Con trâu ở làng quê Việt Nam

Trâu Việt Nam được thuần hóa từ trâu rừng. Lông trâu màu xám hay xám đen. Trên đầu nó là một đôi sừng rất oai vệ. Thân hình nó rất to, lực lưỡng, vạm vỡ, mông dốc, bầu vú nhỏ. Còn chân nó có guốc bao bọc. Tuy lông đen nhưng nó cũng có hai đai màu trắng: dưới cổ và chỗ xương ức.

BÀI LÀM 1

Đã từ lâu đời, trâu là loài vật gắn bó, quen thuộc với đồng ruộng và người nông dân Việt Nam. Hình ảnh những chú trâu thân thiện cũng vì thế đã đi vào ca dao, dân ca:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Trâu Việt Nam được thuần hóa từ trâu rừng. Lông trâu màu xám hay xám đen. Trên đầu nó là một đôi sừng rất oai vệ. Thân hình nó rất to, lực lưỡng, vạm vỡ, mông dốc, bầu vú nhỏ. Còn chân nó có guốc bao bọc. Tuy lông đen nhưng nó cũng có hai đai màu trắng: dưới cổ và chỗ xương ức. Trâu là loại gia súc gắn bó với nông dân và có rất nhiều lợi ích.

Từ xa xưa trâu đã được dùng để làm việc. Nó vừa là công cụ, vừa là người bạn quanh năm trong suốt quá trình lao động, sản xuất. Đặc biệt trong công việc, nó trở thành một cánh tay đắc lực của người nông dân. Cứ khi gà gáy, nó lại cùng người nông dân ra đồng. Vì có sức khoẻ, nó có thể cày bừa ruộng. Ta thường bắt gặp cảnh tượng "con trâu đi trước, cái cày theo sau" ở làng quê. Trâu đi đằng trước kéo theo cái cày. Còn người nông dân đi theo sau, cầm cày và điều khiển nó đi hay dừng, rẽ trái hay rẽ phải. Thỉnh thoảng, người nông dân lại lấy roi quật nó khi nó không nghe lời. Không có nó chắc người nông dân sẽ càng vất vả trong việc đồng áng. Khi thu hoạch, nó lại được giao cho công việc kéo xe. Nào thóc, lúa, rơm, rạ đều được nó kéo mang về, chất đầy sân nhà. Nếu cày bừa là công việc chính của trâu thì trên miền núi nó còn kéo gỗ. Nó kéo rất tài tình trên những đoạn đường gồ ghề.

Ngoài sức kéo, trâu còn cung cấp cho con người nhiều sản phẩm của mình. Da trâu được dùng để căng mặt trống. Thịt trâu chứa nhiều chất đạm, chiếm tới 42% trọng lượng cơ thể. Sữa trâu cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, mỗi con có thể cung cấp 400 - 500 kg sữa. Trâu còn đẻ ra nghé con, trâu 3 tuổi đã có thể đẻ lứa đầu. Một đời trâu cái thường cho 5 - 6 nghé; nghé sơ sinh nặng 20 - 25kg Nhiều người nông dân đã làm ăn thấm khá lên nhờ nuôi trâu.

Không chỉ có lợi ích to lớn trong đời sống lao động sản xuất, trâu còn gắn liền với làng quê Việt Nam qua đời sống tinh thần. Có thể nói gần như suốt đời người nông dân gắn bó với con trâu. Đứa trẻ nào sống ở nông thôn mà chưa từng chăn trâu, cắt cỏ. Trâu là một người bạn gắn bó với tuổi thơ của chúng. Trên cánh đồng cỏ hay triền đê, cùng với những chú trâu, bọn trẻ nghĩ ra bao nhiêu trò chơi thú vị. Có lúc, chúng cưỡi trên lưng trâu đánh trận giả rất là ồn ào, náo nhiệt. Có lúc, chúng lại nằm trên lưng mà ngủ hay thả những cánh diều tuổi thơ. Ở những nơi nào có sông, lũ trẻ thường cùng trâu bơi từ bờ nọ sang bờ kia. Trâu đã chứng kiến tuổi thơ - khoảng thời gian tươi đẹp nhất của mỗi con người ở làng quê Việt Nam. Đặc biệt, với người nông dân, trâu càng gắn bó thân thiết hơn. Trâu sống cùng với người nông dân. Buổi sáng, trâu cũng đi làm với họ. Buổi chiều, trâu và người nông dân cùng về nhà. Lúc làm việc vất vả, người nông dân được trâu giúp đỡ. Khi nghỉ ngơi dưới gốc cây vào buổi trưa, trâu cũng nghỉ ngơi với người. Có thể nói trâu vô cùng thân thiết với người nông dân. Chính trâu đã chứng kiến những vụ mùa bội thu, hưởng niềm vui cùng người nông dân. Và nếu vụ mùa thất bát, trâu cùng chia sẻ nỗi buồn với người nông dân. Không chỉ là người bạn của người nông dân trong công việc nặng nhọc, trâu còn có mặt trong những lễ hội vui chơi của người nông dân trong lúc nông nhàn.

Trâu mang đến cho con người những lợi ích to lớn cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy ta phải chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trâu, một loài vật có ích và gắn bó thân thiết với người dân đất nước ta.

 

BÀI LÀM 2

Từ xưa đến nay, hình ảnh con trâu ở làng quê Việt Nam đã đi vào tiềm thức của nhiều người. Nó gắn bó rất sâu sắc với nhiều thế hệ người Việt. Nó là người bạn của nhà nông, người bạn của những đứa trẻ trâu, là con vật thân thuộc của mọi gia đình ở nông thôn Việt Nam.

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hoá thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông màu xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to bầu vú nhỏ, sừng hình lưỡi liềm. Có 2 đai màu trắng dưới cổ và chỗ đầu xương ức. Trâu cái nặng trung bình khoảng 350 - 400 kg; trâu đực nặng trung bình từ 400 - 450 kg...

Từ xưa đến nay, trâu được coi như một tài sản quý giá trong mỗi gia đình: Con trâu là đầu cơ nghiệp". Nhờ có trâu mà người nông dân xưa không phải tự mình cuốc từng nhát cuốc trên đồng ruộng, không phải tốn nhiều công sức mà hiệu quả lao động vẫn rất cao. Đến bây giờ, nhiều nông dân ở làng quê Việt Nam ta vẫn cùng trâu đi cày trên những cánh đồng. Trâu còn cung cấp thực phẩm cho người dân đó là món thịt trâu, đây còn là một món ngon và đặc biệt mà nhiều người còn ưa thích. Ta có thể chế biến thịt trâu bằng nhiều cách; mang lại nhiều chất dinh dưỡng cho con người và các chất như nước, canxi, protêin..., sữa trâu cũng đem lại nhiều chất giúp cơ thể khoẻ mạnh như: gluxit, phốtpho, canxi, lipít... Những đôi sừng hình lưỡi liềm; to khoẻ của trâu có thể mài dũa thành đồ mỹ nghệ rất đẹp mắt, làm quà lưu niệm cho du khách nước ngoài và trong nước để nhớ về vùng quê việt Nam. Da trâu rất dai được làm mặt trống rất đẹp, khi đánh tiếng to và thanh nghe rất hay. Trâu thân thiết và đem lại lợi ích cho nông dân và còn có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất.

Không những thế người nông dân và con trâu gắn bó thân thiết với nhau như bạn tốt của nhau. Sáng sớm trâu và người nông dân ra đồng chịu cái nắng mùa hè, gió mưa thất thường để cày cấy đến tôi mới về nhà. Bao vất vả, cực khổ hay buồn vui trâu như người bạn tốt luôn chia sẻ cùng người nông dân. Đối với trẻ em chắc hẳn những kỉ niệm tuổi thơ của ai đã từng lớn lên ở làng quê đều nhớ, những buổi chiều thong thả cưỡi trên lưng trâu thổi sáo thật là thích thú. Nhất là vào những ngày hè nóng bức cho trâu xuống tắm ở hồ, lũ trẻ chăn trâu tha hồ nghịch, đến nỗi vừa cưỡi trên lưng trâu vừa té nước vào người nhau. Hay có lúc tất cả tập trung lại rồi chia bè ra để chơi đánh trận giả trên lưng trâu, đúng là những kỉ niệm thật khó có thể quên được. Những con trâu ăn cỏ bình thường trông rất hiền lành nhưng đến khi vào những ngày lễ hội thì trâu lại thay đổi hoàn toàn cái vẻ bình thường đó, lúc này những chú trâu trông rất khoẻ mạnh, đôi sừng trông thật oai hùng lúc nào cũng sẵn sàng khí thế chờ tới lượt mình. Một số nơi coi trâu là một biểu tượng thiêng liêng thường được dâng cho Thành hoàng làng nơi đó. Trong các con vật, trâu là người thân thiết gần gũi với người nông dân Việt Nam vì vậy đã được chọn là biểu tượng cao quý cho Việt Nam ở Seagames 22.

Con trâu gắn bó với người nông dân Việt Nam nơi những làng quê yên ả. Bấy nhiêu đã đủ để mọi người hiểu được tầm quan trọng của trâu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Con trâu xứng đáng là biểu tượng tượng trưng cho làng quê Việt Nam.

Các bài học liên quan
Tục ngữ có câu: “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”. Hai câu tục ngữ trên có mâu thuẫn không? Mỗi câu có điểm đúng, điểm chưa đúng như thế nào? Em hãy bình luận và nêu ý kiến của mình trong việc học thầy, học bạn như thế nào?
Nhân dân ta thường nhắc nhở nhau “Có công mài sắt có ngày nên kim. Hãy trình bày ý kiến của em về câu tục ngữ đó.
Tục ngữ có câu “Lá lành đùm lá rách”. Em hãy bình luận.
Em hãy bình luận câu tục ngữ sau: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Bài số 130: Thuyết minh về hoa đào.
Bài số 29: Thuyết minh về hoa mai.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật