Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong hai bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội Xe không kính của Phạm Tiến Duật đã khắc họa hình ảnh người lính có tinh thần và tâm hồn đẹp

BÀI LÀM 1

Là một nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã từng trải và thấu hiểu những nỗi gian khổ, vất vả của người Lính. Bàn tay các anh đã từng cầm súng chiến đấu và cũng đã từng viết nhiều bài thơ về họ - những người lính can trường, dũng cảm và có tình đồng đội cao. Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội Xe không kính của Phạm Tiến Duật đã khắc họa hình ảnh người lính có tinh thần và tâm hồn đẹp như thế đấy.

Năm 1948, bài thơ Đồng chí ra đời và nhanh chóng được nhiều người yêu thích. Trong những năm bom đạn hiểm nguy nơi chiến trường, hình ảnh về người lính là biểu tượng đẹp nhất của cuộc sống và đã đi vào thơ của Chính Hữu một cách tự nhiên và đẹp đẽ không hẹn mà nên, những người lính gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Theo tiếng gọi cứu quốc thiêng liêng, họ tạm xa con trâu, cái cày, cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Không hề quen nhau, nhưng ánh sáng lí tưởng của cách mạng đã soi vào trái tim họ, để họ trở nên thân nhau hơn và có ý chí chiến đấu cao hơn. Cũng giống như những anh lính trong bài Nhớ của Hồng Nguyên:

Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh

Trong điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, thì tinh thần chiến đấu của những người lính lại bùng lên mạnh mẽ, sục sôi khí thế. Họ không nề nguy hiểm, khó khăn, vẫn vững lòng cầm chắc tay súng để bảo vệ quê hương, đất nước. Họ sát cùng bên nhau cùng chiến đấu dũng cảm.

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Có khác gì đâu cái tinh thần đồng đội, thiêng liêng ấy trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi

Không kể thiếu thốn, khó khăn, họ vẫn chấp nhận, vẫn vui vẻ lạc quan, yêu đời hơn. Cái bắt tay ấy là cả một tình đồng đội thiêng liêng, họ truyền cho nhau niềm tin chiến thắng, tình yêu và lòng dũng cảm ấy. Sống và chết, dường như trong tim mỗi người lính chiến đấu không hề có khái niệm ấy. Họ cầm súng, họ nhảy lên chiếc xe chuẩn bị lên đường, và họ biết trước mắt họ là muôn vàn khó khăn nguy hiểm, vậy mà đâu đây vẫn có cái giọng điệu lạc quan, yêu đời, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng

Họ vẫn có cái chí của người lính, họ không hề nguy hiểm, mặc những khó khăn của thời tiết của cuộc chiến, vẫn hướng trái tim về Tổ quốc:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cẩn trong xe có một trái tim

Nếu trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, những người lính hiện lên với một tinh thần chiến đấu dũng cảm, tình đồng đội thiêng liêng, cao quý thì ở trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật thì ý thức giác ngộ cách mạng của những người lính cao hơn. Họ lạc quan yêu đời hơn. Hình ảnh những người lính hiện lên thật trẻ trung, sôi nổi, yêu đời hơn.

Qua hai bài thơ, chúng ta càng hiểu rõ hơn về những người lính. Hình ảnh của họ hiện lên thật đẹp đẽ, họ chính là biểu tượng, là niềm tin, khát vọng của những người dân gửi gắm nơi họ. Với các anh, người đọc nhận thấy một ánh sáng lí tưởng cao đẹp và thiêng liêng vô cùng.

BÀI LÀM 2

Từ buổi đầu dựng nước đến nay, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trong đó phải kể đến hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vô cùng gian khổ. Cứ mỗi lúc đất nước gặp hiểm nguy, thanh niên Việt Nam lại nô nức lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Và họ đã trở thành những biểu tượng người lính dũng cảm, kiên cường được khắc họa chân thực trong hai tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Ở hai thời kỳ khác nhau, dưới hai ngòi bút khác nhau những người lính cách mạng trong hai bài thơ đều mang trong mình phẩm chất bộ đội cụ Hồ, anh dũng, gan dạ và lòng yêu Tổ quốc sâu nặng. Họ là những người cùng chung lí tưởng, cách mạng cao đẹp là nguyện phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc vì độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt, sau hơn hai mươi năm từ khi Đồng chí được ra đời thì lớp đàn con, đàn cháu của những người lính thời chống Pháp từng "súng bên súng đầu sát bên đầu" hay "thương nhau tay nắm lấy bàn tay" vẫn giữ trong mình truyền thống, tình đồng đội thiêng liêng, cao cả. Từ trong mưa bom, bão đạn của chiến tranh, những chiếc xe không kính lại hội tụ về đây họp thành tiểu đội xe không kính:

Những chiếc xe trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi

Từ những cái bắt tay ấy, họ trao cho nhau cả niềm tin, hy vọng và sức mạnh.

Nhưng, điểm khác ở họ là ý thức giác ngộ cách mạng. Những năm đầu chống Pháp, chính quyền ta vừa thành lập còn non trẻ nên về nhận thức chiến tranh của những người lính còn đơn giản, chưa sâu sắc như thời chống Pháp.

Và nếu như trong Đồng chí:

Anh với tôi biết từng can ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Thì trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính những chiến sĩ lái xe phải tắm trong mưa bom, bão đạn, phải chịu sự dày vò của thời tiết trên tuyến đường Trường Sơn hiểm trở:

Bụi phun tóc trắng như người già
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Nhưng họ vẫn bất chấp, hiên ngang để vượt qua tất cả, họ vẫn thật lạc quan, yêu đời, và tinh nghịch, vẫn giữ trong mình một phong cách rất lính. Và gia đình của họ là ở nơi chiến hào, với đồng đội thân yêu, chứ không phải là ở hậu phương, nơi có mẹ già, vợ dại, con thơ như những chiến sĩ trong tác phẩm Đồng chí.

Vậy là dù có ở đâu, trong thời điểm nào ta vẫn cảm thấy sự anh dũng đáng khâm phục, bất chấp khó khăn gian khổ của chiến tranh. Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã hóa thân vào các chiến sĩ Việt Nam để khắc họa thật sinh động hình ảnh của họ. Để lại cho đời những bức chân dung tuyệt đẹp.

LUYỆN TẬP

1. Phân tích hình tượng những chiếc xe không kính. Hình tượng đó có tác dụng gì để nêu bật phẩm chất của những người lính lái xe thời chống Mỹ trong bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

2. Phân tích vẻ đẹp của người lính lái xe trong bài thơ.

3. Tìm hiểu cái riêng của bài thơ về hình thức diễn đạt.

4. Hình tượng anh bộ đội trong thơ ca thời kì chống Pháp và chống Mĩ vừa mang những phẩm chất chung hết sức đẹp đẽ của người lính cụ Hồ đồng thời có những nét cá tính riêng khá độc đáo... Qua hai bài thơ “Đồng chí...” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, em hãy làm sáng tỏ nội dung vấn đề trên.

5. Đồng chí (Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) là hai bài thơ tiêu biểu viết về đề tài người lính cách mạng trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. So sánh hình ảnh người lính cách mạng ở hai bài thơ này.

6. Chỉ ra những khám phá sáng tạo độc đáo của Phạm Tiến Duật trong việc tạo nên sức hấp dần của bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Hãy so sánh hình thượng người lính ở đây với hình tượng anh vệ quốc trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.

Các bài học liên quan
Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
Phân tích truyện Làng của Kim Lân.
Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
Hãy nêu suy nghĩ của em về tình đồng chí, đồng đội của người lính cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp qua bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu.
Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật