Bài 1 Nhân vật Nhĩ và những suy nghĩ về cuộc đời, về con người trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu
Bến quê là một truyện ngắn chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương.
- Bài học cùng chủ đề:
- Tác phẩm: Bến quê
- Cảm nhận truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu.
- Tóm tắt truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
Nguyễn Minh Châu là nhà văn có vị trí nổi bật trong tiến trình vận động, phát triển của nền văn xuôi nước ta từ thập kỉ 60 của thế kỉ XX đến nay. Trong cuộc đời sáng tác, ông luôn tìm tòi nhằm phục vụ tốt nhất cho cách mạng, cho nhân dân ở mỗi thời kì cách mạng, ông đều có những tác phẩm tiêu biểu. Trước năm 1975, các sáng tác của ông mang khuynh hướng sử thi như tiểu thuyết “Cửa sông”, “Dấu chân người lính”; truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng”. Sau 1975, các sáng tác của ông thể hiện nhiều tìm tòi đổi mới về tư tưởng và nghệ thuật. Hàng loạt các truyện ngắn của ông như một luồng gió mới làm xôn xao cả giới văn học và được công chúng đón nhận, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học, đổi mới tư duy trên chặng đường mới của dân tộc.
“Bến quê” là một truyện ngắn rút trong tập truyện cùng tên xuất bản năm 1985 tiêu biểu cho sự đổi mới về tư tưởng và nghệ thuật của tác giả. Truyện ghi lại những gì nhìn thấy, nghe thấy, những suy ngẫm và ước mơ, những quan hệ của Nhĩ khi nằm trên giường bệnh, qua bốn cảnh: Nhĩ được Liên chăm sóc; Nhĩ sai thằng Tuấn đi sang bên kia sông; Nhĩ được các cháu nhỏ (Huệ, Vân, Tâm, Hùng...) đến nương nhẹ, lót chăn, kê gối; ông giáo Khuyên chống gậy đi qua tạt vào hỏi thăm Nhĩ.
Cốt truyện của “Bến quê” rất bình dị, “bằng phẳng”, nhưng lại mang hàm nghĩa triết lí sâu sắc. Qua nhân vật Nhĩ, một bệnh nhân “sắp từ giã cõi đời”, Nguyễn Minh Châu nói lên những suy ngẫm về con người, về cuộc đời và cách sống, đánh thức đồng loại hãy biết nâng niu, trân trọng những vẻ đẹp, những giá trị bình dị, gần gũi, quen thuộc của cuộc sống, của quê hương.
Nhĩ- nhân vật chính của câu chuyện - là người đã từng đi rất nhiều nơi trên Trái đất, “suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái đất”; anh đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ, mới hai năm trước đây anh còn đi công tác sang một nước bên Mĩ La-tinh. Có thể nói, bao cảnh đẹp những nơi phồn hoa đô hội xa gần, những miếng ngon nơi đất khách quê người, anh đều được thưởng thức, được hưởng thụ. Nhưng trớ trêu thay một căn bệnh quái ác bắt anh phải nằm liệt giường hàng tháng trời không nhúc nhích được một bước chân. Chính trong những ngày cuối đời, Nhĩ đã phát hiện ra những vẻ đẹp của những cảnh vật tưởng như cũ mà lại rất mới lạ, chẳng hạn như hoa bằng lăng trong tiết lập thu đẹp hơn, “đậm sắc hơn” Sông Hồng “màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra”. Bãi bồi phù sa lâu đời ở bên kia sông Hồng dưới những tia nắng sớm đầu thu đang phô ra “một thứ màu vàng thau xen lẫn với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Và bầu trời, vòm trời quê nhà “như cao hơn”.
Nhìn qua cửa sổ ngôi nhà mình. Nhĩ xúc động trước những cảnh đẹp bình dị của quê nhà. Tại sao trước đây anh ít nhìn thấy, cảm thấy? Phải chăng vì cuộc sống bận rộn tất tả ngược xuôi? hay tại bởi vô tình? Qua đoạn miêu tả thiên nhiên ở phần đầu truyện, Nguyễn Minh Châu muốn nhắn gửi mọi người đừng vô tình, phải biết gắn bó, trân trọng cảnh vật quê hương xứ sở vì ở đó là máu thịt, là tâm hồn của mỗi chúng ta. Phải biết phát hiện ra vẻ đẹp bình dị, thân thuộc của quê nhà để nâng niu, yêu quý.
Bị ốm đau nằm liệt giường đã lâu ngày trong lòng Nhĩ nảy nở bao ý nghĩ, bao tình cảm đằm thắm, sâu nặng thiết tha. Nghe Liên nói: “Anh cứ yên tâm. vất vả tốn kém đến bao nhiêu em với các con cũng chăm lo cho anh được”. Chính trong những ngày này, Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của vợ mình. Lần đầu tiên Nhĩ đế ý thấy Liên mặc áo vá, những ngón tay gầy guộc của Liên vuốt ve bên vai mình và những lời an ủi của Liên; anh mới thấu hiếu tình yêu thương, sự hi sinh thầm lặng của vợ: “cũng như ánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng buôn tẩu, tìm kiếm... Nhĩ đã tìm thấy một nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này”.
Điều khao khát nhưng vô vọng lúc này của Nhĩ là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Đây chính là sự khát khao muốn tìm đến những giá trị gần gũi nhưng đích thực sâu xa trong cuộc sống nơi quê hương mà con người vì những bồng bột và ham muốn lúc trẻ bỏ qua nó. Sự thức tỉnh đó đối với mỗi người thường là muộn màng: “Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn vẻ đẹp của một cái bãi sông Hồng ngay bờ bên kia”. Giờ đây anh phải nhờ đứa con trai thay mình sang bên kia sông “qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh... một lát rồi về”. Với Tuấn (con trai Nhĩ) thì đó là “cái việc gì lạ thế” mà bố sai làm, khi cậu đang mải mê xem cuốn truyện dịch. Cậu chưa hiểu được “cái điều ham muốn cuối cùng” của đời bố nên làm việc một cách miễn cưỡng, bị hút vào trò chơi hấp dẫn bên đường và có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày đã giúp Nhĩ nhận ra một quy luật của đời người: “Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại nó đã thấy có gì đang hấp dẫn bên kia sông đâu? Ý nghĩa ấy mang hàm nghĩa triết lí sâu sắc về đường đời và mục tiêu cuộc sống. Con đường trong tâm thức Nhĩ là “vòng vèo” là “chùng chình”, vì nhiều người bị lạc đường, lạc hướng, thiếu trí tuệ, không bền chí, hay nản lòng. Tuổi trẻ và thời gian bị lãng phí. Tâm hồn nông cạn, sống thiếu lí tưởng, không có mục tiêu, tầm nhìn hạn hẹp, sao không khỏi vòng vèo, chùng chình, và sẽ không bao giờ tìm thây “hấp dẫn” ở phía trước trên đường đời.
Cuộc sống và cảnh vật ở quanh ta, ở quê ta rất đẹp, đó là “sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp”, thậm chí cả “những nét tiêu sơ”, nhưng phải trải nghiệm, phải sống hết mình mới có thể khám phá, mới có thể phát hiện, mới có thể tìm thấy, mới có thể hiểu được. Hành động cuối cùng của Nhĩ ở cuối truyện khi anh thu hết tàn lực “giơ một cánh tay gầy guộc ra ngoài cửa sổ khoát khoát, y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó” vừa có ý nghĩa là anh đang thúc giục cậu con trai đừng để lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày vừa có ý nghĩa khái quát, vừa có ý nghĩa tượng trưng. Đó là Nhĩ muốn thức tỉnh mọi người hãy thoát ra khỏi những cái vòng vèo, chùng chình trong cuộc sống mà chúng ta đang sa vào để hướng tới những giá trị đích thực, bền vững mà gần gũi trong đời thường.
“Bến quê” là một truyện ngắn chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương.
Trích: dayhoctot.com
- Bài 1 sgk ngữ văn 9
- Bài 2 sgk ngữ văn 9
- Bài 3 sgk ngữ văn 9
- Bài 4 sgk ngữ văn 9
- Bài 5 sgk ngữ văn 9
- Bài 6 sgk ngữ văn 9
- Bài 7 sgk ngữ văn 9
- Bài 8 sgk ngữ văn 9
- Bài 9 sgk ngữ văn 9
- Bài 10 sgk ngữ văn 9
- Bài 11 sgk ngữ văn 9
- Bài 12 sgk ngữ văn 9
- Bài 13 sgk ngữ văn 9
- Bài 14 sgk ngữ văn 9
- Bài 15 sgk ngữ văn 9
- Bài 16 sgk ngữ văn 9
- Bài 17 sgk ngữ văn 9
- Bài 18 sgk ngữ văn 9
- Bài 19 sgk ngữ văn 9
- Bài 20 sgk ngữ văn 9
- Bài 21 sgk ngữ văn 9
- Bài 22 sgk ngữ văn 9
- Bài 23 sgk ngữ văn 9
- Bài 24 sgk ngữ văn 9
- Bài 25 sgk ngữ văn 9
- Bài 26 sgk ngữ văn 9
- Bài 27 sgk ngữ văn 9
- Bài 28 sgk ngữ văn 9
- Bài 29 sgk ngữ văn 9
- Bài 30 sgk ngữ văn 9
- Bài 31 sgk ngữ văn 9
- Bài 32 sgk ngữ văn 9
- Bài 33 sgk ngữ văn 9
- Bài 34 sgk ngữ văn 9
- Các thể loại văn tham khảo lớp 9