ĐỀ 23. Thuyết minh Hội đền Dạ Trạch

Đền Dạ Trạch, tên chữ là Dạ Trạch Hóa Từ, nằm trong vùng Dạ Trạch xưa kia, nay là thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng.

BÀI LÀM

Đền Dạ Trạch, tên chữ là Dạ Trạch Hóa Từ, nằm trong vùng Dạ Trạch xưa kia, nay là thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Ngôi đền được dựng theo sự tích của Chử Đồng Tử - Tiên Dung gặp nhau trên bãi cát khi Tiên Dung quây buồng tắm trong chuyến tuần du. Hai người thành vợ chồng làm ăn, xây cất lâu đài tráng lệ.

Nhưng vua Hùng thứ 18, cha của Tiên Dung cho rằng vợ chồng Tiên Dung có ý làm phản nên cất quân xuống đánh. Khi quan quân đến nơi, trong phút chốc, cả lâu đài của hai vợ chồng biến mất, chỉ còn lại một đầm nước mênh mông, trong vắt. Ngôi đền thờ vợ chồng Tiên Dung được dựng lên từ thuở ấy và mang tên gọi như ngày nay.

Hàng năm, từ ngày 10 đến 13 tháng hai, dân trong vùng mở hội đền để diễn lại phần nào sự tích quãng thời gian sau khi hai vợ chồng đắc đạo, đi thăm đất nước và trong một lần đã gặp Tiên nữ Tây Cung giáng trần, chính Tiên Dung đã hỏi Tây Cung cho chồng làm vợ kế và trở thành bộ ba sống có ích cho dân. Hội bắt đầu, sau khi cây pháo lớn giữa sân đền vừa nổ là cuộc rước rất trọng thể được cử hành: dẫn đầu là gậy và nón thần, đến kiệu Thánh - Bát bửu - Chấp kích và một hình rồng hơn 20 thước uốn lượn. Trong khi đó bên kia sông, nơi xưa kia Tiên Dung quây buồng tắm, các thuyền rồng bơi ra giữa dòng sông làm lễ lấy nước, xong rước nước về đền. Khi đám rước về đền, người ta cử hành nghi lễ trọng thể dâng hương lên bàn thờ Thánh.

Tham gia lễ hội còn có các em tuổi 13 -14, mình khoác dải lụa màu hồng, múa theo nhạc điệu sinh tiền. Khi múa những dải lụa xòe ra như những cánh tiên. Quanh khu vực đền là các trò: bắt vịt, chọi gà, múa gậy, múa sư tử… Có sự tham gia của các cụ già tuổi ngoài 80.

Ngày hội Thứ hai mở đầu là cuộc rước Phát du (Thánh đi du ngoạn): những cỗ kiệu Thánh lộng lẫy theo đoàn rước len lỏi khắp bãi ngô bờ mía quanh vùng và dừng lại khá lâu bên đầm nước như nuối tiếc lâu đài xưa hòa tan trong nước.

Lễ hội cứ lặp lại từng năm một như một sức sống truyền thông, nhắc nhở về một cuộc hạnh ngộ thuở nguyên sơ với bao nhiêu kỉ niệm êm đềm.

Các bài học liên quan
ĐỀ 19. Hạ Long - Đá và Nước
ĐỀ 18: Giới thiệu về Tết Trung Thu.
ĐỀ 17. Giới thiệu chiếc áo dài Việt Nam.
ĐỀ 16. Hội Gióng
ĐỀ 15. Thuyết minh về trang phục Việt Nam - Chiếc áo dài.
Đề 14. Giới thiệu một danh lam thắng cảnh.
Đề 13. Giới thiệu về Thủ đô Hà Nội.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật