Đề 7. Giới thiệu chiếc nón bài thơ xứ Huế

Trong đời sống của người Việt Nam tự bao đời, chiếc nón lá đã là người bạn thủy chung, gần gũi, gắn liền với sinh hoạt hằng ngày. Chiếc nón che nắng che mưa cho người nông dân lúc vất vả cấy cày trên đồng ruộng hay khi đi dưới trời nắng gắt.

I. DÀN Ý

1. Mở bài

* Giới thiệu chung:

- Chiếc nón lá là vật dụng cần thiết, quen thuộc và gắn bó với người phụ nữ Việt Nam tự bao đời.

- Chiếc nón lá mang tính chất đặc trưng của dân tộc và đất nước Việt Nam.

2. Thân bài

* Nguyên liệu và cách làm nón:

+ Nguyên liệu: lá buông (lá nón) non, sấy khô rồi phơi sương cho mềm; khung tre; chỉ cước...

+ Các thức:

- Lá được ủi phẳng phiu, cắt bớt đầu đuôi, còn 50 cm.

- Xếp lần lượt 16 vòng tre lớn nhỏ vào khuôn bằng gỗ, từ thấp lên cao.

- Lần lượt phủ 2 lần lá. Lần trong khoảng 20, lần ngoài khoảng 30 lá, xếp khít vào nhau, ngọn hướng lên trên.

- Khâu nón cần bàn tay phụ nữ nhẹ nhàng, khéo léo, tỉ mỉ. Mũi kim dưới hơi thưa, trên mau dần, đều tăm tắp.

- Trên chóp nón có chiếc xoài kết bằng chỉ rất chắc. Nón khâu xong được quét một lớp dầu bóng cho đẹp và bền. Nón Huế giữa hai lớp lá có lồng những câu thơ hay hoặc hình ảnh đẹp của Huế, nên còn gọi là nón bài thơ.

+ Tiêu chuẩn một chiếc nón đẹp:

- Màu lá trắng ngần, nón mỏng, nhẹ, dáng thanh tú.

* Tác dụng của chiếc nón lá đối với người phụ nữ:

- Nón không chỉ là vật dụng che nắng che mưa mà còn để làm duyên.

- Chiếc nón bài thơ kết hợp với tà áo dài tha thướt tạo nên nét dịu dàng, đằm thắm của thiếu nữ.

- Chiếc nón còn là vật kỉ niệm, là cái cớ để bày tỏ tình cảm yêu thương giữa nam và nữ.

3. Kết bài

Chiếc nón lá là vật dụng, là người bạn thân thiết của người Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày.

- Giá trị vật chất của nó tuy không cao nhưng giá trị tinh thần rất lớn.

- Nón lá được người bình dân ưa chuộng. Du khách nước ngoài cũng rất thích chiếc nón lá Việt Nam.

II. BÀI LÀM

Trong đời sống của người Việt Nam tự bao đời, chiếc nón lá đã là người bạn thủy chung, gần gũi, gắn liền với sinh hoạt hằng ngày. Chiếc nón che nắng che mưa cho người nông dân lúc vất vả cấy cày trên đồng ruộng hay khi đi dưới trời nắng gắt. Dưới gốc đa già, mấy bà đi chợ nghỉ chân, phe phẩy chiếc nón thay quạt cho ráo mồ hôi, râm ran trò chuyện bên bát nước chè tươi. Chiếc nón lá là vật truyền thống phổ biến trên khắp mọi miền đất nước.

Để làm ra được một chiếc nón đẹp, người thợ phải mất khá nhiều công phu, từ việc chọn lá, phơi lá đến việc khâu nón, từng đường kim mũi chỉ phải đạt đến đội khéo léo, tinh xảo.

Nguyên liệu làm nón là lá cây buông, có họ hàng với cây cọ, mọc ở trong rừng. Lá non vừa độ màu trắng sữa, gân lá màu xanh nhẹ, mặt lá bóng mượt thì nón mới đẹp.

Để đạt được tiêu chuẩn đó, lá phải được xử lí đúng quy trình kĩ thuật. Đầu tiên là việc sấy khô lá bằng than củi khoảng một đêm, rồi phơi sương từ 2 giờ đến 4 giờ cho lá mềm. Dùng một búi vải tròn đặt trong miếng gang trên bếp than nóng để ủi lá cho phẳng phiu. Chọn lá kĩ một lần nữa cho đồng màu rồi cắt bớt đầu đuôi, để độ dài còn 50 cm. Sau đó lần lượt phủ lên khuôn theo chiều dọc, ngọn lá hướng lên trên, lá nọ xếp khít lá kia. Lớp bên trong khoảng 20 lá, lớp bên ngoài gần 30 lá. Công đoạn khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Chỉ khâu nón là loại chỉ cước rất nhỏ và trong suốt. Người khâu căn cho mũi chỉ đều tăm tắp. Vành dưới mũi khâu hơi thưa, càng lên cao càng mau dần. Chiếc nón đẹp không chỉ ở màu lá hay đường kim mũi chỉ mà còn ở dáng nón có thanh tú hay không.

Ở nước ta, nhiều địa phương có nghề làm nón lá nhưng nổi tiếng nhất miền Bắc là nón làng Chuông thuộc huyện Phú Xuyên tĩnh Hà Tây. Miền Trung có nón Ba Đồn ở Quảng Bình và đặc biệt là nón bài thơ xứ Huế.

Làng Tây Hồ thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ. Việc làm nón ở đây cũng giống như nơi khác nhưng có thêm những nét sáng tạo riêng, rất Huế. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

Sao anh không về thâm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên
                               (Bài thơ đan nón)

Nghề chằm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới cũng có thể giúp chuốt vành lên khung nón. Từng sợi tre cật được vót nhẵn, uốn thành vòng tròn. Một khung nón gồm 16 vòng tròn lớn nhỏ kể từ vành lên đến chóp. Khâu nón cần đến bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo của người phụ nữ. Lúc nón đã khâu xong, trên chóp sẽ được đính thêm cái “xoài” kết bằng chỉ tơ cho đẹp và bền. Sau đó, nón được quét một lớp dầu bóng ra bên ngoài rồi hong dưới nắng nhẹ.

Điều làm nên nét đặc biệt của nón Tây Hồ chính là nón mỏng và nhẹ, màu lá trắng nền nã, dáng nón thanh tú. Nghệ nhân làm nón vốn yêu thơ phú nên đã nghĩ ra cách lồng những câu thơ hay và những cảnh sắc tiêu biểu vào giữa hai lớp lá để tôn thêm vẻ đẹp và giá trị tinh thần của nón Huế. Bởi thế nên nón Tây Hồ còn được gọi là nón bài thơ.

Từ đây, những chiếc nón bài thơ toả đi khắp các nẻo đường, đến với cuộc sống thường nhật của người phụ nữ, Chọn một chiếc nón vừa ý trong đó có bài thơ mình thích, lựa chiếc quai nón cho hợp với màu da, gương mặt... cũng là một thú vui nho nhỏ của các bà, các cô. Chiếc nón lá đã trở thành vật trang sức để làm duyên của biết bao thiếu nữ.

Ngày ngày, lúc tan trường, trên những con đường bên dòng Hương Giang, cái nắng hè oi ả như dịu lại dưới vành nón trắng nghiêng nghiêng che những khuôn mặt nữ sinh ửng hồng. Mái tóc thề óng ả xõa ngang lưng, bay bay trong gió, tà áo dài trắng phấp phới nhẹ nhàng theo mỗi bước chân. Ríu rít tiếng cười, tiếng nói ngọt ngào... Tất cả những thứ đó tạo nên nét đằm thắm, dịu dàng, rất Huế.

Đã từ lâu, tà áo dài và chiếc nón bài thơ đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và trở thành biểu tượng cho người phụ nữ cố đô. Chiếc áo dài kín đáo, thướt tha hòa hợp với vẻ thanh mảnh, nhẹ nhàng của chiếc nón lá đã tô điểm thêm nét khả ái của người con gái Huế.

Đến Huế, du khách không chỉ ngỡ ngàng, say mê trước vẻ hữu tình của sông Hương, núi Ngự hay vẻ đẹp trầm mặc, uy nghi của cung điện, đền đài, lăng tẩm, chùa chiền được xây dựng từ thời chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn mà còn xao xuyến trước những tà áo dài bay bay trong gió cùng chiếc nón bài thơ giấu nụ cười e ấp tuổi xuân thì.

Ở xứ sở nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều như Việt Nam thì chiếc nón lá là vật dụng hữu ích gắn bó thân thiết với con người. Chiếc nón che mưa, che nắng, đồng thời cũng là cái cớ cho những trái tim đang yêu bày tỏ nỗi nhớ thương da diết: Trở lại Huế thương, bài thơ khác trong chiếc nón. Anh cầm trên tay, nhớ Huế mộng mơ... Sông Hương nước chảy, tìm răng được chừ? Em nghiêng nón đợi và em hẹn hò... Anh thả chiếc nón xuống dòng sông Hương. Tìm em giữa Huế mộng, Huế mơ...

Các bài học liên quan
ĐỂ 1. Thuyết minh Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật