VIẾT BÀI TẬP LÀM VĂN số 7 - VĂN NGHỊ LUẬN

Bài tham khảo

Đề 1. Văn học và tình thương.

Bài làm

Gần một trăm năm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, cộng thêm hai mươi năm chống đế quốc Mĩ, tuổi trẻ Việt Nam đã bỏ bao công sức, trí tuệ cho sự nghiệp, độc lập, tự do của Tổ quốc, nên việc học tập đã không được chu đáo. Tuổi trẻ hôm nay sống trong một đất nước thanh bình có nhiều điều kiện để học tập tốt hơn.

Ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, trong thư gửi cho học sinh, Bác Hồ có nhắn nhủ ân cần: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ta hiểu lời dạy đó như thế nào?

Đất nước được vẻ vang, dân tộc sánh vai với các cường quốc năm châu nghĩa là đất nước giàu đẹp, phát triển và nhân dân ta văn minh, tiến bộ, ấm no như các nước và dân tộc tiên tiến trên thế giới. Đó là một mục đích nằm trong ước mơ của con người Việt Nam khi Tổ quốc được độc lập, tự do. Đó là hoài bão không riêng của Bác, mà của triệu con người Việt Nam biết yêu nước, biết đau lòng trước bao vết thương chiến tranh còn đó sau khi hòa bình lập lại.

“Chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” nhấn mạnh một phần lớn điều kiện để đất nước giàu đẹp, dân tộc phồn vinh thì chính do việc học tập của thế hệ trẻ - người chủ nhân đất nước tương lai đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tại sao việc học tập của học sinh chúng ta lại liên quan đến tương lai của non sông, của dân tộc? Bởi các thế hệ đi trước đã bỏ bao công sức cho độc lập, tự do của đất nước, điều kiện học tập không có. Thế hệ trẻ trong một đất nước độc lập như hôm nay chắc chắn có điều kiện học tập tốt hơn.

Bởi chỉ có một nền khoa học hiện đại qua học tập mới đưa đất nước thay đổi từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành phồn vinh, tiến bộ. Chỉ có một cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật mới làm nên sự tiến bộ vượt bậc, trong đó việc học tập của tuổi trẻ thế hệ mới sẽ góp phần tạo nên một lực lượng lao động có trí thức mới đủ sức làm nên sự nghiệp lớn lao ấy.

Chúng ta phải học tập như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu to lớn đó?

Học tập và học hỏi không ngừng, cộng với tình cảm yêu nước thiết tha, nhận lãnh trách nhiệm làm chủ nhân tương lai của đất nước là những việc phải làm ngay đôi với tuổi trẻ chúng ta. Có đau lòng trước sự tụt hậu của dân ta so với nước ngoài, trước bao vết thương chiến tranh vẫn còn đầy rẫy thì tuổi trẻ mới hãm hở “học, học nữa, học mãi”.

Xác định rõ mục tiêu học tập như trên, tuổi học sinh còn cần thiết coi việc rèn luyện học tập khoa học kĩ thuật là then chốt để trở thành những nhà khoa học trẻ tuổi tương lai. Học đi đôi với hành, lí thuyết gắn bó với thực nghiệm để kích thích sáng tạo, tìm tới cái mới.

Đề 2. Nói không với tệ nạn.

Bài làm

“Trời, hút thuốc chứ có làm gì bậy bạ đâu mà sợ? Nhiều người hút chứ đâu phải một mình tui?” Một trong những học sinh mà tôi gặp tại quán cà phê trong một khu cư xá vừa phì phèo thuốc vừa “phán” như thế. Học sinh này và bốn cậu bạn khác mới ra khỏi cổng trường đã vèo ngay đến đây để làm li cà phê chiều. Chỉ trong vòng hơn một tiếng, năm “ống khói tàu” này đã đốt liên tục đến hơn một gói. Một trong số những em cười khẩy: “Uống cà phê mà không hút thuốc thì mất hết vị”.

Quan sát các bạn khác, tôi bắt gặp ít gương mặt non choẹt cũng đang rít thuốc đầy vẻ chuyên nghiệp. Khói thuốc bay mù mịt khắp không gian quán vốn đã chẳng rộng rãi thoáng mát gì. Thế nhưng những anh chàng này vẫn điềm nhiên như thể việc mình làm chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới dù thấy rõ ràng vài bạn gái ngồi bàn gần đấy nãy giờ đưa tay che mũi.

Khác hẳn với những bạn gái này, một cô bạn gái khác mới học lớp 11 mà tôi thường gặp tại quán cà phê chẳng những không hề dị ứng mà còn thở khói điệu nghệ chẳng kém gì mấy cậu con trai trong quán. Nhóm bạn của cô gái cũng có vài nàng dù không hút thường xuyên nhưng tối nào vô "sàn" (vũ trường) cùng lập lòe đóm thuốc trên môi cho thêm phần sành điệu.

Không chỉ “lộng hành” ngoài giờ học, nhiều “ống khói tàu” còn lén lút “nhả khói” ngay trong trường. Cô Đinh Thị Mĩ Hạnh (Trợ lí thanh niên trường Trần Khai Nguyên) cho biết: “Mặc dù trường nào cũng có nội qui cấm học sinh hút thuốc nhưng tại nhiều trường hiện tượng này vẫn ngày càng tăng”. Cũng có cậu chơi liều hút ngay trên sân trường, nhưng đa số đều tìm chỗ kín đáo để hút lén lút. Nhà vệ sinh vẫn được xem là “điểm hẹn lí tưởng” của các “ống khói tàu” học trò dù các thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra gắt gao. Một học sinh cho biết: “Kiểm tra vậy thôi chứ khó bắt tại trận được lắm!”.

Lí do hút thuốc của các cô cậu học trò quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu: thích chứng tỏ mình, tò mò, bị bạn bè lôi kéo... Đơn giản vì ở lứa tuổi này vẫn chưa chín chắn, dễ dàng bị tác động. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh chẳng những không kịp thời uốn nắn con em mình mà còn tiếp tay làm gương xấu trong việc hút thuốc. Cùng em học sinh trên phát biểu một câu xanh rờn: “Ba tui cũng biết tui hút thuốc nhưng đâu có chửi tui được vì ông cũng nghiện thuốc mà!”.

Điều đáng nói nhất là lâu nay đã có luật cấm bán thuốc lá cho khách hàng dưới 18 tuổi nhưng hầu như học sinh nào cũng có thể mua thuốc dễ dàng như mua kẹo. Các xe thuốc lá đầy rẫy khắp thành phố, thậm chí còn “bao vây” trước nhiều cổng trường. Người bán hàng chẳng màng quan tâm “thượng đế” của mình bao nhiêu tuổi mà chỉ cần có tiền là có thuốc.

Y học đã chứng minh được rằng thuốc lá chứa đến 4.000 hóa chất, trong đó có 43 chất gây ung thư. Nó chính là một “tử thần thầm lặng” dẫn đến nhiều căn bệnh như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim... Và không chỉ người hút thuốc chủ động mà cả những người hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) cũng có nguy cơ tương tự. Tuy nhiên, nói theo lời cô Mĩ Hạnh là: “Nhiều em vẫn chưa hiểu được tác hại của thuốc lá do công tác tuyên truyền chưa mạnh mẽ”.

Chính vì thế, để tuyên chiến với thuốc lá, thời gian gần đây đã có nhiều hoạt động như Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá (cuối tháng 5), trung tâm Công tác xã hội Thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) vừa triển khai dự án “Ngăn ngừa hành vi hút thuốc lá ở trẻ vị thành niên” ở 10 trường tiểu học, trung học cơ sở và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Mục tiêu của dự án là 100% học sinh của các trường này hiểu rõ về tác hại của thuốc lá, không sử dụng các chất gây nghiện và thuốc lá, thành lập câu lạc bộ “Tuổi trẻ năng động” tại một trường và thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền. Đặc biệt, sẽ có nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức để giúp học sinh có cuộc sống lành mạnh và tránh xa “tử thần thầm lặng” này.

Cả xã hội đang tuyên chiến với thuốc lá. Lẽ nào bạn lại đứng ngoài và tiếp tục tự đốt cháy cuộc đời mình?

Các bài học liên quan
LỰA CHỌN TRẬT TỰ TỪ TRONG CÂU
LUYỆN TẬP ĐƯA YẾU TỐ BIỂU CẢM VÀO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN
HỘI THOẠI (tiếp theo)

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật