BỨC THƯ CỦA THỦ LĨNH DA ĐỎ

Qua bức thư trả lời yêu cầu mua đất của Tổng thống Mĩ Phreng-klin, thủ lĩnh người da đỏ Xi-at-tơn đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa toàn nhân loại: Con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, phải chăm lo bảo vệ môi trường như bảo vệ mạng sống của chính mình.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Qua bức thư trả lời yêu cầu mua đất của Tổng thống Mĩ Phreng-klin, thủ lĩnh người da đỏ Xi-at-tơn đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa toàn nhân loại: Con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, phải chăm lo bảo vệ môi trường như bảo vệ mạng sống của chính mình.

- Bức thư được viết bằng một giọng văn đầy sức truyền cảm, bằng lối sử dụng phép so sánh, nhân hóa, điệp ngữ phong phú, đa dạng.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Bài văn trên thuộc văn bản nhật dụng. Đây là một văn bản có nội dung hết sức phong phú, có thể khai thác, phân tích để làm rõ ý nghĩa nhiều mặt: chính trị, xã hội, dân tộc học, triết học,... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra một cách nổi bật nhất, có ý nghĩa nhất, mang tính thời sự đối với cuộc sống của con người hôm nay nhất là vấn đề quan hệ giữa con người với tự nhiên xét từ góc độ môi trường và sinh thái.

- Năm 1954, Tổng thống thứ 14 của nước Mĩ là Phreng-klin Pi-ơ-xơ tỏ ý muốn mua đất của người da đỏ. Thủ lĩnh Xi-át-tơn đã gửi thư này trả lời. Đây là một bức thư nổi tiếng nói về chuyện mua bán đất đai cách đây hơn 150 năm, được nhiều người coi là một trong những văn bản hay nhất về thiên nhiên và môi trường.

Bức thư của thủ lĩnh da đỏ là một bức thư được viết ra bằng lời văn đẹp, trữ tình, cảm động, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

Người da đỏ đã yêu thiên nhiên, đất đai quê hương họ bằng một tình yêu kì lạ. Từ tấc đất, bờ cát, lá thông óng ánh, hạt sương long lanh cho đến bãi đất hoang, tiếng thì thầm của côn trùng đều thiêng liêng trong kí ức họ. Một sự giao hòa tuyệt đẹp giữa con người và thiên nhiên. Thiên nhiên và con người gắn bó, hòa đồng với nhau như một đại gia đình (qua các từ ngữ thân thuộc: bà mẹ, người chi, người cha, tổ tiên, cha ông, anh em, mẹ đất, anh em bầu trời, đứa con của đất,...). Đối với người da đỏ, thiên nhiên là bà mẹ lớn nuôi dưỡng họ, họ đồng thời là một phần của thiên nhiên.

Ngược lại, người da trắng, đối với đất, là một kẻ xa lạ, mảnh đất là kẻ thù của họ. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiên đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc.

- Nếu biện pháp đối lập làm cho ý nghĩa bức thư sâu sắc hơn, đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường cấp thiết hơn thì việc dùng điệp ngữ lại làm cho câu văn thêm nhịp nhàng, giọng điệu bức thư thêm sôi nổi, thiết tha, bộc lộ tình yêu đất đai và thiên nhiên của người viết.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Đọc đoạn đầu bức thư: từ Đối với đồng bào tôi đến tiếng nói của cha ông chúng tôi.

a) Hãy chỉ ra những phép so sánh và nhân hóa được dùng.

b) Hãy nêu lên tác dụng của phép so sánh và nhân hóa đó, đặc biệt là trong việc làm nổi bật quan hệ giữa người da đỏ với “Đất", với thiên nhiên.

Gợi ý:

a) Hình ảnh nhân hóa:

- Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ; những bông hoa hương là người chị, người em; người da đỏ, mỏm đá, vũng nước, chú ngựa đều chung một gia đình.

Hình ảnh so sánh:

- Nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối là máu của tổ tiên; tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông.

b) Việc sử dụng các biện pháp nêu trên thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước ở đây khá đặc biệt. Bức thư không đặt ra vấn đề nếu mất nước thì sẽ dẫn đến cảnh dân chúng bị tàn sát, nền văn hóa của dân tộc sẽ bị hủy hoại... Bức thư chỉ đặt ra vấn đề đất đai, thiên nhiên và môi trường ngầm phản ứng việc xâm lược của kẻ thù, của nền cơ khí công nghiệp tàn phá hủy hoại môi trường, của lòng tham con người v.v...

2. Có hai thái độ, hai cách ứng xử với thiên nhiên, đất đai, môi trường đối lập nhau. Hai thái độ, hai cách ứng xử đó là gì?

Gợi ý:

- Chủ nghĩa tư bản đã khai thác cùng kiệt đất đai, hủy hoại môi trường; lối sống thực dụng vì lợi nhuận, quyền lợi trước mắt.

- Những người yêu nước, những người da đỏ quý trọng và bảo vệ đất đai, môi trường để có một xã hội phát triển bền vững.

3. Bức thư đã đã sử dụng rất nhiều yếu tố của phép lặp. Hãy thống kê và chỉ ra tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm của chúng?

Gợi ý:

Lặp từ ngữ: mảnh đất, tôi biết, dòng nước, người da đỏ, người da trắng...

Lặp kiểu câu:

- Nếu chúng tôi bán ... Ngài phải…

- Ngài phải dạy...

- Ngài phải bảo...

- Ngài phải biết...

Tác dụng: Chỉ ra được sự đối lập giữa người da trắng và người da đỏ.

Qua đó, thể hiện cách sống và thái độ khác nhau giữa người da đỏ và người da trắng.

4. Hãy giải thích vì sao một bức thư nói về chuyện mua bán đất đai cách đây một thế kỉ rưỡi nay vẫn được nhiều người xem là một trong những văn bản hay nhất nói về thiên nhiên và môi trường?

Gợi ý:

- Người da đỏ, dù là thủ lĩnh Xi-át-tơn, cũng không thể có được ý thức đầy đủ, xét từ góc độ khoa học, về vấn đề bảo vệ thiên nhiên, môi trường như nhận thức của chúng ta hiện nay. Nhưng tinh thần của bức thư, nội dung chính của bức thư lại nói về vấn đề bảo vệ môi trường, thiên nhiên một cách đầy đủ và thuyết phục.

- Xuất phát điểm của bức thư trước hết vẫn là tình yêu quê hương, đất nước. Cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước ở đây khá đặc biệt. Bức thư không đặt ra vấn đề nếu mất nước thì sẽ dẫn đến cảnh dân chúng bị tàn sát, nền văn hóa của dân tộc sẽ bị hủy hoại... Bức thư chỉ đặt ra vấn đề đất đai, thiên nhiên và môi trường ngầm phản ứng việc xâm lược của kẻ thù, của nền cơ khí công nghiệp tàn phá hủy hoại môi trường, của lòng tham con người v.v...

Bức thư nói về mua bán nhưng không thấy nói đến việc có đồng ý bán hay không, không thấy nói về giá cả. Bức thư chỉ đề cập đến việc bán mua chỉ theo kiểu giả thiết, nhưng cũng chỉ lấy cớ, tạo đà, tạo thế để thủ lĩnh da đỏ trình bày quan điểm của mình.

- Thủ lĩnh da đỏ không chỉ đề cập đến đất mà đề cập đến những gì liên quan tới đất như môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên. Những hiện tượng này làm cho đất có ý nghĩa, có giá trị hơn.

Thế kỉ XXI đang đặt ra một cách cấp bách vấn đề môi trường trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt, môi trường thiên nhiên đang bị ô nhiễm, rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Đó là bối cảnh khiến cho bức thư của Xi-át-tơn trở thành một văn bản có giá trị về thiên nhiên, môi trường.

Các bài học liên quan
CÂU TRẦN THUẬT ĐƠN CÓ TỪ LÀ
LAO XAO
LÒNG YÊU NƯỚC
CÂU TRẦN THUẬT ĐƠN
CÂY TRE VIỆT NAM
CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA CÂU
CÔ TÔ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật