa của bài học?

Gợi ý:

* Bài học rút ra:

- Chế giễu, phê phán những người hiểu biết hạn hẹp, nhưng lại tự coi mình là nhất, coi thường người khác.

- Dù môi trường hoàn cảnh sống có giới hạn, khó khăn nhưng phải cố gắng mở rộng sự hiểu biết của mình bằng nhiều hình thức khác nhau.

- Không được chủ quan, kiêu ngạo, coi thường những người xung quanh.

Các bài học liên quan
DANH TỪ
CÂY BÚT THẦN
EM BÉ THÔNG MINH
CHỮA LỖI DÙNG TỪ
THẠCH SANH
LỜI VĂN, ĐOẠN VĂN TỰ SỰ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật