ĐỀ 77. Trong cuộc nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc cũng khó. Em hãy giải thích ý nghĩa câu nói trên

Hồ Chủ tịch đã dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Câu nói của Bác đã khẳng định phẩm chất cơ bản của con người là tài và đức.

I. DÀN Ý

1. Mở bài

- Phẩm chất của một người lao động bao gồm cả tài và đức, không thể coi nhẹ mặt nào.

- Hồ Chủ tịch đã từng chỉ rõ: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

2. Thân bài

- Thế nào là có tài, có đức?

- Tại sao có tài mà không có đức là người vô dụng?

- Tại sao có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó?

- Con người phải có cả đức lẫn tài mới toàn diện và làm việc mới có hiệu quả.

3. Kết bài

- Thanh thiếu niên phải rèn luyện, phấn đấu để trở thành con người hữu ích cho gia đình và xã hội.

II. BÀI LÀM

Để trở thành một con người hữu ích, chúng ta cần phải có những phẩm chất nào? Trí tuệ siêu việt chăng? Hay là phải có đạo đức tuyệt vời? Trong cuộc nói chuyện với học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước, Hồ Chủ tịch đã dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Câu nói của Bác đã khẳng định phẩm chất cơ bản của con người là tài và đức.

Vậy tài là gì? Đức là gì? Tài chính là tài năng, kiến thức, kĩ năng kĩ xảo, kinh nghiệm để con người hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Đức chính là đạo đức, tư cách, tác phong, lòng nhiệt tình, là những khát vọng chân, thiện, mĩ... Người có đức biết tôn trọng và bảo vệ chân lí, dám đấu tranh với cái sai, cái xấu, sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân cho hạnh phúc của mọi người.

Tài và đức là những phẩm chất khác biệt nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi vì tài năng đó không được đem ra phục vụ nhân dân mà chỉ mưu cầu lợi ích cho một cá nhân. Con người không thể sống một mình, không thể tách rời khỏi cộng đồng xã hội.

Giá trị của một cá nhân được xem xét, đánh giá trên cơ sở ảnh hưởng của cá nhân đó trong mối quan hệ chung. Người không có đức thường không quan tâm đến quyền lợi của người khác. Nếu có tài, họ cũng chỉ vun vén để thu lợi cho mình. Người có tài mà phản bội Tổ quốc, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người kém đạo đức mà có tài thì tác hại mang đến cho gia đình, xã hội càng lớn.

Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có đức có khát vọng hành động vì lợi ích của mọi người nhưng năng lực kém thì cũng khó biến khát vọng thành hiện thực. Tài năng giúp con người lao động có hiệu quả hơn. Thiếu tài năng, sự cống hiến của cá nhân đối với xã hội sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Rõ ràng là phẩm chất của con người phải bao gồm cả tài và đức. Hai thứ đó bổ sung, hỗ trợ cho nhau thì nhân cách mới trở nên hoàn thiện, con người mới đạt hiệu quả cao trong công việc, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Hồ Chủ tịch đặt vị trí của đức lên hàng đầu bởi nó là yếu tố quyết định. Chính vì thế, thiếu đức con người trở thành vô dụng, còn thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó.

Để trở thành những công dân hữu ích, những chủ nhân xứng đáng của đất nước trong tương lai, mỗi một học sinh chúng ta phải không ngừng học tập, tu dưỡng để khi trưởng thành có đủ đức và tài - tiêu chuẩn của con người mới như Bác Hồ hằng mong ước.

Các bài học liên quan
ĐỀ 73. Văn học và tình thương
Đề 70: Có người cho rằng Ngắm trăng là một cuộc vượt ngục tinh thần của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh. Anh chị hãy phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ điều đó. Trong tù không rượu cũng... Trăng nhòm khe cửa ngắm nhờ
ĐỀ 67. Phân tích bài thơ “Đi đường” của Hồ Chí Minh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật