Bài số 128: Câu chuyện về tiếng kêu cứu của môi trường

Quê ngoại tôi ở vùng trung du, có đồi cỏ, có rừng chè trập trùng bao la. Hè nào tôi cũng về đây thỏa thích vẫy vùng giữa dòng sông trong xanh, leo trèo trong cánh rừng bạt ngàn cây cối...

BÀI LÀM

“Ngoại ơi! Con đã về đây!”. Tôi vui sướng reo lên trong đầu khi bước chân trên con đường làng quanh co. Quê ngoại tôi ở vùng trung du, có đồi cỏ, có rừng chè trập trùng bao la. Hè nào tôi cũng về đây thỏa thích vẫy vùng giữa dòng sông trong xanh, leo trèo trong cánh rừng bạt ngàn cây cối... Đang miên man trong những dòng suy nghĩ và niềm vui, chợt tôi nghe có tiếng máy cưa ầm ĩ. Trước mắt tôi dòng sông trong vắt giờ đây đục ngầu dầu mỡ. Bên kia sông có rừng cây đại ngàn đang rung chuyển trong khói bụi mù mịt. Những cây đại thụ đang run rảy gục ngã. Nước mắt tôi trào ra nhạt nhòa. Tôi vùng chạy vào nhà ngoại, sà vào lòng ngoại thổn thức... Ngoại ôm tôi vào lòng, vỗ về tôi. Tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Tôi thấy mình lao ra, chạy theo con đường làng ra cánh đồng rồi sưng lại. Trước mắt tôi, cánh đồng tiêu điều, những nương sắn héo úa xác xơ. Xa xa, những cây đại thụ đã bị đốn ngã, chặt ra những khúc nằm ngổn ngang trên mặt đất. Tôi vội đi đến chỗ đó, thẫn thờ ngồi xuống một khúc gỗ to nhất, xoa nhẹ lên vỏ ram rám, sần sùi… Bỗng tôi giật nảy mình định chạy đi khi nghe thấy tiếng thì thầm rất lạ vọng lên. Khúc gỗ khẽ động đậy rồi từ từ tách ra làm đôi. Một ông lão kì quái bước ra. Ông cất giọng trầm trầm khản đục: “Cô bé! Hãy đứng lại! Cô hãy nhìn đi, nhìn xem cánh rừng đại ngàn trước kia giờ đây hoang tàn đổ nát thế nào! Chính là người đã gây ra tai họa thảm khốc ấy”.

Tôi tròn xoe mắt: “Chính tôi ư? Không? Tôi không hề chặt cây phá rừng”, ông lão ấn tôi ngồi xuống: “Cô đừng chối cãi nữa. Cô hãy nhìn đi! Tai họa này do chính con người gây ra. Trước kia chúng ta sống yên vui ở đây. Khi bão lũ ập đến, chúng ta đã hiên ngang hợp sức nhau ngăn chặn dòng lũ tàn bạo. Chính chúng ta đã bảo vệ các ngươi, bảo vệ ruộng nương tươi tốt. Nhưng các ngươi kéo đến đàn đàn lũ lũ chặt phá chúng ta. Những con quái vật khổng lồ hung hãn đêm ngày gầm rú không cho chúng ta ăn ngon ngủ yên. Những cái lưỡi khổng lồ tham lam nghiến sạch từ ông bà cao niên đến đàn cháu chắt bé nhỏ của ta... Nếu các ngươi cứ tàn phá, mai đây mùa lũ đến, ai sẽ bảo vệ các ngươi? Ai sẽ lọc bầu không khí trong lành cho các ngươi thở? Nếu mặt đất không còn rừng cây, liệu các ngươi có sống được không?...”.

Dứt lời ông lão biến mất. Tôi thấy người mình chao đảo, đất trời cũng quay cuồng ngả nghiêng. Tôi co chân chạy.... Và dòng sông hiện ra trước mặt. Tôi nhìn xuống dòng sông. Nước sông đen ngòm. Trên dòng nước lờ đờ chảy không một cánh bèo, không một tiếng cá quẫy... Bỗng từ giữa sông, một bà già vẻ mặt khắc khổ, quần áo đen nhẫy trùng mắt nhìn tôi, quát to: “Tại sao các ngươi lại làm hại ta? Các ngươi đổ cặn than dầu, nước thải cùng bao nhiêu thứ rác rưởi bẩn thỉu xuống sông làm ta ô nhiễm. Ta không còn đâu dòng nước mát ngọt ngào... Các ngươi đâu có biết ta đau khổ như thế nào khi cá tôm chết trắng cả mặt sông vì nước sông nhiễm độc. Các ngươi đâu có biết ta buồn bã đến mức nào khi suốt năm không còn tiếng trẻ nô đùa, bơi lội trong vòng tay ôm ấp của ta... Cứ đà này không biết mai đây, các ngươi lấy nước đâu mà uống!...”.;

Tôi nhắm nghiền đôi mắt, ôm đầu ù té chạy. Nhưng chân tôi có cái gì dính chặt lại. Một bàn tay vô hình nào đó ấn dúi tôi xuống mặt đất, và tôi nghe từ trong lòng đất, tiếng kêu gào khẩn thiết vang lên:

- Các ngươi đã làm hại ta rồi! Các ngươi đã vắt kiệt sức lực ta rồi. Các ngươi “xen canh gối vụ" chỉ biết khai thác bòn rút ta mà không bồi bổ cho ta. Các ngươi đã biến ta thành đất bạc màu, thành cát. Giờ đây ta sắp trở thành vô dụng, không đủ sức làm cho lúa trĩu bông, hoa màu tươi tốt. Nếu không mau tỉnh ngộ, không tìm cách cứu ta thì các ngươi sẽ thành những tên ma đói...

Tôi thét lên: “Không, không phải tại tô”i!

- Vậy thì tại ai? Các ngươi gây ra bao nhiêu tai họa cho chúng ta và cho cả chính các ngươi. Các ngươi còn chối cãi và đổ vẩy cho ai?

Mặt đất rung chuyển giận dữ, cây cối gào thét, dòng sông gầm rú. Sợ quá, tôi vùng bỏ chạy, nhưng những tiếng la hét vẫn đuổi theo tôi. Tôi vấp ngã và òa khóc...

- Kìa Chi! Cháu làm sao thế?

Nghe vẳng tiếng bà, tôi ú ớ, cố mở mắt, rồi một cái gì mát lạnh đặt lên đầu tôi, tôi từ từ mở mắt ra. Bà đang ngồi bên tôi lo lắng: “Cháu bị sốt rồi đấy, trán nóng bừng bừng, bà phải lấy khăn nước lạnh chườm cho đấy!”. Rồi xoa đầu tôi, bà khẽ khàng: “Tội nghiệp, cháu đi xe, trời nắng nên bị cảm nắng, vừa vào đến nhà đã mỏi mệt thiếp đi lúc nào không biết. Bà thấy cháu cứ hét ầm ĩ, lo quá! Thế cháu mơ gì vậy, kể cho bà nghe xem nào!’'; Tôi thì thầm nói với bà: “Bà ơi! Cháu sẽ kể cho bà nghe và cháu sẽ viết lại giấc mơ ấy để mọi người cùng đọc”. Tôi nghĩ mình có thể làm được một điều bé nhỏ như vậy để góp phần cứu lấy môi trường xung quanh.

Các bài học liên quan
Bài số 123: Hành trang của con người và tuổi trẻ Việt Nam khi bước vào thế kỉ XXI (Đọc Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan).
Bài số 120: Thế giới cần hòa bình - lời kêu gọi chống chiến tranh hạt nhân qua văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của G.G.Mác-két.
Bài Số 119: Đọc Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà em cảm nhận gì về phong cách của Bác?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật