ĐỀ 73. Văn học và tình thương

Chúng ta vẫn hiểu: văn học là nhân học. Điều đó không chỉ có nghĩa nghệ thuật ngôn từ nhằm thể hiện đời sống mọi mặt của con người, từ sinh hoạt vật chất đến thế giới tinh thần. Mà quan trọng hơn, văn chương hướng vào đề cao, bồi đắp lòng “nhân” nơi con người. Văn học và tình thương dường như đã gắn liền với nhau từ khi khởi xướng nghệ thuật ngôn từ.

I. DÀN Ý

1. Mở bài

- Nêu vấn đề: văn học và tình thương.

- Nêu ý nghĩa khái quát: văn học là nhân học.

2. Thân bài

a. Giải thích luận điểm “văn học và tình thương”?

- Tình thương là thứ tình cảm xuất phát từ trái tim của mỗi con người dành cho đồng loại, vạn vật.

- Văn học là tấm gương phản ánh chân thực đời sống con người, sự vật, sự việc.

- Văn học và tình thương có mối quan hệ chặt chẽ, sâu sắc.

b. Biểu hiện của tình thương trong văn học:

- Tình thương người luôn là chủ đề xuyên suốt trong ca dao, truyện cổ.

- Trong văn học trung đại, tình thương luôn được đề cao:

+ Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng (Hồ Nguyên Trừng): đặt y đức lên trước cả y thuật.

+ Truyện Kiều của Nguyễn Du mở đầu bằng những lời thơ thấm dẫm thương yêu:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

- Tình thương trong văn học 1930 - 1945, đặc biệt là dòng văn học hiện thực phê phán có những biểu hiện phong phú:

+ Ca ngợi, bênh vực những con người bất hạnh.

+ Phê phán gay gắt những kẻ nhẫn tâm, độc ác.

- Tình thương còn được nhân lên dưới ánh sáng cách mạng nên trong thời kì này, các tác phẩm văn học thể hiện khá rõ tinh thần nhân đạo:

Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
                                           (Tố Hữu)

c. Mối quan hệ giữa văn học và tình thương:

* Tác động của văn học với đời sống và tình cảm của con người:

- Đọc những tác phẩm văn học mang tinh thần nhân đạo, ý nghĩa nhân văn cao cả, mỗi người chắc chắn sẽ không khỏi phải suy ngẫm, chiêm nghiệm, phải nhìn nhận lại bản thân mình.

- Nếu một số ví dụ về những ảnh hưởng, tác động sâu sắc của văn học đến mọi người.

* Tình thương hay tinh thần nhân đạo làm nên giá trị chân chính của văn học:

- Đưa ra quan điểm nghệ thuật của Nam Cao để làm rõ thế nào là văn học chân chính: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát lên từ những kiếp lầm than...”; “Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bắc ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”.

- Phân tích quan điểm nghệ thuật của Nam Cao và rút ra kết luận về văn chân chính.

3. Kết luận

- Khẳng định văn học và tình thương có môi quan hệ chặt chẽ hướng tới người tới: Chân - Thiện - Mỹ.

- Kết thúc bài bằng câu nói của Hoài Thanh trong “Ý nghĩa văn chương”“Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có và luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.

II. BÀI LÀM

Chúng ta vẫn hiểu: văn học là nhân học. Điều đó không chỉ có nghĩa nghệ thuật ngôn từ nhằm thể hiện đời sống mọi mặt của con người, từ sinh hoạt vật chất đến thế giới tinh thần. Mà quan trọng hơn, văn chương hướng vào đề cao, bồi đắp lòng “nhân” nơi con người. Văn học và tình thương dường như đã gắn liền với nhau từ khi khởi xướng nghệ thuật ngôn từ.

Tình thương - đó là tình cảm xuất phát từ trái tim mỗi con người dành cho đồng loại, vạn vật. Văn học như tấm gương phản ánh toàn bộ đời sống con người, đã chiếu soi và làm ngời sáng thêm thứ tình cảm cao quý nhất ấy. Dòng nước mát tình thương đã luôn hòa chảy trong suối nguồn văn học dân tộc từ thuở nguyên sơ đến tận bây giờ.

Nhà thơ Lâm Thi Mỹ Dạ từng tâm tình về lẽ yêu truyện cổ của mình:

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa.
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
                                                    (Truyện cổ nước mình)

Quả thực, cái làm nên sự ngọt ngào của văn học dân gian chính là sự “nhân hậu”, lòng “thương người” ấy. Triết lí “ở hiền gặp lành”, “thương người như thể thương thân” đã nhuần thấm vào từng trang truyện cổ, từng câu ca dao, tục ngữ. Những người thiệt thòi, bất hạnh nhất trong cuộc đời sẽ được bênh vực, có cuộc sống hạnh phúc nhất trong các trang cổ tích huyền ảo: chàng Sọ Dừa dị dạng, chàng Thạch Sanh mồ côi, cô Tấm hiền lành chăm chỉ... Còn những kẻ độc ác, gian tham thì nhất định phải bị quả báo: hai cô chị đã hãm hại vợ Sọ Dừa, mẹ con tên Lí Thông gian xảo, mẹ con nhà Cám tham lam... Sâu sắc hơn, ở những truyện cổ đầy tưởng tượng kì ảo này, nhân dân ta gửi vào các quan niệm xử thế vô cùng thấm thía. Thạch Sanh có cung tên vàng trong tay, nhưng chàng
không dùng nó để đánh tan quân 18 nước chư hầu. Chàng thu phục quân giặc bằng tiếng đàn than réo rắt. Tiếng đàn cất lên giai điệu ngợi ca vẻ đẹp quê hương xứ sở, tiếng đàn gợi về lòng thương mẹ già, nhớ vợ dại con thơ, tiếng đàn làm dịu đi cơn khát binh đao mà hướng lòng người về những tình cảm nguồn cội dạt dào, nhân ái. Cái “thần kì” của tiếng đàn chính là ở đó. m thanh kì diệu mang sức mạnh cảm hóa của lòng nhân ái. Cây đàn thần trong truyện cổ Thạch Sanh là hình tượng văn chương đậm chất kì ảo nhưng thực ra được sáng tạo nên từ chính thực tế lịch sử dân tộc. Lí Thường Kiệt chẳng phải từng cung cấp quân lương cho giặc Tống đại bại trở về phương Bắc? Lê Lợi đâu ít lần cho quân giặc xe cộ, lương thảo để tống tiễn chúng về quê hương bản quán sau sự nghiệp bình Ngô? Nhân nghĩa với cả quân thù, cách xử thế ấy của dân tộc ta đã được hình tượng hóa thành hình ảnh văn chương vô cùng đẹp đẽ: cây đàn thần của Thạch Sanh. Và dường như tiếng đàn từ truyện cổ còn réo rất mãi theo chiều dài các trang văn học dân tộc sau này.

Trong văn học trung đại, triết lí “tình thương” cũng luôn được đề cao. Khi viết truyện ngợi ca ông tổ nghề y nổi danh trong dòng tộc, Hồ Nguyên Trừng không phải để cao trước tiên là y thuật cao cường mà chính là y đức thâm sâu. Đúng như tên truyện: “Y thiện dụng tâm” - “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng”, tác phẩm đã xây dựng chân dung vị Thái y lệnh họ Phạm có lòng nhân vô cùng cao cả: đặt tính mệnh người bệnh lên trên cả tính mệnh bản thân, dám không tuân lệnh vua vào ngay cung chữa bệnh cho quý phi mà cấp cứu cho con người dân chài nghèo khổ. Truyện trung đại này đã tiếp nối mạch nguồn “thương người hơn cả thương thân” từ truyện cổ. Và cũng không thể không nhắc đến kiệt tác “Truyện Kiều” - tác phẩm xuất sắc nhất không phải chỉ trong dòng văn học trung đại nước ta. Điều làm nên một Truyện Kiều như một tiếng kêu thương vọng suốt mai sau cũng chính là lòng thương cảm lớn lao của đại thi hào Nguyễn Du dành cho những con người bất hạnh nhất của cuộc bể dâu thăng trầm - phận đàn bà. Những lời đầu tiên mở ra trang Truyện Kiều là những lời thơ thống thiết xót thương.

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Và mãi sau này, ta vẫn nghe thấy tiếng kêu thương “đau đớn lòng” não nùng ấy vọng theo mỗi bước đường lưu lạc của nàng Kiều.

Đến các trang viết của các nhà văn hiện đại, nhất là trong văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945, tình thương có những biểu hiện thật phong phú. Qua “Sống chết mật bay” (Phạm Duy Tốn), “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), “Những ngày thơ ấu” (Nguyên Hồng), rồi “Lão Hạc” (Nam Cao), chúng ta cảm nhận sâu sắc tình thương yêu xa xót của các nhà văn nhân ái dành cho các phận đời bất hạnh. Những người nông dân đang chịu cảnh vỡ đê tang tóc hay oằn lưng gánh nạn thuế thân vô lí, những em bé côi, những lão nông còm cõi, mỗi người chịu mỗi số phận éo le dưới sự của xã hội thực dân nửa phong kiến nghiệt ngã đương thời. Thế sự sáng ngời lên tình cảm thương yêu ấm áp dành cho nhau.

Trước hết, đó là tình cảm gia đình sâu nặng. Nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử, phụ tử được các nhà văn thể hiện vô cùng cảm động qua các trang viết. Chị Dậu hết lòng vì chồng vì con. Chị dịu dàng biết bao nhiêu khi chăm sóc anh Dậu bị ốm đau đến liệt giường, nhưng chị cũng sẵn sàng nổi xung quyết sống mái với tên cai lệ tàn nhẫn nỡ tâm xô tới định trói nghiến anh Dậu. Sức mạnh “tức nước vỡ bờ” khởi nguồn từ chính tình thương yêu chồng con rất mực, chịu mọi hi sinh đến quên mình vì chồng vì con. Với bé Hồng, chính tấm lòng nhân hậu, niềm yêu kính mẹ vô cùng đã khiến em vượt lên trên mọi thành kiến tầm thường, mọi lời xúc xiểm cay độc, mọi thiếu thốn khổ sở cùng cực cả vật chất lẫn tinh thần để giữ mãi tình yêu thương sâu thẳm với người mẹ truân chuyên. Em đã thấu hiểu hết những nỗi niềm trắc ẩn, éo le của đời mẹ không phải bằng sự từng trải, sự hiểu biết già dặn mà đơn giản là lòng thương yêu luôn ngời sáng, không chút so đo. Và lão Hạc nữa. Lão dành tình yêu thương cao cả cho đứa con trai tha phương đến mức sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để chắt chiu hạnh phúc cho con. Cái chết của lão là cái chết dành dụm sự sống. Chỉ có tình phụ tử thiêng liêng mới khiến con người dũng cảm lựa chọn sự ra đi đau đớn như thế.

Càng xa xót thương cảm những phận đời bất hạnh ấy, các nhà văn càng hướng ngòi bút vạch trần, lên án những kẻ lòng lang dạ thú, gây nên bất hạnh cho người lương thiện. Tên quan phụ mẫu trong “Sống chết mặc bay” đúng là quá vô sỉ. Khi người dân phu hớt hải chạy vào báo cái tin khủng khiếp - đê vỡ - lão nổi cơn lôi đình. Lão giận điên người vì tên dân đen kia làm hỏng ván bài đương sửa soạn của lão mà không hề mảy may để ý đến bao nhiêu con người đang gào khóc, vật lộn sống chết giữa mênh mông biển nước kia. Đó không phải là “quan phụ mẫu” cha mẹ dân đen, vì thậm chí lão không có trái tim người. Cả những tên cai lệ, người nhà lí trưởng (Tắt đèn) cũng vậy. Lũ lâu la chỉ biết lao vào thực hiện việc được sai bảo mà không chút nghĩ suy đến tình cảnh dở sống dở chết của anh Dậu. Chúng là những bộ mặt gớm ghiếc, tàn ác của cái xã hội phi nhân tính đáng bị hủy diệt đương thời.

Văn học tình thương được viết nên bởi những cây bút trĩu nặng lòng trắc ẩn sâu xa. Các nhà văn đã “cố tìm để hiểu”, khám phá nơi những con người tưởng chừng “ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi” (chữ dùng của Nam Cao) những phẩm chất nhân văn cao đẹp để họ vĩnh viễn trở thành những hình tượng văn học lung linh, biểu tượng của phẩm cách người cao cả nhất. Và các nhà văn cũng không ngại ngần kết án đanh thép những biểu hiện phi đạo lí, phản nhân văn nơi những con người xấu xa trong xã hội hiện hành, nhằm muốn quét sạch khỏi cõi người những rác rưởi cặn bã ấy. Giá trị lớn lao của đồng văn học hiện thực phê phán chính là ở đó.

Tình thương dường như lại càng được nhân lên mãi trong văn học cách mạng, Bởi đồng văn học này gắn liền với nhiệm vụ đấu tranh dành quyền sống xứng đáng nhất cho con người. Tính chất chiến đấu của văn học cách mạng càng sục sôi hơn khi được nâng đỡ bởi lí tưởng tình thương. “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc cất lên đanh thép, dõng dạc, cáo chung cho chế độ thống trị thuộc địa - một vết nhơ trong lịch sử nhân loại, giai đoạn kéo lùi biết bao cố gắng của con người trên hành trình vươn tới tự do, bình đẳng, bác ái. Bằng những tư liệu phong phú, xác thực, qua ngòi bút châm biếm sắc sảo, vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mạnh mẽ luận tội chính quyền thực dân, phân tích đến cội nguồn bản chất nhơ nhớp của chế độ thực dân. Không một con người có
lương tri nào có thể quay lưng trước những lời lẽ nhiệt thành, tinh thần nhân văn ấy. Bản án không chỉ mang sức mạnh của tình nhân ái mà còn có khả năng mạnh mẽ thúc giục con người xông vào cuộc đấu tranh vì tình nhân ái. Quả thật, văn chương Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có khả năng cổ vũ, khích lệ mãnh liệt ý chí đấu tranh của con người, bởi bao giờ nó cũng chứa đựng nền tảng nhân văn sâu xa vững bền đó. Cả dân tộc đã đứng lên theo lời hiệu triệu của Người. Và khi tất cả sát cánh bên nhau trên trận chiến chung, thì tình cảm đồng bào đồng chí đã kết thành khối sức mạnh thống nhất bất khả chiến bại. Ngọn nguồn của những chiến thắng lừng lẫy năm châu, vang động địa cầu là từ những chia sẻ đầy thương yêu bình dị như thế này đây:

Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
                                               (TỐ HỮU)

Mạch nguồn tình thương đã chảy suốt theo chiều dài lịch sử văn học dân tộc như vậy, từ đầu nguồn văn học dân gian đến những trang văn của hôm nay và chắc chắn cả mai sau. Biểu hiện của tình thương trong văn học luôn luôn phong phú, giàu màu sắc. Mối quan hệ giữa văn chương và tình thương trong đời sống con người cũng luôn gắn bó mật thiết, đa chiều.

Không ai có thể phủ nhận tác động to lớn của văn chương giàu tinh thần nhân văn đối với con người. Đọc những tác phẩm văn học mang tinh thần nhân đạo, mỗi người chắc chắn sẽ không khỏi phải suy ngẫm chiêm nghiệm, phải nhìn nhận lại bản thân mình. Có những cuốn sách trở thành “kim chỉ nam” hành động cho cả một thế hệ thanh niên ở một giai đoạn lịch sử nào đó, bởi nó nói lên được tâm tư, nguyện vọng của bao người, và nhất là nó thuyết phục con người bởi chính tinh thần nhân văn thời đại. Mẫn của Phan Tứ từng cổ vũ bao thế hệ thanh niên Việt Nam hăm hở trên con đường chiến đấu vì lí tương tự do cùng bởi chúng thấm đượm ý nghĩa nhân văn cao cả. Và nay, khi Đặng Thùy Trâm một lần nữa lại khiến những thanh niên Việt Nam của thế kỉ XXI phải nhìn lại con đường đi của bản thân thật sự nghiêm túc. Họ phải đặt cho mình câu hỏi: mình đã thực sự lựa chọn được hướng đi tốt đẹp nhất hướng tới mọi người, tới cuộc sống đầy tình thương hay chưa?

Văn học hướng con người tới lẽ sống tình thương, và ngược lại, chính tình thương làm nên giá trị chân chính nhất của một tác phẩm văn học. Đúng như nhà văn Nam Cao đã viết: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát lên từ những kiếp lầm than...”, nghệ thuật đích thực phải lột tả tận cùng trạng thái nhân sinh của con người. Khi tác phẩm đã phản ánh được niềm vui, nỗi đau, tình nhân ái nơi sâu thẳm mỗi con người, nó sẽ trở nên đáng trân trọng nhất. Tác phẩm văn học được tôn vinh là tác phẩm: “phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình giác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”.

Văn học và tình thương gắn liền với nhau, có khi trở thành hai nhân tố hòa lồng trong nhau, bởi cả hai đều có chung một đích hướng: đưa con người vươn tới Chân - Thiện - Mỹ, hoàn thiện nhân cách Người ở mỗi con người. Theo suốt cuộc sống của con người, văn chương luôn hiện hữu để thực hiện lí tưởng cao cả nhất ấy của nó: “gây cho ta những tình cảm ta chưa có và luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có” (Hoài Thanh).

Các bài học liên quan
ĐỀ 67. Phân tích bài thơ “Đi đường” của Hồ Chí Minh.
ĐỀ 65. Qua đoạn trích Trong lòng mẹ hãy chứng minh nhận định: Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng.
ĐỀ 64. Ở đoạn trích Trong lòng mẹ, nhà văn Nguyên Hồng đã miêu tả một cách sinh động “những rung động cực điểm của một tâm tư trẻ dại”. Em hãy làm rõ nhận xét đó.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật