Một số áng thơ văn được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc - Ngữ Văn 12

Trong nền văn học dân tộc, có một số áng thơ văn ra đời vào những thời điểm trọng đại của đất nước, được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Anh, chị hãy bàn về nội dung và tinh thần chung của các tác phẩm đó.

YÊU CẦU

   1. Trước hết, học sinh phải chọn đúng được những tác phẩm có hai đặc điểm nêu ở đề bài: ra đời vào thời điểm trọng đại của đất nước và được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Những tác phẩm đó là:

   - Bài thơ Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt (?) ra đời vào khoảng năm 1077 trên trận tuyến sông Như Nguyệt, trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhà Tống.

   - Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi ra đời vào mùa xuân năm 1428, khi quân và dân ta đánh tan quân Minh, kết thúc cuộc kháng chiến hơn 10 năm, mở ra trang mới trong lịch sử dân tộc.

   - Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh ra đời vào tháng 9 năm 1945 chấm dứt hàng nghìn năm chế độ phong kiến và ngót một trăm năm thống trị của thực dân Pháp, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

   2. Bàn về nội dung và tinh thần chung của các tác phẩm đó:

   Tuy ra đời vào những thời điểm lịch sử khác nhau, có những nét khác nhau về thể loại, văn tự và mục đích sáng tác... nhưng ba tác phẩm nói trên đều có những nội dung quan trọng giống nhau:

   Khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát chủ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.

   Khẳng định quyết tâm sắt đá sẵn sàng chiến đâu đến cùng bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

   3. Các tác phẩm nói ưên đã chứng tỏ dân tộc Việt Nam không những có bản lĩnh, có ý chí độc lập, tự chủ mà còn có tinh thần kiên cường, bất khuất.

   Càng về sau, theo sự phát triển của lịch sử, quan niệm về đất nước, về chủ quyền dân tộc càng được thể hiện một cách đầy đủ, tiến bộ hơn.

   Mặc dù đề bài chỉ yêu cầu bàn về nội dung và tinh thần chung của các tác phẩm được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc nhưng để bài làm có chiều sâu, ít nhiều học sinh phải chỉ ra được sự khác biệt, nhất là về nội dung, ở những tác phẩm nói trên).

BÀI LÀM

   Suốt bốn ngàn năm Lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn luôn phải chiến đấu quyết liệt để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Điều này như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm văn học lớn từ xưa tới nay.

   Ra đời vào những thời điểm trọng đại của đất nước, của dân tộc, một số áng thơ văn đã được coi như những tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Nó mang dấu ấn của một thời và giá trị của nó trường tồn cùng dân tộc.

   Lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc ta ở các thế kỉ XI, XV và XX đã được văn học nước nhà ghi lại qua một số tác phẩm bất hủ. Chúng ta còn nhớ cách đây hơn 900 năm, năm 1077, quân xâm lược nhà Tống với binh hùng tướng mạnh, hùng hổ kéo sang xâm lược nước ta. Bọn chúng đã bị người anh hùng dân tộc Lí Thường Kiệt cùng quân dân chặn đánh quyết liệt. Cuộc hành quân tàn bạo của giặc Tống bị chặn đứng trên trận tuyến sông Như Nguyệt nổi tiếng trong lịch sử. Bài thơ thần hay còn gọi là bài Nam quốc sơn hà đã ra đời trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt này. Bài thơ nguyên tác bằng chữ Hán:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư      

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm   

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.  

   Qua bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này, Lí Thường Kiệt, tương truyền là tác giả bài thơ, đã khẳng định chủ quyền độc lập bất khả xâm phạm của dân tộc. Mở đầu bài thơ, tác giả khẳng định một cách sắt đá:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư      

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

   Nam quốc sơn hà Nam đế cư có nghĩa là “sông núi nước Nam là của vua nước Nam”. Điều đó đã trở thành bất di bất dịch, ở đây, Lí Thường Kiệt nói đến vua nhưng điều chủ yếu là trong giai đoạn lịch sử này, quyền lợi của dân tộc với quyền lợi của giai cấp thống trị gắn bó chặt chẽ với nhau. Nước mất thì ắt nhà tan, điều đó ai cũng hiểu. Chính vì vậy ở thời điểm đó, đế - vua không tách rời dân tộc mà biểu hiện cho sức mạnh vùng lên của dân tộc. Kế đó, tác giả nhấn mạnh thêm điều mình vừa khẳng định, nước Nam là của vua Nam, của dân Nam là điều tiệt nhiên định phận tại thiên thư - ghi rõ ràng ở sách trời, có nghĩa li mộl sự quả quyết chắc chắn. Giai cấp thống trị xưa khi cần củng cố địa vị của mình thường dùng thần quyền để mê hoặc con người. Cho nên ngay từ khi giai cấp phong kiến hình thành, chính nó đã không ngừng gieo sâu vào tiềm thức của mọi người: vua là con trời, vua thay trời trị vì dân chúng, vua là người trung gian cầm cân nảy mực trong quan hệ giữa các thành viên của xã hội phong kiến. Và cũng chính vì thế, theo quan niệm của người xưa, trời là một lực lượng siêu nhiên có uy quyền tối cao, có sức mạnh vô địch. Lí Thường Kiệt đã rất khéo léo trong việc lấy uy quyền của trời để xác nhận một cách vững chắc chủ quyền độc lập của dân tộc. Thực chất là ông đã mượn luân lí phong kiến để khẳng định quan điểm của mình. Trên cơ sở đó, rõ ràng quyền lợi của dân tộc, của đất nước đã được đặt lên trên hết. Và nếu bóc đi cái vỏ thần linh màu nhiệm ấy thì sự khẳng định của Lí Thường Kiệt không gì khác là một sự khẳng định của lí trí, của sức mạnh dân tộc, của sức mạnh chính nghĩa. Thần linh ở đây hiểu rộng ra đó chính là cha ông ta, những người đã từng làm nên lịch sử giữ nước vẻ vang và giờ đây trở thành linh hồn của đất nước tiếp sức cho con cháu bảo vệ Tổ quốc thân yêu này. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó. Bài thơ có thể coi là một bản anh hùng ca tràn đầy khí thế tiến công:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

  Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

   Đứng trên lập trường của một dân tộc có chủ quyền, tác giả đã lên tiếng thách thức quân xâm lược và vạch trần sự thất bại của chúng nếu tiếp tục xâm lược Việt Nam. Rõ ràng ở đây, chúng ta đang ở tư thế của những người chiến thắng, tư thế của một dân tộc quật cường mà dồn kẻ thù vào chân tường vì chúng phi nghĩa. Chúng đã làm trái lẽ trời, vậy trời sẽ không dung tha và sự thất bại cuối cùng của chúng là không thể tránh khỏi: Nhữ đẳng hành khan thủ bai hư. Số phận của kẻ đi xâm lược tất yếu là như thế. Chúng sẽ bị tiêu diệt vì chúng đang tâm làm một việc phi nghĩa, chúng xâm phạm đến một đất nước có chủ quyền. Toàn bộ bài thơ vang lên tiếng nói của công lí, của chính nghĩa, tiếng nói tự lập tự cường hào hùng của dân tộc ta, nó toát lên khí phách quật cường của hào khí tiến  công. Bài thơ xứng đáng là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, nó đã chứng tỏ rằng một dân tộc dù nhỏ bé nhưng anh dung, can trường và có một truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập thì luôn đủ mạnh chiến thắng kẻ thù to lớn, bất kể chúng từ phương nào tới.

   Tiếp nối truyền thống quý báu cùa dân tộc, ở thế kỉ XV, nhân dân ta tiếp tục nên những trang sử chói lọi trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc. Trước đó ở thế kỉ XIII, quân dân nước Đại Việt đã ba lần đánh giặc Mông - Nguyên. Đất nước chưa hoà bình được bao lâu thì giặc Minh sang gây cho dân ta bao đau thương tang tóc. Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã đứng lãnh đạo toàn dân làm một cuộc khởi nghĩa ròng rã mười năm trời, và kết bằng thắng lợi vẻ vang. Cuộc khởi nghĩa ấy đã đi vào văn học qua bài Đại cáo bình Ngô tràn đầy tinh thần tự hào dân tộc:

Nước Đại Việt ta từ trước                                                

Vốn xưng văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia,                 

Phong tục Bắc Nam cũng khác.                                           

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập.                   

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,                                      

Song hào kiệt đời nào cũng có.                                            

   Niềm tự hào ấy có được là do đâu? Một điều hiển nhiên là lịch sử hào hùng dân tộc đã được xem như là một cơ sở, một điểm tựa cho một quan niệm mẻ về dân tộc, về đất nước. Tác giả đã đặt dằn tộc mình ở thế ngang hàng các triều đại phong kiến Trung Quốc, phủ nhận sự cai trị của phong kiến Trung Quốc, phủ nhận tham vọng của một nước lớn muốn thôn tính nước bé. Điều đó một lần nữa khẳng định: Dù thế nào đi chăng nữa, nước ta vẫn là một gia độc lập có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không một thế lực ngoại bang nào có thể chà đạp lên được điều đó. Tác giả đã kể tội ác tày trời của quân thù:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.      

   Đồng thời cũng vạch trần dã lâm xâm lược của chúng. Nhưng quân giặc không thực hiện được giấc mộng xâm lăng trên mảnh đất này - mảnh đất đã từng chôn vùi bao kẻ xâm lược. Do đó, chúng phải bị tiêu diệt, đó là điều chắc chắn: Đánh một trận, sạch không kinh ngạc - Đánh hai trận, tan tác chim muông.

   Có thể nói, trải qua thử thách gian lao, ông cha ta đã dạn dày, đã hiểu thế nào là thế đứng của một dân tộc có chính nghĩa, thế nào là “lửa thử vàng gia nan thử sức”. Chính vì vậy mà trải qua những ngày nếm mật nằm gai, quân dải ta càng thêm đoàn kết sát cánh bên nhau vì sự nghiệp lớn lao:

Nhân đân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới,   

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.

   Tác giả đã thấy rõ khả năng và sức mạnh to lớn của toàn dân khi họ đoàn kết chiến đấu dưới ngọn cờ chính nghĩa giành độc lập, tự do. Hình ảnh nhân dân đã được tác giả nhắc đến trong bài. Sự nghiệp chính nghĩa là của nhân dân thuộc về nhân dân. Nhân dân là một lực lượng đông đảo, nhân dân làm nên chiến thắng và làm nên lịch sử. Và người cầm quân chính là người thấy được sức mạnh vô địch đó ở nhân dân và biết phát huy sức mạnh đó. Rõ ràng là so với Nam quốc sơn hà thì Đại cáo bình Ngô đã có một bước tiến vượt bậc. Tổ quốc, giang sơn ở đây không chỉ còn bó hẹp trong khái niệm ông vua và ông trời mà đã bao hàm một nội dung rộng lớn hơn: Tổ quốc là nhân dân. Do vậy mà không cần thiết phải viện dẫn thần linh, Nguyễn Trãi chinh phục lòng người bằng chính lịch sử và bằng chính chiến công trong hiện tại với một quan điểm nhân nghĩa đúng đắn:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo.  

   Đó chính là quan điểm vô cùng nhân đạo và cao thượng, thể hiện rõ thế đứng quật cường, thế đứng trên đầu thù của dân tộc ta. Thật hiếm có một đất nước nào, một dân tộc nào có được thế đứng hào hùng, oanh liệt ấy. Phải chăng dân tộc Việt Nam ta tuy kinh qua khói lửa của chiến tranh nhưng với bản chất nhân đạo đã làm nên thế đứng tuyệt vời đó? Thực ra, đại nghĩa và chính nhân ở đây có phần cũng nhằm nói lên cái bản chất trong đạo lí ứng xử của dân tộc

   Đại cáo bình Ngô là một kiệt tác của Nguyễn Trãi, đồng thời cũng là một kiệt tác trong nền văn học nước nhà. Cùng với Nam quốc sơn hà, Đại Cáo Bình Ngô đã toát lên tinh thần tự cường dân tộc, toái lên hào khí chống giặc giữ nước oai hùng. Đại cáo bình Ngô là sự kết tinh của tư tưởng, tình cảm và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta, nhân dân ta trong một thời điểm lịch sử trọng đại. Hơn lúc nào hết, ngày nay những áng thơ văn bất hủ trên đã và đang được chúng ta phát huy cao độ trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng Tổ quốc.

   Thế là lịch sử của dân tộc ta đã làm nên những trang sử hào hùng. Lịch sử đó đã được phản ánh vào trong văn học thông qua những nhà văn, nhà thơ lớn và đồng thời cũng là những anh hùng của dân tộc. Những áng văn thơ đó thật xứng đáng là những bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, khẳng định chủ quyền của dân tộc, tính chất chính nghĩa của những cuộc chiến tranh hảo vệ Tổ quốc của ông cha ta trong thời đại phong kiến.

   Trải qua hàng ngày năm dưới chế độ phong kiến và gần một trăm năm rên xiết dưới ách thống trị của thực dân Pháp, dân tộc ta vẫn làm nên những kì tích huy hoàng, vẫn “vươn lên như một thiên thần” (Tố Hữu). Một dân tộc khao khát một dân tộc khao khát tự do, hoà bình và thân thiện, một dân tộc quyết đem xương máu của mình để gìn giữ và bảo vệ độc lập, tự do, đương nhiên dân tộc đó phải được sống trong độc lập và hoà bình. Chính vì vậy. bằng cuộc Cách mạng tháng Tám, dân tộc ta đã phá tan xích xiềng nô lệ, bước sang cuộc đời mới. Cách mạng tháng Tám đã đem lại một hình thái xã hội mới tốt đẹp hơn những hình thái có trong lịch sử. Chính bằng cuộc cách mạng này mà dân tộc ta đã thấy được con đường đi lên của chính mình, con đường mãi mãi thoát khỏi gông xiềng nô lệ. Ngành giành được chính quyền về tay nhân dân cũng là ngày đất nước bước sang một chính thể mới, chính thể dân chủ - cộng hoà. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chi Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình là một bản tuyên ngôn mở ra cho dân tộc ta một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên hoà bình cho những cường quốc đã từng là kẻ thù của dân tộc Việt Nam hoặc đang nhòm ngó nước ta biết rằng: Nước Việt Nam là một quốc gia độc lập không can thiệp vào bất kì nước nào và cũng kiên quyết không cho phép bất kì nước nào xâm phạm đến chủ quyền dân tộc của mình. Đó là một quyết tâm thể hiện rõ ý chí kiên cường của dân tộc ta, ý chí ấy là sự tiếp nối truyền thống bất khuất, kiên cường cùa các thế hệ đi trước. Lập trường ấy rất rõ ràng và kiên định, không có một thế lực nào có thể làm thay đổi. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - lời nói bất hủ ấy của Bác Hồ mãi còn vang vọng. Chính vì độc lập, tự do mà dân tộc ta đã hi sinh xương máu để bảo vệ quyền tự do, độc lập một khi nó bị đe doạ. Bằng lời văn chắc chắn, hùng hồn, Bác Hồ đã tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp, chỉ rõ tính chất phi lí của việc thực dân Pháp đặt ách cai trị của chúng lên đất nước Việt Nam. Bác vạch rõ trong gần một thế kỉ qua, thực dân Pháp là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc Việt Nam. Chúng đã núp dưới chiêu bài “văn minh”, “khai hoá ” để rắp tâm lừa bịp, bóc lột dân tộc ta, và chính chúng là kẻ đã bán nước ta hai lần cho giặc Nhật. Bác đã nhấn mạnh, nhân dân ta đã lấy lại nước ta từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp và trên thực tế chúng ta đã giành được chính quyền trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Như vậy, nước Việt Nam được hưởng quyền độc lập là một  điều hợp tình, hợp lí “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”. Điều đó là một chân lí; trước đó dân tộc ta đã khẳng định chân lí ấy một cách rõ ràng, chắc chắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên tiếng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

   Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một áng văn kiệt xuất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nó tiếp nối truyền thông của cha ông xưa trong việc lên tiếng khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước, và quyền được sống trong độc lập, tự do của dân tộc. Ra đời vào những ngày đầu tiên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Chí Minh đã thực sự trở thành lời tuyên bố dõng dạc của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới: Nước Việt Nam là một nước độc lập, dân tộc Việt Nam kiêu hãnh sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì nền độc lập của mình.

   Ngày nay, chúng ta đang sống trong một đấi nước hoà bình. Trong đó người được tự do phát huy cao độ khả năng và trí luệ của mình. Chúng ta quyền tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc. Truyền thống đó đã và đang tiếp cho chúng ta sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lê Quỳnh Trang Trường THPT Hà Nội – Amxtecdam 

dayhoctot.com

Các bài học liên quan
Trong nền văn học dân tộc, có một số áng thơ văn ra đời vào những thời điểm trọng đại của đất nước, được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc - Ngữ Văn 12

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật