Đề: Phân tích bài thơ "Nam quốc sơn hà" (Sông núi nước Nam) của Lý Thường Kiệt
Bia đá chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hóa sau ngót ngàn năm, nét chữ khắc trên đá "vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt" gửi gắm tấm lòng nhân dân đội ơn sâu người anh hùng "bạt Tống" để cứu nước cứu dân
- Bài học cùng chủ đề:
- Đề: Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát... Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai. Em hãy phân tích bài ca dao trên và phát biểu cảm nghĩ của mình.
- Chứng minh câu tục ngữ thời gian là vàng bạc
- Liên kết các đoạn văn trong văn bản
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
Bia đá chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hóa sau ngót ngàn năm, nét chữ khắc trên đá "vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt" gửi gắm tấm lòng nhân dân đội ơn sâu người anh hùng "bạt Tống" để cứu nước cứu dân:
"Lý Công nước Việt
Noi dấu tiền nhân
Cầm quân tất thắng
Trị nước yên dân
Danh lừng trung hạ
Tiếng nức xa gần..."
Lý Công là Lý Thường Kiệt, người con vĩ đại của Thăng Long nghìn năm văn vật, tác giả bài thơ "Nam quốc sơn hà" bất hủ. Lý Thường Kiệt là danh tướng thời nhà Lý, tên tuổi gắn liền với chiến thắng Sông cầu - Như Nguyệt trong thế kỷ 11. Năm 1076, vua nhà Tống sai tướng Quách Quỳ mang đại binh sang xâm chiếm Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập chiến tuyến Sông Cầu - Như Nguyệt để chống giặc. Trong những giờ phút giao tranh ác liệt, ông viết bài thơ ’’Sông núi nước Nam" để khích lệ và động viên tướng sĩ quyết chiến quyết thắng giặc Tống. Bài thơ nổi lên niềm tự hào về chủ quyền của dân tộc, nêu cao ý chí tự lực tự cường của nhân dân ta:
"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây,
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”
Hai câu thơ đầu, ngôn ngữ trang trọng, ý thơ mạnh mẽ đanh thép khẳng định một chân lý lịch sử bất di bất dịch: "Sông núi nước Nam" nước Đại Việt thân yêu của nhân dân ta là nơi " vua Nam ở". Theo quan niệm phù hợp với lịch sử thời bấy giờ, thì vua là tượng trưng cho quyền lực tối thượng và đại diện cho quyền lực tối cao của cộng đồng dân tộc. Nước ta đã có vua, nghĩa là có người làm chủ. Nam đế có thua kém gì Bắc đế. Nước có vua là có chủ quyền, có nền độc lập. Không những thế, "Sông núi Nam Việt được ghi rõ ở sách trời". Đó là một chân lý lịch sử khách quan không ai có thể chối cãi được. Bài thơ nói đến "Nam đế" nói đến "thiên thư” và "định phận" để khẳng định một niềm tin, một ý chí về chủ quyền quốc gia, về tinh thần tự lập, tự cường dân tộc.
"Sông núi nước Nam vua Nam ở.
Vằng vặc sách trời chia xứ sở"
Có thể nói, đó là một lời tuyên ngôn về chủ quyền và nền độc lập của Đại Việt. Mọi niềm tin đều cho ta sức mạnh. Trước họa xâm lăng của ngoại bang, niềm tin về độc lập và chủ quyền sẽ làm bùng lên ngọn lửa yêu nước và căm thù giặc trong nhân dân ta. Hai câu tiếp theo, giọng thơ vang lên sang sảng, căm giận, Lý Thường Kiệt nghiêm khắc lên án hành động ăn cướp trắng trợn của giặc Tống. Chúng đã mang quân sang xâm chiếm nước ta. Câu hỏi tu từ làm cho lời thơ thêm đanh thép:
"Giặc dữ cớ sao phạm đến đây”
Hành động xâm lược của giặc Tống là tàn ác và phi nghĩa: giết người, đốt phá, ăn cướp, gây ra cảnh chiến tranh điêu tàn. Chúng âm mưu biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc, xâm phạm tới "Nam quốc sơn hà", làm trái với sách Trời. Giặc Tống nhất định sẽ bị nhân dân ta giáng cho những đòn trừng phạt đích đáng:
"Chúng mày nhất định phải tan vỡ”
Câu thơ khẳng định niềm tin chiến thắng. Chiến thắng vì ta có sức mạnh chính nghĩa đánh giặc để bảo vệ sông núi nước Nam. Chiến thắng vì nhân dân ta có truyền thống yêu nước, có tinh thần bất khuất chống ngoại xâm. Chiến thắng vì tướng sĩ của ta mưu lược, dũng cảm đánh giặc để giữ gìn quê hương đất nước.
"Nhất định phải tan vỡ" là bị đánh cho tan tác, không còn một mảnh giáp. "Nhất định phải tan vỡ" là bị thất bại nhục nhã. Thực tế lịch sử là minh chứng hùng hồn cho câu thơ của Lý Thường Kiệt. Sông cầu và bến đò Như Nguyệt là mồ chôn hàng vạn lũ giặc phương Bắc. Trước sự giáng trả sấm sét của quân ta, Quách Quỳ phải tháo chạy, thất bại nhục nhã. Chiến thắng Sông Cầu - Như Nguyệt là một trong những trang sử vàng chói lọi của Đại Việt.
Bài thơ "Sông núi nước Nam" vẫn được mệnh danh là bài thơ "Thần". Lý Thường Kiệt với tài mưu lược của một nhà quân sự văn võ song toàn đã phủ cho bài thơ một màu sắc thần linh, có tác dụng động viên tướng sĩ đánh giặc với niềm tin thiêng liêng "Sông núi nước Nam" đã được "Vằng vặc sách trời chia xứ sở".
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Giọng thơ đanh thép, căm giận, hùng hồn. Nó vừa mang sứ mệnh lịch sử như một bài hịch cứu nước, vừa mang ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước Đại Việt. Bài thơ là tiếng nói yêu nước và tự hào dân tộc của nhân dân ta. Nó biểu thị ý chí và sức mạnh Việt Nam. "Nam quốc sơn hà" là khúc tráng ca chống xâm lăng biểu lộ khí phách và ý chí tự lập tự cường của đất nước và con người Việt Nam. Nó là bài ca của "Sông núi ngàn năm"...
* Bài đọc thêm:
NAM QUỐC SƠN HÀ
(Núi sông nước Nam)
Lý Thường Kiệt (?)
Phiên âm:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch nghĩa:
Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rõ trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo nghich dám tới đây xâm phạm,
Chúng bây sẽ thấy, tự chuốc lấy bại vong.
Dịch thơ:
Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây.
Chúng mày nhất định sẽ tan vỡ.
Lê Thước - Nam Trân dịch
(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam)
I. Xuất xứ và tác giả:
Bài thơ "thần" này xuất hiện sớm nhất vào thời Ngô Quyền phá quân Tống trên sông Bạch Đằng, qua thời Lê Đại Hành, đến thời Lý Thường Kiệt. Truyện: Hai vị thần ở Long Nhãn và Như Nguyệt trong sách Lĩnh nam chính quái nói rằng: "thần" tức anh em Trương Hống, Trương Hát giúp Lê Đại Hành đánh Tống năm 981 ở sông Bạch Đằng: Thần nhận đã tàng hình ở trên sông, lớn tiếng ngâm, khiến cho quân Tống hoảng sợ, xéo lên nhau mà chạy...
Như vậy tác giả bài thơ "thần" này là khuyết danh, dị bản bài thơ thay đổi từ thời Ngô Quyền đến thời Lý Thường Kiệt. Bản này Lý Thường Kiệt dùng là bản từ thời Ngô Quyền. Lý Thường Kiệt là người cuối cùng đánh Tống sử dụng bài thơ đó và cũng xứng đáng là người đại diện cho dân tộc ta đọc bài thơ "thần" có tính chất lịch sử này, vừa có tính chất một bài hịch đánh giặc ngoại xâm, vừa có tính chất một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc.
Lý Thường Kiệt, vốn tên họ thật là Ngô Tuấn, có khả năng dòng dõi Ngô Quyền, người ở phường Thái Hòa (nay ở mé gần vườn Bách Thảo, đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), con một võ tướng, năm 23 tuổi vào làm thị vệ trong cung vua, được vua tin dùng, cho đổi sang họ vua và đổi tên từ Tuấn sang Kiệt. Đến ngoài 30 tuổi, Lý Thường Kiệt trở thành một tướng lĩnh xuất sắc, được phong đến Thái úy, một chức võ quan cao cấp, tương đương với chức Tổng chỉ huy.
Biết trước quân Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, nên năm 1075, ông cùng Tôn Đản phối hợp, tiến công trước, phá kế hoạch quân Tống, bằng cách đánh úp các cảng Khâm Châu, Liêm Châu (tỉnh Quảng Đông), và chiếm Ung Châu (tỉnh Quảng Tây), nay là Nam Ninh, sau bốn mươi hai ngày đêm vây hãm, vào đầu xuân năm Bính Thìn (1076) cho đến cuối năm nay, quân Tống mới đủ sức phái các viên tướng xuất sắc như Quách Quỳ, Triệu Tiết đưa hơn mười vạn quân chiến đấu và hơn 20 vạn quân hậu cần sang xâm lược nước ta. Ỷ thế đông quân, bọn giặc ồ ạt tiến về phía Kép (Hà Bắc), nhưng chúng bị chặn đứng ở vùng sông cầu. Một bộ phận tinh nhuệ của giặc cố chiếm bến đỗ Như Nguyệt để tiến về kinh đô Thăng Long. Phía quân ta đã anh dũng phản kích, khiến cho giặc chùn lại. Bài thơ "thần" đền Trương Hống, Trương Hát vùng Như Nguyệt vang lên trong không trung như một lời hịch hào hùng, thúc giục quân ta quyết chiến, quyết thắng. Quả vậy, hơn một tháng trời giặc bị kìm chân ở tuyến sông Cầu, chết đến hàng ngàn người, Quách Quỳ phải lui quân. Đất nước Đại Việt trở lại thanh bình.
II. Ý nghĩa và giá trị của bài thơ:
Chủ đề của bài thơ "thần" này là "Tinh thần độc lập và bất khuất của nước Việt ta là tất yếu và tất thắng". Chủ đề này là một chủ đề truyền thống từ thời Thánh Gióng, qua các thời Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Lê Đại Hành đến Lý Thường Kiệt v.v... cho mãi đến ngày nay, giữa thế hệ Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bài thơ tuy làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, những lời giản dị và chắc nịch như ngạn ngữ. Với kết cấu gọn, bài thơ gồm hai vấn đề:
- Hai câu đầu nêu lên một nguyên lý khách quan, tất yếu, có giá trị như lời tuyên ngôn. Nguyên lý đó là: quyền độc lập và tự quyết vốn có của dân tộc ta từ ngàn xưa.
- Hai câu sau nêu lên một nguyên lý có tính chất hệ quả của nguyên lý nói trên, nguyên lý hệ quả này có giá trị như một lời hịch, đó là truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân ta để bảo đảm quyền độc lập, tự quyết nói trên.
Và như vậy, bất cứ kẻ địch nào xâm phạm quyền độc lập, tự quyết đó nhất định sẽ thất bại thảm hại.
1. Về vấn đề thứ nhất: Quyền độc lập và tự quyết của dân tộc ta từ hai câu thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.!”
Toát lên ý chí sắt đá của một dân tộc có bản lĩnh, có truyền thống đấu tranh. Hai câu thơ có giá trị mở đầu cho một bản tuyên ngôn độc lập ngắn gọn của nước Đại Việt hùng cường ở thế kỷ XI.
Núi sông này thuộc quyền vua nước Nam, người đại diện cho dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ chế độ phong kiến. Cương vực nước Nam đã rõ ràng, được ghi trong sách trời (Thiên thư).
2. Về vấn đề thứ hai: Truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta.
Hai câu thơ sau và là hai câu luận và kết của bài thơ:
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.!”
nêu lên một nguyên lý có tính chất hệ quả đối với hai câu thơ trên kia của bài thơ "thần" bất hủ này. Hai câu sau này vừa có ý nghĩa một lời hịch thúc đẩy quân dân ta tiến lên tiêu diệt địch, vừa có ý nghĩa tuyên ngôn cảnh cáo bọn xâm lược là: cớ sao làm điều phi nghĩa trái với lẽ phải, mà chuốc lấy tai vạ!
Quả vậy, nắm được truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, triều đình nhà Lý đã bình tĩnh trước âm mưu xâm lược của nhà Tống. Năm 1075, về đối nội, triều đình cho mở khoa thi Tam trường đầu tiên để chọn nhân tài; về đối ngoại, Lý Thường Kiệt cho truyền đi bài hịch gọi là "Lộ bố vấn" cho nhân dân phía nhà Tống ồ sát biên giới biết chủ trương của phía ta là chỉ trừng trị bọn chủ mưu xâm lược, "quét sạch dơ bẩn hôi tanh để cho nơi nơi được hưởng cảnh thanh bình, chứ không nhằm vào dân chúng" và bài hịch đó dọn đường cho đại quân ta tấn công vào các ổ tập kết của giặc Tống ở Khâm Châu, Ung Châu như đã nói ở phần trên.
Đến năm 1076, khi quân Tống sang xâm lược nước ta, bài thơ “thần” từ thời Ngô Quyền lại dõng dạc vang lên giữa không trung khơi dậy trong lòng toàn quân, toàn dân ta "truyền thống đấu tranh bất khuất" hàng nghìn năm của dân tộc ta. Câu thơ: "Như hà nghịch lỗ..." nêu lên một mệnh đề dưới dạng nghi vấn, để rồi câu thơ tiếp theo "Nhữ đẳng hành khan..." là một mệnh đề khẳng định, trả lời câu thơ trên một cách đanh thép.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà chính trị dưới các triều đại phong kiến thời xưa đã mượn lời "thần nhân" vùng sông Như Nguyệt để động viên tướng sĩ chiến thắng trong trận Bạch Đằng thứ nhất (938) rồi trận Bạch Đằng thứ hai (981), rồi trận sông Như Nguyệt này (1076) do Lý Thường Kiệt chỉ huy. Trước đây, có người cho rằng: "Trong sự dùng binh của quan đại tướng này (chỉ Lý Thường Kiệt) còn có lối lợi dụng lòng mê tín của binh sĩ để tăng sức kháng chiến". Đúng là như vậy, ở đây, có dựa vào yếu tố thần quyền, và về sau này, chúng ta có thể còn thấy biện pháp chính trị dựa vào thần quyền na ná như thế trong các cuộc khởi nghĩa như khởi nghĩa Lam Sơn, khởi nghĩa Tây Sơn, tuy rằng với hình thức khác nhau... Tất nhiên, trong chừng mực khoa học chưa phát triển, yếu tố thần quyền có khi cũng được sử dụng như một biện pháp tích cực chống các thế lực phản động, đành rằng biện pháp đó vẫn không phải là hay nhất, và giờ đây, rất không thích hợp. Có điều, bài thơ "thần" trên đây được coi như bài thơ có tính chất dân gian, đậm đà yếu tố dân tộc, mang nội dung vừa như một bài hịch, vừa như một tuyên ngôn chân chính, khắc họa tinh thần độc lập và bất khuất hàng nghìn năm đó về sau vẫn bốc lên trong trận Bạch Đằng thứ ba đời Trần, trận Chi Lăng đời Lê, trận Đống Đa đời Tây Sơn và gần đây trong trận Điện Biên Phủ lừng danh thế giới, trận thành phố Hồ Chí Minh chấn động địa cầu.
Ngày nay, giữa thời đại Hồ Chí Minh sáng chói này, bài thơ Nam quốc sơn hà bằng chữ Hán, có khi không cần phải dịch nghĩa, vẫn vang lên từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Minh Hải, mang lời hịch và lời tuyên ngôn của tổ tiên ta từ nghìn đời, như luôn luôn nhắc nhở chúng ta, và những con em đất Việt muôn đời về sau, ủ ấp trong lòng mình ngọn lửa truyền thống đấu tranh bất khuất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh, một mặt cảnh giác mọi âm mưu của giặc ngoại xâm, của bọn bành trướng bá quyền, mặt khác ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày một phồn vinh và tươi đẹp, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hóa và khoa học tiên tiến.
BÌNH GIẢNG II
Bây là một bài thơ viết theo thể "thất ngôn tứ tuyệt Đường luật". Thơ trong luật bình thường là 8 câu chia làm 4 cặp, kết cấu chặt chẽ như một bài văn nghị luận:
Câu 1, 2 gọi là phá đề, thừa đề - tức là phần vào đề, đặt vấn đề.
Câu 3, 4 đối nhau gọi là thực (hay trạng) - tức là phần miêu tả mặt ngoài cụ thể của vấn đề.
Câu 5,6 đối nhau gọi là luận - tức là phần bình luận, giá trị bên trong của vấn đề. (Bốn câu 3, 4, 5, 6 chính là phần giải quyết vấn đề trong bài nghị luận).
Câu 7, 8 gọi là kết - tức là kết thúc vấn đề.
Bài 8 câu (bát cử) thì cô 5 vần vào cuối câu 1, 2, 4, 6, 8.
Về thanh điệu, bài thơ phải đảm bảo đúng niêm - tức quan hệ âm thanh giữa câu sau với câu trước và đúng luật - tức quan hệ âm thanh giữa các chữ trong cùng một câu. (Điều này các em sẽ hiểu thêm dần dần qua những bài thơ sẽ học sau này).
Bài 4 câu (tứ tuyệt) về niêm, luật gần giống một nửa đầu của bài bát cú. Mỗi cặp câu rút lại chỉ còn một câu: câu 1 là đề, câu 2 là thừa, câu 3 là luận, câu 4 là kết. Đó là quy tắc chung. Với nhà thơ có thể ứng dụng một cách độc đáo theo tài năng của mình.
Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt theo thể "thất ngôn tứ tuyệt” Đường luật hoàn chỉnh, hoàn chỉnh về kết cấu và nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật.
- Các thể loại văn tham khảo lớp 7
- Bài 1 sgk ngữ văn 7
- Bài 2 sgk ngữ văn 7
- Bài 3 sgk ngữ văn 7
- Bài 4 sgk ngữ văn 7
- Bài 5 sgk ngữ văn 7
- Bài 6 sgk ngữ văn 7
- Bài 7 sgk ngữ văn 7
- Bài 8 sgk ngữ văn 7
- Bài 9 sgk ngữ văn 7
- Bài 10 sgk ngữ văn 7
- Bài 11 sgk ngữ văn 7
- Bài 12 sgk ngữ văn 7
- Bài 13 sgk ngữ văn 7
- Bài 14 sgk ngữ văn 7
- Bài 15 sgk ngữ văn 7
- Bài 16 sgk ngữ văn 7
- Bài 17 sgk ngữ văn 7
- Bài 18 sgk ngữ văn 7
- Bài 19 sgk ngữ văn 7
- Bài 20 sgk ngữ văn 7
- Bài 21 sgk ngữ văn 7
- Bài 22 sgk ngữ văn 7
- Bài 23 sgk ngữ văn 7
- Bài 24 sgk ngữ văn 7
- Bài 25 sgk ngữ văn 7
- Bài 26 sgk ngữ văn 7
- Bài 27 sgk ngữ văn 7
- Bài 28 sgk ngữ văn 7
- Bài 29 sgk ngữ văn 7
- Bài 30 sgk ngữ văn 7
- Bài 31 sgk ngữ văn 7
- Bài 32 sgk ngữ văn 7
- Bài 33 sgk ngữ văn 7
- Bài 34 sgk ngữ văn 7