ĐẾ 46. Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ

Thế Lữ (1907 - 1989) là bút danh của Nguyễn Thứ Lễ. Ông vừa làm thơ, viết truyện, viết kịch, vừa làm đạo diễn. Ông nguyên là, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Phương diện nào ông cũng có thành tựu xuất sắc.

BÀI LÀM

Thế Lữ (1907 - 1989) là bút danh của Nguyễn Thứ Lễ. Ông vừa làm thơ, viết truyện, viết kịch, vừa làm đạo diễn. Ông nguyên là, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Phương diện nào ông cũng có thành tựu xuất sắc.

Thế Lữ là thi sĩ tiên phong, được ngợi ca là Đệ nhất thi sĩ trong phong trào Thơ mới (1932 - 1941). Tác phẩm thơ: Mấy vần thơ thể hiện một “hồn thơ rộng mở”, với cảm hứng lãng mạn dào dạt, nồng nàn, say đắm và thiết tha.

Bài thơ Nhớ rừng được Thế Lữ viết năm 1934, in trong tập Mấy vần thơ xuất bản năm 1935. Mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú, tác giả thể hiện tâm sự u uất, căm hờn và niềm khao khát tự do mãnh liệt của con người bị giam cầm, nô lệ.

* Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt.

Bị nhốt “trong cũi sắt”, căm hờn uất hận đã chứa chất thành “khối”, “giận” mãi mà chẳng tan, càng "gậm" càng cay đắng. Chỉ còn biết “nằm dài” bất lực, đau khổ. Bị “giễu”, bị “nhục nhằn tù hãm”, trở thành “thứ đồ chơi” cho “lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ”. Đau khổ nhất là chúa sơn lâm này bị tầm thường hóa, vị thế bị xuống cấp:

Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi.
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Đó là một nét tâm trạng điển hình đầy bi kịch của chúa sơn lâm khi bị sa cơ, thất thế, bị giam cầm. Trong hoàn cảnh lịch sử đất nước ta khi bài thơ ra đời (1934) thì nỗi tủi nhục, căm hờn, cay đắng của con hổ cũng đồng điệu với bi kịch của nhân dân ta khi sống trong xích xiềng nô lệ, sống trong tăm tối “nhớ nhuốc lầm than”.

* Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ.

“Tình thương nỗi nhớ” sống mãi, chẳng bao giờ quên. Nhớ “thuở tung hoành...”, “nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già”. Nhớ khúc nhạc rừng hùng tráng dữ dội. Chữ "nhớ", chữ “với” và cách ngắt nhịp (4-2-2, 5-5, 4-2-2...) biến hóa, cân xứng đã làm dội lên nỗi nhớ tiếc khôn nguôi, nhớ cồn cào, nhớ da diết. Sự phong phú về nhạc điệu đã khắc họa đời sống nội tâm vô cùng mạnh mẽ của một nhân vật phi thường từng có một quá khứ oanh liệt. Một tấm thân “như sóng cuộn nhịp nhàng”. Một bước chân cao sang đầy uy lực “dõng dạc, đường hoàng”. Một cặp “mắt thần” và khi “đã quắc” thì “mọi vật đều im hơi”. Một sức mạnh của uy quyền bất khả xâm phạm.

Những vần thơ đầy nhạc điệu nói về nỗi nhớ:

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi.
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đàng hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi...

Các động từ "gào, hét, thét" đặc tả khúc trường ca dữ dội của rừng núi suối ngàn thiêng liêng, hùng tráng. Đó là những câu thơ tuyệt bút làm sang trọng thêm Thơ mới 1932 - 1941.

“Ta nằm dài”... rồi “ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ”. Nhớ khi “ta bước chân lên...”, nhớ một thời vàng son ngự trị:

Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Một chữ “ta” vang lên đầy kiêu hãnh tự hào. Chúa sơn lâm được miêu tả được khắc họa trong chiều sâu của tâm linh, trong chiều cao của uy quyền được khẳng định.

Các câu hỏi tu từ liên tiếp xuất hiện như một nỗi niềm lay tỉnh và khêu gợi nỗi “nhớ” trào lên: “nào đâu những...”“đâu những ngày...”, “đâu những bình minh...”, “đâu những chiều...”. Nhớ mãi không nguôi, nhớ đêm trăng và suối, nhớ những ngày mưa rừng, nhớ bình minh, nhớ giấc ngủ, nhớ tiếng chim ca. Và nhớ “những chiều lênh láng máu...”. Đoạn thơ tráng lệ nói về 4 nỗi nhớ của chúa sơn lâm, nhớ triền miên ngày và đêm, sớm và chiều, mưa và nắng, thức và ngủ, lúc say mồi và lúc lặng ngắm, lúc đợi chờ... Một không gian nghệ thuật được tái hiện và mô tả qua bộ tứ bình của một nhà danh họa. Chúa sơn lâm có lúc mơ mộng giữa cảnh suối tráng, có lúc trầm ngâm trong chiêm nghiệm, có lúc nén xuống, kiên nhẫn đợi chờ để “tung hoành...” và “quắc mắt...”.

Đoạn thơ 10 câu này là đoạn thơ hay nhất trong bài Nhớ rừng:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Tay say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Sau nỗi nhớ một thuở vàng son, một thời oanh liệt, bỗng chúa sơn lâm chợt tỉnh mộng, trở về thực tại với cái cũi sắt, đau đớn và cay đắng vô cùng. Như một trái núi sụp đổ xuống, mãnh hổ cất lời than. Sự kết hợp giữa cảm thán với câu hỏi tu từ làm dội lên một lời thơ, một tiếng than của “hùm thiêng sa cơ”, của một kẻ phi thường thất thế. Đó cũng là tiếng thở dài của một lớp người khao khát tự do ngày ấy.

Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

* Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu

Lại trở về nỗi buồn đau và nỗi nhớ "cảnh nước non hùng vĩ”. Chỉ còn biết nhắn gửi thiết tha và bồn chồn:

Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

Nhớ rừng là bài thơ tuyệt bút. Nó được xếp vào 10 bài thơ hay nhất của Thơ mới (1932 - 1941). Hình tượng tráng lệ, kì vĩ, lối diễn tả và sử dụng ngôn ngữ biến hóa. Chất nhạc đa thanh và phúc điệu tạo nên những vần thơ du dương. Thơ nên họa nên nhạc như cuốn hút và làm mê say hồn ta.

Hình tượng chúa sơn lâm với nỗi nhớ rừng được nói đến với bao “lớp lớp sóng dồi”. Trong nỗi đau sa cơ, thất thế có niềm kiêu hãnh tự hào. Bài thơ như một lời nhắn gửi thiết tha về tình yêu quê hương đất nước. Tư tưởng lớn nhất của bài thơ là nói lên cái giá tự do và khát vọng tự do.

Các bài học liên quan
ĐỀ 42. Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật