ĐỂ 22: Cây gạo đầu làng

Cây gạo của làng An Điện, soi bóng từ bao giờ xuống mặt gương của con sông Đào chẳng ai rõ. Thuở còn nhỏ, đã thấy quán hàng đơn sơ lợp bằng lá mía của bà Tân dựng ngay dưới gốc.

BÀI LÀM

Chẳng hiểu sao đi bất cứ một làng quê nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đều bắt gặp bóng dáng thân thuộc và mộc mạc của cây gạo nơi ngã ba đầu làng.

Cây gạo của làng An Điện, soi bóng từ bao giờ xuống mặt gương của con sông Đào chẳng ai rõ. Thuở còn nhỏ, đã thấy quán hàng đơn sơ lợp bằng lá mía của bà Tân dựng ngay dưới gốc. Sau này người ta không gọi quán bà Tân nữa mà gọi là quán bà Cây Gạo. Lũ trẻ của làng mỗi lần đi học đều ngước cặp mắt tròn trong veo nhìn. Gốc cây gạo to thừa hai người dang tay ôm, mà đã có ai dang tay ôm đâu nhỉ, biết bao những vú gạo to đen mốc thếch nhọn hoắt tủa ra.

Cây gạo của làng bao nhiêu tuổi mà to cao đến thế. Lá cành từng lớp chồng lên nhau. Từ trên đê nhìn xuống, mùa hoa nở, cây gạo sum suê ngồn ngộn ắp đầy như đĩa xôi gấc đỏ ối của thiên nhiên ban tặng cho dân làng. Hoa gạo nở to như chiếc cốc vại. Hoa thường có năm cánh vừa đầy vừa to, chỉ một màu đỏ chói. Cuống hoa mập tròn, chẳng khi nào gió lay mà hoa rụng. Chỉ khi hoa tỏa hết sắc cho người ngắm, màu nhạt đi khi gió đã lấy, khi ấy hoa mới tự rơi. Mùa hoa gạo là mùa của chim ri về đồng lúa. Là mùa của chim cu, chim gáy đậu trên cành thả từng tiếng hát rạo rực, nôn nao. Hình như chưa có ai ngắt hoa gạo về chưng trên bàn như các loài hoa khác. Có lẽ hoa gạo là hoa chung của mọi người, là ước mơ của bà, của mẹ cho gia đình chẳng khi nào thiếu gạo. Mong cho ngày ba tháng tám, là những ngày giáp hạt nồi cơm đun gốc ra đồng vẫn tỏa đầy khói trắng thơm nghi ngút. Có lẽ vì thế hoa gạo đỏ rực rỡ khi mùa về chẳng ai nỡ ngắt, hái cho riêng mình, mà để cho ước mơ ngày xưa ấy của bà, của mẹ mãi mãi in đậm trên vòm trời quê. Có lẽ ước mơ cả cộng đồng làng luôn luôn có đầy gạo trong nhà mà ông cha ta đã trồng cây gạo ở đầu làng chăng?

Cây gạo sừng sững đầu làng như người đứng gác, bao bọc cho dân làng luôn giữ mãi hơi ấm của nhau khi đông về giá rét. Lỡ khi trời nắng hạn mất mùa, đói kém cây gạo góp thêm bóng mát trên đường sinh nhai, lùa thêm cơn gió mát cho lòng người phấn khởi.

Lũ trẻ đi học về chẳng khi nào quên quây quần quanh gốc gạo. Ngửa cổ nhìn những đám mây xốp trắng cứ từ từ trôi. Có lẽ mang cả ước mơ ngây thơ nữa. Bà Gạo ngồi trong lều lá mía, bỏm bẻm nhai trầu, giơ tay cho mỗi đứa một chiếc kẹo bột làm bằng mật mía quê, ánh mắt và đôi bàn tay gầy gầy của bà Gạo, lũ trẻ dù có lớn lên đi đây, đi đó cũng chẳng bao giờ quên.

Các bài học liên quan
ĐỀ 18: Giới thiệu về Tết Trung Thu.
ĐỀ 17. Giới thiệu chiếc áo dài Việt Nam.
ĐỀ 16. Hội Gióng
ĐỀ 15. Thuyết minh về trang phục Việt Nam - Chiếc áo dài.
Đề 14. Giới thiệu một danh lam thắng cảnh.
Đề 13. Giới thiệu về Thủ đô Hà Nội.
Đề 12. Làng hoa Ngọc Hà.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật