Đề: Hình ảnh con sông Đà được miêu tả như thế nào trong bài tùy bút Người lái đò trên Sông Đà của Nguyễn Tuân?

Tác phẩm Sông Đà với mười lăm tùy bút, kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc vào năm 1958 của Nguyễn Tuân, đã ghi nhận nhiều bức tranh sinh động và nhiều hình ảnh nghệ thuật đầy sắc hấp dẫn, đậm đà cảm hứng lãng mạn trong sáng.

BÀI LÀM

Tác phẩm Sông Đà với mười lăm tùy bút, kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc vào năm 1958 của Nguyễn Tuân, đã ghi nhận nhiều bức tranh sinh động và nhiều hình ảnh nghệ thuật đầy sắc hấp dẫn, đậm đà cảm hứng lãng mạn trong sáng. Một trong các tùy bút đó là Người lái đò Sông Đà. Bài văn đầy ắp những tư liệu địa lí, lịch sử những ngọn nguồn của Sông Đà, những địa thế đặc biệt, những con thác dữ, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân vùng cao Tây Bắc. Đồng thời miêu tả hình ảnh con Sông Đà bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo.

Đầu tiên là hình ảnh con Sông Đà hung bạo. Nét dữ dội đầu tiên của con sông là những thác nước gầm réo muôn đời:

Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.

Con sông chợt trở nên hung bạo hơn khi sóng nước reo hò làm thanh viện cho đá, mặt nước hò la vang dậy quanh mình ùa vào mà bẻ gãy cán chèo (...). Có lúc chúng đội cả thuyền lên.

Ngoài nét hung bạo, con Sông Đà còn hiểm ác. Có những quãng sông đầy thác ghềnh, lòng sông như bày một thạch trận chực nuốt chìm những con thuyền non tay lái: Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền...

Phép nhân hóa được tận dụng để tả thạch trận mà khúc sông đã bày ra theo một chiến thuật hiểm ác:

Vòng đầu vừa rồi nói mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh này nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn.

Bên cạnh hình ảnh hung bạo, hiểm ác là hình ảnh con sông Đà hiền hòa, thơ mộng, hai bờ sông tràn đầy cảnh sắc tươi vui. Con sông thơ mộng được mô tả từ trên cao: Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc... Nước sông đổi thay tùy mùa tiết: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích... Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ...

Ngoài nét thơ mộng, con Sông Đà còn mang vẻ hiền hòa. Có những quãng sông lặng lờ: Hình như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi và bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm tích tuổi xưa. Nét ẩn hiền hòa ấy làm cho cảnh vật trở nên gợi cảm, làm cho khách trên đó chợt mơ màng như nghe tiếng con hươu đang thủ thỉ: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương” của một chuyến xe lửa đầu tiên trong tưởng tượng của tác giả. Biện pháp nhân hóa và ẩn dụ được vận dụng: Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò, mình nở chạy buồm vải...

Hai bờ Sông Đà tràn ngập cảnh sắc tươi vui của một cuộc sống mới đang bắt đầu. Nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa (...) một đàn hươu cúi đầu ngọn búp cỏ tranh đẫm sương đêm (...), đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi.

Nhìn chung, cái đẹp của Sông Đà có khi do những nét hùng tráng, dữ dội, có khi từ những dáng nét, thanh sắc êm dịu, mượt mà được thể hiện bằng nghệ thuật miêu tả độc đáo, tài hoa với những hình ảnh chọn lọc, từng ngôn từ chăm chút, câu, đoạn văn giàu tính nhạc.

Qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, hình ảnh Sông Đà cùng cảnh núi rừng Tây Bắc trở thành những công trình nghệ thuật đầy nét gợi cảm, quyến rũ. Đó là cái tình của Nguyễn Tuân. Nhà văn nhìn thiên nhiên và con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt, đồng thời cảm nhận thiên nhiên và con người ở cả phương diện thẩm mĩ, tài hoa. Tình cảm riêng đó của nhà văn qua Người lái đò Sông Đà đã hòa với tình cảm chung của nhân dân với niềm tin yêu cuộc sống mới.

Các bài học liên quan
Đề: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:  Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc... Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật