ĐỀ 2. Giới thiệu danh lam thắng cảnh: vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là một phần rìa của đại lục châu Á bị đứt gãy và chìm xuống biển cách đây nhiều triệu năm. Nơi sâu nhất không quá 200m. Mặt vịnh rộng 1.500 km2, có hàng ngàn đảo đá muôn hình muôn vẻ.

I. DÀN Ý

1. Mở bài

* Giới thiệu chung:

- Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, được đánh giá là kì quan thiên nhiên thế giới.

- Người dân quê em rất tự hào về những cảnh có vẻ đẹp thần tiên này.

2. Thân bài

* Thuyết minh về vịnh Hạ Long:

* Lịch sử hình thành:

- Vịnh Hạ Long là một phần rìa của đại lục châu Á bị đứt gãy và chìm xuống biển cách đây nhiều triệu năm. Nơi sâu nhất không quá 200m. Mặt vịnh rộng 1.500 km2, có hàng ngàn đảo đá muôn hình muôn vẻ.

+ Xuất xứ tên gọi:

- Hạ Long có nghĩa là rồng xuống. Truyền thuyết kể rằng: ngày xưa, một lần giặc ngoại xâm phương Bắc tràn sang cướp nước ta, Trời đã sai mẹ con rồng xuống giúp dân đánh giặc.

- Chỗ rồng mẹ đáp xuống gọi là Hạ Long, chỗ đàn rồng con đáp xuống gọi là Bái Tử Long, chỗ giống đuôi rồng quất lên gọi là Bạch Long Vĩ.

3. Kết bài

* Cảm nghĩ của em:

- Vinh Hạ Long của Việt Nam xứng đáng là kì quan thiên nhiên thế giới.

- Hằng năm, vịnh Hạ Long thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thăm.

BÀI LÀM

Cái tên Hạ Long có từ thuở xa xưa. Truyền thuyết kể rằng có một lần, bước ta bị xâm lăng, Trời liền sai đàn rồng thiêng xuống giúp dân ta chống giặc. Trong lúc quân giặc ào ạt tấn công thì đàn rồng bay xuống như vũ bão, phun lửa thiêu cháy quân thù, nhấn chìm chúng xuống đáy biển sâu. Sau chiến thắng, đàn rồng thấy phong cảnh đẹp đẽ nên ở lại và hóa thành các đảo đá. Nơi rồng mẹ đáp xuống là vịnh Hạ Long, chỗ đàn rồng con đáp xuống là Bái Tử Long. Như vậy, theo quan niệm của người xưa thì vịnh Hạ Long là đất thần tiên.

Về mặt địa lí, vịnh Hạ Long là một phần của vịnh Bắc Bộ, nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Tây Nam giáp với quần đảo Cát Bà, phần giáp đất liền dài 120 km. Tổng diện tích của vịnh khoảng 1.500 km2, gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có gần 1.000 đảo đã được đặt tên.

Từ bến cảng Hạ Long, tàu hoặc thuyền buồm của công ti du lịch sẽ đưa du khách vào cuộc hành trình ngao du sơn thuỷ. Các đảo trong vịnh có hai dạng: đảo đá vôi và đảo phiến thạch tập trung ở hai vùng chính là vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long, có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm. Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu thì khoảng nửa tỉ năm về trước, một phần rìa lục địa châu Á bị sụp xuống, nước biển tràn vào thành vịnh. Những núi đá vôi mưa gió đã bào mòn núi đá, tạo ra nhiều hang động.

Cách thành phố Hạ Long khoảng 8 km là đảo Vạn Cảnh hay còn gọi là đảo Canh Độc. Đảo Vạn Cảnh cao 189m, hình dáng giống như một chiếc ngai vua. Đảo có hai hang động tuyệt đẹp là hang Đầu Gỗ nằm chênh vênh trên cao và động Thiên Cung kì bí ăn thông với nhau bằng những lối đi quanh co, uốn lượn dài khoảng hơn trăm mét.

Du khách vào thăm động Thiên Cung sẽ bị quyến rũ bởi vẻ đẹp lộng lẫy và đa dạng của những kiệt tác chỉ có thể được làm ra từ bàn tay tạo hóa.

Từ trên vòm động, vô vàn nhũ đá rủ xuống và trên vách động có nhiều hình thù kì lạ. Có những nhũ đá trông giống như hai vị thần Nam Tào, Bắc Đẩu hoặc tiên nữ đang múa hát. Có khối mang hình người, hình chim, hoa, muông thú rất sống động... Hết động Thiên Cung cũng là lúc du khách bước sang hang Đầu Gỗ hay còn gọi là hang Giấu Gỗ. Đây là chứng tích ghi lại chiến công năm xưa của vị tướng tài ba Trần Hưng Đạo, chỉ huy quân sĩ chôn cọc gỗ lim dưới lòng sông Bạch Đằng, đâm thủng đoàn thuyền vận tải lương thực của quân Nguyên Mông. Cửa hang ở lưng chừng núi, bên trong hang cổ nhiều trụ đá lởm chởm với nhiều hình dạng. Vách hang thẳng đứng, lòng hang tối mờ, sâu thẳm, bất chợt có khoảng sáng hiếm hoi rọi qua giếng trời trên trần động. Cảnh vật hiện ra mờ mờ ảo ảo. Đứng trước cửa hang Đầu Gỗ, du khách phóng tầm mắt nhìn xuống bến thuyền, tha hồ ngắm nhìn trời mây, non nước. Những con thuyền dập dềnh soi bóng trên mặt biển trong xanh. Tất cả tạo thành bản tình ca bất tuyệt của thiên nhiên với đủ cung bậc bâng khuâng, trữ tình. Ngoài hai hang động trên, du khách còn được tham quan các hang động khác cũng đẹp và quyến rũ không kém như hang Bồ Nâu, Trinh Nữ, Mê Cung, Hoa Cương...

Thú vị vô cùng là lúc con thuyền lướt sóng đưa du khách thăm rừng đảo đá. Gió từ biển Đông thổi vào hòa quện với hơi lạnh từ các dãy núi đá đưa mùi hương thơm ngát của các loài hoa đang nở rộ. Không khí trong vịnh thật trong lành và dễ chịu.

Thoạt nhìn, tưởng chừng rừng đảo đá âm u, đơn điệu sẽ làm cho khách tham quan e ngại, nhưng càng đến gần, vẻ đẹp của từng hòn đảo càng hiện ra rõ nét. Một thế giới của các loài vật hóa đá với những tên gọi: hòn Đại Bàng, hòn Rồng, hòn Con Chó Gác Biển, hòn Yên Ngựa, hòn Con Cóc, hòn Con Môi... Rồi đảo Đầu Người, đảo Ông Lã Vọng... Có đảo chạy dài nhấp nhô như bức tường thành chắn sóng. Bàn tay điêu khắc kì tài của tạo hóa đã làm cho cảnh sắc Hạ Long không chỉ đẹp đẽ mà còn phong phú và đa dạng. Sự kì vĩ của núi đá nối liền với sự dịu dàng, mát mẻ của sóng nước tạo ra vẻ đẹp sâu lắng, trầm mặc, cuốn hút hồn người.

Vịnh Hạ Long còn làm say mê các nhà nghiên cứu sinh vật học vì nơi đây tập trung nhiều hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rừng cây nhiệt đới với hàng ngàn loài động vật trên rừng, dưới biển. Đến thăm Hạ Long, du khách không chỉ ngắm nhìn vẻ đẹp của rừng, của biển mà còn suy ngẫm về một truyền thống lịch sử rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Trên vùng biển Đông Bắc nước ta, vịnh Hạ Long như một viên ngọc bích khổng lồ phản ánh vẻ đẹp kì diệu và vĩnh hằng của thiên nhiên. Ngày 17 - 12 1 1994, tại Thái Lan, Hội đồng Di sản Thiên nhiên Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên của toàn nhân loại.

Các bài học liên quan
Văn bản Tôi đi học

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật