Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.Ngữ văn lớp 9

Trong bài thơ này, những chiếc xe không kính là một hình ảnh thực, thực đến trần trụi. Tác giả giải thích nguyên nhân cũng rất thực: "Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi", câu thơ đậm chất văn xuôi lại có giọng thản nhiên, càng gây ra sự chú ý về vẻ khác lạ của những chiếc xe.

Nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính khá dài, tưởng như có chỗ thừa. Nhưng vì thế mà rất độc đáo, thu hút sự chú ý. Nhan đề ấy làm nổi bật hình ảnh của bài thơ. Những chiếc xe không kính. Hình ảnh này là sự phát hiện thú vị của tác giả, thể hiện sự gắn bó và am hiểu sâu sắc hiện thực đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn. Hai chữ “Bàỉ thơ” cho thấy rõ hơn cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả: không phải chỉ viết về những chiếc xe không kính hay là cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà điều chủ yếu là Phạm Tiến Duật muốn nói về chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, vượt lên thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh.

Những chiếc xe không kính vẫn băng ra chiến trường là một hình ảnh độc đáo của bài thơ.

Hình ảnh xe cộ, tàu thuyền đưa vào thơ văn thường được “mĩ lệ hóa”, “lãng mạn hoá” và thường mang ý nghĩa tượng trưng.

Trong bài thơ này, những chiếc xe không kính là một hình ảnh thực, thực đến trần trụi. Tác giả giải thích nguyên nhân cũng rất thực: "Không có kính không phải là xe không có kính Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi", câu thơ đậm chất văn xuôi lại có giọng thản nhiên, càng gây ra sự chú ý về vẻ khác lạ của những chiếc xe. Cách giải thích của tác giả cho thấy đây là những chiếc xe đã đi qua bom đạn thứ thách, là xe của những con người quả cảm. Cái không bình thường của xe đã được bình thường hóa.

Bom đạn chiến tranh còn làm cho những chiếc xe bị phá hủy, biến dạng đi, trần trụi hơn nữa: “Không có kính, rồi xe không có đèn - Không có mui xe, thùng xe có xước”. Tất cả “không" và "có” ấy (có “xước” cũng là thêm sự hư hại) đều là tổn thất, mất mát, có thế ảnh hưởng đến sự lăn bánh của xe. Nhưng bộ não, linh hồn của xe dường như không phải là máy móc mà là tấm lòng người chiến sĩ nên: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước - Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Hình ảnh những chiếc xe không kính vốn không phải hiếm trong chiến tranh, nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm với nét ngang tàng, tinh nghịch, thích cái lạ như Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa nó vào thơ trở thành hình tượng độc đáo của thơ thời chiến tranh chống Mĩ. Hình ảnh này tạo nên cái tứ độc đáo, vừa nói được cái ác liệt, dữ dội của chiến tranh, vừa bộc lộ được phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh khốc liệt chống đế quốc Mĩ. Hình ảnh những chiếc xe không kính trong bài thơ góp phần khắc họa một nét tư thế, chân dung của một dân tộc anh hùng.

Hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến. chống Mĩ được khắc họa đậm nét trong bài thơ. hình ảnh họ được miêu ta gắn liền với những chiếc xe, đồng thời nổi bật lên trong toàn bài thơ.

Xe không kính là biểu tượng của khó khăn, thiếu thốn, gian khổ. Thiếu đi những điều kiện phương tiện vật chất tối thiểu lại là cơ hội để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao và đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ, khó khăn.

Người lái xe được miêu tả với những ấn tượng, cảm giác rất cụ thể ngồi trên xe không kính. Với tư thế “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng khung cửa xe không còn kính chắn gió, người lái xe tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài: “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng /Thấy con đường chạy thẳng vào tim / Thấy sao trời và đột ngột cánh chim / như sa như ùa vào buồng lái”. Câu thơ diễn tả được cảm giác về tốc độ của những chiếc xe đang lao nhanh trên đường. Qua khung cửa xe không có kính, không chỉ mặt đất mà cả bầu trời sao, cánh chim như cũng ùa vào buồng lái. Nhà thơ diễn tả chính xác cái cảm giác mạnh và đột ngột của người ngồi trong buồng lái. Những hình ảnh con đường, sao trời, cánh chim vừa thực, vừa thơ, là cái thi vị nảy sinh trên những con đường bom rơi đạn lửa. Hiện thực thì khốc liệt; mọi thứ có thế va đập, quăng quật vào buồng lái những người chiến sĩ cảm nhận nó bằng một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn, nhạy cảm với cái đẹp, một nghị lực phi thường. Hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim” còn là một khái quát đặc sắc về con đường Trường Sơn, con đường giải phóng miền Nam. Những câu thơ trên hé lộ diện mạo tinh thần thầm kín của người chiến sĩ.

Người chiến sĩ lái xe được khắc họa với những nét tính cách thật cao đẹp. Họ hiện ra trong tư thế ung dung, hiên ngang, tư tin, tự hào:

                                  Ung dung buồng lái ta ngồi,

                                  Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Hai câu thơ sáu chữ nhịp 2/2/2 và chữ “ung dung” đảo lên đầu câu làm nổi bật tư thế ấy. “Nhìn thẳng" là con mắt nhìn có vẻ trang nghiêm, bất khuất, không thẹn với đất, với trời, nhìn thẳng vào gian khổ hi sinh, không run sợ, né tránh.

Nét nổi bật ở họ là thái độ bất chấp khó khăn, gian khổ, hiểm nguy với tinh thần quả cảm:

                                 Không có kính, ừ thì có bụi

                                 Bụi phun tóc trắng như người già

                                 Chưa cần rửa, phì pheo châm điếu thuốc

                                 Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

                                 Không có kính, ừ thì ướt áo

                                 Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

                                 Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

                                 Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Giọng ngang tàng, bất chấp gian khổ thể hiện rõ trong cấu trúc lặp lại: "Không có kính... ừ thì... chưa cần...” và những chi tiết “phì phèo châm điếu thuốc nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, “lái trăm cây số nữa” (trăm cây số giữa đường Trường Sơn đầy bom đạn, đèo dốc). Gió, bụi, mưa,... có thể gây bao khó khăn, nhưng người chiến sĩ đã bình thường hóa cái không bình thường đó và vượt lên với tất cả sự cố gắng cùng tinh thần trách nhiệm rất cao. Họ chấp nhận gian khổ như một tất yếu. Khó khăn không mảy may ảnh hưởng tới tinh thần của họ. Hình ảnh họ mang một vẻ đẹp kiên cường và lãng mạn.

Những chiến sĩ lái xe còn là những chàng trai trẻ sôi nổi, vui nhộn, lạc quan, rất gắn bó với đồng đội. Khuôn mặt phủ đầy bụi đường lấm lem mà họ: “Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc - Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Quả là tiếng thơ, tiếng cười của một thế hệ trẻ tuổi: Sự khốc liệt của chiến tranh đã tạo nên những tiểu đội xe không kính. Họ có thể bắt tay qua cửa kính vỡ rồi mà không cần mở cửa xe, thật thoải mái, tự hào, thắm tình đồng đội. Con đường giải phóng miền Nam là con đường đi tới chính nghĩa, họ càng đi càng có thêm nhiều bè bạn: “Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới”. Tình cảm ấy thắm thiết như ruột thịt, như anh em trong gia đình: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Một cách định nghĩa về gia đình thật lạ, thật tếu hóm hỉnh mà tình cảm thì sâu nặng thiêng liêng. Những phút sinh hoạt, nghỉ ngơi ngắn ngủi, cái ăn, giấc ngủ thật giản dị, gian khó nhưng tâm hồn người lính thật vui tươi lạc quan, có gì xao xuyến: “Võng mắc chông chênh đường xe chạy Lại đi, lại đi, trời xanh thêm”. “Chông chênh” gì thì “chông chênh” nhưng khí phách, nghị lực, ý chí chiến đấu thì vững vàng, kiên định, vượt lên tất cả. Tình đồng đội tiếp cho họ sức mạnh để tâm hồn họ phơi phới, lạc quan. Điệp ngữ “lại đi" khẳng định đoàn xe không ngừng tiến tới, khẩn trương và kiên cường. Hình ảnh “ trời xanh thêm” gợi lên tâm hồn lạc quan, đầy hi vọng, khát vọng của những người lính.

Động lực mạnh mẽ và sâu xa tạo nên sức mạnh phi thường, bất chấp mọi nguy nan, mọi sự hủy diệt tàn phá như vậy của người lái xe chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam, là tình yêu nước nồng nhiệt của tuổi trẻ. Khổ thơ cuối tạo nên kết cấu đối lập, bất ngờ mà sâu sắc: đối lập giữa hai phương diện vật chất và tinh thần, giữa vẻ bên ngoài và bên trong những chiếc xe. Những chiếc xe bị bom Mĩ làm cho biến dạng đến trần trụi: “Không có kính rồi xe không có đèn - Không có mui xe, thùng xe có xước”. Nhưng điều lạ là những chiếc xe trơ trụi ấy vẫn băng ra chiến trường. Tác giả lí giải bất ngờ mà chí lí: “Chi cẩn trong xe có một trái tim”. Mọi thứ của xe có thể không còn nguyên vẹn, chi cần: vẹn nguyên trái tim người chiến sĩ - trái tim vì miền Nam thì xe vẫn chạy, "tất cà cho tiền tuyến”. Đó không chỉ là sự ngoan cường, dũng cảm, vượt lên mọi gian khổ, ác liệt mà còn là sức mạnh của tình yêu nước trái tim ấy khiến chiếc xe trở thành một cơ thể sống thống nhất với người lái xe, không gì tàn phá, ngăn trở được. Xe chạy bằng tim, bằng xương máu những chiến sĩ anh hùng. Trái tim ấy tạo ra niềm tin, niềm lạc quan và sức mạnh chiến thắng. Điều ấy làm cho những chiếc xe càng thêm độc đáo. Vì đó là những chiếc xe do trái tim cầm lái.

Bài thơ đã khắc chạm được hình ảnh đẹp đẽ, ngang tàng đầy khí phách, đầy chất kiêu hùng trong vẻ giản dị nhất của người chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn thời chống Mĩ. Đó cũng là hình ảnh anh bộ đội Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

Ngôn ngữ và giọng điệu bài thơ cũng là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Phạm Tiến Duật góp phần khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ lái xe.

Ngôn ngữ bài thơ giản dị, ngồn ngộn chất sống - đời sống chiến trường vừa làm giàu thêm chất liệu thơ ca, vừa thể hiện chân thực hình ảnh người lính lái xe. Lời thơ gần với lối văn xuôi, lời đối thoại, lời nói thường nhưng vẫn giàu chất thơ. Chất thơ toát lên từ những hình ảnh độc đáo, từ vẻ hiên ngang, dũng cảm, sôi nổi, trẻ trung của người lính, từ những ấn tượng, cảm giác cụ thể, sống động của họ khi ngồi trên xe không kính,...

Ngôn ngữ đó góp phần tạo nên giọng điệu đó là giọng ngang tàng, có cả chất nghịch ngợm, phù hợp với đối tượng miêu tả (những chàng lái xe không kính). Thể thơ kết hợp linh hoạt thể bảy chữ và thể tám chữ có chỗ sáu chữ hay mười chữ tạo cho bài thơ có điệu thơ gần với lời nói tự nhiên, sinh động, góp phần tạo nên chất thơ mới, giọng điệu mới của thơ ca chống Mĩ. Nó bắt nguồn từ sức trẻ, từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam mà chính nhà thơ đã sống, đã trải nghiệm.

Cảm nghĩ về thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ từ hình ảnh người lính trong bài thơ.

Đó là một thế hệ đã sống thật đẹp, thật anh hùng, ý thức sâu sắc về sứ mệnh lịch sử của mình, trong gian khổ, hi sinh vẫn phơi phới, lạc quan. Họ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Đi chiến trường như trẩy hội mùa xuân” - “Mưa bom bão đạn lòng thanh thản”. Mãi mãi các thế hệ vẫn khâm phục, tự hào, biết ơn họ.

So sánh hình ảnh người lính ở bài thơ này và bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Hai bài thơ đã khắc họa được hình ảnh người lính qua hai thời kì chống Pháp và chống Mĩ. Nét chung ở họ là lòng yêu nước, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, là thái độ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sống lạc quan và có tình đồng đội thắm thiết.

Nhưng mỗi bài thơ lại thể hiện người lính với nét riêng. Bài Đồng chí thể hiện hình ảnh những người lính hầu hết xuất thân từ nông dân, từ thân phận nô lệ, nghèo khổ mà đi vào kháng chiến với vô vàn gian khó, thiếu thốn. Cách mạng là sự giải thoát cho số phận đau khổ, tối tăm của họ. Còn thế hệ trẻ thời chống Mĩ đi vào cuộc chiến đấu với ý thức giác ngộ về lí tưởng độc lập tự do gắn với chủ nghĩa xã hội, ý thức sâu sắc về trách nhiệm của thế hệ mình. Họ sống sôi nổi, trẻ trung, yêu đời, lạc quan, tự tin. Hình ảnh họ được thể hiện trong một thời điểm quyết liệt, khẩn trương hơn. Đó là một thế hệ anh hùng, hiên ngang, mạnh mẽ.

 Trích: dayhoctot.com

Các bài học liên quan
Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.( bài 2)
Phân tích Bài  thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật.(bài 1)
Phân tích 4 khổ thơ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật