ĐỀ 6. Thuyết minh về các lễ hội - Hội chùa Hương

Hương Sơn là một cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng vào bậc nhất của nước ta. Ở đây cảnh đẹp thiên nhiên lại được bàn tay con người tô điểm thêm từ lâu đời bằng những công trình văn hóa, nghệ thuật tuyệt vời.

BÀI LÀM

Hương Sơn là một cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng vào bậc nhất của nước ta. Ở đây cảnh đẹp thiên nhiên lại được bàn tay con người tô điểm thêm từ lâu đời bằng những công trình văn hóa, nghệ thuật tuyệt vời. Ngày xuân trẩy hội chùa Hương là đi vào một cuộc du ngoại đầy hứng thú, du sơn, du thủy “một bức tranh tình” như Tản Đà đã viết trong thơ.

Dãy núi Hương Sơn không đẹp ở chiều cao mà đẹp ở chiều dài, chiều rộng, ở cái thế quần tụ, ở bố cục nhịp nhàng. Nhịp nhàng giữa núi với núi, lại nhịp nhàng giữa nước với nước. Những dòng suối Hương Sơn-đặc biệt là suối Yến - không đẹp ở sự mênh mông, mà đẹp ở sự buông thả hiền hòa giữa hai triền núi. Suối ở đây là bạn đường của núi.

Đường suối không xa lắm nhưng trông như không có chỗ tận cùng. Có khúc thẳng, có khúc quanh, có cái trông thấy trước, có cái đột ngột hiện ra trước mắt. Những lớp xanh xa cứ như chứa một bí ẩn gì mà suối này sẽ đưa ta tới. Thắng cảnh Hương Sơn nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Hàng năm, từ đầu tháng giêng đến nửa tháng 3 (âm lịch) mà đỉnh cao là những ngày đầu tháng hai, hàng mấy chục vạn người từ mọi miền đất nước, Việt kiều và khách ngoại quốc đổ về trẩy hội.

Những chiếc thuyền thoi (hình con thoi và cũng nhanh nhẹn đi về như con thoi) của các cô gái làng Yến Vĩ, cứ đến ngày xuân lại chở khách mười phương vào một cõi rất thực mà rất mơ. Trong trạng thái vui say đấy, ta gặp vô số những con đò nối tiếp nhau, đò vào gặp đò ra, trên đò đầy người và cũng đầy những màu sắc khăn áo, đầy những tiếng cười nói của mọi người, tiếng niệm Phật của các cụ bà, tiếng chào nhau “A di đà Phật”. Ta đồng hành với những vạt lúa xanh viền hai mép suối, với những con le le, với những con cốc thỉnh thoảng bay vụt từ mặt nước, với đàn chim sáo ríu rít trên chòm hoa gạo đỏ rực, với những đốm trắng dê núi nhảy nhót cheo leo... Các cô lái đò vừa bơi thuyền vừa trò chuyện với khách, vừa chỉ dẫn cho mọi người biết đâu là núi Đụn, núi ông Sư, núi Bà Vãi, núi Mâm Xôi, núi Gà, núi Rồng, đâu là động Tuyết Quỳnh, hang Sơn Thủy hữu tình và giải thích sao có núi Giải Oan, hòn Rẹp Rọ, chùa Cửa Võng,...

Cách đò suối chừng 600m là Chùa Trình (Ngũ Nhạc), khách vào Hương Tích như trình diện khi tới cảnh Phật và lúc ra về cũng vào chùa này như để giã từ Hương Sơn. Đi tiếp một thôi đò ta đến bến Trò (bến đò chùa ngoài). Chùa ngoài được gọi là Thiên Trù (bếp nhà Trời) được xây dựng cách đây ba thế kỉ, nằm lọt giữa một thung lũng nhỏ, chung quanh có ba quả núi cao màu xanh thẫm, trong trí tưởng tượng của người xưa là ba chân bếp của nhà Trời.

Trên đường vào chùa Trong có lối rẽ vào chùa Tiên. Chùa này thực chất là một hang đá rộng rãi, nhưng cửa ra vào lại là một khe nứt giữa một quả núi đá chỉ vừa người lách qua. Trong chùa có những pho tượng bằng đá và nhũ đá, khi gõ vào kêu như tiếng khánh, tiếng chuông. Đặc biệt có pho tượng đá, khi đặt ngọn đèn phía sau tượng thì cả pho tượng trong suốt như một khối hồng ngọc.

“Đệ nhất động” là danh hiệu cao quý mà người thời xưa đã tặng cho động - chùa Hương Tích. Theo truyền thuyết thì động là nơi Đức Phật Bà đã tu thành chính quả và đời sau các chư vị La Hán cũng tu luyện tại đây, bởi vậy mới có tên là Hương Tích.

Từ cửa động vào phía trong, ta được ngắm nhìn nhiều nhũ đá như công trình điêu khắc của thiên nhiên. Nhũ đá ở đây cổ khôi to, khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rũ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tùy theo hình thù mà được đặt những cái tên rất nôm na trần thế. Bên cạnh những công trình điêu khắc, không những trong động Hương Tích, mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Bà Quan m bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng có dáng người thiếu nữ thanh tú, mặt trái xoan, cổ cao ba ngấn, đầu đội mũ tì lư (mũ Bồ Tát), nhưng lại có búi tóc và tóc mai; sau lưng cũng có hai núm tóc buông xuống. Tà áo mềm mại. Chỗ ngồi giống như một tầng đá xù xì, lại cũng giống như một gốc cây cổ thụ. Chân trái để trần đặt lên một bông sen nở. Chân phải co lên. Hai chân co duỗi thật là thoải mái. Tay phải tựa vào chỗ gồ lên của tảng đá. Tay trái cầm một viên minh châu. Bên cạnh bông sen dưới chân, lá sen tỏa ra mềm mại như có gió lay động. Phía trong động còn có đường “lên trời”, đường xuống “Địa Phủ”, Muốn thăm hết cảnh Hương Sơn, khách trẩy hội còn phải leo lên chùa Hinh Bồng (trên đỉnh núi bên phải chùa Thiên Trù) và động chùa Long Vân. Khách khỏe chân có thể đi tiếp một tuyến khách - tuyến suối Tuyết đưa khách đến chùa Bảo Đài. Từ Bảo Đài đi bộ đến động chùa Tuyết Sơn. Cửa chùa trông ra cánh đồng lúa chiêm xanh mượt, lại bám sát những dải núi, hòn đậm, hòn nhạt, tạo nên màu sắc hòa hợp của bức tranh khổng lồ.

Từ giã Hương Sơn, khách có quà “rau sắng chùa Hương” nấu canh ngon có tiếng. Có mơ Hương Tích quả nhỏ, giòn chỉ chua mà không chát, ngan ngát hương thơm. Quả lạc tiên và những khúc mai già đun nước uống giúp dễ ngủ và sảng khoái. Có khánh, có tượng Phật Bà, có các tập thơ và những áng văn hay viết về cảnh Hương Sơn còn lưu truyền muôn thuở.

Các bài học liên quan
ĐỂ 1. Thuyết minh Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn bản Tôi đi học

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật