ĐỀ 47. Phân tích bài thơ Ông đề của Vũ Đình Liên

Bài thơ với giọng kể, câu chữ, hình ảnh không tân kì trong khi thơ mới đang phá tung cái lề luật của thơ cũ, phá vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch nhưng Ông đồ vẫn được coi là kiệt tác, bởi đó là nét thăng hoa đẹp của hồn thơ Vũ Đình Liên, kết tinh từ lòng thương người và tình hoài cổ.

BÀI LÀM

Bây giờ thời thế biến thiên
Nhà vua không lấy Trạng Nguyên nữa rồi
Mực tàu, giấy bản là thôi
Nước non đã hết những người áo xanh.
                                         (Nguyễn Bính)

Viết về thời thế biến thiên khiến những nhà nho cũ trở thành người sinh bất phùng thời, Vũ Đình Liên đã có một thi phẩm được coi là kiệt tác sinh ra từ hai nguồn thi cảm lòng thương người và tình hoài cổ. Đó là bài thơ Ông đồ mà linh hồn của bài thơ chính là hình ảnh ông đồ, một di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn.

Trong xã hội xưa, ông đồ là người có đi học chữ Nho song không đỗ đạt, sống thanh bần giữa những người dân thường bằng nghề dạy học. Chữ nghĩa thánh hiền và nghề dạy học trong xã hội tôn sư trọng đạo được mọi người kính nể. Theo phong tục, ngày tết đến mọi nhà lại sắm câu đối hoặc một đôi chữ nho để trang hoàng nhà cửa, khi đó ông đồ lại có dịp trổ tài. Chính vì thế mỗi năm tết đến, xuân về, hình ảnh ông đồ cùng với nét chữ của ông trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong bức tranh xuân của mọi gia đình Việt Nam.

Bài thơ ngũ ngôn gồm có năm khổ thơ khắc họa trọn vẹn một chính thể nghệ thuật: hình ảnh ông đồ cùng thời gian. Lời thơ không cầu kì, đẽo gọt, từng dòng, từng chữ thong thả, thầm lặng như hoa quỳnh nở, uốn cong xòe ra toả hương buồn.

Mở đầu bài thơ là nhịp đời chảy trôi, tự nhiên, cứ thế mà trở thành nhịp điệu sống “mỗi năm”, “lại thấy”:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Nhà thơ không nói tết đến, xuân về mà nói hoa đào nở bởi đó là tín hiệu của mùa xuân. Câu thơ chỉ kể chứ không tả nhưng người đọc vẫn hình dung sắc hoa tươi thắm, mênh mang tạo nên phông nền của bức tranh xuân. Đất trời thiên nhiên như tái sinh từ một sắc hoa đào chúm chím, nở môi hồng.

Tết đến, xuân về, đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam xưa:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Hình ảnh ông đồ già xuất hiện cùng với mực tàu, giấy đỏ, nơi phố đông người qua dường như không có gì lạ.

Đến khổ thơ thứ hai, âm điệu câu thơ dường như sôi nổi hơn, giống như tiếng reo vui của nhà thơ, xốn xang, tự hào cho một mỹ tục được bảo tồn, tinh hoa được ngưỡng mộ, tài năng thư pháp được tôn vinh:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Ông đồ là hình tượng trung tâm của bức tranh xuân, là linh hồn của không gian mùa xuân. Màu sắc, ánh sáng của hoa đào, lòng ngưỡng mộ của bao nhiêu người đều hướng về ông. Quanh ông là bao nhiêu người thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài. Câu thơ như tiếng reo trầm trồ, thích thú, thán phục của rất nhiều người trước tài viết chữ của ông. Có thể coi hai câu thơ:

Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng hay.

Là hai câu thơ đẹp nhất, giàu giá trị tạo hình nhất để nói đến tài hoa của ông đồ. Chữ hoa đào ở khổ thơ thứ nhất đến đây đã nhường chỗ cho hoa tay đặc tả tài năng nghệ sỹ của ông đồ. Từ bàn tay của ông, nét chữ vuông vắn, tươi tắn như hoa mùa xuân thể hiện hoài bão của con người như nhảy nhót, múa lượn. Hai động từ múa và bay gắn liền với những gì được coi là linh thiêng trong tiềm thức của người xưa: phượng, rồng đã cho ta thấy rõ nét chữ phóng khoáng từ tay người như có phép tiên đang thêu dệt gấm hoa làm nên một nét đẹp văn hóa trong truyền thống của dân tộc.

Ông đồ không chỉ là người viết chữ mà là người nghệ sĩ đang sáng tạo ra cái đẹp trước lòng ngưỡng mộ của mọi người. Bức tranh xuân năm ấy sao rực rỡ, tươi thắm. Ông chính là nét đẹp lung linh hội tụ ánh sáng, màu sắc, âm thanh rộn rã của mùa xuân. Ngòi bút của Vũ Đình Liên dường như cũng reo cười cùng với người nghệ sỹ: ông đồ. Đó là thời kì đắc ý nhất của ông. Dường như giữa nhà thơ và ông đồ có một mối tương giao tri kỉ. Phải chăng họ là những người cùng hội, cùng thuyền, là con của những nhà nho cũ.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Từ nhưng đặt đầu câu thơ đầy tâm trạng. Chữ nhưng hàm chứa cái ngơ ngác, thẫn thờ đến sửng sốt vì một sự thật đau lòng, một tình thế đã bị đảo ngược: từ phố đông người qua giờ đã là mỗi năm mỗi vắng, đông giờ đã vắng. Những người quen thuộc ngày nào mến mộ ông, giờ đã trở thành người xa lạ. Cụm từ mỗi năm mỗi vắng diễn tả một sự thật nhói buốt diễn ra từ từ, dần dần, đầu tiên là bao nhiêu người thuê viết, sau mỗi năm mỗi vắng để câu thơ thứ hai buông xuống là một câu hỏi tu từ như lời gọi da diết:

Người thuê viết nay đâu?

Câu thơ giống như câu hỏi không lời đáp chìm vào khoảng không trống vắng, lặng yên đến nao lòng. Câu thơ viết về thảm cảnh của ông đồ mà như chính niềm ngóng vọng day dứt của nhà thơ.

Hai câu kết của khổ thơ thứ ba rơi xuống như tiếng nấc thầm:

Giấy đỏ buồn không thấm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Như ở trên đã nói, giấy đỏ, nghiên mực là hành trang gắn liền với kẻ sĩ ngày xưa, để từ đó họ gửi gắm cái hoài bão của một đời người qua nét chữ tượng hình đó. Ông đồ cũng vậy. Nhưng xót xa thay vì không có người thuê viết, nỗi buồn vắng khách của ông đồ đã chiếu lên nghiên mực, phủ mờ giấy đỏ khiến giấy đỏ buồn không thắm, còn mực không được chiếc bút lông chấm vào nên đọng lại như giọt lệ khóc.

Buồn sầu vốn là tâm trạng của con người nhưng ở đây với thủ pháp nhân hóa, nhà thơ khiến cho giấy đỏ và nghiên mực cũng trĩu nặng nỗi buồn sầu của con người. Nỗi buồn sầu của con người đã thấm cả vào những vật vô tri. Hai thanh nặng mực, đọng kết hợp với thanh bằng sầu cuối câu thơ kéo âm điệu câu thơ chùng xuống, với nỗi sầu mênh mang, lan tỏa.

Hai câu thơ cực tả nỗi buồn trĩu nặng của ông đồ, tủi hổ, bẽ bàng cho thân phận, cho chữ nghĩa thánh hiền đang bị lụi tàn dần đi trong xã hội. Nhưng cũng như đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, ông đồ vẫn ngồi đấy, tức là ông vẫn kiên gan, vẫn cố bám lấy sự sống, vẫn muốn có mặt với đời. Đau xót thay, thực tế lại là:

... Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.

Người qua đường vẫn tấp nập nhưng chẳng ai đoái hoài gì đến ông, người đời đã lãng quên ông. Trước kia người ta xúm xít chen nhau để ngắm nghía nét chữ như phượng múa rồng bay và tấm tắc ngợi khen tài của ông, thì nay người ta dửng dưng lạnh nhạt, vô tình đi qua để rồi họ hồ hởi, vồ vập với thứ văn minh lạnh lùng kiểu đô thị hóa.

Trước đây, ông là trung tâm của sự chú ý, là niềm khát khao, ngưỡng mộ của mọi người nhưng giờ đây điều đó chỉ còn là hoài niệm. Ông đã trở thành người “sinh bất phùng thời”.

Hình ảnh ông đã trở nên trơ trọi, lạc lõng, tội nghiệp biết bao! Ông vẫn lặng lẽ ngồi đấy mà trong ông đang là một tấn bi kịch, một sự sụp đổ. Trời đất cũng thảm đạm như lòng ông:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.

Bức tranh xuân giờ đây sao u ám, thảm đạm, rủ buồn. Lá vàng rơi là tín hiệu của mùa thu mà ở đây lại đâm ngang như một vết cắt nhói lòng giữa trời xuân. Mùa xuân là nơi khởi đầu của sức sống mà lại xuất hiện lá vàng rơi. Lá vàng rơi gợi sự tàn phai, rơi rụng, có gì đang đổ vỡ trong lòng ông. Phải chăng lá vàng rơi ấy báo hiệu cái chết của một thời, cái chết của một lớp người, cái chết của một mĩ tục đã lùi xa.

Nhưng lá vàng rơi trên giấy, hiện thực thật đau lòng. Những tờ giấy đỏ của ông đồ cứ phơi ra đấy hứng lá vàng rơi, ông đồ cũng vẫn cứ ngồi đấy, chìm trong quên lãng. “Ngoài trời mưa bụi bay” là câu thơ tả cảnh bình dị nhưng lại chất chứa nỗi niềm. Nơi ông đồ vẫn ngồi đấy và cả ngoài trời đâu đâu cũng thấm màu thê lường, não nuột. Hạt mưa xuân chỉ là mưa bụi lặng lẽ không đủ làm ướt áo ai, cứ âm thầm, mênh mang. Chỉ là mưa bụi bay mà sao ảm đạm, lạnh lẽo. Mưa bay ngoài trời hay chính là mưa bay trong lòng người.

“Lá vàng rơi” và “mưa bụi bay” có thể coi là hai nét vẽ tạo hình cực tả nỗi buồn trong lòng người không chỉ thấm vào giấy đỏ, nghiên mực mà còn lan tỏa khắp không gian, để bức tranh xuân hiện lên với đường nét mờ nhòa, hiu hắt. Thật đúng là:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
                              (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Hai câu thơ của Vũ Đình Liên được coi là hai câu thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút, đó là kết quả của sự cộng hưởng cảm xúc, của nỗi thương người và tình hoài cổ.

Bài thơ kết thúc vẫn với giọng kể lặng thầm:

Năm nay đào lại nở.
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giời

Có thể nói đến khổ thơ cuối, niềm hoài cảm đã dâng đầy. Mỗi lời thơ bật ra như tiếng khóc thầm, day dứt. Mở đầu bài thơ là “Mỗi năm hoa đào nở”, kết thúc bài thơ là “Năm nay đào lại nở”. Đây là kết cấu đầu cuối tương ứng, khá chặt chẽ, làm nổi lên niềm hoài cảm day dứt của nhà thơ. Kết cấu ấy cũng như câu thơ:
“Năm nay đào lại nở” gợi cho ta liên tưởng tới ý thơ của Thôi Hộ đời Đường:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Ngày này năm trước tại cửa này
Mặt người và sắc thắm hoa đào ánh vào nhau
Năm nay hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ
Nhưng người chẳng thấy đâu).

Phải chăng ý thơ của Thôi Hộ đã xuôi theo thời gian, trôi về thơ của Nguyễn Du (Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) và neo đậu trong nỗi thương người và tình hoài cổ của Vũ Đình Liên để nở ra sắc hoa đào năm xưa và năm nay trong bài thơ này.

Đào lại nở, cảnh vẫn như cũ nhưng người chẳng thấy đâu.

Không thấy ông đồ xưa.

Năm nay đào lại nở, nhưng ông đồ đã trở thành ông đồ xưa, thành người muôn năm cũ, không biết “Hồn ở đâu bây giờ”.

Tác giả không trực tiếp bày tỏ thái độ tình cảm mà chỉ bằng ngôn ngữ miêu tả, câu thơ năm chữ, ngắn, hình tượng thơ nổi lên với tất cả tâm tình xót thương vô hạn trước cái chết không gì cứu vãn nổi của một lớp người, một thời đại, một nền văn hiến đã mấy ngàn năm gắn bó với mảnh đất này. Trên dòng đời chảy trôi, hình ảnh ông đồ cứ mờ dần, mờ dần rồi mất hút trên con đường vô tận của thời gian, gợi nỗi hoài cảm đến day dứt.

Hai câu kết của bài thơ giống như tiếng gọi hồn lay tỉnh lòng người đến bâng khuâng:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Câu hỏi hướng về quá khứ xa xăm hay cất lên trong hiện tại, ngóng vọng về tương lai. Mối hoài cảm trào dâng, nhà thơ muốn đi tìm “Những người muôn năm cũ”, tìm ông đồ, tìm lại một thời xa nay đã mất, muốn ngược dòng thời gian để tìm về nét đẹp xưa, níu giữ một nhã thú đang một đi không trở lại. Lời thơ là một câu hỏi nhưng cũng là lời tự vấn, hàm chứa cả một khoảng trời cảm xúc với bao nuối tiếc, xót xa. Tìm về những người muôn năm cũ nhưng biết hồn ở đâu bây giờ. Hồn là cách nói tinh tế. Ta có thể hiểu là linh hồn kiểu như Thác là thể phách, còn là tinh anh, hồn cũng có thể hiểu là quốc hồn, quốc túy, là tinh hoa văn hóa của cha ông nhưng hồn ở đâu bây giờ. Ở đâu, hai chữ đầy dằn vặt, tiếc nuối. Hồn thiêng ấy bây giờ tìm đâu. Đến đây, ông đồ đã hòa nhập vào gia tài chung của nền văn hóa Việt, thuộc về những gì là quốc hồn, quốc túy của cha ông.

Câu thơ cuối cất lên giống như tiếng gọi đàn thăm thẳm, lời chiêu hồn cho một lớp người, một thời đại đã dần đi vào dĩ vãng.

Bài thơ với giọng kể, câu chữ, hình ảnh không tân kì trong khi thơ mới đang phá tung cái lề luật của thơ cũ, phá vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch nhưng Ông đồ vẫn được coi là kiệt tác, bởi đó là nét thăng hoa đẹp của hồn thơ Vũ Đình Liên, kết tinh từ lòng thương người và tình hoài cổ.

Bài thơ giống như một nén tâm hương của Vũ Đình Liên về một lớp người, một thời đại đã đi qua, một giá trị văn hóa đang bị mai một.

Thật hiển linh thay, khi tôi viết những dòng chữ này cùng với mưa bụi đón xuân những ngày giáp Tết, cành đào chúm chím nụ hồng bên thềm thế kỉ XXI thì nghệ thuật thư pháp đang được khôi phục lại. Bất ngờ tôi lại ngâm nga:

Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng hay.

Các bài học liên quan
ĐỀ 42. Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật