LAO XAO

Bằng sự quan sát tinh tường, vốn hiểu biết phong phú và tình cảm yêu mến cảnh sắc quê hương, tác giả bài văn đã vẽ nên những bức tranh cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc về thế giới các loài chim ở đồng quê.

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Bằng sự quan sát tinh tường, vốn hiểu biết phong phú và tình cảm yêu mến cảnh sắc quê hương, tác giả bài văn đã vẽ nên những bức tranh cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc về thế giới các loài chim ở đồng quê.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ

- Duy Khán (1934 - 1995) quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Tuổi thơ im lặng (1985) là tập hồi kí tự truyện của tác giả. Thông qua hồi tưởng và kỉ niệm tuổi thơ, tác giả dựng lại những nét chấm phá về cuộc sống ở làng quê thuở trước trong những bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt, đồ vật và hình ảnh con người. Cuộc sống ấy tuy nghèo khó, vất vả nhưng giàu sức sống bền bỉ và chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của làng quê.

Bài Lao xao trích từ tác phẩm hồi kí - tự truyện Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1987. Đây là tác phẩm được dư luận đánh giá cao trong mảng văn học thiếu nhi sau năm 1975.

Qua những kĩ niệm thời thơ ấu và niên thiếu của mình ở một làng quê thuộc tĩnh Bắc Ninh, tác giả đã làm hiện lên bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người ở làng quê thuở trước, tuy rất đơn sơ, nghèo khó nhưng giàu sức sống, mang vẻ đẹp hồn hậu và đậm đà tình người.

Tác phẩm thấm đượm bản sắc độc đáo của làng quê. Đó chính là chiều sâu và nét đặc sắc của hiện thực đời sống đã trở thành chất liệu nghệ thuật dưới ngòi bút tác giả.

- Bài văn tập trung miêu tả một số loài chim thường thấy ở làng quê bằng cái nhìn hồn nhiên của tuổi thơ được thấm nhuần cảm quan văn hóa dân gian.

Có thể tìm thấy chất văn hóa dân gian trong bài văn trước hết ở chất liệu văn học dân gian mà tác giả sử dụng: Bồ các là bác chim ri... là chú bồ các (đồng dao), dây mơ rễ má, kẻ cắp gặp bà già, lia lia láu láu như quạ vào chuồng lợn (thành ngữ), sự tích chim bìm bịp, sự tích chim chèo bẻo (cổ tích); sau đó là cách nhìn nhận đặc điểm của từng loài chim theo quan niệm của dân gian.

Sau mấy câu mở đầu gợi tả không gian làng quê lúc chớm vào mùa hè, đoạn văn sau lần lượt miêu tả một số loài chim. Cách miêu tả có vẻ như lan man, tự do, nhưng kì thực lại theo một trình tự khá chặt chẽ. Tác giả đã chia loài chim theo hai nhóm để miêu tả: nhóm chim lành, gần gũi với con người, cùng một họ (như bồ các, sáo sậu, sáo đen, tu hú); nhóm chim dữ, ác (như diều hâu, quạ, cắt và một loài chim dám chống lại chúng là chèo bẻo).

Bài văn không chỉ đem lại cho người đọc một số hiểu biết về loài chim một cách sinh động, hấp dẫn mà nó còn mang đến cho người đọc một cảm nhận thiên nhiên đầy màu sắc văn hóa dân gian về làng quê qua cái nhìn hồn nhiên của tuổi thơ. Từng loài chim ở đây đều được nhìn nhận theo mối liên hệ với con người, trong cách đánh giá của dân gian và ít nhiều có tính biểu tượng về con người.

Cố nhiên cách nhìn của dân gian cũng có chỗ rơi vào định kiến, gán cho một loài chim nào đó một đặc tính không phải là bản chất của chúng, hoặc coi sự xuất hiện của chúng là điềm báo trước cho một biến cố, sự việc sẽ xảy ra. Chẳng hạn, quan niệm phổ biến trong dân gian về chim lợn, về cú hay chim khách mà chúng ta đều biết là không có căn cứ xác đáng. Trong bài văn này, quan niệm như thế cũng được thể hiện ở đoạn nói về bìm bịp và sự tích về loài chim này. Đây là một hạn chế của quan niệm mang tính định kiến trong văn hóa dân gian.

- Đặc điểm nghệ thuật miêu tả của bài văn: Ở mỗi loài thường chỉ chọn một vài nét nổi bật (màu sắc, hình dáng, tiếng kêu hoặc đặc tính), vừa miêu tả riêng từng loài, vừa tả xen kẽ các loài cùng một họ hoặc có quan hệ với nhau, chú trọng tả hoạt động của chúng, phối hợp tả và kể, nhận xét, bình luận.

Bằng sự quan sát tinh tế, thấm đẫm chất trẻ thơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh làng quê kì thú với bao âm thanh “lao xao” của loài chim. Phải có sự gắn bó máu thịt với quê hương, có tình yêu thiên nhiên say đắm thì mới về được một bức tranh đẹp và có hồn như thế.

III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bài văn tả và kể về các loài chim ở làng quê có theo một trình tự nào không, hay hoàn toàn tự do? Để trả lời câu này, em hãy:

a) Thống kê theo trình tự tên của các loài chim được nổi đến.

b) Tìm xem các loài chim có được sắp xếp theo từng nhóm loài gần nhau không?

c) Tìm hiểu cách dẫn dắt lời kể, cách tả, cách xâu chuỗi hình ảnh, chi tiết.

Gợi ý:

a) Trình tự tên của các loài chim được nói đến:

- Bồ các, chim ri, sáo sậu, sáo đen, tu hú, chim ngói, nhạn, bìm bịp, diều hâu, chèo bẻo, quạ đen, quạ khoang, cắt.

b) Tác giả thống kê và phân loại theo ba nhóm chim: chim hiền, chim trung gian và chim ác.

c) Mạch kể của các loài chim hiền và loài chim ác được nối tiếp bởi sự xuất hiện của các loài chim ngói, chim nhạn và bìm bịp. Chim bìm bịp xuất hiện như là cây cầu nối. Giữa các loài với nhau đều có cuộc sống sinh động. Qua đó, mạch văn được xâu chuỗi khá mạch lạc.

2. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả các loài chim. Cụ thể là:

a) Chúng được miêu tả về những phương diện nào và mỗi loài được miêu tả kĩ điểm gì? (hình dáng, màu sắc, tiếng kêu hoặc hót, hoạt động và đặc tính).

b) Kết hợp tả và kể như thế nào? Tìm những dẫn chứng cho thấy các loài chim được tả trong môi trường sinh sống, hoạt động của chúng và trong mối quan hệ giữa các loài.

c) Nhận xét về tài quan sát và tình cảm của tác giả với thiên nhiên, làng quê qua việc miêu tả các loài chim.

Gợi ý:

a) Mỗi loài chim được tác giả tập trung miêu tả ở một hoặc một vài đặc điểm tiêu biểu.

Loài chim hiền được miêu tả qua tiếng kêu, tiếng hót. Loài chim “trung gian” được biết đến qua màu sắc, tiếng kêu. Loài chim ác được xây dựng nên qua hoạt động bắt mồi và sinh tồn.

b) Sự kết hợp tả và kể được thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Khi tả cánh diều hâu đang bay liệng trên trời, tác giả kết hợp kể về cuộc chiến giữa diều hâu và gà mẹ mà mình đã chứng kiến;...

Sự kết hợp tả và kể còn được sử dụng khi nói về cuộc đấu tranh mồi giữa chèo bẻo và diều hâu; đấu tranh sinh tồn giữa chèo bẻo và quạ, chim cắt.

c) Tác giả đã quan sát hết sức kĩ lưỡng và tinh tế về vẻ bề ngoài, đặc tính, cả mối quan hệ giữa những loài chim mới có thể miêu tả và kể chuyện tài tình đến thế. Tuy nhiên, trong tác phẩm, lời văn không chỉ đơn thuần chứa đựng sự hiểu biết, vốn kiến thức tự nhiên uyên bác mà trên hết, nó ẩn chứa sự yêu mến, ham thích đặc biệt với thế giới loài vật.

3. Trong bài có sử dụng nhiều chất liệu văn hóa dân gian như thành ngữ, đồng dao, kể chuyện. Hãy tìm các dẫn chứng.

Cách cảm nhận đậm chất dân gian về các loài chim trong bài tạo nên nét đặc sắc gì và có điều gì chưa xác đáng?

Gợi ý:

Trong bài có sử dụng nhiều chất liệu văn hóa dân gian như thành ngữ, đồng dao, kể chuyện, ví dụ như:

Kẻ cắp gặp bà già; Bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu...; Dây mơ rễ má.

Cách sử dụng các chất liệu dân gian đã làm nên nét đặc sắc cho bài văn. Tạo sự phát triển mạch lạc, tự nhiên.

4. Bài văn đã cho em những hiểu biết gì mới và những tình cảm như thế nào về thiên nhiên, làng quê qua hình ảnh các loài chim?

Gợi ý:

Bài văn đã đem đến những hiểu biết thú vị về đặc điểm, đặc tính, hình dáng của một số loài chim; từ đó giúp cho mỗi chúng ta yêu mến hơn và có tinh thần trân trọng giữ gìn vẻ đẹp của thiên nhiên, của cảnh sắc quê hương.

Các bài học liên quan
CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA CÂU
CÔ TÔ
HOÁN DỤ
Tự học: MƯA
LƯỢM
ẨN DỤ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 6 mới cập nhật