ĐỀ 40. Phân tích bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông của Phan Bội Châu

Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Giọng điệu hào hùng mạnh mẽ. Cảm hứng anh hùng dào dạt cả bài thơ.

BÀI LÀM

Phan Bội Châu (1867 - 1940) hiệu là Sào Nam, quê ở huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ông là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn của dân tộc ta trong vòng hai mươi lăm năm đầu thế kỉ XX, từng xuất dương sang Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan để mưu đồ sự nghiệp cứu nước. Phan Bội Châu cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn, có sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ. Tác phẩm của ông bao gồm rất nhiều thể loại, tất cả đều thể hiện lòng yêu nước thương dân tha thiết, khát vọng độc lập, tự do và ý chí chiến đấu bền bỉ, kiên cường. Ông sáng tác rất nhiều tác phẩm bằng chữ Hán và chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ gồm có Hải ngoại huyết thư, Sào Nam thi tập, Ngục trung thư, Trùng Quang tâm sử.

Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là một bài thơ Nôm nằm trong tác phẩm Ngục trung thư (Thư viết trong ngục) viết bằng chữ Hán, sáng tác vào đầu năm 1914, khi Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam. Ngục trung thư có thể xem là tập tự truyện đầu tiên của Phan Bội Châu, có ý nghĩa như một bức thư tuyệt mệnh.

Phan Bội Châu làm bài thơ này là bộc lộ cảm xúc của mình trong những ngày mới vào ngục.

Bài thơ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất và phong thái ung dung của người chiến sĩ yêu nước cách mạng trước cảnh tù đày nguy hiểm.

Hai câu đầu nói lên tâm thế đẹp của người chiến sĩ cách mạng.

Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Tác giả lặp đi lặp lại từ “vẫn” làm cho ý thơ được khẳng định, biểu lộ lòng tự hào về nhân cách cao đẹp, hào kiệt, phong lưu. Một con người có tài cao chí lớn trong mưu đồ đại sự cứu nước cứu dân. Một nhà nho trang nhã, ung dung đàng hoàng. Dù ở trong hoàn cảnh bị tù đày nhưng vẫn giữ được khí phách và phẩm chất hào kiệt phong lưu. Hay nói cách khác nhà tù không thể làm mất đi vẻ hào kiệt phong lưu của người chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Cái việc vào tù của mình được tác giả xem nhẹ như là một cuộc dừng chân tạm thời sau những bôn ba xuôi ngược mà thôi “chạy mỏi chân thì hãy ở tù”. Một cách nói hóm hỉnh về sự hoạt động sôi nổi của Phan Bội Châu lúc ở Nhật lúc sang Thái Lan, lúc ở Trung Quốc. Bốn tiếng “thì hãy ở tù” vừa là chấp nhận cảnh ngộ bị tù đày, vừa là một sự thách đố, đồng thời thể hiện một thái độ coi thường cảnh tù đày, thể hiện một thái độ rất bình tĩnh và chủ động trước tai ương và hoạn nạn.

Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu.

Hai câu thực nói về cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng, phải xa gia đình, quê hương đất nước, bôn ba hải ngoại, phải nếm trải mọi thử thách gian truân, chịu cảnh tù tội. Người chiến sĩ cách mạng này là người khách trong bốn biển, không nhà. Không nhà đối với người có tội, bốn bể đối với năm châu. Ngôn ngữ thơ cân xứng, thể hiện một tâm hồn cao đẹp, giàu tính hi sinh và một ý chí lớn tung hoành mang tầm vóc lớn lao được đo bằng năm châu và bốn biển. Giọng thơ thanh thoát, phơi phới.

Hai câu luận là hai câu thơ đối nhau, ngôn ngữ thơ trang trọng, diễn tả một chí khí hiên ngang, một chí lớn phi thường của người anh hùng muốn làm nên sự nghiệp vĩ đại.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Hình ảnh "bủa tay”, "ôm chặt” nói lên một tư thế hào hùng, một quyết tâm không gì lay chuyển được, một lí tưởng sáng ngời giúp đời, cứu nước. Kinh tế ở đây được hiểu theo nghĩa kinh bang tế thế. Phan Bội Châu muốn giang rộng vòng tay để ôm lấy những điều vĩ đại, phi thường. “Cuộc oán thù” là cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước. Hai chữ “cười tan" thể hiện một ý chí nung nấu căm thù. Giọng thơ hào hùng, sảng khoái, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Hình ảnh thậm xưng kì vĩ, các động từ gợi tả mạnh mẽ đã dựng nên hình ảnh một đấng nam nhi, một trang anh hùng, một bậc trượng phu, hào kiệt... trong tù đày vẫn lạc quan ngạo nghễ. Nhà tù có thể giam hãm được thân thể của nhà sĩ phu yêu nước Phan Bội Châu nhưng chúng không thể giam được tinh thần bất khuất của người anh hùng này, không thể nào giam được ý chí, lòng quyết tâm của ông.

Hai câu kết tác giả khẳng định niềm tin sắt đá không gì lay chuyển được qua hai vế tiểu đối “Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp”. Chữ còn được điệp lại hai lần làm cho ý thơ được khẳng định, biểu hiện một khí thế hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng. Đồng thời cũng là một lời khẳng định rằng hễ còn một hơi thở thì người chiến sĩ yêu nước ấy vẫn lo cho sự nghiệp giải phóng đất nước, đưa dân tộc thoát khỏi nô lệ lầm than. Con đường cách mạng, cứu nước cứu dân là con đường vinh quang và sáng ngời chính nghĩa. Con đường chiến đấu vì chính nghĩa đang mở ra trước mắt. Câu thơ cuối cùng vang lên như một lời thách thức đồng thời biểu hiện một quyết tâm chấp nhận và coi thường hiểm nguy, gian truân.

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Văn thơ mang tính hướng nội vang lên như một lời động viên khích lệ mình. Nó biểu hiện một dũng khí hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Đó là niềm tin, lạc quan bất khuất, tự làm chủ hoàn cảnh, mang cốt cách hào kiệt phong lưu.

Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Giọng điệu hào hùng mạnh mẽ. Cảm hứng anh hùng dào dạt cả bài thơ. Ngòi bút khoa trương, sử dụng phép đối và điệp ngữ rất đặc sắc đã làm hiện lên cốt cách của người anh hùng trong thiên hạ. Bài thơ ca ngợi ý chí của người cách mạng dù cho tù đày nhưng vẫn ngẩng cao đầu, cất tiếng cười sảng khoái. Bài thơ này của Phan Bội Châu là bài ca yêu nước, bài ca tự do. Không một nhà tù nào, một gông cùm nào có thể giam giữ được tinh thần yêu nước của người chiến sĩ cách mạng.

Các bài học liên quan
ĐỀ 35. Phân tích Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn để cho thấy “Bài văn sôi sục nhiệt huyết tràn đầy khí thế quyết chiến quyết thắng. Đó là một tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước cao đẹp nhất của thời đại chống Mông - Nguyên.
ĐỀ 34. Chứng minh Hịch tướng sĩ vừa có lập luận chặt chẽ, sắc bén vừa giàu hình tượng, cảm xúc, do đó có sức thuyết phục cao.
ĐỀ 33. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn là khúc tráng ca anh hùng sáng ngời hào khí Đông A. Hãy phân tích Hịch tướng sĩ để làm sáng tỏ ý kiến trên.
ĐỀ 31. Chiếu dời đô - Khát vọng về một đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường và khí phách của dân tộc Đại việt đang trên đà lớn mạnh.
ĐỀ 30. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Hồ Chủ tịch tha thiết căn dặn:

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật