Phân tích truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
Trong văn học Việt Nam hiện đại có những cây bút văn xuôi chỉ chuyên về truyện ngắn và kí. Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) là một trong số đó.
- Bài học cùng chủ đề:
- Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
- Phân tích truyện Làng của Kim Lân.
- Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
1. Trong văn học Việt Nam hiện đại có những cây bút văn xuôi chỉ chuyên về truyện ngắn và kí. Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) là một trong số đó. Bắt đầu viết văn trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở liên khu V, Nguyễn Thành Long được khẳng định như một cây bút truyện ngắn và kí đáng chú ý trong những năm 60-70 với cả gần chục tập sách đã in. Ông là một cây bút cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất chú trọng thâm nhập thực tế đời sống. Nhiều sáng tác của Nguyễn Thành Long là kết quả trực tiếp của những chuyến “thâm nhập thực tế” như thế, nhưng truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa lại là một trường hợp khá đặc biệt.
Mùa hè năm 1970, theo lời kể của tác giả, ông cùng một người bạn vẫn quyết định đi nghỉ ở Sa Pa. Vì thế nhà văn không vào các cơ quan, đơn vị của địa phương để tìm hiểu thực tế hay tìm gặp những “điển hình tiên tiến” như những lần đi thực tế của các văn nghệ sĩ. Những điều may mắn lại chính là do chỗ không lăm le tìm hiểu thực tế theo lối khá công thức lúc bấy giờ của văn nghệ sĩ mà Nguyễn Thành Long đã bắt gặp câu chuyện về người thanh niên công tác ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn một mình giữa lặng lẽ của Sa Pa. Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, nhà văn đã nắm lấy chất liệu thực tế ấy, bồi đắp thêm bằng sức tưởng tượng sáng tạo và truyền vào đấy những suy ngẫm, quan niệm về đời sống, về nghệ thuật của một cây bút từng trải làm nên một truyện ngắn hay.
2. Thành công của Nguyễn Thành Long trong truyện ngắn này, có lẽ trước hết là đã tạo dựng một chất thơ trong sáng, làm nên không khí và sắc điệu riêng của tác phẩm được toát lên từ sự hài hòa giữa phong cảnh thiên nhiên đẹp lộng lẫy và mơ màng của Sa Pa với vẻ đẹp trong những suy nghĩ, cảm xúc và công việc của các nhân vật cùng mối quan hệ của họ. Lặng lẽ Sa Pa có một cốt truyện rất đơn giản, xoay quanh tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư vừa mới ra trường với anh thanh niên một mình sống và làm việc ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ chỉ trong chốc lát nhưng đã đủ để nhân vật chính xuất hiện gây được ấn tượng và gợi ra những suy nghĩ, cảm xúc với nhiều âm vang ở những nhân vật khác trong truyện. Sáng tạo được tình huống ấy và lựa chọn được nhiều điểm nhìn trần thuật từ cái nhìn và tâm trạng của người họa sĩ già - Một nghệ sĩ nhiều từng trải và chiêm nghiệm về cuộc đời và nghệ thuật, thì có thể nói tác giả đã nắm chắc được sự thành công của đứa con tinh thần của mình.
3. Truyện có bốn nhân vật: Bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên. Họ thuộc hai thế hệ - già và trẻ, nghề nghiệp khác nhau nhưng ở họ có nhiều điểm rất gần gũi mà trước hết là những nét đẹp trong suy nghĩ, trong thái độ đối với cuộc sống với công việc và với những người khác. Những nhân vật ấy (và cả những nhân vật chỉ được nói đến trong lời kể của người thanh niên đều không được tác giả đặt tên. Điều này hẳn không phải là không có dụng ý của tác giả: Nhà văn muốn thể hiện họ là những con người bình thường, bình dị trong cuộc gặp gỡ bất ngờ trên hành trình của một chuyến xe khách, như là chúng ta có thể gặp những con người như thế ở nhiều nơi trên đất nước. Những nhân vật trong truyện ít nhiều đều có màu sắc lý tưởng, nhưng họ cũng là những hình ảnh những con người mang vẻ đẹp của một thời kì lịch sử.
Nhân vật chính của truyện - anh thanh niên chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng chói nổi bật nhất của bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của anh, tác giả đã qua lời bác lái xe để giới thiệu về anh: Hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh cao hai ngàn sáu trăm mét, rất “thèm người”... Cách giới thiệu ấy đã gây hứng thú và chuẩn bị tâm thế cho nhân vật ông họa sĩ và cô kĩ sư trước cuộc gặp gỡ. Khi xe dừng, người thanh niên xuất hiện với dáng vẻ nhanh nhẹn tự nhiên và vóc dáng hơi nhỏ bé dường như không có gì đặc biệt. Sức thu hút của anh chính là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và công việc của một người một mình giữa lặng lẽ của thiên nhiên. Cái mà tác giả muốn làm nổi bật ở những nhân vật này, không phải là những công việc khó khăn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, mà là một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: một mình trên đỉnh núi cao Yên Sơn quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ mênh mông của cỏ cây, mây núi. Cái khó khăn, thách thức lớn nhất với anh chính là sự cô độc. Cái gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy?
Trước hết, đó là ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc. Công việc hàng ngày của anh "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là cần thiết và có ích cho mọi người, nó gắn liền anh với mọi người và cuộc sống chung của đất nước. Anh yêu công việc của mình: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ nếu cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.
Nét đẹp ở nhân vật này không chỉ là ở cách sống có lí tưởng mà còn ở những suy nghĩ sâu sắc về công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, về sự cô độc, anh đã nghĩ thế nào?
“Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này, cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi, việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”. Còn đây là về nối "thèm người" - như cách nói của bác lái xe, anh nghĩ "Con người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” Những nỗi "nhớ người" với anh, quyết không thể là nỗi nhớ "phồn hoa đô thị".
Trong cuộc sống lẻ loi của mình, anh còn tìm thấy một nguồn vui, đó là sách, mà anh thấy lúc nào đọc cũng như có người bạn để trò chuyện.
Chính vì tất cả những điều trên mà cuộc sống của người thanh niên ấy giữa núi cao mây mù không buồn tẻ. Anh tổ chức cuộc sống một mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp và chủ động: trồng hoa, trồng rau, nuôi gà, đọc sách ngoài những giờ làm việc và có mối giao lưu thân thiết với bác lái xe, những cuộc gặp gỡ với mọi người. Ở người thanh niên ấy còn có một nét rất đáng mến nữa là sự cởi mở, chân thành với mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Tình thân của anh với bác lái xe, thái độ ân cần, nhiệt thành, sự săn sóc chu đáo của anh với ông họa sĩ và cô gái mới lần đầu gặp gỡ đã nói lên nét đáng mến ấy ở anh.
4. Trong truyện, ngoài nhân vật người thanh niên, các nhân vật phụ (bác lái xe, ông họa sĩ già, cô kĩ sư mới ra trường...) không chỉ tham gia vào câu chuyện, làm rõ nét hơn cho nhân vật chính, mà còn làm phong phú và sâu hơn cho chủ đề truyện. Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhân vật ông họa sĩ già.
Tác giả đã hầu như "nhập” vào cái nhìn và tâm trạng của nhân vật này để trần thuật, bao gồm cả quan sát, miêu tả và suy ngẫm, bình luận. Qua cái nhìn của ông họa sĩ, chân dung nhân vật chính được hiện ra rõ nét hơn, đẹp hơn và khơi gợi những suy ngẫm về cuộc đời, con người và nghệ thuật.
Ngay những phút đầu gặp gỡ với người thanh niên, bằng sự từng trải của một người nghệ sĩ, ông xúc động đến bối rối vì đã "bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác". Và với ông “người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá” với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh và về những điều anh suy nghĩ. Và đúng như người họa sĩ đã nghĩ: "Những điều suy nghĩ đứng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác”. Ví như, từ câu chuyện với người thanh niên, ông họa sĩ đã suy nghĩ về nghệ thuật với cả sức mạnh và sự bất lực của nó so với cuộc đời, về con người và mảnh đất Sa Pa.
Còn với cô kĩ sư trẻ mới ra trường thì cuộc gặp gỡ với anh thanh niên cùng với những điều anh kể đã khiến cô bàng hoàng, “cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới của những con người như anh. Quan trọng hơn nữa, cô hiểu và tin hơn vào con đường mà cô đã lựa chọn.
Như vậy qua cảm xúc và suy nghĩ của các nhân vật khác, hình ảnh người thanh niên như được soi rọi dưới một ánh sáng trong trẻo và rực rỡ khiến nó đẹp hơn, ánh lên nhiều sắc màu hơn. Đó là cái thủ pháp mà người xưa gọi là “vẽ mây để nảy trăng”.
5. Lặng lẽ Sa Pa chưa phải là một truyện ngắn xuất sắc. Có thể chỉ ra những chi tiết chưa thật đắc, những chỗ tác giả đã nói thay nhân vật, phát biểu quá lộ liễu về chủ đề của tác phẩm. Nhưng dù sao truyện ngắn này cũng là một thành công đáng ghi nhận của cây bút truyện ngắn Nguyễn Thành Long. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy cũng gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật.
BÀI LÀM 2
Giá như không có chuyến ô tô khách, có lẽ cũng chẳng mấy ai được đặt chân đến Sa Pa, để cảm nhận được vẻ đẹp thanh tú, cái “lặng lẽ” của một vùng núi non trùng điệp mù sương và mộng mơ cao nhất nước Việt này. Trong bản đồ địa hình, Sa Pa ở bên hữu ngạn sông Hồng, còn con đường sắt dọc theo sông lại nằm ở phía tả ngạn. Cho nên đã thành thông lệ, ai đến Sa Pa hãy đi đường sắt lên chót Lào Cai rồi từ Lào Cai lại đi ô tô khách leo dốc núi 80 km nữa mới đến được Sa Pa. Chuyến xe khách Lào Cai - Sa Pa vô tình đã trở thành cầu nối, trở thành người dẫn chuyện. Trên chuyến xe khách có ba nhân vật, ngoài người lái xe già từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 còn có ông họa sĩ già vui tính và cô kĩ sư nông nghiệp trẻ lần đầu đi Tây Bắc. Họ quen nhau trên một chuyến xe, dù sao cũng là một chuyện bình thường. Tuy nhiên tác giả Nguyễn Thành Long đã miêu tả họ thành ba nhân vật có tâm hồn trong sáng, dễ mến.
Truyện ngắn này tác giả viết vào những năm 60, không khí xã hội hồi bấy giờ còn thấm đẫm hương vị ngọt ngào của cuộc sống mới và những con người mới. Cho nên ta gặp ở đây một người lái xe già không hay cau có mà lại vui tính, “có máu nghệ sĩ”, một ông họa sĩ già vẫn ham đi thực tế các vùng xa xôi để sáng tác, một cô kĩ sư nông nghiệp trẻ đang sẵn sàng đi lên Tây Bắc nhận công tác. Họ tuy là những người xa lạ, gặp nhau lần đầu tầm hồn họ trong sáng, cùng chung mục đích ý tưởng, lại sẵn tình thật nên họ đã gặp nhau. Cuộc chuyện trò giữa họ cho ta thấy về nét đẹp của cuộc sống mới. Tuy nhiên, mặc dù có đến ba, nhưng họ vẫn chưa phải là nhân vật chính.
Phải chờ xe đi đến dốc Sa Pa, nghỉ chân ở đây 30 phút, ta mới có điều kiện tiếp cận với nhân vật chính. Đó là một anh thanh niên mới 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m. Tất nhiên khi gặp gỡ với người lái xe già đã từng quen biết, với ông họa sĩ già vui tính và cô kĩ sư trẻ, anh thanh niên này không hề tỏ ra ít nói chút nào, nhưng cái tên truyện Lặng lẽ Sa Pa chính là dành cho anh, bởi anh “lặng lẽ” làm việc một mình trên đỉnh núi cao, là "một con người cô độc nhất thế gian” (như lời giới thiệu của người lái xe già), nhưng công việc lại liên quan đến cả nước. Làm một công việc đo gió, đo mây dự báo thời tiết âm thầm, lặng lẽ trên đỉnh núi cao 2600m, giữa mênh mông đất trời sương tuyết, anh thanh niên vẫn yêu đời, đầy trách nhiệm, cần cù, dũng cảm. Anh không để xảy ra sơ suất nào trong nhiệm vụ đã dành, anh còn biết tự tạo một cuộc sống nề nếp, phong phú và thơ mộng: nuôi gà, trồng hoa, đọc sách. Tuy vậy anh thanh niên vẫn thỉnh thoảng xuống núi tìm gặp người lái xe già cùng khách qua đường để vơi bớt nỗi cô đơn, nỗi "nhớ người”... Đây là một chi tiết rất người mà tác giả đã nắm bắt, phát hiện, bởi vì đã là con người thì ai chẳng sợ nỗi cô đơn. Nhưng cái cách để gặp người của anh thanh niên này cũng khá lạ lẫm. Người lái xe già kể: “Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi như thế này chợt thấy một khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây mà ai đẩy cây ra giữa đường thế này anh chỉ đỏ mặt”. Thì còn ai nữa, chính anh ta chứ ai! "Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cỏ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát”. Và cái kế của anh thanh niên đó chính là đẩy khúc cây ra giữa đường để xe khách phải dừng lại. Ôi đó cũng là một cái kế sách lạ lẫm hết mức!
Nhưng đó là câu chuyện của 4 năm trước, còn bây giờ, hãy xem, anh ta vẫn "mừng quýnh” khi thấy xe khách lên. Rồi khi đưa khách lên chơi nhà anh ta khẩn trương, tất bật đến từng phút đủ để làm các công việc cắt hoa, mời nước, kể về công việc và nghe chuyện của khách trong khoảng thời gian 30 phút thời gian mà chiếc xe khách có thể đỗ lại nơi đây. Người đọc thấy anh ta nói hơi nhiều, nói nhanh, "nói xong chạy vụt đi cũng tất tả như khi đến” cũng có thể cảm thông vì chỉ có lúc gặp người, anh ta mới có thể nói tiếng người với những người đồng bào của mình, còn ngày thường thì anh ta có hát hò chăng nữa cũng chỉ có mây núi nghe mà thôi. Nhưng trong tất cả các lần gặp người, lần này có lẽ anh ta gặp may hơn. Ngoài người lái xe già anh đã từng quen biết, anh lại gặp được một họa sĩ già vui tính "xúc động mạnh” vì rất quý trọng công việc và con người anh, và đặc biệt cô kĩ sư trẻ mới gặp lần đầu đã có cảm tình. Rất có thể đây là một cô kĩ sư trẻ rất dễ xúc động. Cô đã "bất giác đỏ mặt lên” khi nghe người lái xe già kể chuyện về anh, lại xúc động đến mức "víu chặt” vào vai ông họa sĩ già “nửa vì tò mò, nửa vì để tự vệ chống lại một cái gì đến khi "nhìn thấy người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ sẽ đỗ". Đến khi anh thanh niên tặng hoa “...cô kĩ sư chỉ ồ lên một tiếng!... quên mất e lệ, cô chạy đến bên người con trai đang cắt hoa. Anh con trai rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy”. Tác giả đã miêu tả rất tỉ mỉ sự diễn biến tâm lý trẻ của một cô gái trẻ dễ xúc động. Vì tâm hồn cô đầy những khát vọng và ước mơ, nên cô gái đã đón nhận câu chuyện và bó hoa của người thanh niên “cô độc nhất thế gian" một cách thật lòng. Ngay cả lúc người thanh niên nói những câu có lẽ hơi đột ngột: “Thôi, chấm dứt tiết mục hái hoa - Người con trai bất chợt quyết định - Bác lái xe chỉ cho ba mươi phút thôi. Hết năm phút rồi...” thì cô gái vẫn “ôm nguyên bó hoa trong tay, lắng tai nghe”. Để đến lúc đọc sách của anh, khi ông họa sĩ già đang thực hành sáng tác, cô gái đã cảm thấy “bàng hoàng” về một cái gì đó đã chớm nở trong cô giúp cô xóa bỏ cái nhạt nhẽo của một tình cảm đã qua. Rồi vô tình hay hữu ý, cô đã để lại một chiếc khăn tay “kỉ niệm lần gặp gỡ này. Một cái cỏn con gì rồi ra có thể biến thành một chút xíu dịu dàng, một chút xíu dũng cảm trong cuộc sống của anh ta”. Người đọc có thể cho là sự phát triển tình cảm của cô gái hơi nhanh, nhưng ai mà hiểu được trong hoàn cảnh ấy, sự chia tay trong “bạt ngàn" Tây Bắc, rất có thể là không gặp lại, lại không đưa người ta đến những cảm xúc tương tự. Cho nên cái bắt tay cuối cùng của cô đối với anh thanh niên cũng khác: “Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay".
Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long có nhiều bất ngờ với những chi tiết vừa thực, vừa lạ. Tác giả khéo kể lại chuyện gặp gỡ ấy theo mạch từ tốn, chậm rãi mà vẫn vui, hóm hỉnh. Ngôn ngữ đối thoại của truyện rất phù hợp với từng nhân vật: anh thanh niên vui khỏe hồn nhiên, cô kĩ sư e ấp dễ xao xuyến, ông họa sĩ già lịch duyệt rất tâm lí. Rõ ràng cuộc sống là một dòng chảy đáng yêu đáng mến. Những người trong sáng nhiệt thành sớm muộn gì họ sẽ cùng có dịp gặp gỡ và hòa cảm trong cùng một mục đích, ý tưởng chung. Và cuộc sống thật đáng trân trọng biết bao khi ở trên đỉnh Sa Pa kia, ngoài anh thanh niên kia còn có bao người như ông kĩ sư vườn rau sáng tạo giống như su hào mới, như đồng chí nghiên cứu khoa học suốt ngày trong tư thế sẵn sàng chờ sét để lập bản đồ sét đến mức “trán đồng chí cứ hỏi dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi". Tác giả viết: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa... có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước. Phải chăng đó cũng là chủ đề chính của truyện ngắn này mà tác giả muốn gửi đến người đọc.
- Bài 1 sgk ngữ văn 9
- Bài 2 sgk ngữ văn 9
- Bài 3 sgk ngữ văn 9
- Bài 4 sgk ngữ văn 9
- Bài 5 sgk ngữ văn 9
- Bài 6 sgk ngữ văn 9
- Bài 7 sgk ngữ văn 9
- Bài 8 sgk ngữ văn 9
- Bài 9 sgk ngữ văn 9
- Bài 10 sgk ngữ văn 9
- Bài 11 sgk ngữ văn 9
- Bài 12 sgk ngữ văn 9
- Bài 13 sgk ngữ văn 9
- Bài 14 sgk ngữ văn 9
- Bài 15 sgk ngữ văn 9
- Bài 16 sgk ngữ văn 9
- Bài 17 sgk ngữ văn 9
- Bài 18 sgk ngữ văn 9
- Bài 19 sgk ngữ văn 9
- Bài 20 sgk ngữ văn 9
- Bài 21 sgk ngữ văn 9
- Bài 22 sgk ngữ văn 9
- Bài 23 sgk ngữ văn 9
- Bài 24 sgk ngữ văn 9
- Bài 25 sgk ngữ văn 9
- Bài 26 sgk ngữ văn 9
- Bài 27 sgk ngữ văn 9
- Bài 28 sgk ngữ văn 9
- Bài 29 sgk ngữ văn 9
- Bài 30 sgk ngữ văn 9
- Bài 31 sgk ngữ văn 9
- Bài 32 sgk ngữ văn 9
- Bài 33 sgk ngữ văn 9
- Bài 34 sgk ngữ văn 9
- Các thể loại văn tham khảo lớp 9