Đề: Hãy bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài Tây Tiến của Quang Dũng. Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!... Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Tây Tiến là một bài thơ nổi tiếng được Quang Dũng sáng tác năm 1948, sau khi tác giả rời đơn vị và nhớ về kỉ niệm gắn bó một thời với đoàn binh Tây Tiến.

BÀI LÀM

Tây Tiến là một bài thơ nổi tiếng được Quang Dũng sáng tác năm 1948, sau khi tác giả rời đơn vị và nhớ về kỉ niệm gắn bó một thời với đoàn binh Tây Tiến. Một trong những nỗi niềm thương nhớ đó là những kỉ niệm khó quên về những chuỗi ngày hành quân gian khổ trong rừng núi miền Tây Bắc Bộ, được khắc họa đậm nét qua đoạn thơ sẽ bình giảng sau đây:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Mở đầu là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đồng đội mình trên những con đường hành quân gian khổ giữa núi rừng:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Thơ ca của ta từ xưa thường nói về những nỗi nhớ thương. Nhưng nhớ chơi vơi tạo cảm tưởng nỗi nhớ như bềnh bồng trong không gian, là một sáng tạo độc đáo của Quang Dũng:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Những địa danh Sài Khao, Mường Lát - địa bàn hành quân của đoàn binh Tây Tiến - gợi lên vẻ âm u, mịt mù của vùng đất lạ. Hoa về mà không phải là hoa nở, đêm hơi mà không phải là đêm sương. Hoa hiện ra mờ ảo trong sương, trong màn sương vẫn thấy được hoa. Câu thơ mang nét đẹp lung linh, huyền ảo. Bên cạnh đó cũng có những câu thơ tả cái thực đến khắc nghiệt. Đó là cảnh núi rừng Tây Bắc đẹp hùng vĩ mà dữ dội. Người chiến sĩ Tây Tiến phải vượt qua bao nhiêu gian khổ trên con đường hành quân trong vùng hoang dã ấy:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm đã phác họa cảnh dốc núi vừa cao, uốn lượn gập ghềnh, vừa sâu thăm thẳm khó vượt qua. Điệp từ dốc được sử dụng hai lần cũng từ láy thanh trắc gợi hình khúc khuỷu, thăm thẳm diễn tả sinh động còn 1 đường chuyển quân thật gieo neo, hiểm nguy và vô cùng vất vả.

Heo hút cồn mây súng ngửi trời tô đậm ấn tượng về độ cao của núi đèo. Núi ở cao lắm, sương mù chưa tan, biến thành những đám mây chập chừng bay là là thung lũng. Người leo núi có cảm giác như đang bước chân lên một cồn mây. Núi cao nên mũi súng của người lính Tây Tiến như chạm tới bầu trời. Nghệ thuật nhân hóa súng ngửi trời thật mới mẻ, độc đáo, vừa tinh nghịch hồn nhiên theo cách nói của những người lính trẻ. Đứng trên đỉnh dốc núi cao, họ nhìn xuống con đường hiểm trở vừa vượt qua và con đường gấp khúc sẽ đi xuống. Đường lên dốc và đường xuống dốc đều hun hút. Hình ảnh thơ luật đối xứng, câu thơ như một đường thẳng bị bẻ gập lại:

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống.

Từ núi cao chót vót, mờ ảo trong mây trắng, người lính tạm dừng chân, khoan khoái ngắm nhìn đất trời. Xa xa, lẫn trong màn mưa núi sương rừng, bản làng mờ ảo thấp thoáng trong thung lũng, lúc ẩn lúc hiện:

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Khác với những dòng thơ có nhiều tiếng trắc gân guốc, dữ dội trên, câu thơ này dùng toàn tiếng có thanh bằng, diễn tả cái thanh thản của những chàng trai vừa vượt qua chặng đường mệt nhọc, giữa không gian trầm lắng hoang sơ núi thẳm rừng sâu. Những câu thơ Tây Tiến giàu dạt tạo hình hôm nay gợi nhớ những dòng thơ trong Chinh phụ ngâm khúc:

Hình khe thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao.
Sương đầu hút buổi chiều như dội
Nước lồng khe nẻo suối còn sâu.

Trên con đường chuyên quân gian khổ đó, có người lính trẻ quá nhọc nhằn:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Tất cả gợi lên cảnh núi rừng hoang vắng với bao hiểm nguy đang đe dọa tính mạng của người lính, nhưng giọng thơ ngang tàng như muốn xóa đi một chút gì có vẻ bi lụy:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi.

Đoạn thơ kết lại bằng một cảnh yên vui nồng ấm đối lập với cảnh núi rừng hoang vắng dữ dội ở trên:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Lời thơ, ý thơ như gợi lên cảm giác nồng nàn, ấm áp. Những kỉ niệm tuy nhỏ, đơn sơ nhưng thật ấm lòng người lính xa nhà. Hương thơm ấy không chỉ là thơm nếp xôi mà hơn nữa, có thể là mùi thơm bàn tay cô gái Mai Châu xinh đẹp.

Với bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn, Quang Dũng diễn đạt tài tình nỗi gian khổ trên những con đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến. Tuy đoạn thơ có nói đến những cảnh vất vả hiểm nguy, nhưng chủ yếu toát lên nét hào hùng lãng mạn của những người chiến sĩ anh hùng trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Các bài học liên quan
Soạn bài Tuyên ngôn độc lập - Ngắn gọn nhất

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật