ĐỀ 53. Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ (trích trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố)

Bối cảnh của câu chuyện Tắt Đèn diễn ra trong một không gian chật hẹp của một ngôi làng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam trong mùa sưu thuế. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Ngô Tất Tố đã lột trần và phơi bày trước mắt chúng ta bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị, qua đó phản ánh số phận bi thảm của người nông dân.

BÀI LÀM

Ngô Tất Tố (1893 - 1954) quê ở Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, xuất thân trong một nhà nho gốc nông dân. Ông là học giả có nhiều công trình khảo cứu về triết học, văn học cổ có giá trị, một nhà báo nổi tiếng với rất nhiều bài báo mang khuynh hướng dân chủ tiến bộ và giàu tính chiến đấu, là nhà văn hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước cách mạng tháng Tám. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm xuất sắc như Lều chõngViệc làng và đặc biệt là tiểu thuyết Tắt đèn.

Bối cảnh của câu chuyện Tắt Đèn diễn ra trong một không gian chật hẹp của một ngôi làng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam trong mùa sưu thuế. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Ngô Tất Tố đã lột trần và phơi bày trước mắt chúng ta bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị, qua đó phản ánh số phận bi thảm của người nông dân. Có thể nói Tắt đèn là bức tranh về xã hội nông thôn Việt Nam trong thời kì Pháp thuộc.

Các nhân vật của Ngô Tất Tố như bước từ ngoài đời vào trang sách của ông một cách cụ thể và sinh động. Từ vợ chồng Nghị Quế keo kiệt, tham lam và bất nhân cho tới bọn cường hào tham lam hống hách. Từ quan “phụ mẫu” oai vệ và bỉ ổi cho tới bọn đầu trâu mặt ngựa. Tuy mỗi đứa mang một dáng vẻ khác nhau, địa vị khác nhau nhưng cùng chung một bản chất tàn ác và tư cách đê tiện. Những nhân vật phản diện này tiêu biểu cho tầng lớp phong kiến thống trị ở nông thôn đương thời.

Có nhiều nhà phê bình khi nhận xét về tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố cho rằng nhà văn đã xây dựng thành công một tượng đài nghệ thuật về với phụ nữ nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Quả đúng như vậy. Ngô Tất Tố đã khắc họa thành công nhân vật chị Dậu thành một nhân vật điển hình. Người phụ nữ nông thôn này có một số phận buồn tủi, bị dồn vào bước đường cùng phải bán con bán chó, nhưng chị vẫn không bán rẻ chất của mình. Dù sống trong hoàn cảnh tối tăm ngột ngạt, thiếu thốn, những phẩm chất người phụ nữ ấy vẫn không mất đi mà còn tỏa sáng.

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ trích từ chương XVIII của tác phẩm, nội dung xoay chung quanh những biến động ghê gớm xảy ra trong gia đình nhà chị Dậu trong mùa sưu thuế.

Vụ thuế đang ở thời điểm gay gắt nhất, quan trên sắp về tận làng để đốc thuế, bọn sai nha hung hãn xông vào nhà những người chưa đóng thuế để đánh trói bắt bớ và tiếp tục giải ra đình để tra khảo, cùm kẹp. Gia đình chị Dậu thuộc dạng “nhất nhì trong hạng cùng đinh”. Suốt mấy ngày chị đã chạy ngược chạy xuôi để có tiền nộp sưu cho anh Dậu. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai xông đến đánh trói lôi ra đình cùm kẹp. Để có tiền đóng thuế cứu người chồng đang bệnh tật bị bọn sai nha hành hạ, chị Dậu đã phải bán khoai, bán chó và bán đi cả đứa con gái đầu lòng vừa mới lên bảy cho lão Nghị Quế bên thôn Đoài mới đủ tiền để nộp sưu cho chồng. Tưởng như thế là đủ và anh Dậu sẽ được thoát, nào ngờ bọn hào lí ngang ngược lại bắt anh Dậu phải nộp thêm suất cho người em trai đã chết từ năm ngoái. Thành thử, anh Dậu vẫn là người thiếu thuế. Bọn chúng chắc chắn sẽ không buông tha, dù anh Dậu còn ốm rề rề sau trận đòn tưởng đã chết đêm qua. Nếu bị đánh đập nữa thì mạng sống của anh khó mà giữ được. Chị Dậu sẽ làm thế nào để bảo vệ người chồng trong tình trạng nguy ngập này. Đoạn trích này là phần tiếp nối của câu chuyện.

Mở đầu đoạn trích là cảnh chị Dậu đang chăm sóc người chồng ốm yếu bị bọn hào lí trong làng đánh đập dã man vì thiếu tiền nộp sưu. Dù đã phải vất vả ngược xuôi lo tiền bạc cứu chồng nhưng không vì thế mà khiến chị Dậu trở nên cau có, gắt gỏng. Chị múc cháo cho chồng vào một cái bát mẻ rồi quạt lia lịa cho chóng nguội rồi ân cần mời mọc: “Thầy- em cố dậy húp tí cháo cho đỡ xót ruột”. Rồi chị ngồi xuống chờ xem chồng ăn có ngon miệng không? Trong lời nói và ánh mắt của người vợ nghèo ấy toát lên một tình cảm tha thiết đến nao lòng.

Chồng bị bắt bớ giam cầm, gánh nặng gia đình giờ đây đặt lên vai chị. Chị đã bán đi tất cả những gì có thể bán được, thậm chí cả đứa con gái của mình. Chị đã đổ biết bao mồ hôi công sức mới có đủ tiền để chồng được tự do, ngờ đâu gia đình chị đã được yên ổn. Nào ngờ lúc anh Dậu “run rẩy cất bát cháo anh mới kề vào miệng” thì “cai lệ và người nhà lí trưởng sầm sập tiến vào với những roi song tay thước và dây thừng”. Hoảng quá, anh Dậu đặt bát cháo xuống phản và lăn đùng ra đó không nói gì được nữa. Bây giờ đây chỉ còn mình chị Dậu đối phó với bọn ác nhân.

Lúc đầu, khi bọn sai nha ập tới và định lôi anh Dậu đi nhưng chưa hành hung mà chỉ chửi bới mỉa mai, đe dọa thì chị Dậu vẫn nhún nhường van xin tên cai lệ. Bọn này nhân danh phép nước để ra tay còn chồng chị là hạng cùng đinh đang có tội cho nên chị phải van xin. Dù tên cai lệ cỡ bằng tuổi mình nhưng chị Dậu vẫn một hai gọi “ông” xưng “con”. Đây là cách xưng hô của kẻ dưới đối với người trên, biểu hiện sự hạ mình. Bỏ ngoài tai những lời van xin tha thiết của chị Dậu, bọn đầu trâu mặt ngựa vẫn Xồng xộc xông vào trói anh Dậu. Chị Dậu xám mặt chạy lại đỡ tay của hắn tiếp tục van nài “Cháu xin ông”. Mọi hành động và lời nói chỉ hướng vào một mục đích là bảo vệ chồng.

Nhưng bọn người mất nhân tính đó vẫn không buông tha cho chồng chị, đã thế hắn còn bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi sấn lại chỗ anh Dậu. Lúc này thì chị không thể chờ đợi vào lòng thương hại của bọn chúng được nữa, bằng mọi giá chị phải bảo vệ chồng nên chị đã liều mạng cự lại: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Đây là giới hạn của sự chịu đựng bị phá vỡ thì tính cách cứng cỏi của chị Dậu mới thật sự bộc lộ. Sự bùng nổ tính cách này là kết quả tất yếu của quá trình chịu đựng lâu dài sự tàn ác, bất công. Điều đó đúng với quy luật “có áp bức có đấu tranh”. Người đọc xót thương một chị Dậu phải hạ mình van xin bao nhiêu thì càng đồng tình, nể phục một chị Dậu cương quyết bấy nhiêu.

Lúc này cách xưng hô của chị Dậu cũng khác, không còn ông cháu, kẻ trên người dưới nữa mà là ông tôi, vị trí bây giờ là ngang nhau. Từ vị trí thấp hèn của kẻ dưới, chị Dậu bỗng vụt ngang hàng với kẻ xưa nay vẫn thường đè đầu cưỡi cổ mình. Câu nói của chị là lời cảnh cáo cứng rắn nhưng vẫn hợp tình hợp lí. Nhưng xem ra tên cai lệ chẳng đoái hoài gì tới chuyện đó, bản chất hống hách, bắt nạt người khác của hắn không hề lung lay trước câu hỏi chính đáng của chị. Để chứng tỏ uy quyền của mình, hắn tát vào mặt chị Dậu một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu. Thương chồng chị đã bất chấp tất cả để bảo vệ chồng, có lẽ bọn tay sai không thể nào hiểu được vì sao chỉ một người phụ nữ ấy thôi, lúc trước còn nài nỉ van xin, yếu ớt như thế mà giờ đây lại trở nên dữ dằn quyết liệt như thế? Hình như đứng trước mặt chúng không còn là chị Dậu yếu ớt nữa mà là một chị Dậu khác, kiên quyết và cứng rắn. Hai hàm răng chị nghiến chặt lên tiếng thách thức: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà sẽ cho mày xem”.

Chưa dừng ở đó “chị còn túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền. Hắn ngã chỏng quèo”. Còn tên người nhà lí tưởng hung hăng thì bị “chị túm được gậy”, “túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm”. Cơn tức giận của chị Dậu đã lên đến tột đỉnh và bất chấp hậu quả, chị đã hành động. Lời thách thức đó của chị không chỉ dành riêng cho tên cai lệ mà cho cả cái xã hội phong kiến thối nát đó. Người phụ nữ này vốn hiền lành là vậy nhưng khi cần chị vẫn có thể sẵn sàng xả thân để bảo vệ gia đình thân yêu của mình. Ở đâu mà chị Dậu có được sức mạnh đó? Có lẽ nó xuất phát từ lòng căm hờn và tình yêu thương người chồng đang bệnh nặng của mình, xuất phát từ sự tức giận khi bị áp bức. Tình yêu chồng con cùng với tinh thần phản kháng âm ỉ bấy lâu nay tạo thành ngọn lửa căm hờn khiến chị hành động. Nỗi lo sợ của chị biến mất thay vào đó là hành động phản kháng mãnh liệt. Thế ta mới biết ẩn đằng sau thân hình mảnh mai tưởng như yếu ớt đó là cả một sức mạnh phi thường. Đoạn văn miêu tả đoạn đối đầu giữa chị Dậu và lũ người độc ác được tác giả miêu tả rất sinh động và thú vị. Trong cái xã hội mà cái ác luôn chiến thắng đó, còn gì hả hê hơn khi được chứng kiến cảnh cái ác bị trừng trị thích đáng?

Tuy nhiên hành động của chị Dậu chỉ là hình ảnh tức nước vỡ bờ của một cá nhân chứ không phải là hành động vùng lên phá vỡ áp bức đấu tranh để tự giải phóng của một giai cấp, một dân tộc. Thế nhưng nó cũng chứng minh cho quy luật có áp bức thì có đấu tranh.

Chứng kiến cảnh đánh nhau giữa vợ mình với bọn cai lệ và người nhà lí trưởng, anh Dậu sợ quá muốn dậy can vợ, nhưng mệt lắm, ngồi lên lại nằm xuống vừa run kêu: u nó không được thế! Người ta đánh mình thì không sao, mình đánh người ta thì phải tù, phải tội. Lời nhắc vợ của anh Dậu đối với vợ cho ta thấy một nghịch lí của xã hội bấy giờ, người ta có thể đánh mình đến thừa sống thiếu chết, nhưng mình không thể đánh người ta dù rằng chỉ để tự vệ. Trong cái xã hội đó, cái đúng, cái chân lí thuộc về kẻ mạnh, nhưng chị Dậu không chấp nhận điều đó, hay chị bất chấp tất cả, kiên quyết nói: “Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi chịu không được”. Đó là lời tuyên bố đanh thép của chị Dậu đối với xã hội đó, dù phải đi tù chị cũng không chấp nhận cúi đầu nhịn nhục mãi.

Ngô Tất Tố thông qua tác phẩm này đã dự báo cơn bão táp của quần chúng nông dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ sẽ hất phăng chế độ thực dân phong kiến tham tàn, mục nát.

Nhân vật cai lệ trong đoạn trích tiêu biểu cho lũ tay sai chuyên nghiệp, hắn chính là tay sai đắc lực cho bộ máy phong kiến. Dù là tay sai mạt hạng trong guồng máy áp bức đó nhưng hắn hống hách, hung dữ vội cùng. Hắn nhân danh nhà nước để làm những điều tàn ác với dân nghèo.! Tuy chỉ xuất hiện trong một đoạn văn ngắn nhưng nhân vật cai lệ được ngòi bút tả thực của tác giả đã khắc họa nổi bật, có giá trị khái quát cao.

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ là một đoạn văn hay, tiêu biểu cho bút pháp tả thực tài tình của Ngô Tất Tố. Ngôn ngữ kể chuyện miêu tả và đối thoại của nhân vật rất đặc sắc. Đó là lời ăn tiếng nói bình dị, tự nhiên của đời sống hàng ngày. Mỗi nhân vật có một ngôn từ riêng, ngôn ngữ của tên cai lệ thì thô lỗ, hống hách. Lời lẽ của chị Dậu khi thì thiết tha, mềm mỏng khi thì đanh thép quyết liệt.

Ngô Tất Tố đã dành cho nhân vật chị Dậu một tình cảm yêu thương, thông cảm trân trọng. Dù cuộc sống khó khăn và thiếu thốn thế nào thì ông cũng không để cho nhân vật này đánh mất nhân cách của mình. Người phụ nữ mộc mạc, hiền dịu, đầy vị tha, sống khiêm nhường, biết nhân nhượng và nhịn nhục ấy có một sức sống mãnh liệt, một tinh thần phản kháng tiềm tàng. Một người yêu chồng yêu con hết mực, sẵn sàng xả thân hi sinh vì gia đình ấy đã sống mãi trong lòng người đọc cho đến tận ngày hôm nay.

Các bài học liên quan
ĐỀ 49. Cảm nhận về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.
ĐẾ 48. Hình ảnh Ông đồ trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.
ĐỀ 47. Phân tích bài thơ Ông đề của Vũ Đình Liên.
ĐẾ 46. Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.
ĐỀ 45. Phân tích hình tượng con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật